Kế hoạch đầy tham vọng – Suy niệm Lễ Chúa Thăng Thiên – Năm A

19/05/2023

Tin Mừng Mt 28,16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, những có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

************************************

KẾ HOẠCH ĐẦY THAM VỌNG

Khi Chúa Giê-su hoàn tất sứ mạng dưới thế, Người trở về trời. Thiên thần Gáp-ri-en ra đón Người từ xa. Vừa gặp, thiên thần lên tiếng hỏi: “Lạy Chúa, công trình Chúa được tiếp tục thế nào nơi trần gian ?” – “Ta đã có mười hai Tông đồ, một nhóm môn đệ và vài phụ nữ. Ta đã trao cho họ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng tới mút cùng trái đất và tận cùng lịch sử.” Nghe Chúa trả lời, thiên thần Gáp-ri-en như chưa thỏa mãn, bèn hỏi lại: “Nhưng nếu nhóm nhỏ bé đó thất bại thì Chúa có chương trình nào khác không ?” Chúa mỉm cười quả quyết: “Ta không dự trù kế hoạch nào nữa. Ta tin tưởng vào họ !”

1. Một kế hoạch đầy tham vọng.

Lời Chúa hôm nay là cảnh cuối cùng trong Tin Mừng Mát-thêu. Nó không hẳn là 1 trình thuật Phục sinh nhưng cũng hơn một trình thuật Phục sinh. Nghĩa là đoản văn này không giống các trình thuật chi tiết về Phục sinh của 4 Tin Mừng, vì quá cô đọng và chỉ phác họa sơ qua quang cảnh. Nhưng nó cũng hơn hẳn một trình thuật Phục sinh, vì tầm mức của các lời Đấng Phục sinh nói (cc.18-20: khẳng định về quyền lực của bản thân và mệnh lệnh truyền ban cho môn đệ) vượt xa những gì mà các trình thuật khác về Phục sinh chứa đựng.

Xét theo con mắt loài người, đó là một sự tin tưởng quá đáng, vì kế hoạch của Chúa Giê-su là một kế hoạch đầy tham vọng, mà lại được giao cho những kẻ quá ư ít ỏi và bất toàn. Này xem: “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm cho họ trở nên môn đệ của Thầy”. Chúa Giê-su muốn mười một Tông đồ chinh phục toàn thể vũ trụ, hết thảy loài người trên trái đất. Trường hoạt động của Đức Ki-tô qua Nhiệm thể Người phải bao trùm cả không gian. Tiếp đến: “Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” Toàn thể hành vi con người phải tuân phục quyền bá chủ của Đấng sống lại. Làm môn đệ trước hết không phải là một thái độ tri thức. Huấn giáo trước hết chẳng phải là việc thông truyền một số khái niệm, nhưng là việc tập một cách sống bao trọn mọi khía cạnh của cuộc đời. Sau hết: “Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Người tông đồ sẽ phải giới thiệu cho thế giới mầu nhiệm khó hiểu nhất trong mọi mầu nhiệm: Thiên Chúa Ba Ngôi, thực hiện công việc khó khăn nhất trong mọi công việc: làm cho nhân loại thông hiệp với nhau để đi vào mối hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Phân tích chi tiết, ta thấy huấn thị của Đức Giê-su (cc.19-20a) được kết cấu cách rõ ràng. Khẳng định chính yếu và quan trọng là: phải thâu nạp môn đồ khắp muôn dân (làm cho muôn dân trở thành môn đệ). Động từ mathêteuein (thâu nạp môn đồ) làm cho mệnh lệnh truyền giáo của Mt có màu sắc thật đặc biệt. Từ ngữ đó ý nghĩa hơn chữ “loan báo” (kêrussein) mà ta có thể gặp trong các bản văn tương tự (x. Mc 13,10; 14,9; 16,15; Lc 24,47). Đây không phải chỉ là trình bày, trao sứ điệp, nhưng còn phải đưa người ta vào một mối tương giao mật thiết và cá nhân. Kiểu mẫu của tương giao này là mối tương giao giữa Đức Giê-su lịch sử với các môn đồ Người đã gọi. Họ đã được mời theo Người, Người đã dạy họ, kết nghĩa với họ bằng một mối dây liên vị (chứ không bằng một giáo huấn hay một truyền thống trường phái nào đó). Kiểu mẫu đó từ đây trở nên quy phạm cho mọi Ki-tô hữu: tiếng “môn đồ” một cách nào đó là câu định nghĩa ngắn nhất về Ki-tô hữu vậy.

Nội dung tình trạng Ki-tô hữu này được xác định bằng 2 động từ “rửa tội họ… dạy dỗ họ”. Hai phân từ nối đuôi nhau như thế là một câu tiếp liên nói lên việc cụ thể hóa cách hợp lý chuyện thâu nạp môn đồ: phép rửa tội và lời giảng dạy làm nên tình trạng Ki-tô hữu. Cả hai động từ đó đều lệ thuộc câu “Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” và minh giải câu này. Trong sách Đi-đa-khê (Didaché, Giáo huấn của các Tông đồ, khoảng cuối thế kỷ I CN), hai việc được trình bày theo một trật tự ngược lại: “Sau khi đã nói tất cả các điều đó, hãy rửa tội…” (7,1). Chẳng sao cả!

2. Thực thi kế hoạch bằng tình yêu.

Để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng nói trên: giới thiệu Thiên Chúa tình yêu và đưa vào trong tình yêu Thiên Chúa tất cả bản thân mỗi người và toàn thể vũ trụ nhân loại, các môn đệ chỉ có một cách là sống yêu thương: “Thiên Chúa là tình yêu. Ai yêu mến thì đã được Thiên Chúa sinh ra và được biết Thiên Chúa. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (1Ga 4,7.16). Trong tình yêu ! Nếu bạn ngập ngừng, nếu bạn giậm chân trước các lời mời gọi yêu thương, nếu bạn không đi vào trong đức ái huynh đệ, bạn sẽ không đi vào trong Thiên Chúa, sẽ không biết Thiên Chúa. Mối giây liên kết việc yêu anh em và biết Thiên Chúa là một giáo huấn rất được Gio-an nhấn mạnh; tuy thế nó xem ra ít được đánh giá đúng mức: “Nói cho chúng tôi về Thiên Chúa đi !” vài người bảo – “Hãy quyết định yêu anh em mình hơn nữa: tình yêu sẽ nói về Thiên Chúa cho bạn.”

Và lúc ấy, các từ cũng sẽ có thể nói điều gì đó về mầu nhiệm Thiên Chúa, đặc biệt các từ của Tin Mừng hôm nay. Nhờ Đức Giê-su, chúng ta khám phá trong Thiên Chúa có nhiều dòng tình yêu mạnh đến nỗi chúng ta đã gọi đó là các “Ngôi vị”: Cha sinh ra Con, Con biểu lộ Cha, cả hai yêu nhau trong Thánh Thần. Thiên Chúa là tình yêu trong chính Người, bản tính Người là tình yêu, do đó vì sao yêu mến anh em làm cho chúng ta nhập tịch vào xứ sở Thiên Chúa, làm cho chúng ta thở không khí Thiên Chúa, dạy cho chúng ta các thói quen của Thiên Chúa, làm cho chúng ta nhận biết Người. Và thái độ không yêu, từ chối thương mến, khiến chúng ta xa Thiên Chúa tới độ những gì nghe nói về Người chẳng còn có thể tác động đến chúng ta nữa.

Thiên Chúa đã không tạo nên chúng ta để khỏi ở một mình, Người tạo nên chúng ta vì sự sống-tình yêu của Người bùng vỡ thành các tình yêu. Người yêu thương chúng ta vì Người là tình yêu chứ không phải vì chúng ta dễ thương, đáng mến. Chính Người biến chúng ta thành “dễ thương”, ban cho chúng ta các khả năng trở nên một kẻ Người luôn luôn có thể yêu hơn nữa. Để hiểu rõ điều này, cần phải đọc Ê-dê-ki-en 16. Có một cái gì trong đó làm ta phát khóc vì xấu hổ và vì yêu mến, nhưng vị ngọt tình yêu ấy nhận chìm nỗi xấu hổ và mọi nghi hoặc. Sau khi đọc nó, ta sẽ biết Thiên Chúa là Sự Sống-Tình Yêu đến độ nào. Khi nghĩ đến nó, ta sẽ củng cố nhiều xác tín giúp ta sống thực sự: ta sẽ hiểu tình yêu là tất cả, giải thích tất cả, động lực của tất cả, mục đích của tất cả. Được Tình Yêu tạo dựng, chúng ta chủ yếu được kêu gọi để trở thành những hữu thể-mến thương. Tại sao phải lang thang xa chân lý-mặt trời nầy ?

Chúng ta có thể thoáng thấy tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa bằng cách nhìn ngắm Đức Giê-su. Người được Cha thán phục: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 17,5), thường xuyên hướng về Cha: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38) và say mê ao ước làm đẹp lòng Cha nhờ Thánh Thần: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Chúa Cha” (Ga 8,29). Đấy chẳng phải là một cái gì đó cần phải sống giữa chúng ta sao ? Chúng ta quá rụt cổ vào trong cuộc sống của mình, rất ít đi ra với tha nhân, rất ít thán phục nhân cách của họ, các mạo hiểm của họ, không mấy thích làm họ đẹp ý, vui lòng. Rốt cục là bại liệt bởi muôn ngàn nỗi sợ bị phiền nhiễu, bị ăn lấy, hay bởi những sáng suốt đáng buồn, tàn nhẫn: y là thế đó, ả là thế kia, vậy mà anh muốn tôi cho họ rất quan trọng, phải thương mến à ?

Dĩ nhiên, không thể như Cha, Con, Thánh Thần đối với nhau thế nào thì loài người chúng ta cũng đối với nhau thể ấy. Tuy nhiên, sự sống-tình yêu của Các Đấng vẫn là mẫu mực cao cả, khuyến khích chúng ta nghĩ rằng dù có các dị biệt lớn lao, chúng ta vẫn có thể sống hợp nhất. Đừng để mình bị cám dỗ muốn tất cả phải giống nhau hoàn toàn (như kiểu các chế độ và lãnh đạo độc tài). Chính Đức Giê-su cũng đã nhìn chúng ta như một nhân loại ba ngôi: Ước gì họ nên một như Cha và Con là một (x. Ga 17,21). Tuy nhiên Người biết chúng ta lắm đấy ! Và Người không mắc thói quen ảo tưởng. Phải chăng chúng ta dám nghĩ mình thực tế hơn Người ?

Chúng ta có đủ lý do để tin Người và thực hiện ước vọng hiệp nhất của Người. Vì “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”: không gì có thể thoát khỏi quyền của Đấng từ nay là Chủ tể của toàn thể thụ tạo, Đấng từ nay ngang hàng với Đức Chúa “toàn năng, tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”, Đấng “đã được tôn lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai… đã được Thiên Chúa đặt làm đầu toàn thể Hội Thánh, thân thể của Người” (Ep 1,21-23, bài đọc 2). Và vì “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”: Sự hiện diện của Chúa phục sinh, vốn đầy khắp mọi chốn không gian, cũng bao trùm toàn bộ thời gian. “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng, là Khởi Nguyên và Cùng Tận” (Kh 22,13). Sứ mệnh lớn lao, kế hoạch đầy tham vọng Đức Giê-su giao cho môn đệ hôm nay chắc chắn sẽ thành tựu.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi