Mt 28,1-10: Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: “Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Đây Ta đã báo trước cho các bà hay”.
Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta”.
Đoạn 28,1-10 bắt đầu với một bối cảnh mới. Thời gian là “ngày thứ nhất trong tuần”. Không gian là ở mồ của Chúa Giêsu. Các nhân vật của câu chuyện là các phụ nữ “Maria người Magđala và một Maria khác” (28,1), thiên thần của Chúa (28,2). Câu chuyện nói đến sự sống lại của Chúa Giêsu. Thiên thần loan báo Người đã phục sinh. Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: – Bối cảnh dẫn nhập: các phụ nữ đến mồ (28,1); – Thiên thần xuất hiện kèm theo hiện tượng động đất (28,2-3); – Thiên thần với lính canh và các phụ nữ (28,4-7); – Kết thúc là các phụ nữ chạy đi báo tin (28,8).
Bối cảnh dẫn nhập: các phụ nữ đến mồ (c. 1). Thời điểm của trình thuật được xác định là “sau ngày sabbát”, “rạng ngày thứ nhất trong tuần”. Động từ epiphōskō có nghĩa là ánh sáng bắt đầu ló dạng. Hai phụ nữ Maria người Magđala và Maria khác đã được nhắc đến trong 27,61, họ ngồi đối diện với mồ của Chúa Giêsu. Họ ở giữa các phụ nữ có mặt trong buổi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chết. Như thế, họ là những chứng nhân có thế giá liên hệ đến sự chết, an táng và sống lại của Chúa Giêsu. Họ đến mồ và không thấy Matthêô nói đến thuốc thơm. Họ muốn viếng thăm vì tình cảm đối với người chết, chứ không để xức dầu thơm xác Chúa.
Can thiệp của Thiên Chúa (28,2-3). Đoạn nầy mô tả sự xuất hiện của thiên thần và qua đó, một đàng làm cho những người canh giữ mồ run sợ; đàng khác thiên thần báo tin cho các phụ nữ biết Chúa Giêsu đã sống lại. Cụm từ “kai idou”, “Và lúc ấy”, dẫn vào điều can thiệp của Thiên Chúa (x. 3,16.17; 4,11; 17,3.5; 27,51). “Thiên thần của Chúa” nghĩa là thuộc về Chúa và do Chúa sai đến (x. 11,10), “tự trời xuống” (28,2). Thiên thần thường mang đến một sứ điệp hoặc một điều dạy phải làm: với Giuse (1,20-24; 2,13.19-20; ), với các phụ nữ (28,5-7). Việc xuất hiện của thiên thần gây nên động đất (x. “gar”), chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Lúc Chúa Giêsu chết cũng đã có hiện tượng động đất kèm theo; và ngay lúc ấy viên bách quản nhận ra Người là Con Thiên Chúa (27,54).
Đặc điểm ở đây là hành động của thiên thần. Thiên thần “lăn tảng đá ra và ngồi trên đó” (28,2b). Hành động “lăn tảng đá ra”, apokyliō, ngược lại với hành động Giuse người Arimathia đã làm là “lăn tảng đá lại”, proslyliō. Giuse đã lấp tảng đá lại sau khi đã đặt xác Chúa Giêsu vào trong huyệt đá mới (27,60) trước sự chứng kiến của hai phụ nữ Maria Magđala và Maria khác (27,10). Ở đây thiên thần lăn tảng đá ra cũng trước sự chứng kiến cũng của hai phụ nữ nầy. Họ là các chứng nhân không thể bác bỏ của sự kiện kép chết-sống lại của Chúa Giêsu. Ngôi mộ đã trống, và sự kiện nầy được thiên thần giải thích là Chúa Giêsu đã sống lại. Việc thiên thần ngồi trên tảng đá muốn nói rằng Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết. Tảng đá của sự chết đã được thiên thần của Chúa mở ra, và ngồi trên đó như thể là cái ngai của Người; nghĩa là đã chiến thắng được nó (x. 23,22)
Thiên thần với lính canh và các phụ nữ (28,4-7). Việc Thiên Chúa can thiệp vào sự sống lại của Chúa Giêsu, và điều nầy gây nên phản ứng nơi những người canh giữ nấm mồ. Mục đích của các lính canh hiện diện nơi mồ của Chúa Giêsu đã được nói đến ở 27,62-66. Giờ đây Matthêô mô tả sự run sợ của họ bởi sự kiện mồ trống. Sự run sợ của họ được diễn tả bằng động từ seiō, cùng một gốc chỉ sự động đất, seismos, xảy ra khi thiên thần xuất hiện (28,2). Đất rung chuyển như thế nào thì họ run sợ như thể ấy. Họ canh giữ để các môn đệ khỏi đánh cắp người chết. Bây giờ người chết đã sống lại, họ trở nên như người chết, và hoàn toàn bất lực trước sự can thiệp của Thiên Chúa (x. 27,64).
Với các phụ nữ thiên thần giải thích cho họ sự kiện đang xảy ra (28,5-6), và sau đó sai các bà đi báo tin cho các môn đệ của Chúa (28,7). Trước tiên thiên thần cho các bà mệnh lệnh “Đừng sợ!”. Cụm từ “Đừng sợ!” nầy thường xuất phát từ Thiên Chúa và được dùng để củng cố lòng tin: Giuse (1,20), các môn đệ (14,27; 17,7), các phụ nữ (28,5.10). Họ sợ vì họ không tìm thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh mà họ đã chứng kiến được an táng nơi đây (27, 61).Và lúc ấy họ chưa hiểu gì về sự sống lại của Người. Họ chỉ đi tìm kiếm một người chết.
Tiếp theo thiên thần cho biết Chúa Giêsu đã sống lại (28,6). Thiên thần khẳng quyết sự kiện là Chúa Giêsu không còn hiện diện nơi đây (nấm mồ). Rồi thiên thần ra lệnh cho các phụ nữ xác minh sự kiện bằng thị giác “Hãy nhìn xem”. Các phụ nữ không thấy xác Chúa Giêsu nơi đã đặt Người nữa! Sự kiện không hiện diện nầy được thiên thần giải thích là Người đã được sống lại; chứ không phải do các môn đệ lấy đi như người do thái nghĩ tưởng (x. 27,64; 28,13). Người sống lại do sự can thiệp của Thiên Chúa (động từ egeirō ở thể thể động). Đồng thời thiên thần nhắc cho các phụ nữ là Chúa Giêsu đã nói đến việc Người sống lại rồi (12,40; 16,21; 17,23; 20,19).
Sau cùng thiên thần sai các phụ nữ đi nói cho các môn đệ của Chúa (28,7): Người đã sống lại, Người đến Galilêa trước họ và họ sẽ gặp Người ở đó. Sứ điệp chính là “Người đã sống lại từ cõi chết”. Cụm từ “từ cõi chết” chỉ tìm thấy trong các câu liên quan đến Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả (14,2; 27,4; 28,7). Việc đến Galilê trước các môn đệ đã được Chúa Giêsu nói đến (26,32). Và Người sẽ gặp họ ở đó để trao sứ mạng và sai họ đi rao giảng tin mừng (28,16).
Hành trình của Chúa Giêsu trên trần gian không chấm dứt trong cái chết. Người đã sống lại. Thiên Chúa đã can thiệp đưa Chúa Giêsu vào trần gian, Người cũng can thiệp đưa Người ra khỏi sự chết khi Người đã hoàn tất sứ vụ ở trần gian. Chúa Giêsu sống lại là trở về lại với Thiên Chúa trong thông hiệp sự sống vĩnh cửu.
Xem P.Klemens Stock, I racconti pasquali dei vangeli sinottici, (Ed. Pontificio Istituto Biblico, Roma 22002, ad uso degli studenti), pp.41-51.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến