Tin Mừng Ga 13,31-35
Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.
************************************
MẦU NHIỆM CON NGƯỜI
Từ đây cho đến cuối mùa Phục sinh, ta sẽ đọc một số trích đoạn từ “Diễn từ đặc biệt của Đức Giê-su” chiều Thứ Năm thánh, áp ngày Người “ra đi”, một di chúc tinh thần của Người. Đoạn hôm nay cho thấy một vài khía cạnh trong mầu nhiệm của Người: được tôn vinh cách ngược đời qua Thập giá và hiện diện nhiệm mầu qua tình thương giữa các môn đệ.
1. Tôn vinh ngược đời qua Thập giá
“Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su bảo…”. Đọc câu khai mở này, ta có cảm tưởng Người vừa được giải thoát, Người có thể bắt đầu nói lên một vài tâm sự… như thể sự hiện diện của tên phản bội trước đó khiến tắc họng nghẹn lời. Khi gặp phải những phút cô đơn thử thách, những khó khăn trong các quan hệ, những phong tỏa tâm lý đôi khi ngăn cản ta nói ra tất cả những gì cần nói… hãy nghĩ đến Đức Giê-su; Người cũng đã nếm biết trong nhân tính mình những hoàn cảnh bi thương tương tự. Khi đau khổ vì những tranh chấp cá nhân hay tập thể, chống đối hay hiểu lầm… xin nhớ rằng Đức Giê-su cũng đã khổ đau về điều đó. Tối hôm ấy, bầu khí nhóm đồng bàn với Người thật thê thảm: một kẻ trong họ vừa ra đi… để phản bội nhóm. Đây là cực điểm của thái độ “phi-tình yêu”: tố giác bằng hữu, bỏ rơi ai đó mình đã từng sống tháng năm như bạn đường. Đức Giê-su chẳng thiếu khả năng hiểu mọi khó khăn của chúng ta. Người đã trải qua chúng.
Nhưng trong hoàn cảnh bi thương đang gặp phải, Đức Giê-su vẫn giữ một thái độ thanh thản phi phàm. Bình an của Người vẫn trọn vẹn. Bình an đó biểu lộ trong một câu nằm giữa hai trạng từ: giờ đây… sắp sửa (sẽ)… : “Giờ đây Con Người được tôn vinh… và Thiên Chúa sắp sửa tôn vinh Người”. Các động từ đầu câu ở thì hiện tại và các động từ cuối câu ở thì tương lai. Cả một thái độ tinh thần giấu ẩn đằng sau cấu trúc ngôn ngữ đó. Trong giây phút này, giây phút phát khởi cuộc Khổ nạn với sự ra đi của Giu-đa, Đức Giê-su đã nghĩ đến kết thúc của tiến trình, đã nghĩ đến cuộc Sống lại. Niềm hy vọng giúp ta sống trước cái còn chưa tới là như thế! “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Như Đức Giê-su, ngay từ bây giờ ta đã có thể nếm được, chính giữa lòng đau khổ, niềm hạnh phúc vô biên vốn sẽ thể hiện trong tương lai cách trọn vẹn và dứt khoát.
“Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người”: Hãy trở lại với điểm mạc khải lạ lùng này, vốn giúp ta tiến sâu vào “bên trong Đức Giê-su”. Quá trình Khổ nạn vừa phát khởi với sự ra đi của “tên phản chủ”. Thế mà ngay lập tức, đối với Đức Giê-su, sự tôn vinh Người đã có đó, đã hoàn tất rồi. Chúng ta thấy khó tin rằng Thập giá đã là vinh quang của Đức Giê-su, vì có khuynh hướng than khóc ngày Thứ Năm và Thứ Sáu thánh, rồi rộn rã vui cười ngày Chúa nhật sống lại. Thế mà chính “kẻ bị đóng đinh” đã được tôn vinh cũng như đã tôn vinh Thiên Chúa rồi! Bao giờ chúng ta mới ngừng xem Thập giá như một cái ghê tởm, phải loại bỏ nếu có thể được? Nhìn từ quan điểm Đức Giê-su, Thập giá chính là vinh quang của Người! “Chẳng có tình yêu nào lớn hơn” (Ga 15,13). Ai yêu mới kinh nghiệm được rằng tình yêu dẫn đến chỗ hy sinh chính mình cho người yêu. Ai chỉ biết yêu mình thì không thể hiểu được vậy.
Bạn có muốn biết mình thật sự yêu ai đó không? Hãy tự hỏi mình có khả năng hy sinh cho kẻ đó vì yêu không? Nhưng coi chừng, tiếng nói lọc lừa của thế giới hiện đại sẽ thầm thỉ bên tai rằng hy sinh là bạn sai lầm, là bạn dại dột, là bạn thiếu nhân cách, bạn phải nghĩ một chút về mình, phải phát triển chính mình v.v…
2. Hiện diện nhiệm mầu qua tình thương
Đây là điều Đức Giê-su muốn khẳng định trong phần hai của bài đọc: “Hỡi những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau”. Đức Giê-su ra đi. Người biết đêm sống với môn đệ đây là đêm giã biệt. Người sắp bỏ họ cô độc, thiếu sự hiện diện khả giác, nhân loại, hữu hình của Người vốn rất quý báu! Đây sẽ là thời gian vắng mặt. Nhưng Người loan báo cách thức hiện diện mới mẻ của mình: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha cùng Thầy sẽ đến ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Và thánh Gio-an giải thích như sau: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta” (1Ga 4,12). Vâng, tình yêu chân thành là sự “hiện diện đích thực” của Thiên Chúa. “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Đức Giê-su ngự giữa những ai cầu nguyện cùng nhau (Mt 18,20). “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Đức Giê-su hiện diện trong mỗi con người đang cần đến tôi và được tôi phục vụ (x. Mt 25,31-46).
Nếu đúng như thế, thì “cái chết của Thiên Chúa”, sự vắng mặt của Người trong thế giới hiện đại chính là hậu quả của việc tình yêu đã dẫy chết, đã lụi tàn! Nhưng coi chừng, vì tiếng nói xảo trá của thế giới hiện đại không ngừng lừa gạt chúng ta, trên mọi làn sóng, trong mọi quảng cáo. Nó bảo: không thấy thiên hạ chỉ nói, chỉ hát về “tình yêu” đấy ư? Nhưng thứ tình yêu gì? Eros (tình dục) hay Agapè (bác ái)? “Yêu mình” hay “yêu người”? “Tình yêu” là từ hàm hồ nhất, dối trá nhất trong mọi từ được chúng ta sử dụng. Khi nói: “Tôi yêu kẹo cao su!”, phải chăng bạn yêu nó thật sự khi đã tiêu hủy nó cho mình? Khi yêu ai đó, phải chăng bạn cũng yêu theo cách ấy… hay yêu họ vì họ? Ở đây người ta nhớ lại câu tuyên bố “xanh dờn” của một thành viên Ku-Klux-Klan (một đảng kỳ thị chủng tộc tại Mỹ): “Tôi đâu có ghét người da đen! Tôi vẫn yêu họ đấy chứ, nhưng trong vai trò bồi bàn, quét đường của họ”. Ngôn ngữ Hy-lạp ít hàm hồ hơn, vì có hai từ khác nhau để nói lên hai thực tại đối nghịch: “éros”: yêu mình… tình yêu lợi dụng người khác đến độ hủy diệt họ; “agapè”: yêu người… tình yêu sẵn sàng hy sinh mình cho kẻ khác.
“Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau”. Từ “như” đơn giản này vạch mặt tất cả những thứ tình yêu giả hiệu, nhàm chán, dễ dãi của chúng ta. Yêu thương như Đức Giê-su, đó là quỳ xuống trước mặt anh em để rửa chân cho họ, cử chỉ phục vụ khiêm tốn nhất (Ga 13,14), điều Người vừa làm lúc nãy. Yêu thương như Đức Giê-su, đó là “thí mạng vì những kẻ mình quý mến” (Ga 10,11; 15,13), điều Người sẽ làm trên Thập giá ngày mai. “Việc Ta yêu con đâu có phải chuyện đùa!” Người đã nói với thánh nữ Angèle de Foligno như vậy. Tình Chúa yêu ta đã dẫn Người đến chỗ hoàn toàn tự hủy. Để yêu kẻ khác đúng bản chất họ và thừa nhận họ trong sự khác biệt của họ, phải thôi biến mình thành trung tâm, phải sẵn sàng trả giá. Đối với Thiên Chúa, tình yêu ấy dẫn Đức Giê-su đến đồi Can-vê. Thiên Chúa đã yêu thương con người tới độ chấp nhận quyền lực của nó, một tạo vật dễ sai lầm nhưng lại có tự do, quyền lực từ chối Người, thù ghét Người, kết án tử Người!
Đối với Đức Giê-su, tình yêu không phải là điệu hát nhàm tai, dễ dãi và cũ rích đến độ vô nghĩa, như trên môi mép của hầu hết loài người! Nó là cái gì rất nghiêm chỉnh, nhưng ít ai hiểu rõ và thực hiện. Nên Đức Giê-su mới bảo giới răn yêu thương của mình là giới răn mới. Vâng, yêu như Người là rất độc đáo, mới mẻ. Đây là một nền luân lý mới, vì ta chẳng bao giờ biết nó sẽ dẫn mình đến đâu. Ngày nọ, cậu Pierre-Yves, 16 tuổi, nói với cha André Sève, một nhà chú giải Kinh thánh thời danh: “Thật tuyệt vời khi Ki-tô giáo chỉ đòi hỏi chúng ta một chuyện: yêu mến. Thật tuyệt vời khi Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta một giới răn: tình thương”. Ngừng lại một chút, cậu nhìn chòng chọc vào vị linh mục rồi hỏi: “Cha, cha có thực hành giới răn của Chúa không?” Cha André lưỡng lự giây lát rồi trả lời, như mỗi người chúng ta có lẽ trả lời: “Tôi đang cố gắng”.
Phải cố gắng, vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Chỉ trong ba dòng, Đức Giê-su lấy lại ba lần cùng một điệp khúc: “Yêu thương nhau”. Việc lặp lại này rất ý nghĩa. Người qua đó cho thấy ba động cơ bổ túc khiến chúng ta phải yêu thương: 1. Đây là giới răn của Người: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới…” 2. Đây là tấm gương của Người: “Hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em…” 3. Sau hết, đây là dấu chỉ của Người: “Thiên hạ sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm yêu thương”.
Như thế, Đức Giê-su thật sự kêu mời môn đệ hãy nối tiếp sứ vụ của chính Người ngay khi Người rời khỏi thế. Tình huynh đệ là “định chế” đích thực cho phép Đức Ki-tô vẫn mãi hiện diện suốt “thời cuối cùng” đã được cái chết của Người khai mạc. Gio-an đã không kể lại câu chuyện lập phép Thánh Thể như ai nấy trông chờ. Thay vào đó, ông đã tường thuật việc “rửa chân” và ban “điều răn mới”, như thể dưới mắt ông, Tình yêu là “đài tưởng niệm” sự Hiện diện Đích thực của Đức Ki-tô, cũng chân thật và hữu hiệu như chính phép Thánh Thể. “Này là mình Thầy bị nộp và máu Thầy đổ ra…” Đức Giê-su đã nói thế theo Tin mừng Nhất lãm. Nhưng trong Gio-an thì lại: “Thầy rửa chân cho anh em; anh em hãy thương yêu nhau như Thầy…”. Cũng là một sự “hiện diện”, không kém chân thực. Ở đây có cái gì chất vấn mạnh mẽ các Ki-tô hữu. Dấu chỉ giúp thiên hạ nhận ra “người có đạo” không chỉ là thánh lễ. “Cái sẽ cho họ thấy anh em là môn đệ Thầy, đó là tình yêu của anh em…”. Làm sao nó lại chỉ xuất hiện những lúc Ki-tô hữu hội họp nhau giữa bốn bức tường nhà thờ? Đức Giê-su chắc chắn đã nói đến một dấu chỉ được tỏ ra trong đời sống trần tục, dấu duy nhất mà mọi người có thể trông thấy. Trong các điều kiện đó, chứng từ của Ki-tô hữu chỉ có thể được nhận biết nếu chúng ta quan tâm đến các nhiệm vụ lớn lao của thế giới hiện thời: công lý, hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ nhân phẩm… Thánh Thể “trả” chúng ta về lại với các con đường, bàn giấy, công trường, trường học của chúng ta, về với mọi nơi chúng ta “phục vụ”.
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi