Khôn ngoan thật – Suy niệm Chúa Nhật 23 thường niên – Năm C

02/09/2022

Tin Mừng Lc 14,25-33

Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

************************************

KHÔN NGOAN THẬT

Câu chuyện ngụ ngôn kia kể rằng có một đoàn người đông đảo đang cùng bước với Chúa. Chúa đi trước, vai vác thập giá mình. Ai nấy theo sau cũng vậy. Người thập giá to, kẻ thập giá nhỏ. Người thập giá gỗ, kẻ thập giá sắt. Người thập giá nặng, kẻ thập giá nhẹ. Nhưng thập giá nào cũng trông vừa vặn với mỗi cá nhân. Mọi người đều bình thản tuy vẫn phải hết sức cố gắng. Có anh chàng nọ nghĩ thập giá mình quá nặng nên than van liên lỉ và cuối cùng quyết định cưa bớt đi một khúc. Đoàn người đang đi thì gặp phải một vực thẳm vừa sâu vừa rộng. Bên kia vực thẳm là Thiên đàng nhưng chẳng có cây cầu nào bắc qua. Chúa bảo ai nấy hãy lấy thập giá mình làm cầu cho mình. Và lạ lùng thay, dẫu ngắn dài, dầu to nhỏ, thập giá nào đặt xuống cũng vừa vặn bắc qua vực thẳm, để mỗi cá nhân đi sang. Trừ cây thập giá đã bị cưa bớt của chàng thanh niên nọ…

1. Từ bỏ mọi sự để theo Đức Giê-su

Ngụ ngôn trên đây là một minh họa lý thú cho đoạn Tin Mừng ta đang suy gẫm. Đoạn này nằm trong phần nói về việc Đức Giê-su “tiến lên Giê-ru-sa-lem” (9,51-19,27), nơi Lu-ca gom các tài liệu độc đáo ông đã thâu thập nhờ các nguồn thông tin riêng của mình. Đây không chỉ là một thiên phóng sự cụ thể, mà còn là câu chuyện lớn lao của Đấng Cứu Thế mọi thời. “Đám đông đi cùng đường với Đức Giê-su” như Lu-ca ghi nhận không chỉ là vài trăm con người thời ấy ở Pa-lét-tin. Đó còn là vô số tín hữu nam nữ đã cất bước theo Người qua bao thế kỷ như trong ngụ ngôn minh họa. Thành thử chính về phía chúng ta hôm nay mà Đức Giê-su quay lại để đặt vài câu hỏi: “Anh em tự nhận là môn đệ tôi… nhưng anh em biết điều ấy có nghĩa gì không? Có biết việc đi theo tôi sẽ dẫn anh em tới đâu không?” Đó là:

Phải “dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa”. Đòi hỏi đầu tiên của Đức Giê-su đúng là gây hốt hoảng và một lần nữa, chứng tỏ nhân vật thành Na-da-rét ấy ý thức mình chẳng phải là “một con người bình thường”. Vậy nếu không là một kẻ điên khùng, thì Người là ai mà dám đòi tất cả nhân loại phải dứt bỏ những tình cảm như thế, để chỉ gắn bó với bản thân Người thôi?

Hiển nhiên Người chính là Thiên Chúa, Đấng phải chiếm chỗ nhất trong cuộc sống mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, các kiểu nói thẳng thừng Người sử dụng không muốn bảo chúng ta có thể bỏ rơi các mối liên hệ gia đình. Thay vì biện minh lòng ích kỷ, Đức Giê-su trái lại kêu gọi một sự từ bỏ chính mình thật tận căn. Ngoài ra, đây đúng là yêu thích Đức Giê-su hơn chính cuộc sống mình. Như thế, thay vì mời gọi bẻ gẫy cách ích kỷ mọi tương quan nhân loại thiêng thánh nhất của chúng ta (tình phụ tử, tình phu thê, tình huynh đệ), Đức Giê-su nhắc nhở ai nấy hãy lấy tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa mà sinh động và xuyên thâu mọi thứ tình cảm nói trên… Và chính sự từ bỏ gia đình như thế, Đức Giê-su đã tự áp đặt cho mình trước lúc yêu cầu chúng ta, khi Người hiến toàn thân lo việc rao giảng Tin Mừng (Lc 8,19.21; 11,27-28). Do đó, tùy theo hoàn cảnh và ơn gọi của mình, ai nấy phải nhận vào tâm hồn mình, vào cuộc sống cụ thể của mình, cái đòi hỏi phi thường ấy.

Thêm nữa, phải “vác thập giá mình mà đi theo tôi”. Ở đây có hai kiểu nói: “vác thập giá” và “bước theo Đức Giê-su”. Thành thử trước hết chẳng phải là từ bỏ, nhưng là yêu mến. Ai đã thật sự gặp Đức Giê-su, thì đã tìm được giá trị giúp triển nở nhất trong mọi hoàn cảnh. Tất cả những gì khiến chúng ta đau khổ, đều có thể trở thành “thông hiệp tình yêu”. Tất cả những ai vác một thập giá đều bước theo “sau” Đức Giê-su, kẻ vác đi đầu. Ước chi khi loạng choạng dưới thử thách, chúng ta biết nghĩ rằng Đức Giê-su có đó, bước trước ta, sát gần ta, cũng loạng choạng trên con đường đau khổ đang dẫn Người đến niềm vui hớn hở của cuộc Phục sinh! Si-môn làng Ky-rê-nê, “bị đặt thập giá lên vai vác theo Đức Giê-su”, là hình ảnh người môn đồ đích thực (Lc 23,26). Ai đã khám phá ra điều ấy, thì đã tìm được một bí quyết… bí quyết của một hạnh phúc không gì có thể phá hủy.

2. Quyết tâm theo cho đến cùng.

Để minh họa cho đòi hỏi của mình, đồng thời nói lên tính cách nghiêm chỉnh của việc theo Người, Đức Giê-su bèn kể dụ ngôn “cây tháp phải xây” và dụ ngôn “cuộc chiến phải thắng”. Đây là hai dụ ngôn riêng của Lu-ca, nói lên “bổn phận ngồi xuống”! Cả hai nêu bật gian khó lớn lao mà người ta phải dấn thân vào khi quyết định cất bước theo Đức Giê-su: đây là một cuộc mạo hiểm dài hơi… phải có thể đi đến cùng!

Đức Giê-su đã không bao giờ tìm cách quảng cáo, ngụy tạo một tâm lý sính thành công chung quanh mình. Thay vì che giấu các rủi ro của công cuộc, Người nêu bật chúng, như để khiến nản lòng ngay lập tức mọi phấn khởi bốc đồng và thoáng qua… như thể sự rút lui giữa đường còn tệ hơn là chẳng bao giờ khởi sự! Điều đó buộc ta nghiêm chỉnh nghĩ đến tính chất trầm trọng của việc từ bỏ đức tin, lúc việc này là tự ý. Ngưng “nối gót Đức Giê-su” một khi đã cất bước theo Người… phải chăng còn trầm trọng hơn là đã chẳng bao giờ biết Người?

Cả hai dụ ngôn này thuộc số các mảnh mà Lu-ca đã cố ý gộp lại với nhau trong phần “Tiến lên Giê-ru-sa-lem”. Hai trình thuật song song, dễ nhớ, với kiểu văn nói lặp đi lặp lại. Cùng một bài học phát xuất, nhân đôi, để chẳng ai quên: cuộc sống Ki-tô hữu là “chiến đấu” và “xây dựng”. Hai công cuộc đầy mạo hiểm đòi hỏi suy nghĩ và kiên nhẫn, tiên liệu và tổ chức. Cần phải ngồi xuống để suy nghĩ! Phải chăng đôi khi tôi hoàn tất yêu cầu này của Đức Giê-su? Phải chăng tôi dành thời giờ để suy nghĩ về cuộc sống mình, về các cam kết của mình? Là những người biết tổng kết, tính toán, tiên liệu, về các công cuộc nhân loại của bản thân, phải chăng thỉnh thoảng chúng ta cũng dừng lại một mình hay với nhóm, để nhận định xem các công cuộc đó có được thực hiện hay không trong đường hướng của Đức Ki-tô? Đây là mục đích của việc “kiểm điểm đời sống”: xem, xét, làm, cầu nguyện… dưới ánh sáng Tin Mừng.

Nghỉ hè về, lời mời gọi này của Đức Ki-tô đến thật đúng lúc. Một năm mới có đó, trước mắt ta. Tất cả sắp bắt đầu lại. Để khỏi sống trên bề mặt chính mình và bề mặt mọi sự, cần phải biết suy niệm, một bí quyết sống thật sự hữu hiệu và sâu xa. Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta hôm nay chớ sống nông cạn, bề ngoài. Hãy bắt chước Người, Đấng dù chỉ rao giảng vỏn vẹn trong ba năm, cũng đã làm hơn tất cả mọi nhà hoạt động trên thế giới và trong lịch sử. Một bà mẹ gia đình trẻ, công việc chồng chất, đã nói với cha xứ một ngày kia: “Chính những ngày phải làm nhiều hơn cả thì con càng cảm thấy nhu cầu phải dừng lại, ngồi xuống mươi phút, để suy niệm, và con đã lợi được rất nhiều thời giờ!”

Và như để kết luận, Đức Giê-su lặp lại cũng một điệp khúc, sắc như lưỡi dao máy chém: “Không thể làm môn đệ tôi được”. Phải “ngồi xuống” là vì lẽ ấy: người ta không thể theo Đức Giê-su cách dễ dãi. Phải sẵn sàng “đi cho đến cuối”: từ bỏ việc tìm kiếm chính bản thân mình, từ bỏ chính mạng sống mình, từ bỏ chính tài sản mình… vì tình yêu. Lời mời từ bỏ triệt để này, sống khó nghèo này, không phải là một “lời khuyên” dành cho các siêu Ki-tô hữu, tức các tu sĩ, như đôi khi ta vẫn hiểu… nhưng là điều kiện của cuộc sống Ki-tô.

Một lần nữa, thay vì coi các lời này của Đức Ki-tô như quá đáng, hãy để thời gian cảm nghiệm, bạn sẽ thấy đó là những lời thật sự giải thoát và làm triển nở. Để hiểu điều này, dĩ nhiên phải để Thiên Chúa đổ đầy con tim. Vậy chúng ta có nên tiếp tục lao mình vào việc chiếm hữu? Hay nên khám phá và phát minh một cách khác để sống hạnh phúc hơn: trong tình bạn, trong chia sẻ, trong đơn giản chẳng hạn? “Xã hội tiêu thụ chẳng làm cho con người nên hạnh phúc”, đức Gio-an-Phao-lô II từng nói thế với các bạn trẻ. Họ đã vỗ tay. Họ đã đồng ý. Nhưng nếu thế, đâu là các kết luận thực tiễn trong việc mua sắm, tiêu xài, sử dụng tiền bạc của tôi… Để được tự do hơn, và đơn giản, để “theo Đức Giê-su” hơn. Để giống Người một chút. Nhất là để có thể về nơi hạnh phúc đích thực của Thiên Chúa vĩnh hằng!

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi