Trong Tin Mừng, chỉ có bảy lời của Đức Maria (Lc 1, 26-34; Lc 1, 35-38; Lc 1, 39-45; Lc 1, 46-56; Lc 2, 41-52; Ga 2, 1-4; Ga 2, 5-11). Lời thứ sáu “Họ hết rượu rồi” là lời ngắn nhất trong các lời Đức Maria nói lên giữa cuộc sống bên cạnh Ngôi Lời làm người. Lời ngắn nhưng có thể hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau, bổ sung cho nhau nêu lên chân dung một người Mẹ tuyệt vời, gắn bó mật thiết với hạnh phúc của các gia đình.
1. “Họ hết rượu rồi”: một lời thông tin
Theo Tin Mừng Gioan thì hành động đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa là quy tụ các môn đệ. Hành động thứ hai là đi dự tiệc cưới. Có lẽ đây là tiệc cưới của người bà con nên cả Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các môn đệ cùng đi dự. Có thể là một đám cưới nhà nghèo nên thiếu rượu nữa chừng.
Tại Palestina, tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà, mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì nay được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, đây là cơ hội đặc biệt trong đời người. Như vậy, theo tập tục Do Thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày.
Đám cưới Cana này mới đến ngày thứ ba thì đã hết rượu rồi. Một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc bối rối, khó xử. Các Rápbi vẫn nói: Không rượu thì không vui. Người Việt nói: Vô tửu bất thành lễ. Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng ở Đông Phương, món rượu rất quan trọng. Say rượu là một điều thật xấu hổ, nên họ uống rượu pha, hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông Phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng; thiếu thức ăn thức uống trong một tiệc cưới là điều hổ thẹn cho cả cô dâu lẫn chú rể.
Không ai hay, kể cả chủ tiệc; không ai để ý, kể cả tân lang. Vả lại khi đã ngà ngà hoa mắt rồi, khách có để ý đi nữa cũng chẳng thấy. Thế mà trong số khách hôm ấy có người đã để ý và đã thấy. Người ấy nhẹ nhàng nói với Chúa Giêsu: “họ hết rượu rồi”.
2. “Họ hết rượu rồi”: một lời thông cảm
Người khách đặc biệt ấy chính là một phụ nữ thật tinh ý và có tấm lòng trắc ẩn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Với trái tim nhảy cảm, với tấm lòng từ mẫu, Mẹ tự mình can đảm vào cuộc. Mẹ coi việc đám cưới là việc nhà mình và coi chuyện hết rượu là chuyện của chính mình. Từ đó Mẹ tận tụy chẳng quản ngại gì nữa, đi lại giữa một đàng là con mình và đàng khác là các gia nhân, dàn xếp và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, miễn sao mọi người đều vui. Sở dĩ Mẹ nhận thấy tình hình khó khăn của gia chủ, theo Đức Thánh cha Phaolô VI là vì Mẹ là người biết lắng nghe, một trinh nữ lắng nghe. Để có thể nói lời thông cảm, chắc chắn Mẹ phải rất tinh tế để nghe được nỗi xôn xao trong gia đình, những bước chân vội vã đi tìm rượu và Mẹ còn nghĩ đến những gì sẽ xảy ra sau khi tiệc tan cho nên Mẹ dặn dò các gia nhân: “Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo”.
3. “Họ hết rượu rồi”: một lời chuyển cầu
Lời “họ hết rượu rồi” trong cấp độ khách quan chỉ là lời thông tin của một thực khách tinh ý, và trong cấp độ tình cảm lại là lòng trắc ẩn của trái tim người nữ sẵn sàng dấn thân đảm đang công việc, nhưng chính trong cấp độ đồng hành thiêng liêng, người ta mới thấy lời ấy quả là một lời nhiệm mầu của Mẹ Đức Giêsu mở vào tấm lòng của Đấng Cứu Thế con mình, và đồng thời mở ra ân sủng thánh hóa những giá trị trần đời. Người thực khách tinh ý và giàu lòng trắc ẩn chính là “thân mẫu Chúa Giêsu”.
Khi thấy đám cưới hết rượu, Đức Maria không đi tìm rượu ở chỗ khác nhưng lại đến thẳng chỗ con mình và nói lên niềm tin tưởng trọn vẹn của Mẹ. Đây là một lời thỉnh cầu kín đáo và tin tưởng Đức Maria bày tỏ với Con. Ở trường hợp khó khăn như thế này, người duy nhất làm thay đổi tình thế không phải là ai khác ngoài Chúa Giêsu, dẫu cho tới lúc đi ăn cưới, Mẹ chưa thấy Chúa Giêsu thực hiện một phép lạ nào ở quê hương Nazarét hay ở nơi đâu khác. Như vậy, tại Cana, Đức Maria đã bày tỏ thêm lần nữa tâm tình tín thác đã có từ ba mươi năm trước khi thưa tiếng xin vâng. Nếu ngày truyền tin, Đức Maria đã tin vào Chúa Giêsu trước khi thấy Người bằng xương bằng thịt, nên đã xin vâng dẫn đến việc thụ thai trinh khiết, thì ở Cana, khi tin tưởng vào quyền năng chưa được tỏ lộ của con mình, Mẹ đã xin vâng mở đường dẫn đến “dấu lạ đầu tiên” của Chúa Giêsu biến nước lã thành rượu ngon, vun bồi lòng tin cho các môn đệ.
Như vậy, lời “họ hết rượu rồi” bên ngoài xem ra thật ngắn ngủi, nhưng bên trong lại ẩn chứa cả một kho tàng phong phú của một tấm lòng vừa tuyệt đối tin tưởng vừa chan chứa yêu thương. Tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa Giêsu dù giờ Người chưa đến và yêu thương tận tụy dành cho đám cưới cũng như dành cho các môn đệ đầu tiên mới dò bước theo Thầy.
Chính vì thế, lời thứ sáu của Đức Maria “họ hết rượu rồi” dẫn tới lời đáp của Chúa Giêsu “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” để có kết thúc là phép lạ ngoạn mục, vẫn được nhắc đến như hình mẫu sự hợp tác của Mẹ Maria vào chương trình cứu chuộc của con mình, dẫu đó là một sự hợp tác vượt lên vai trò làm mẹ tự nhiên để bước sang lãnh vực của niềm tin và của hy vọng.
Lời thứ sáu này còn được ghi nhớ như một lời chuyển cầu đầy hiệu quả của Đức Maria bên cạnh Chúa Giêsu, để hôm qua ở Cana chúc lành cho một gia đình và hôm nay tiếp tục chúc lành cho mọi gia đình khác biết mình đang trong tình trạng thiếu rượu tình yêu và hạnh phúc. Qua tiệc cưới Cana, với con tim trắc ẩn, với câu nói ân cần và với bàn tay nhân lành, Mẹ đích thực là Mẹ hằng cứu giúp, không ở trên cao mất công cúi xuống, cũng không ở ngoài xa mất giờ đến gần, mà như người trong cuộc tận lực tận tình cứu giúp, để cuộc sống gia đình vốn như nước lã nhạt phèo đã được thánh hóa nên rượu thơm nồng nàn hạnh phúc. Đức Maria chính là Mẹ của các gia đình.(x. Bảy lời của Đức Maria, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
4. Hãy đến với Mẹ Maria
Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên tại Cana. Ngài biến nước lã thành rượu hảo hạng. Tiệc đang vui vẻ mà rượu gần cạn. Gia đình lo lắng, sợ mất mặt với khách dự tiệc… Mẹ Maria quan tâm đặc biệt. Mẹ ngỏ ý với Chúa: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ nói với gia nhân: “Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo”. Chúa Giêsu nói với gia nhân : “Hãy đổ nước đầy chum”. Họ đổ tới miệng chum. Và Chúa bảo họ: “Bây giờ hãy múc nước đem cho người quản tiệc”. Nước đã biến thành rượu ngon. Người quản tiệc bỡ ngỡ, thực khách vui mừng.
Sự kín đáo của Mẹ được thể hiện qua việc không nêu danh Giêsu trong câu nói, để Chúa Giêsu tự do biểu lộ mình theo cách của Ngài và đúng lúc “hữu xạ tự nhiên hương”, qua việc Chúa làm, dân chúng sẽ nhận biết Ngài. Sự kín đáo ấy còn thể hiện qua việc Mẹ nhẹ nhàng rút lui khỏi hiện trường dành sáng kiến cho Chúa Giêsu dùng lời Ngài mà đến với mọi tâm hồn. Vài trò trung gian của Mẹ là dẫn người ta đến gặp Chúa Giêsu, mà một khi người ta đã đến được rồi, Mẹ trở lại phong thái muôn thuở là “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”.
Phép lạ Cana do Chúa thực hiện, nhưng Đức Mẹ cũng đóng vai trò quan trọng. Sự can thiệp của một người mẹ nhạy cảm và từ ái góp phần làm nên phép lạ hoá nước thành rượu.
Tin Mừng Gioan nhắc đến Đức Mẹ hai lần: lần đầu ở Cana và lần cuối ở Núi Sọ. Mẹ chứng kiến cái chết của con, và từ đây Mẹ trở nên Mẹ của các tín hữu (Ga 19, 25-27). Cả hai trình thuật nối kết với nhau chặt chẽ và giải nghĩa lẫn nhau. Sự hiện diện của thân mẫu Đức Giêsu, cách xưng hô, giờ chưa đến và giờ đã đến là những yếu tố nối kết hiển nhiên. Mẹ đã hiện diện ở tiệc vui Cana, Mẹ cũng hiện diện ở núi Sọ buồn. Mẹ đã đi từ bước đầu cho đến cao điểm của sứ vụ Chúa Giêsu. Mẹ vẫn đi mãi, đồng hành với Giáo Hội, với mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Mẹ vẫn chia sẻ niềm vui và âu lo, nâng đỡ và ban ơn cho mỗi con người trong cuộc đời này.
Ngày kết hôn ai cũng ao ước được duyên thắm chỉ hồng mãi mãi được vuông tròn, trăm năm hạnh phúc, tình yêu mãi được tươi đẹp và chỉ có một mối tình duy nhất : tình yêu vợ chồng bền chặt. Rồi dọc dài theo năm tháng, hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng tươi thắm, mà còn có những trắc trở, lúng túng, khó khăn. Cuộc sống không hiếm lúc hết rượu, cạn nguồn vui, bế tắc nẻo đường dẫn đến hạnh phúc. Cũng không ít những tình thế bất trắc chứa đầy lo âu, hệt như hoàn cảnh của chủ tiệc lúc hết rượu. Nào xung đột, bất hoà, nào hiềm khích, mâu thuẫn chỉ vì một sự cố ngoài tiên liệu. Hãy noi gương Mẹ, nói với nhau lời thông tin trong sự thật và bác ái, nói với nhau lời thông cảm và cùng nhau nói lời thỉnh cầu lên Chúa xin Ngài ban ơn nâng đỡ. Hãy đến với Mẹ. Lời cầu bàu của Mẹ có giá trị lớn lao trước Nhan Thánh Chúa. Mẹ vẫn thường nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” và Mẹ cũng hay nói với mỗi người chúng ta: “Hãy làm mọi điều Chúa bảo…”. Hãy làm theo lời Chúa, để rượu tình thương không bao giờ cạn vơi trong gia đình chúng ta. Khi các gia đình gặp khó khăn thử thách, hãy tin tưởng chạy đến với Mẹ. Khi tình yêu trong gia đình trở nên lạnh lẽo, hãy cậy nhờ Mẹ can thiệp trước nhan Chúa, để nước lã những sinh hoạt tẻ nhạt mỗi ngày được biến thành rượu ngon, khó khăn được giải quyết, tình yêu được tuôn tràn và đổi mới. Tình yêu hôn nhân đã được chính Chúa thiết lập và thánh hóa. Ân sủng bí tích hôn nhân giúp các cặp vợ chồng trung thành và yêu thương nhau suốt đời. Bên cạnh những nỗ lực để cải thiện đời sống gia đình, hãy khiêm tốn khẩn nài với Đức Maria, để Chúa Giêsu tiếp tục thực hiện phép lạ Cana, nhờ đó các gia đình không bao giờ bị thiếu rượu an vui, nhưng luôn chan chứa tình yêu do Thiên Chúa rộng ban.
Mầu nhiệm Năm Sự Sáng: Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa. Hàng ngày, mỗi gia đình hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An