Tin Mừng tuần trước, các tông đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúa đã tỏ cho các ông biết, Ngài là Đấng Cứu Thế khiêm hạ như lời tiên tri Isaia mô tả.
Tin Mừng tuần này, Chúa nói rõ hơn về cách thức cứu thế của Ngài: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết, Người sẽ sống lại.
Tuy nhiên, các tông đồ dường như im lặng suy nghĩ về những điều Thầy nói mà họ không hiểu! Khi bị Thầy hỏi:“Dọc đường anh em đã bàn tán chuyện gì vậy?”. “Các ông làm thinh”. Bởi vì “khi đi dọc đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”.
Chân thì đi đàng sau Thầy, nhưng lòng thì đi ngược chiều với Thầy. Điều đáng hỏi Thầy để hiểu thì không hỏi, lại quay ra cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Các ông vẫn nuôi hy vọng về chức tước, địa vị mà các ông nghĩ mình sẽ được nên đã ngấm ngầm bàn cãi với nhau để phân chia chỗ ngồi thấp cao.
Mọi chuyện khác thì Người vừa đi vừa dạy, cả đến chuyện Người sẽ bị nộp, bị giết chết thì Người cũng vừa đi vừa nói. Nhưng chuyện này thì Người long trọng dạy các ông: “Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói…”. Người ngồi xuống trong tư thế thầy dạy và gọi các ông lại trong tư thế môn đệ. Người trả lời thẳng đề tài mà các ông đã cãi nhau dọc đường: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Lời dạy thật rõ ràng, thiết thực, không văn hoa bỏng bảy. Rồi Người minh hoạ bằng hình ảnh một trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường gợi chúng ta nghĩ tới sự đơn sơ, trong sáng, nhưng trong Kinh Thánh thì “trẻ nhỏ không kể”, là số không. Người đưa ra một định luật ngược đời: muốn làm người lớn hơn cả thì phải trở thành số không! Chính Người tự đồng hoá với trẻ nhỏ: “Ai tiếp đón một trẻ nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.(x. tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự. Đó là con đường phục vụ. Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị. Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ chính mình. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể. Người lớn nhất, người đứng đầu là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất. Giá trị của một con người không do địa vị chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó. Chúa Giêsu mở ra một nền văn minh mới. Người lớn nhất không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.
Để làm gương cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự hạ mình: “không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,25-28). Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là lãnh đạo nhưng Người sẵn sàng hiến mạng sống “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu được thể hiện rõ nét nhất trong cử chỉ rửa chân “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau”. (Ga 13,14-15). “Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). Phục vụ lên đến tuyệt đỉnh trong hành vi tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Quyền bính và phục vụ gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ Chúa Giêsu. Người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu là người có tâm, có tầm, có đức và có tài để phục vụ tha nhân theo tinh thần đức ái mục tử. Mục tử rao giảng chân lý và dám sống chân lý ấy cho dù phải hy sinh tính mạng.
Thánh Phêrô đã thấm nhuần lời dạy của Thầy Chí Thánh nên sau này ngài viết những lời tâm huyết cho các mục tử:“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi ích thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt tình tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,1-4). Thánh Phêrô cũng khuyên các tín hữu: “Ơn riêng của Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” (1Pr 4, 8-11).
Quyền bính đòi chiếm hữu và kiểm soát. Nhưng trong Giáo hội, quyền bính được xây trên nền tảng tình yêu Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới cần Phêrô xác quyết tới ba lần : “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-17). Quyền bính được xây dựng trên tình yêu nên người mục tử luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân. Dân Chúa mong muốn trước tiên các linh mục của họ phải là các nhà lãnh đạo tinh thần: “Giáo dân mong muốn linh mục của họ là các người lãnh đạo tinh thần, luôn dễ gần, có tình yêu của Đức Kitô và chăm lo cho tất cả mọi người. Giáo dân mong muốn các linh mục dễ thương và ân cần tiếp đón. Giáo dân mong ước các linh mục yêu mến các công việc của các ngài, thi hành sứ vụ được xây dựng trên sự cầu nguyện, ban phát các bài giảng hay, quan tâm đến sự đào tạo tôn giáo cho trẻ em và người lớn, giảng dạy niềm tin Công giáo, là thành viên của giáo xứ nơi các ngài phục vụ hiểu biết và có tài lãnh đạo và các kỹ năng giao tiếp tốt”. (The Repord, 6-6-2006). Lãnh đạo tinh thần cơ bản là “gây ảnh hưởng”, là khả năng một người ảnh hưởng lên người khác qua sự mời gọi, thuyết phục và gương sáng để đưa người khác từ nơi họ đang ở đến nơi mà Chúa muốn họ đến. Linh mục là người giảng Lời Chúa, thi hành các Bí Tích và lãnh đạo cộng đoàn tín hữu. Các ngài là nhà lãnh đạo tinh thần hiệu quả khi trui rèn ba kỹ năng ấy. Mẹ Thánh Têrêxa đã diễn tả các đòi hỏi của thuật lãnh đạo tinh thần một cách hết sức đơn giản qua câu nói: “để giữ cho đèn cháy sáng, bạn phải luôn châm dầu cho nó”.
Lời dạy của Chúa Giêsu đưa nhân loại đi vào nền văn minh của tình thương. Và kể từ đó, hàng triệu vị Thánh được tôn vinh như là những chứng từ sống động cho hình ảnh “Người lớn nhất” trong nền văn minh mới của Tin Mừng. Mẹ Têrêxa Calcutta trở thành vĩ nhân của thời đại bằng con đường yêu thương và phục vụ người nghèo. Phục vụ luôn gắn liền với yêu thương. Đức Cha Gioan Casaigne, sau 15 năm trong cương vị chủ chăn tại Sài Gòn, ngài đã tình nguyện về sống và phục vụ những bệnh nhân phong cùi ở Di Linh trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Ngài đã dành trọn trái tim và cả cuộc đời phục vụ những phận đời khốn khổ.Thánh Augustinô nhận định: Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa.
Người thành công nhất là người phục vụ cho đồng loại nhiều nhất. Một vĩ nhân không hệ tại ở địa vị xã hội của người ấy mà là sự cống hiến cuộc đời cho sự phát triển của nhân loại. Giáo hội tuyên phong một người lên bậc hiển thánh chung quy cũng là tuyên dương tinh thần phục vụ của người ấy vì Nước Chúa. Phục vụ để trở nên phong phú, có giá trị, nên hoàn thiện và trở nên gần Chúa Giêsu hơn.
“Nghệ thuật làm lớn” của Chúa Giêsu chính là khiêm tốn phục vụ. Người thật sự cao cả là người dâng đời mình cho lợi ích của cộng đoàn. Thiên Chúa đã tự liên đới với người nhỏ bé, nghèo hèn, không đáng kể nhất. Phục vụ một người không đáng kể nhất cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa.
Muốn trở thành người phục vụ đích thực, thánh Giacôbê trong bài đọc 2 khuyên hãy sống: “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa trái, không thiên vị, cũng đừng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, đó là người công chính”. Nơi nào có phục vụ, có chăm sóc, có chia sẻ không tính toán, nơi đó người ta sẽ thấy được sự chân thực của tình yêu.
Lạy Chúa, xin cho con biết : Phục vụ là hy sinh, phục vụ là quên mình. Phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không màng. Phục vụ là hy sinh, phục vụ vì Chúa Kitô. (Bài ca phục vụ).
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An