Tin Mừng Ga 8,1-11
Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.
Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
************************************
LỀ LUẬT VÀ TÌNH THƯƠNG
Năm giờ sáng ngày 3-2-1998, Karla Tucker, một phụ nữ Mỹ 37 tuổi, bị thi hành án tử tại nhà tù Huntsville bang Texas sau 14 năm bị tuyên án vì tội đã dùng cuốc đánh chết tình nhân cũ với bạn tình mới của anh ta, sau một cơn say ma túy. Trước khi gây ra án mạng này, Karla Tucker là điển hình của một cô gái hư hỏng: mới 10 tuổi đã chích héroine, 14 tuổi đã làm điếm để có tiền hút xách, rồi ngày càng lún sâu vào thế giới ngầm tệ hại nhất của nước Mỹ: rượu bia, nhạc rock, mô-tô, ma túy và tình dục. Nhưng bản án tử đã khiến cô đổi đời. Vừa đến nhà tù, xa rời rượu và ma túy, cô lại may mắn gặp được linh mục tuyên úy trại giam. Cha dẫn đưa cô vào thế giới của tôn giáo, giúp cô trở thành một Ki-tô hữu. Từ đó, mỗi tuần hai lần, cô lại đến nhà nguyện trong tù và thường xuyên lãnh bí tích giải tội. Say mê đọc và học Kinh Thánh, cô trở thành nhà truyền giáo cho các bạn đồng phạm cũng đang chờ lãnh án tử, bằng lời nói và cuộc hoán cải chân thành của mình. Do đó nở rộ phong trào vận động xóa án tử cho người phụ nữ đã hoán cải này. Hàng nghìn người đã tạo sức ép với bang Texas, trong đó có cả Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, nhưng thống đốc bang bấy giờ, ông George W. Bush (con trai cựu tổng thống Mỹ) vẫn giữ nguyên bản án.
Karla Tucker đã chết vì công lý khắc nghiệt của con người. Nhưng rõ ràng là cô đã được Thiên Chúa tha thứ. Đời cô là một bằng chứng sống động cho lòng thương xót đầy sức biến đổi của Đức Ki-tô, y như Người đã tỏ ra trong câu chuyện Tin Mừng ta đang suy niệm.
1. Bị cáo của con người
Đức Giê-su đang ở trong sân Đền thờ, quần chúng vầy quanh. Nhưng kìa, có cảnh xôn xao náo động. Một nhóm Pha-ri-sêu đang lôi xềnh xệch một phụ nữ. Đám đông dãn ra rồi lại quay thành vòng. “Chúng tôi đã bắt gặp mụ tại nhà một người đàn ông… mụ ta đã lừa dối chồng… mụ đáng chết… luật rõ ràng như vậy!” (x. Đnl 22,22-24; Lv 20,10). Tại sao họ chỉ lôi tới người phụ nữ? Trong một vụ ngoại tình, cũng có tay đàn ông, mà Lề luật cũng kết án nghiêm ngặt như thế. Nhưng ta biết rằng các thánh sử (nhất là Lu-ca, người có lẽ là tác giả của trang Tin Mừng này hơn Gio-an, theo các thủ bản cổ nhất) không ngừng nhấn mạnh thái độ mới mẻ của Đức Giê-su trước dư luận đương thời về phụ nữ. Đang khi họ bị khinh bỉ và gạt bỏ thì Người đề cao giá trị của họ và phục quyền cho họ thường xuyên. Có lẽ vì thế mà ống kính của vị thánh sử chỉ nhắm đến người phụ nữ phạm tội.
“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó”. Ngoại tình quả là một lỗi trầm trọng mà mọi nền văn minh đều lên án cách nghiêm khắc. Một xã hội về lâu về dài coi thường loại vấn đề này đương nhiên đi đến chỗ tự hủy. Gia đình, con cái không thể phát triển hài hòa hạnh phúc trong bối cảnh tháo thứ và lệch lạc tính dục. Và tất cả chúng ta đều biết Đức Giê-su đã phục hồi tính cách bất khả phân ly của hôn nhân để cứu tình yêu khỏi những bất ổn định của nó (Mt 5,31-32). Người đã mạnh mẽ lên án ngoại tình, thậm chí còn bảo đồng ý bên trong với ước muốn xấu đã là một tội (x. Mt 5,28). Lòng nhân lành của ĐGS đâu có dung túng sự bừa bãi!
Phái Pha-ri-sêu và giới kinh sư đều hay thế, song họ cũng biết Người thương mến các tội nhân và được họ thương mến lại, đến nỗi Người đã lắm phen chuốc lấy những lời kêu trách: “Ông ấy ăn uống với phường tội lỗi”. Nên vụ kiện phụ nữ ngoại tình thật ra chỉ là một cái cớ để kết án Đức Giê-su, khiến cho Người sa bẫy. Nếu lên án phụ nữ này, Người sẽ phá hủy hình ảnh nhân từ từng tỏ ra với các tội nhân và đã khiến Người nổi tiếng là phúc hậu. Nếu tha cho bà, Người tức khắc vi phạm Luật Thiên Chúa và có thể bị án tử vì phạm thượng chống lại Đấng đã cấm chỉ tội này. Như thế, chính “vụ kiện Đức Giê-su” hiện ra đằng sau vụ kiện người phụ nữ. Bị cáo thật sự chính là Người, và tội danh các nguyên cáo muốn gán cho Người là báng bổ Thiên Chúa.
“Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Sự im lặng này khai mở sự im lặng lớn lao của Người khi chính mình bị kiện trong tương lai. Nhưng ở đây, phản ứng này quả đáng kinh ngạc. Không hành động gì, không nói năng gì, chỉ vẽ nguệch ngoạc, như một kẻ bất biết mọi chuyện bao quanh. Phải chăng do tế nhị vì biết người phụ nữ đang xấu hổ? Nhưng có lẽ cũng do từ chối bày tỏ lập trường ở mức độ những phân tích nhân loại về các biến cố. Vì Người đã có thể phỏng vấn, đặt câu hỏi, tìm các trách nhiệm. Chẳng hạn có những trường hợp giảm khinh không? Quá khứ của phụ nữ này chẳng giải thích thái độ của bà sao? Chồng bà đã đối xử với bà thế nào? Có nên phân biệt ngoại tình trâng tráo, công khai và lâu dài, tấn công hạ nhục người phối ngẫu và gây đau khổ cho con cái… với ngoại tình bí mật, cũng mắc tội đấy, nhưng đúng hơn thuộc loại yếu đuối nhất thời, và khiến người ta xấu hổ thực? Luật kết án tử một tội như thế có thái quá không? Phải chăng nên mở chiến dịch để hủy án tử hình này?.. Loạt câu hỏi đó, thông thường con người và xã hội đặt ra. Nhưng Đức Giê-su xem ra chẳng quan tâm đến sự việc như vậy. Phải chăng là một kiểu tránh né chối từ? Chúng ta sẽ thấy là không. Vì Người luôn cố ý đặt mình trên một bình diện khác, sẽ nói những “chuyện khác”…
2. Bị cáo của Thiên Chúa
“Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên”. Hãy tưởng tượng ra cái nhìn của Đức Giê-su đang đặt trên họ tất cả, chiêm ngưỡng chuyển động của đôi mắt Người khi ngửng đầu. Người nhìn trước hết chị phụ nữ tội nghiệp, rồi những kẻ tố cáo, rồi đám đông… như muốn ai nấy về lại lương tâm mình, như trong ngày người ta tìm thủ phạm cho vụ “Phi-la-tô tàn sát nhóm Zê-lốt”, hay cho “tai họa tháp Si-lô-ác đổ”. Buông một câu chết người: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, Đức Giê-su đặt cuộc tranh luận như thường thấy tại các pháp đình lên một bình diện khác: dưới con mắt Thiên Chúa, mọi người đều là tội nhân, đều là bị cáo và hết thảy cần được thương xót thứ tha.
“Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Ôi vực thẳm của tấm lòng Thiên Chúa! Thay vì vạch mặt các kinh sư và Pha-ri-sêu cách công khai, Người dùng sự im lặng để cho phép họ rút lui kín đáo “lần lượt”. Những kẻ lớn tuổi rút lui trước, bởi lẽ càng già càng thấy mình tội lỗi! Vì thật ra, Đức Giê-su cũng thương xót họ, cũng đâu ném đá vào họ. Từ trên thập giá, Người sẽ nói: “Cha ơi, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Cũng trong giây phút thinh lặng đó, người phụ nữ có đủ thời gian để suy nghĩ về tội của mình. Có lẽ bà đã không bao giờ ý thức được tính cách trầm trọng của tội mình phạm phải! Nhưng tình yêu nhân thứ này của Thiên Chúa, vốn “không kết án bà”, thình lình cho bà thấy thế nào là tình yêu đích thật. Bây giờ bà nhìn Đức Giê-su. Đúng là một con người nhân hậu! Có lẽ bà khóc. Bà đã được cứu! Bà thôi là “con ả ngoại tình”… Bà đã được thanh tẩy. Sự “đáng thương” (misère) đối diện với lòng “xót thương” (miséricorde), thánh Augustin từng chú giải như vậy. Karla Tucker chắc đã có cùng một cảm nghiệm trong những năm tháng chờ chết tại nhà tù Huntsville.
Mọi tội nhân khác, các kinh sư và Pha-ri-sêu, đã chẳng hiểu gì về Đức Giê-su, đã chẳng hiểu gì về Thiên Chúa. Nếu ở lại với Đức Giê-su, chính họ cũng đã được tha thứ như người phụ nữ. Vì Đức Giê-su đã nói đi nói lại lắm lần: “Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả” (Ga 8,15). “Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Lạy Chúa, con cũng thế, kẻ đang cầu nguyện với Chúa trong giây phút này, con cần được cứu chuộc. Con muốn ở lại với Chúa, muốn đi lãnh bí tích của tình yêu lân tuất của Chúa, muốn nghe từ đại diện của Chúa những lời này: “Ta cũng vậy, ta không lên án con đâu! Thôi hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Lạy Chúa Giê-su, Chúa nhân từ và quân bình cách tuyệt diệu! Chúa vô cùng thông cảm với các tội nhân là chúng con hết thảy. Nhưng Chúa cũng tuyệt đối bất thỏa hiệp với tội lỗi, sự ác. Chúa là Đấng chẳng bao giờ khép kín chúng con trong quá khứ chúng con. Câu chuyện tử tội Karla Tucker là một bằng chứng. Trước mặt kẻ mà chúng con nói: “Chẳng rút được gì từ đấy… đã thử hết cách rồi… hết hy vọng rồi”, thì chính Chúa sẽ dừng lại trước con người ấy với biết bao tin tưởng, sẽ yêu người ấy với một lòng âu yếm bao la, sẽ nhìn người ấy với đôi mắt hết sức mới mẻ, khiến phát xuất một con tim mới từ chính đương sự. Vậy Chúa là ai mà yêu thương chúng con như thế? Chúa là tình yêu vô biên, Tình Yêu đích thật! Xin cho con luôn ghi nhớ lời này: “Nói ai đó hết còn hy vọng, là đóng sầm cửa trước mặt Thiên Chúa”.
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi