Tin mừng Mc 1,14-20
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
************************************
LỜI THẦY KÊU GỌI
Cha Giu-se Nguyễn Văn Thích (sinh 1891) là một trong những linh mục kiệt xuất của Giáo phận Huế. Có thể nói ngài thuộc số những nhà nho tiêu biểu còn sót lại của thế kỷ 20 : tinh thông Hán học và triết lý Đông phương, đủ tài cầm kỳ thi họa (bút hiệu Sảng Đình), chủ nhiệm tạp chí “Vì Chúa” một thời nổi tiếng, bạn thân của chí sĩ Phan Bội Châu, mấy thập niên 60-70 thì làm giáo sư đại học. Xuất thân từ một gia đình Phật giáo rất sùng đạo, ngài đã gặp được Chúa Ki-tô và do đó bị thân phụ từ rẫy. Người ta kể rằng lần nọ, thân phụ đặt trước mặt ngài một chén cơm và một chén phân để ngài chọn lựa : chọn chén cơm là dấu “trung thành” với chữ hiếu và đạo tổ tiên… Cô em gái ngài cũng bắt chước anh cải đạo và dâng mình vào nhà Chúa, ở trong một dòng nữ tại Kim Long, Huế : Lần nọ, ông bố xông vào tu viện, nắm tóc con gái lôi xềnh xệch về nhà. Chị nữ tu im lặng chịu đựng. Nhưng mới tới cầu Bạch Hổ, thấy quá nhẫn tâm, ông đã phải thả cho chị lui về dòng… Cả hai con người ấy quả đã hiểu được lời Thầy Chí ái kêu gọi hôm nay và đã phải trả giá cho việc đáp lại tiếng Thầy.
1. Mời gọi môn đồ hoán cải.
Mở đầu bài Tin Mừng, Mc nhắc đến việc Gio-an Tẩy giả bị bắt giam. Chi tiết này cho ta thấy cuộc sống Đức Giê-su đã trải qua trong “bối cảnh” nào. Thánh sử không nêu lý do Gio-an bị tống ngục. Ông sẽ nói về sau (x. Mc 6,17.18). Trong thực tế, những ai cất lời nhân danh Thiên Chúa để bảo vệ quyền Thiên Chúa, quyền Giáo hội và quyền con người thường dễ bị coi là những kẻ quấy rầy, những tay phản động. Đức Giê-su tiếp nối “kẻ vừa bị bắt”. Người đã có thể thấy trước cái đang đợi chờ Người trong vài tháng nữa: ngờ vực và bách hại… rồi là cái chết. Phần chúng ta, chúng ta có can đảm chọn thái độ đương đầu, liều mạng, ngược dòng nước khi cần không ? Có trọn vẹn theo lương tâm mình, làm Ki-tô hữu đến độ trả giá không ? Đức Giê-su đã không sống trong dễ dãi. Ki-tô hữu luôn “cộng tác có đề kháng” (collaborer en résistant, Gioan-Phaolô II).
“Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê”: Chỉ trong vài hàng, Mc nhấn mạnh tới hai lần nơi Đức Giê-su làm việc : miền “Ga-li-lê”. Từ này không chỉ có một ý nghĩa địa lý. Đối với Mc, nó mang một ý nghĩa thần học. Thánh Kinh đã từng gọi là “Ga-li-lê của dân ngoại” (Is 8,23; 1 Mcb 5,15; Mt 4,15). Thật thế, các cuộc xâm lăng của người At-xi-ri và Can-đê đã kéo theo một sự pha trộn chủng tộc, và vô số lương dân đã đến sống tại miền này. Từ đấy, dân Ga-li-lê, dễ nhận ra qua giọng ngoại quốc trọ trẹ của họ (x. Mt 26,73), thường bị những người Do Thái khác khinh bỉ. Trong nghĩa này, việc Đức Giê-su đến Ga-li-lê là một biểu tượng. Ga-li-lê đối chọi với Giê-ru-sa-lem, nơi các giới chức Do Thái chính thống một ngày kia sẽ giết Người. Mỗi lần Giê-ru-sa-lem được Mc nhắc tới, bao giờ cũng trong nghĩa đối nghịch với Đức Giê-su. Khi chọn “Ga-li-lê dân ngoại” để rao giảng, Đức Giê-su làm một hành vi truyền giáo: Người tìm tiếp xúc… Và Mc nhấn mạnh sự chọn lựa đó, vì ông đã viết Tin Mừng tại Rôma, trong vòng ảnh hưởng của Phê-rô, và cho những người cải giáo gốc ngoại đạo.
Phần chúng ta, có khi nào tự khép kín trong các môi trường Ki-tô giáo của mình, sợ tiếp xúc với “thế gian”, sống thành khu biệt cư không ? Riêng Đức Giê-su thì đi trước đến với thế giới cần phúc âm hóa… tìm kiếm những nơi có thể gặp kẻ xa lạ, kẻ không nghĩ như mình, “lương dân”. Xưa kia, tại Tây phương, đã có những thời đại “văn minh Ki-tô giáo”, trong đó toàn thể cơ cấu xã hội đều ở dưới ảnh hưởng của Giáo hội (chính trị, văn hóa, giáo dục, việc bác ái, đời sống công cộng). Hôm nay, trong hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, các Ki-tô hữu chỉ là một “thiểu số” nhỏ, và Giáo hội không còn “quyền lãnh đạo” cho phép mình in vào cuộc sống thế tục dấu ấn của lý tưởng và luật lệ Tin Mừng. Cái gì xảy đến khi một Ki-tô hữu phải sống đạo của mình giữa đại đa số không theo Ki-tô giáo ? Đức tin kẻ ấy không ngừng bị đe dọa, đúng vậy ! Nhưng nó cũng thường xuyên được kích thích trở thành cứng cát hơn. Thay vì rên rỉ về tình trạng này, ta phải thấy đó như một lời mời gọi. Đây là một tình thế phải tiếp xúc, giúp chúng ta thấy rõ “chương trình của Thiên Chúa là muốn Phúc Âm phải được loan báo cho hết mọi người”.
“…rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”: Đây còn là một tiếng có nguy cơ bị chúng ta bỏ qua. Mỗi Chúa nhật chúng ta nghe công bố Tin Mừng. Để tái khám phá tất cả ý nghĩa của nó, để cảm nhận sốc tâm lý do việc “rao giảng” này của Đức Giê-su, chúng ta phải xem lại Cựu Ước. Chữ “Tin Mừng” đã có một ý nghĩa tôn giáo và nhân bản suốt cuộc lưu đày Ba-by-lon, thế kỷ VI: cho những kẻ bị lưu đày đã nếm biết bao đau khổ và đã mất tất cả, một ngôn sứ (x. Is 40,9; 52,7 ; Tv 96,2) đã loan báo “tin vui” giải phóng, chấm dứt cảnh tù đày. Đối với Mc, tiếng Tin Mừng Thiên Chúa “chỉ “sứ điệp Vượt qua”. Và chính Ga-li-lê là nơi loan sứ điệp đó. “Một khi đã sống lại, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em” (Mc 14,28; Mc 16,7). Ki-tô giáo phải chăng là “Tin Mừng” đối với tôi? Trước lương dân hôm nay, phải chăng tôi cảm nhận đức tin như một “Tin Mừng” phải nói cho họ? Tin vui giải phóng, cứu rỗi, vượt qua ! Nhân loại tù đày sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết !
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”: Xong rồi! Mọi chuẩn bị đã hoàn tất. Thiên Chúa nay thống trị! Người chuyển qua hành động. Kiểu nói “Triều Đại Thiên Chúa” đây cũng là một thành ngữ có nhiều âm hưởng Thánh Kinh. Các ngôn sứ đã từng loan báo “vương quyền hữu hiệu của Thiên Chúa trên dân Người” (x. Mk 2,13; Is 6,1-3; 43,15 ; Gr 3,17; 8,19; Ed 20,33…) . Và các thánh vịnh “vương triều Thiên Chúa” (Tv 47, 93, 96, 99) đã từng hát ca sự can thiệp có tính cách quyết định và giải thoát này. Đức Giê-su loan báo ở đây rằng Người đến hoàn tất điều đó. “Chính nghĩa của Thiên Chúa” sắp toàn thắng. Những ai nghèo khổ, đói khát, than khóc hay bị đàn áp, các tội nhân và bệnh nhân đều sắp được giải cứu hết thảy (x. Lc 4,16.30). Với Đức Giê-su, Thiên Chúa có mặt, ra tay hành động. Thiên Chúa đến đổ đầy trên nhân loại sự Hiện diện của Người. Sự “gần gũi” này của Thiên Chúa, “vương triều” này của Thiên Chúa dĩ nhiên còn đang giấu ẩn, nhưng đã “có mặt”. Sự gần gũi này, mỗi người trong chúng ta đều có thể đón nhận mỗi phút giây. Thế nào ? Bằng cách quay ngoắt lại, hoán cải đổi đời : “Anh em phải sám hối và tin vào Tin Mừng”! Hoán cải hệ tại “tin vào Tin Mừng”, “tin vào Đức Giê-su”. Hai trình thuật ngắn về ơn gọi sẽ tiếp theo như một minh họa cụ thể.
2. Kêu gọi tông đồ bước theo.
Trước hết là cảnh kêu gọi Si-môn và An-rê. Mc không tìm cách cho chúng ta một tiểu sử thật sự. Qua Tin Mừng thánh Gio-an (Chúa nhật tuần trước), chúng ta biết Đức Giê-su đã gặp những con người này bên bờ sông Gio-đan rồi. Nhưng Mc muốn cho thấy lời kêu gọi “hoán cải” có tính chất mệnh lệnh và khẩn thiết. Phải lên đường “đi theo” ngay. Đức Giê-su đâu phải là một rab-bi trẻ như các ký lục vốn năng quy tụ môn đồ để tranh luận, để suy tư, để nhào trộn các ý tưởng, để dạy giáo lý đúng đắn chính truyền. Đức Giê-su trước hết chẳng phải là một bậc-thầy-tư- tưởng, nhưng là một bậc-thầy-hành-động : Người không đòi môn đệ phải có đôi tai thính và một trí thông minh tốt, nhưng là có hơi sức để theo Người và bước đi với Người ! Công cuộc Phúc âm hóa sẽ không phải là chuyện an nhàn dễ dãi. Trình thuật của thánh Mc sẽ đầy ắp những chuyến “du hành”: Đức Giê-su là một vị thầy lưu động. Và dấu chỉ muốn “dấn thân” theo Đức Giê-su như thế, đó là phải từ bỏ một cái gì! Mắc vào lưới Tin Mừng đầu tiên lại chính là các ngư phủ! Họ đã bị bắt. Họ sẽ không rời Người nữa. Chính Giáo hội đã được chuẩn bị rồi.
Tiếp đến là trình thuật kêu gọi Gia-cô-bê và Gio-an. Đây còn là một “hình ảnh” tuyệt diệu cụ thể, một “ảnh thánh” đầy những biểu tượng ý vị. Đức tin trước hết không nhắm một giáo thuyết, những ý tưởng, nhưng nhắm một con người ! Khi Đức Giê-su mời gọi “tin vào Tin Mừng”, điều đó có nghĩa là phải “gắn bó với Người, bước đi theo Người, liên kết với bản thân Người”. Ý tưởng “Thiên Chúa cần đến phàm nhân” quả là cảm động! Thành thử đây là bốn con người đầu tiên được liên kết vào công trình giải cứu vĩ đại của Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã bắt đầu: cần có những con người hoạt động cho “Vương triều Thiên Chúa”. Ở đây, mỗi Ki-tô hữu phải nhận ra tiếng gọi dành cho mình, ơn thiên triệu riêng của mình.
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi