Tin Mừng Mc 16,15-20
Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độ,c thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”.
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
************************************
LỆNH LÊN ĐƯỜNG
Ruddell Norris là một thanh niên Công giáo Mỹ đạo đức, có tinh thần tông đồ, chỉ tội chàng nhút nhát. Nói chuyện với kẻ khác chàng đã thấy khó khăn rồi, huống chi phải bàn chuyện tôn giáo với họ. Thế rồi một ngày kia chàng được biết tại đất nước mình, có một tổ chức chuyên truyền giáo bằng việc phổ biến Kinh Thánh. Tổ chức đó là hội Ghiđêôn (lấy tên một anh hùng trong sách Thủ lãnh, ch. 6-7). Hội này gồm những doanh nhân giàu có và đầy tinh thần tông đồ. Họ đóng góp tiền để in sách Thánh Kinh và tặng cho mọi khách sạn trên toàn thể nước Mỹ (với yêu cầu để trong mỗi phòng một cuốn biếu khách trọ, khi khách lấy đi thì để vào một cuốn mới). Ruddell muốn bắt chước theo cách của mình. Chàng đọc sách khá nhiều và biết có những tập nho nhỏ nói về đức tin Công giáo. Vì vậy chàng quyết định dành riêng một phần tiền tiết kiệm hàng tuần để mua những tập sách ấy, sau đó đặt chúng ở những nơi mà chàng nghĩ người ta thường cầm chúng lên đọc, chẳng hạn ở những phòng đợi và phòng khách. Một hôm, một thiếu phụ vốn là bạn của gia đình Ruddell kể cho cha mẹ chàng và chàng biết cô và chồng đã trở về Giáo hội Công giáo ra sao. Cô nói: “Tất cả bắt đầu do một quyển sách nhỏ mà tôi đã tìm thấy tại phòng đợi ở bệnh viện”. Ruddell đã vô cùng phấn chấn vì biết được tầm ảnh hưởng mà chỉ một trong những tập sách nhỏ của chàng đã tạo ra. Ruddell đã ý thức và thực hiện mệnh lệnh Đức Ki-tô đã truyền trong bài Tin Mừng hôm nay là mọi môn đệ của Người đều có sứ mạng truyền giáo, ai nấy theo cách của mình. Hoặc công bố trực tiếp, như các Tông Đồ sau ngày Hiện xuống và như Ruddell đã làm, hoặc gián tiếp, chẳng hạn bằng lời cầu nguyện hay giúp đỡ tài chính cho các hoạt động truyền giáo của Giáo hội, vốn gồm những việc sau đây:
1. Loan báo Tin Mừng
Nếu tọc mạch xem câu đi ngay trước câu mở bài Tin Mừng này, chúng ta sẽ đọc thấy: “Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14). Như thế, ta đột ngột đi từ lời mắng mỏ nên thân về chuyện cứng lòng sang việc sai đi khắp hoàn vũ. Hiển nhiên, tác giả hơi lược đồ hóa! Qua các trình thuật khác, chúng ta biết rằng quả thật hết thảy các Tông Đồ thoạt đầu đều “đã không tin”. Nhưng bản tóm tắt này làm chúng ta cảm động: Thiên Chúa qua đó nói với ta rằng không nên lần lữa chần chừ với những nghi nan và do dự của chúng ta. Đức Giê-su phục sinh xô đẩy các Tông Đồ: bất kể họ còn cứng tin, cho dẫu họ còn bất toàn, Người vẫn tỏ ra tin tưởng họ. Biết bao sức bật trong hai động từ “Hãy ra đi! Hãy loan báo!”. Thiên Chúa không chờ chúng ta hoàn hảo mới trao cho chúng ta nhiệm vụ!
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Đức Giê-su kêu mời môn đệ cất bước, từ bỏ thói an thân, để đi gặp gỡ thiên hạ. “Sứ vụ” đòi buộc xuất phát, ra khỏi nhà mình, khỏi vũ trụ tâm trí nhỏ bé của mình. Đối với các Tông Đồ, đó là ra khỏi môi trường Do-thái để đến với lương dân. Đối với chúng ta, đó là lưu tâm tới các nền văn hóa mới, đón nhận các trào lưu tư tưởng đương thời, lắng nghe các khát vọng hiện đại, “ra khỏi các tiện nghi tri thức là những tư tưởng đúc sẵn”, để khiến cho những ai không tự nhiên suy nghĩ như mình hiểu được mình. Nếu trung thành làm như vậy, ta sẽ vui mừng nhận thấy lắm môi trường vừa phúc âm hóa tìm được những ngôn ngữ mới để diễn tả Tin Mừng… và ta sẽ cầu nguyện để các “đại lục người” mới, các não trạng mới đi vào trong Giáo hội, dẫu có bị khuấy động chút ít những ốc đảo thanh bình nhỏ bé của chúng ta. Tin Mừng được gởi cho “tứ phương thiên hạ”, “tất cả loài người”!
Gởi tới bằng cách loan báo, nghĩa là “kêu lên”. Tin Mừng trước hết là một “tiếng kêu”, một “lời rao giảng”! Phải tìm lại sự hứng khởi này của các anh em Ki-tô hữu sơ khai. Phần chúng ta thì hình như đã lý trí hóa, chương trình hóa, bàn giấy hóa việc rao giảng Tin Mừng, thích đến với lương dân qua các phương tiện truyền thông hơn là tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, lăn lộn với họ trong cánh đồng truyền giáo. “Hãy kêu to tin vui cho toàn thể thụ tạo”. Đức Giê-su từng nói. Xét cho cùng, Người không yêu cầu ta “thuyết phục”, “biện luận”… nhưng đơn giản “làm chứng” với niềm vui và sức mạnh của đức tin ta. Tiếc thay, có lắm Ki-tô hữu không tỏ ra ham muốn trở thành như vậy! Họ bỏ thời giờ để rên rỉ, lên án, chỉ trích, phê phán. Xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui lôi cuốn mà Người yêu cầu chúng ta bày tỏ. Ước gì khuôn mặt chúng ta tỏ anh em lương dân thấy niềm vui ta có được từ Người.
2. Giới thiệu ơn cứu độ
Nhưng sở dĩ Tin Mừng phải được loan báo, la to cho mọi người, đó là để cho phép họ tự do chấp thuận hay từ chối: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. Việc loan báo Tin Mừng thực hiện một cuộc “phán xét”, “phân định”, giống như “vụ án Đức Giê-su”: một số đáp lại bằng đức tin, số khác đáp lại bằng khước từ. Hiển nhiên đây không có vấn đề trù ẻo hỏa ngục cho vô số người thành tâm thiện chí nhưng đã không đi đến chỗ tin. Cũng chẳng có vấn đề hình dung Thiên Chúa ra tay can thiệp để trừng phạt… Tất cả Tin Mừng đều làm chứng cho ta thấy Thiên Chúa không kết án ai, nhưng muốn cứu tất cả mọi người. Vấn đề chẳng bao giờ là “phải chăng Thiên Chúa sẽ tha thứ” nhưng là “phải chăng tôi sẽ đón nhận ơn tha thứ Người ban trước cho tôi”. Nói cách khác, ai quyết liệt từ chối “Tin Mừng”, thì không phải Thiên Chúa kết án, song chính y “tự kết án” mình.
Phải hiểu điều ấy thế nào? Đơn giản như sau: ngoài Tin Mừng, ngoài Đức Giê-su phục sinh hằng sống, không có ơn cứu rỗi, không có lời giải đáp cho định mệnh phải chết của con người. Ngoài Đức Giê-su, con người thực sự hư mất, định mệnh của nó phù du kinh khủng. Duy Thiên Chúa mới “cứu” thế nhân khỏi thân phận phàm hèn của mình. Duy Thiên Chúa mới cứu con người khỏi cảnh “chỉ là người” thôi. Tuy nhiên, con người có tự do chọn lựa. Dù cái được mất thật là kinh khủng, song chẳng ai bị bắt buộc phải sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Thiên Chúa tôn trọng chúng ta đến độ chẳng muốn cưỡng bức chúng ta chút nào.
3. Bày tỏ sức mạnh tình thương
“Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độ,c thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”. Con người hiện đại không thể không tự đặt một vài câu hỏi về ma quỷ, rắn rết, bệnh tật và các thuốc độc mà tín hữu được cứu khỏi ở đây. Các “dấu chỉ” tiên hứa này chỉ có một giá trị ví dụ, thích ứng với hoàn cảnh Ki-tô giáo nảy sinh từ giữa một đa thần giáo mê tín trong đó các “thuật sĩ” là vua. Độc giả hiện thời dĩ nhiên phải hiểu các “dấu chỉ” nầy theo nghĩa biểu tượng. Vẫn đúng, và còn đúng, là tín hữu cùng với Đức Giê-su phục sinh, phải luôn giao chiến với “mọi lực lượng đối nghịch đang nô lệ và tha hóa con người” với tất cả những gì “đầu độc” nhân loại. Còn “ơn nói tiếng lạ” và “ơn chữa lành bệnh nhân” thì ngày nay cũng có nhiều “dấu chỉ” tương ứng. Ngôn ngữ, phương tiện thông giao tuyệt hảo, đúng là một “ơn của Thánh Thần”, vì nó có thể làm cho Tin Mừng Thiên Chúa đi vào trong tâm hồn con người người ta. Đức Hồng y Fulton Sheen với hàng chục triệu thính giả là một ví dụ. Còn về ơn “săn sóc và chữa lành bệnh nhân”, ta biết nó đã được anh em ta chờ đợi ra sao và được những Dòng tu bác ái thực hiện thế nào. Tin Mừng là một sức mạnh cứu rỗi, một suối nguồn hạnh phúc Ki-tô hữu có được: vậy hãy biết sử dụng sức mạnh này…
4. Làm chứng Chúa hiện diện
Sứ vụ cuối cùng là làm chứng Đức Giê-su luôn luôn hiện diện. Khi cố gắng tưởng tượng Người rời bỏ chúng ta bằng cách bay lên mây, là chúng ta giết chết mầu nhiệm Lên trời: chúng ta biến nó thành một sự khiếm diện trong lúc đó là một mầu nhiệm hiện diện gia tăng. Mc muốn cho chúng ta cảm nhận được điều đó nên ngang xương đặt cận kề nhau những điều mâu thuẫn: “Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cộng tác với họ”. Mt thì chỉ nói đến sự hiện diện, và đó là lời cuối cùng của Đức Giê-su (Mt 28,20). Lc thoạt đầu nhấn mạnh sự khiếm diện: “Người rời khỏi các môn đệ và được rước lên trời” (Lc 24,51), song liền viết tiếp: “các ông trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỉ”. Hoan hỉ vì Đức Giê-su đã bị cất khỏi họ? Không! Người đang ở chốn trời cao nhưng cũng hiện diện tràn đầy với môn đệ mình trên trái đất. Thật ra “trời cao”, “thế giới Thiên Chúa” ấy đâu phải ở trên chín tầng mây, nơi một hành tinh nào đó, nhưng là “bên cạnh” chúng ta, “bên trong” chúng ta và “bao trùm” chúng ta. Vừa “ngự bên hữu Thiên Chúa” vừa “cộng tác với các Ki-tô hữu”, đối với Đức Ki-tô chỉ là một. Một sự “hiện diện âm thầm” nhưng năng nổ, “tác động” qua Lời và qua Thánh Thần của Người. Và các môn đệ cũng phải làm chứng về kiểu “khiếm diện-hiện diện” lạ lùng đó!
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi