Tin Mừng Ga 15,9-17
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết.
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.
************************************
KHÚC LUÂN VŨ CỦA TÌNH YÊU
Khoảng thập niên 60 thế kỷ trước, lúc tại Rumani, người ta còn thi hành chính sách đàn áp tôn giáo, có một linh mục Chính thống giáo bị cầm tù. Tuy già yếu, ngài vẫn luôn năng nổ trong việc khổ sai lao động, đôi lúc còn giúp đỡ bạn đồng tù. Tuy khẩn phần mỗi ngày là một miếng bánh mì đen, ăn chẳng mấy khi no bụng, vị linh mục bao giờ cũng để lại một miếng nhỏ, dồn lại cuối tuần để đem cho những bạn tù trẻ nhất. Gương mặt ngài luôn luôn vui tươi, chẳng có ai nghe được một tiếng phàn nàn than thở. Thái độ này càng gây sự khâm phục nơi những kẻ biết rõ hoàn cảnh của vị linh mục. Vì ngài là linh mục, nên cậu con trai và hai con gái ngài phải thất học và không thể kiếm được việc làm. Cùng đường, hai cô gái đành bán thân nuôi miệng, cậu trai phải chấp nhận làm chỉ điểm viên, chuốc lấy sự căm ghét và xa lánh của mọi người. Bà vợ ngài buồn khổ lâm bệnh mà chết đúng khi ngài bị bắt vào nhà lao. Thế nhưng, nỗi đau tâm hồn và cảnh khổ thể xác vẫn không lam lung lay đức tin và làm cạn kiệt tình yêu nơi vị linh mục Chính thống giáo. Ngài vẫn hết sức vui tươi bác ái. Một hôm, có anh bạn tù vô thần hỏi ngài: “Thưa cha, Đức Ki-tô mà cha tôn thờ và rao giảng giống như ai?”. Đơn sơ, không chút kiêu ngạo, vị linh mục thánh thiện đáp: “Người giống như tôi!” – “Nếu Đức Giê-su giống cha thì tôi sẵn sàng tin vào Người!”
Xác tín Thiên Chúa yêu mình, vị linh mục đau khổ vẫn tiếp tục yêu thương, yêu thương với nụ cười, và nhờ đó đã dẫn anh em về với Thiên Chúa. Cuộc sống ngài làm ta nhớ đến giáo huấn và gương sống của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay. Hôm nay, Đức Giê-su đã thổ lộ cho môn đệ biết “chương trình Thiên Chúa trên thế gian”, biết ý nghĩa Người gán cho cuộc sống và cái chết của mình. Chương trình và ý nghĩa đó tóm tắt trong hai chữ “tình yêu”. Ta không thể không ngạc nhiên về “chuyển động” thấy được trong văn bản: một dạng khiêu vũ vòng tròn, nhiều điệp khúc đồng tâm xuất hiện, biến mất, rồi trở lại: một thác nước tuôn xuống từ trên cao, từ Thiên Chúa, và lên lại nguồn của mình: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU ® Chúa Cha yêu mến Chúa Con: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy…” ® Đức Giê-su cũng yêu mến loài người: “… Thầy cũng yêu mến anh em. Thầy gọi anh em là bạn hữu. Không có tình thương nào lớn hơn bằng hiến mạng sống cho những kẻ mình thương” ® Loài người phải yêu mến nhau: “Giới răn của Thầy là: anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Hãy sinh hoa quả tồn tại…” ® Và cũng yêu mến Đức Giê-su: “Nếu anh em là môn đệ Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy…” ® Như Đức Giê-su yêu mến Chúa Cha: “… như Thầy đã giữ các giới răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Người” ® THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU. Giữa lòng mạc khải ấy là NIỀM VUI: “Để niềm vui của Thầy ở trong anh em và để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”.
1. Bước xuống.
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Đối với Đức Giê-su, tất cả bắt đầu trong bí mật của Thiên Chúa, trong Vực thẳm vô hình vốn là “cội nguồn” của tất cả. Trong Thiên Chúa, không có cô đơn, không có buồn bã, nhưng có niềm vui của một tình yêu được sống giữa Ba Ngôi thương mến nhau không ngừng: Thiên Chúa là tình yêu! Chúa Cha yêu Chúa Con và cả hai ban niềm vui tình yêu của mình cho Thần Khí chung của hai vị. Tình yêu vô hình này một ngày nọ đã bắt đầu nhập thể trong một bản tính con người: Đức Giê-su thành Na-da-rét. Mầu nhiệm tình yêu thần linh đã trở nên xác định được, thấy được, cảm được: nó đã khiến một trái tim con người rung động: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy…”.
Nhưng này đây, trong con người ấy, Đức Giê-su, chuyển động tình yêu bắt đầu tràn lan trên nhân loại: “Thì Thầy cũng yêu mến anh em…” Thiên Chúa chia sẻ tình yêu của Người trong Đức Giê-su Ki-tô. Yêu bằng cử chỉ nào thì chúng ta đã biết: “hy sinh mạng sống cho kẻ mình thương”! Đúng thế, câu nói “Thầy cũng yêu mến anh em” của Đức Giê-su đã mặc hình thức một cuộc Khổ nạn, một đam mê điên cuồng và vô biên: “Vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, thì Người đã yêu họ đến cùng…” (Ga 13,1). Tuyệt đỉnh của tình yêu chính là thập giá vinh hiển. Đó là Vinh quang của Đức Giê-su và Niềm vui vô hạn của Người.
Chính vì thế, Đức Giê-su dám nói rằng mình loại bỏ sự phân biệt giữa “chủ nhân” và “tôi tớ”, giữa “Thiên Chúa” và “con người”: từ nay chỉ còn vấn đề “bạn hữu”, vì chẳng còn gì để giấu nhau. Khuynh hướng của tình yêu, đó chính là sẻ chia mọi sự, đặt mọi sự làm của chung: tất cả những gì Thầy biết nơi Cha Thầy, tất cả những gì Thầy nhận được nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết. Vâng, tình yêu không thống trị song tôn trọng tha nhân, làm cho tha nhân bình đẳng với mình. Và qua kinh nghiệm tình yêu nhân loại của mình, chúng ta cũng biết hai con người yêu nhau thì hướng đến thông giao, thông hiệp. Ta nói về mình cho tha nhân, ta tự tỏ mình cho tha nhân. Đức Giê-su là Đấng đã “được sai đến trong thế gian” để mạc khải Tình yêu vốn có trong Thiên Chúa. “Tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã tỏ cho anh em”. Trong Đức Giê-su, Thiên Chúa đã nói lời cuối cùng! Chẳng còn gì khác phải biết về Thiên Chúa nữa! Đức Giê-su đã nói với chúng ta tất cả những gì người ta có thể nói về Thiên Chúa.
2. Bước ngang và bước lên.
Con sông lớn của tình yêu thần linh không ngừng chảy. Nước từ thác lớn, khi xuống thấu đất, liền trải ra tung tóe. Một khi đã được Thiên Chúa “thương mến”, nhân loại phải đích thân trở nên “tình yêu”, theo hình ảnh tình yêu “của Người”: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em…”. “Như Thầy đã yêu mến anh em, anh em cũng hãy yêu mến nhau như vậy…”. “Như” nghĩa là gì? Đức Giê-su muốn lôi ta tới đâu? Người đòi hỏi ta yêu thương đến chỗ nào? Đến chỗ mà tình yêu của Người đã dẫn Người tới: “Không có tình thương nào lớn hơn bằng thí mạng…”. Giới hạn của tình yêu chính là trao ban vô giới hạn. Giới hạn của tình yêu chính là thập giá.
Yêu thương! Yêu thương! Yêu thương! Đức Giê-su bảo đó là giới răn của Người, như thể chỉ có một giới răn. Đó là giới răn Người tha thiết nhất. Khi thương yêu kẻ khác, chúng ta làm điều Người không ngừng làm. Khi yêu thương nhau, chúng ta làm cho Thiên Chúa xuất hiện giữa chúng ta. Tuy nhiên, đối với lắm người thời nay, chuyển động tình yêu dừng lại nơi sự liên đới giữa anh em đồng loại. Các đôi bạn, các gia đình, các chủng tộc hãy yêu thương nhau! Người ta chỉ quan tâm đến “chiều ngang” của lòng mến. Vũ trụ con người bị thu gọn nơi chân trời trái đất. Đối với Đức Giê-su, rõ ràng còn có chiều dọc, mà là chiều dọc kép, xuyên qua con người: tình yêu đã từ trên cao, từ Thiên Chúa, đến với chúng ta, và nó sẽ phải lên lại trên cao, về với Thiên Chúa… Phải có thật nhiều người trở nên “môn đệ” Đức Ki-tô. Nghĩa là trở nên những con người ý thức được cái nằm sâu trong các tình yêu của trái đất: phải nhận ra Tình Yêu tuyệt đối mà các tình yêu cỏn con đó đang hướng đến, phải nhận ra Thiên Chúa và mến yêu Người. Và chúng ta thấy Đức Giê-su yêu cầu tình yêu ấy: hãy trung tín, hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, hãy nên bạn hữu của Thầy. Môn đồ Đức Ki-tô, tức Ki-tô hữu, là phần nhân loại “yêu mến Đức Giê-su” cách ý thức: trách nhiệm thật là cao cả! Chung quy loài vật cũng thương mến nhau. Nhưng riêng con người thì không những có thể sống năng lực vĩ đại này, mà còn biết nó xuất phát tự đâu và hướng về nơi đâu, để tạ ơn Nguồn tình yêu vì điều đó. Chính lúc ấy, vòng tròn khép lại. Chuyển động lớn lao, xuất phát tự Cha, đã lên lại nguồn của mình, và thế là chúng ta chiêm ngưỡng được, trong một bản tóm tắt đầy cảm kích, nhân sinh quan của Đức Giê-su: con người là loài được Thiên Chúa yêu mến như quý tử; họ là một nhân loại anh em, có bổn phận yêu thương nhau; và họ cần họp thành một Giáo Hội, trở nên môn đệ Đức Ki-tô, để nhận biết và đáp trả tình yêu của Cha mình là Thiên Chúa.
“Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em nên trọn vẹn”. Niềm vui, hạnh phúc của Đức Giê-su chính là được yêu mến, được Cha yêu mến, là yêu mến, yêu mến anh em mình, và nhận ra Cha, yêu mến Cha! Niềm vui, hạnh phúc đó cũng phải là đặc trưng của Ki-tô hữu. Vì tựu trung, chỉ có tình yêu mới làm cho chúng ta hạnh phúc, chỉ có tình yêu mới đổ đầy lòng chúng ta niềm vui đích thật!
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi