Ki-tô hữu trong trần thế – Suy niệm Chúa Nhật 29 thường niên – Năm A

19/10/2023

Tin Mừng Mt 22,15-21

Khi ấy, những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”.

Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả ! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da”. Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.    

************************************

KI-TÔ HỮU TRONG TRẦN THẾ

Daniel O’Connell (1775-1847) là một tín hữu Công giáo nổi tiếng đồng thời là một nhà ái quốc thời danh nước Ai-len (Ireland). Hiểu rõ nỗi thống khổ và niềm hy vọng của tổ quốc đang bị người Anh đô hộ, ông đã quy tụ và tổ chức đồng bào mình thành một lực lượng hùng hậu, mang tên Liên hiệp Công giáo (Catholic Association). Tổ chức này đã đấu tranh giành được “Dự luật giải phóng người Công giáo” năm 1829, nhờ đó nước ông thoát khỏi ảnh hưởng Anh giáo, sống tự do về mặt đạo. Năm 1841, được bầu làm thị trưởng Dublin (lúc ấy thuộc đế quốc Anh nhưng về sau trở thành thủ đô cộng hòa Ai-len), Daniel O’Connell đã dùng đường lối bất bạo động để đấu tranh với chính quyền Luân Đôn và cuối cùng đã làm cho đảo quốc mình được công nhận về mặt chính trị, trở thành cộng hòa độc lập. Ông mất tại Gênes (Ý) ngày 15-5-1847, sau hai ngày đêm cầu nguyện sốt sắng. Đây là những lời trăn trối cuối cùng của ông: “Thân xác tôi thuộc về Ai-len, linh hồn tôi thuộc về Thiên Chúa, trái tim tôi thuộc về Giáo hội”. Ông quả là người đầu tiên ý thức rằng Ki-tô hữu không thể bỏ rơi đời sống công cộng. Trước hết là vì phải xác định và duy trì chỗ đứng mà Giáo hội sẽ chiếm giữ trong đó. Nhưng đặc biệt và sâu xa hơn nữa, là vì đời sống đó cần được nghe sứ điệp của Chúa Cứu Thế, bởi lẽ nó bị rình rập bởi mọi thứ dục vọng mà cám dỗ chức quyền hằng luôn kích thích, dẫn đến những chế độ độc tài đảng trị. Daniel O’ Connell đúng là con người đã thấu hiểu và thực hiện bài Tin Mừng hôm nay.

1. Tiến thối lưỡng nan.

Chúng ta luôn có khuynh hướng tưởng tượng rằng thời đại chúng ta là thời đại đầu tiên khó sống. Không còn thấy “sự nhất trí về luân lý và xã hội” nữa. Các lập trường đối nghịch nhau nhất đều có thể biểu đạt công khai, dưới ánh mặt trời. Người ta chẳng còn biết phải nghĩ ra sao, có thái độ nào trước một số vấn đề lớn. Nếu biết thật sự đọc Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng thời Đức Giê-su cũng đã khó sống. Đức Giê-su đã sống trong một bối cảnh lịch sử thật căng thẳng. Các đoàn quân Rô-ma xâm chiếm Pa-lét-ti-na, và kháng chiến quân Do-thái không ngớt gầm gừ. Khoảng thập niên 30 ấy, vị hoàng đế khuất phục được đế quốc mênh mông của mình chính là Ti-bê-ri-ô, một ông già ngồi cai trị từ đảo Capri thơ mộng. Nhiều người cầm giáo vì cớ lương tâm, như các đảng viên Quá khích (hay Nhiệt thành), chống lại quân đô hộ và cổ võ việc từ chối nộp thuế. Phe Hê-rô-đê, trái lại, dựa vào quyền lực Rô-ma để bảo vệ địa vị của mình. Phái Pha-ri-sêu, cuối cùng, ra sức cứu vãn tự do tôn giáo bằng cách thích nghi ít nhiều với quyền bính chính trị.

Phái đoàn đến gặp Đức Giê-su để giăng bẫy Người, được cố ý bao gồm những kẻ có lập trường chống đối nhau (phe Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê). Dù theo “cánh tả” hay “cánh hữu”, đàng nào Đức Giê-su cũng sẽ bị liên lụy! Trước tiên họ khen Người: “Chúng tôi biết Thầy là người chân thật, và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai cả, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta”. Bốn câu nịnh hót này là miếng mồi lừa lọc che giấu cạm bẫy. Tuy nhiên, cạm bẫy này cũng nói lên thái độ cảm phục của mấy tay khiêu khích đó đối với vị rabbi trẻ: họ công nhận Đức Giê-su như một nhân vật độc lập, đạo đức, vững vàng. Trong thực tế, chúng ta biết Người vẫn hay đi ngược các quan điểm thời thượng: Người đã ngợi khen “đức tin” của một viên bách quản đạo quân Rô-ma (x. Mt 8,11) ; đã thường xuyên tiếp xúc với hạng thu thuế và lấy một kẻ trong họ làm tông đồ mình (x. Mt 9,9-10) ; rồi còn đưa vào Nhóm Mười Hai một thành viên đảng Quá khích. Trước khi đi xa hơn, chúng ta hãy để thì giờ chiêm ngưỡng Đức Giê-su, một con người không giống ai cả. Lạy Chúa, xin giúp chúng con noi gương Ngài: luôn luôn chân thật… theo chính lộ của Thiên Chúa… chẳng để mình bị lôi kéo bởi những ảnh hưởng muốn đưa chúng con đi nơi chúng con không muốn… luôn hoàn toàn tự do, không cứng nhắc, không thỏa hiệp, chẳng phân biệt đối xử.

Tiếp đến họ hỏi Người: “Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” Câu hỏi khôn khéo quỷ quyệt: nếu trả lời “được”, Người sẽ mất tất cả niềm quý chuộng của quần chúng vốn đang trông đợi Người làm đấng Mê-si-a đánh đuổi quân xâm lăng… nếu trả lời “không”, Người sẽ bị phe Hê-rô-đê tố cáo như một tay phản động chống Rô-ma nguy hiểm. Y như mọi thời, Giáo hội hôm nay cũng thấy mình phải đương đầu với vấn đề sau đây: vai trò của Giáo hội không thể mang tính chất “chính trị” cách trực tiếp… nhưng Giáo hội cũng không thể đứng trung lập, không thể a tòng, thỏa hiệp hay im lặng trước một nhà cầm quyền áp bức, một chế độ độc tài toàn trị, một chính đảng tiêu diệt tự do, dân chủ, nhân quyền. Dù sao đi nữa, dẫu nói “được” hay “không”, dầu lên tiếng hay im lặng, Giáo hội sẽ luôn thấy mình bị kéo sang phe này hay phe khác.

Nhưng Đức Giê-su trả lời thế nào? Trước hết Người cho thấy mình không dễ bị lường gạt! Và Người bắt đầu bằng cách vạch trần thói giả hình của họ, qua kiểu ngây ngô xin họ cho xem một “đồng tiền”. Chẳng chút ngập ngừng, họ lôi ra một đồng từ trong túi. Như thế, vừa ra vẻ bối rối, tự đặt những câu hỏi về sạch nhơ khi tiếp xúc với quân xâm lược ngoại giáo, họ cũng vừa biết sử dụng tiền bạc vô đạo cho công việc của mình. Chung quy, trả thuế sẽ chẳng làm hoen ố lương tâm họ hơn là sử dụng thường nhật đồng tiền xấu xa ấy.

“Hình và danh hiệu này là của ai đây? – Của Xê-da”. Người Rô-ma dành cho mình việc đúc tiền để nói lên quyền tối thượng của họ. Và đồng tiền mang hình hoàng đế với danh hiệu của ông. Đầu Ti-bê-ri-ô ấy đã từng bị xem như dấu ô nhục của việc thần phục Rô-ma, vì qua đó, hoàng đế tự coi mình là thần! Nên ta hiểu tại sao phái Nhiệt thành cấm đảng viên của họ trả thuế. Làm sao Đức Giê-su, với tiếng tăm là chỉ trung thành với duy mình Thiên Chúa, lại không đứng về “cánh tả” với những kẻ xúi giục khởi nghĩa nhân danh Kinh Thánh được? Đức Giê-su sẽ trả lời thế nào đây?

“Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Câu ứng đối của Đức Giê-su đã trở thành châm ngôn tục ngữ! Tuy nhiên người ta thường hiểu sai nó, như thể Đức Giê-su đã đơn giản chủ trương “tách biệt Giáo hội với Nhà nước” bằng cách ban một thứ tự trị hoàn toàn cho quyền lực chính trị… hay, ngược lại, hiểu nó như thể Đức Giê-su đã dạy môn sinh chớ nhúng tay vào việc đời. Thành thử phải cố gắng tìm hiểu tất cả tư tưởng của Người khi áp dụng cho thời đại chúng ta. Để được thế, chúng ta phải lưu ý đến hai vế của câu này, và cho vế thứ hai tất cả giá trị kết luận quyết định.

2. Của vua trả cho vua.

Của Xê-da, trả về Xê-da… Trong viễn tượng của toàn thể Cựu Ước, “mọi quyền bính đều phải xuất từ Thiên Chúa”. Thậm chí chúng ta đã nghe trong bài đọc đầu tiên hôm nay rằng: một ông vua ngoại giáo như Ky-rô đã được Thiên Chúa “xức dầu” để thực hiện công cuộc thần linh “dù chẳng biết Thiên Chúa” (x. Is 45,1.4-6). Áp dụng cũng nguyên tắc này, thánh Phao-lô sẽ yêu cầu các Ki-tô hữu sơ khai tuân phục quyền bính dân sự (x. Rm 13,1-7; Tt 3,1-2). Trong thực tế, không ai có thể coi thường các liên đới xã hội và công dân. Đúng là giải thích sai Tin Mừng khi muốn cắt cuộc sống con người thành nhiều lát tách biệt nhau hẳn, như thể Ki-tô hữu và Giáo hội có thể bất biết chính trị… như thể tôn giáo phải khép kín trong nhà thờ và chớ nên ảnh hưởng trên đường xá, thành phố, luật pháp, thuế má, gia đình, công việc…

Vẫn biết ĐGS đã thường xuyên từ chối đóng vai trò “Mê-si-a xã hội-chính trị” mà thiên hạ muốn gán cho Người: đó là ý nghĩa sâu xa của kinh nghiệm thiêng liêng Người có được sau các cám dỗ chịu đầu đời công khai (x. Mt 4,8tt); đó là ý nghĩa việc Người bỏ trốn mà đi cầu nguyện khi thiên hạ muốn tôn vương Người sau phép lạ bánh hóa ra nhiều (x. Ga 6,14tt); đó là ý nghĩa việc Người quở trách Phê-rô khi ông muốn can ngăn Người làm một Mê-si-a đau khổ (x. Mt 16,21tt); đó là ý nghĩa rất rõ rệt của lời Người tuyên bố với Phi-la-tô: “Tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Tuy nhiên, trong câu Đức Giê-su đáp “Của Xê-da trả Xê-da”, khó mà không thấy đó là lời mời gọi hãy tính đến quyền bính thiết định và hợp pháp, tôn trọng các quyền lợi của quyền bính này. Khi chọn thái độ này, Đức Giê-su đưa vào trong thế giới cổ xưa một lối phân biệt có tính cách mạng: Người “giải thiêng hóa” chính trị bằng cách quả quyết Xê-da là Xê-da … nhưng không phải là Thiên Chúa! Vậy thì Xê-da, vì luôn có Xê-da, hãy tiếp tục hành sử chức năng của mình, với tất cả lòng tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ công lý. Đây là một chức năng phàm trần, chịu đủ thứ bấp bênh, vấp phải sự phức tạp của các thực tại xã hội-chính trị, các chế độ, các hệ thống, các hệ tư tưởng. Nhưng chưa phải đã hết.

3. Của Chúa trả cho Chúa

Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa… Là những con người hiện đại, giờ đây chúng ta biết mọi nền chính trị chủ trương khinh rẻ phần hai nầy của tư tưởng Đức Giê-su sẽ dẫn đến đâu. Các xã hội vô thần, “không Thiên Chúa” cũng là những xã hội vô nhân đạo. Khi Nhà nước tự phong là “thượng đế” (nói theo kiểu hiện đại là “toàn trị”) thì nó đàn áp tiêu diệt con người. Thành thử chính Xê-da cũng phải tuân phục Thiên Chúa và phải trả lại cho Thiên Chúa những cái thuộc về Người. Thật rất ý nghĩa khi Đức Giê-su nhấn mạnh “các bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa”, trong khi thiên hạ không đặt cho Người câu hỏi ấy, nhưng chỉ câu hỏi về trần thế thôi. Vế sau đúng là cao điểm của toàn thể trang Tin Mừng.

“Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Tất cả cuộc sống Đức Giê-su không ngớt la lớn cho chúng ta điều này. Vì là nghệ thuật phục vụ công ích, nên chính trị cũng quan trọng. Nhưng dẫu quan trọng đến đâu, nó không phải là tất cả con người, không phải là phần thiết yếu nhất của con người. “Con người đâu chỉ sống nhờ bánh”… nhờ chỗ ở, nhờ thị trường hay nhờ sản xuất! Được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, con người có định mệnh chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Nếu Xê-da đã có thể khắc hình ảnh mình lên các đồng tiền, thành thử phải “trả” chúng lại cho ông… thì huống chi là con người được ghi dấu hình ảnh Thiên Chúa, nó càng phải “trả mình” toàn diện cho Thiên Chúa hơn nữa! (x. St 1,26). Con người đáng được tuyệt đối tôn trọng vì định mệnh họ có tính chất thần thiêng. Tính cách “làm con người” chỉ hoàn tất trong tính cách “làm con Chúa”.

Như thế Đức Giê-su đã không để mình bị mắc vào cạm bẫy kẻ địch giăng ra. Một lần nữa, Người đã mạc khải cho ta bí mật và sứ mệnh của Người : thiết lập Vương triều Thiên Chúa… và, qua đó, mạc khải chiều kích vĩ đại nhất của con người chúng ta! Nhưng phải chăng tôi trả lại cho Xê-da cái thuộc về Xê-da trong thực tế? Phải chăng tôi cho chiều kích chính trị của đời tôi (và của đạo tôi) là quan trọng, để dấn thân cách nào đó cho công lý, sự thật, tình thương và tự do ? Và phải chăng tôi cũng trả cho Thiên Chúa những cái thuộc về Người ? Đời tôi phải chăng hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa và nỗ lực đem mọi sự về với Thiên Chúa ?

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi