Tin Mừng Mt 28,16-20
Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
************************************
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
“Thưa cha, một sinh viên vô thần nói với vị linh mục, tôi thấy trong Ki-tô giáo có một chân lý khó tin, lạ lùng gọi là “mầu nhiệm Ba Ngôi”. Phải hiểu thế nào kiểu nói “Thiên Chúa có một bản tính nhưng ba ngôi vị”. Một mà ba, ba mà một! Thật khó hiểu, nếu không muốn nói là phi lý!” – “Anh còn trẻ, chắc đang sống kinh nghiệm tình yêu?” – “Ủa! Sao cha lại hỏi thế này? Đúng là tôi đang yêu thật!” – “Theo anh, tình yêu trước hết đòi hỏi phải có những gì?” – Đòi hỏi phải có từ hai người trở lên! Tự ái chỉ là ích kỷ, không thể gọi là tình yêu được!” – “Đúng lắm! Nhưng tình yêu hướng đến cái gì?” -“Hướng đến sự hiệp nhất! Tất cả phải nên một! Tình yêu nam nữ hướng đến hiệp nhất tâm hồn, thể xác và cuộc sống. Tình đồng chí, tình bằng hữu… hướng đến hiệp nhất cuộc sống và tâm hồn!” – “Nhưng theo anh, sự hiệp nhất này có bao giờ đạt được chăng?” – “Phải nói ngay đó chỉ là ước vọng. Những năm đầu cuộc sống hôn nhân, ví dụ vậy, thì “anh nói em nghe, em nói anh nghe”. Những năm sau thì “cả hai cùng nói, hàng xóm nghe!”. Trong một tập thể nhiều người, đồng tâm nhất trí lại càng khó thực hiện” – “Cái chỉ là ước vọng nơi con người, thì đã thành hiện thực nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa của Ki-tô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Người là Tình Yêu nên có Ba Ngôi. Người là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa” – “Cho tôi hỏi câu cuối cùng: Tại sao là ba mà không phải là hai, như trong tình yêu nam nữ?” – “Sau này có gia đình, anh và vợ chỉ yêu nhau mà không muốn có con, sợ thêm hy sinh, thêm trách nhiệm, tình yêu anh chị có chân thật và bền vững không?” – “Thưa không! Tình yêu chúng tôi phải chảy tràn qua và thể hiện thành một đứa con, ít nhất một đứa; nếu không thì chỉ là yêu mình trong người bạn đời của mình. Ngoài ra, tình yêu ấy còn phải trải rộng cho mọi người chung quanh nữa!” – “Anh bạn thân mến, anh sắp hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rồi. Nhưng đừng áp dụng quá sít sao đấy nhé!”
Cuộc đối thoại trên đây nhắc cho chúng ta một điều quan trọng: mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là mầu nhiệm để suy tư cho bằng là mầu nhiệm để sống. Mầu nhiệm đó đã được mạc khải bởi Chúa Ki-tô, được thể hiện qua cuộc sống và hành động của Người, và giờ đây đang được Giáo Hội, cộng đồng tình yêu của Thiên Chúa, cố gắng bày tỏ ra trước mặt thế gian.
1. Giáo Hội, hình ảnh của mầu nhiệm Ba Ngôi.
Mở đầu bài Tin Mừng, Mt ghi nhận: “Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê”. Câu đơn giản này đã nói cho chúng ta biết “Giáo Hội là ai” rồi. Đó là Giáo Hội của chư dân, của dân ngoại. Các môn đệ đã được Đức Giê-su Phục sinh đích thân mời gọi rời bỏ Giê-ru-sa-lem (x. Mt 28,7), mà cho đến lúc đó vẫn là trung tâm địa lý của đức tin, nơi Thiên Chúa hiện diện. Theo thánh Mt, không có cuộc hiện ra “chính thức” nào cho các Tông đồ ở Giê-ru-sa-lem cả. Người đã triệu tập các Tông đồ ở “Ga-li-lê dân ngoại”, tỉnh qua đường của dân tứ xứ (Mt 4,15). Giáo Hội bắt đầu “ở Ga-li-lê”: trên phương diện thần học, vùng này thay thế Giê-ru-sa-lem và trở thành trung tâm bành trướng của cộng đoàn mới. Ngay trong các chương đầu của mình, Mt đã cho thấy các “đạo sĩ Đông phương” bí ẩn đến từ đất dân ngoại, đã “triều bái” Hài nhi Giê-su, đang lúc Giê-ru-sa-lem không tiếp đón Người. Giáo Hội chính là như thế: một cộng đoàn rộng mở cho một thế giới cần phúc âm hóa, chứ không phải là một tập thể khép kín trong bốn bức tường. Bởi lẽ Giáo Hội có sứ mệnh kiến tạo và bày tỏ giữa nhân loại (vốn luôn chia rẽ) sự hiệp thông trọn vẹn như có giữa lòng Ba Ngôi.
Giáo Hội đó là “cuộc hội họp của những người được triệu tập” (ý nghĩa của từ “ékklésia” trong Hy ngữ, dịch ra là Giáo Hội – Nhà thờ) : “Mười một môn đệ đến ngọn núi Đức Giê-su đã hẹn với các ông”. Các Ki-tô hữu là những người đã được Chúa phục sinh triệu tập, quy tụ thành một cộng đồng tình yêu, đưa vào trong sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu là lý do chủ yếu và sự hoàn tất trọn vẹn của cuộc sống con người và của Giáo Hội. Ơn cứu rỗi là thế. Thiên Chúa Cha sinh ra Con mình; người Con này, khi mặc lấy xác thịt từ lòng Trinh Nữ, đã giúp Cha có nhiều đứa con; Người cũng sai Thánh Thần tình yêu đến để cho chúng ta sống sự sống của riêng Người. Qua phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x. Rm 8,15), em của Chúa Con (x. Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x. 1Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội, “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (Hiến chế GH 4). Từ ngữ “Hội Thánh” còn diễn tả rõ hơn điều này: Cái gì thánh thì hội lại. Hội lại quanh Thiên Chúa 3 lần thánh, có các thần thánh (thiên thần và hiển thánh), rồi đến “dân thánh, các thánh” (Kitô hữu, x. Cv 9,13.32.41; Ep 1,1…), vật thánh (nơi thánh, đồ thánh, thời gian thánh, nghĩa là những gì dành cho Thiên Chúa) và vòng ngoài cùng là toàn thể nhân loại và vũ trụ mà Kitô hữu có bổn phận phải thánh hóa, nghĩa là đưa về cùng Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Giáo Hội ấy vẫn là một Giáo Hội gồm những tội nhân. Đức tin của các Tông đồ đầu tiên (như đức tin chúng ta!) vẫn là một đức tin pha lẫn nghi ngờ và mơ hồ, một đức tin luôn lữ hành, tiến bước. Giáo Hội đón tiếp Đức Giê-su vẫn luôn là một Giáo Hội gồm “những kẻ kém lòng tin” (Mt 14,310). Sự hiệp thông theo gương Ba Ngôi vẫn là một sự hiệp thông luôn bất toàn, cần phải hoàn thiện mãi.
2. Đức Giê-su, tác nhân của mầu nhiệm Ba Ngôi.
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất… Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền… Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Biết bao uy nghi trong những lời này của Đức Giê-su phục sinh! Sau cuộc sống tối tăm của anh thợ mộc làng Na-da-rét, này đây giờ chân lý bừng sáng rực rỡ. Bên ngoài là trang cuối cùng một trình thuật, giai thoại sau hết của một đời người, nhưng thực chất là khởi điểm của cuộc mạo hiểm lớn nhất mọi thời đại, không thể giải thích theo những chuẩn mực thông thường của lịch sử.
Chúng ta nhận thấy có sự lặp lại long trọng, bốn lần, tính từ “tất cả” (toàn quyền, muôn dân, mọi điều, mọi ngày). Hoạt động của Đức Ki-tô mang tính toàn thể gấp bốn, tính viên mãn gấp bốn. Đây là toàn bộ hoạt động thần linh, đi vào trong toàn bộ không gian trái đất, để biến đổi toàn bộ hành vi con người, qua toàn bộ diễn tiến thời gian! Có lẽ nên đọc lại cha Teilhard de Chardin để hiểu được điều này. Sau đây là một trích đoạn: “Đức Ki-tô là Đấng “chiếm trọn”: không một yếu tố nào của vũ trụ, trong bất cứ lúc nào của vũ trụ, mà chẳng được chuyển động, chẳng tự chuyển động, chẳng bao giờ phải tự chuyển động ngoài ảnh hưởng điều khiển của Người. Không gian và Thời gian đều đầy Người… Đức Ki-tô cũng là Đấng “hoàn thành”: sự viên mãn của vũ trụ chỉ thành tựu trong tổng hợp cuối cùng, khi mà một ý thức tối thượng sẽ xuất hiện trên một toàn bộ phức tạp được tổ chức cách tuyệt hảo… Trong Người, mọi yếu tố của vũ trụ đều hội tụ và kết nối với nhau. Chính Người ban sự vững chãi cho toàn thể cơ cấu Vật chất và Tinh Thần”.
Theo kiểu nói của thánh Phao-lô, “Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người… Lúc muôn sự đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng đã bắt muôn sự phải quy phục mình”. Lúc ấy chúng ta là những người con, được liên kết với Ngôi Con, sẽ đi vào hiệp nhất với Ngôi Cha trong Thánh Thần, để “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cr 15,25.28).
3. Phép rửa, bí tích đưa vào mầu nhiệm Ba Ngôi
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đây là công thức thời danh nhất về mầu nhiệm Ba Ngôi. Nhưng tại sao Ba Ngôi lại được mang tên như thế? Chúa Cha được gọi là “cha” bởi vì Người bỏ mình hoàn toàn mà “trao ban” cho Chúa Con tất cả. Chúa Con được gọi là “con” bởi vì Người bỏ mình hoàn toàn mà “hiến thân” cho Chúa Cha trọn vẹn. Thánh Thần chẳng là gì ngoài Tình Yêu hỗ tương giữa Thánh Phụ và Thánh Tử. Thiên Chúa là Tình Yêu!
Chương trình lớn lao của Thiên Chúa, mà Đức Giê-su giao cho các tông đồ và Giáo Hội thực hiện, là “nhận chìm” (nguyên nghĩa của từ “baptizô”, thanh tẩy), nhận chìm nhân loại trong các mối tương quan tình yêu liên kết trọn vẹn Cha, Con với Thánh Thần. “Dấu chỉ” của phép rửa, đồng nhất với dấu chỉ của thập giá, đó là “sống cho tha nhân”. Chúng ta được thanh tẩy “nhân danh Tình Yêu”. Chúng ta được dìm vào trong dòng chảy đó! Đó là “chương trình” của Giáo Hội!
Người ta đôi khi tự hỏi Đức Giê-su đã có dự tính thành lập Giáo Hội nào? Chắc chắn Chúa Ki-tô đã không nghĩ tới thành Vatican, tới các Giám mục đội mão, tới sự phân chia lãnh thổ thành các Giáo phận, tới các bàn giấy hành chính, tới các công trình tôn giáo, tới các lễ nghi long trọng của Giáo Hội vốn giống các triều đình vua chúa ngày xưa. Nói lên điều ấy để chúng ta đừng nhốt kín Giáo Hội sống động trong các bộ mặt trần thế mà Giáo Hội đã có thể mang ở một số thời kỳ. Điều Đức Ki-tô đã muốn, đó là “quy tụ mọi người trong tình yêu”. Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa là cộng đồng các ngôi vị yêu nhau trong sự hiệp nhất của Thánh Thần. Cốt tủy của Giáo Hội phải được tìm trong chính bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Những ai nhìn thấy cuộc sống của tôi, người đã được “nhận chìm”, được “thanh tẩy” trong Ba Ngôi tình yêu, những ai quan sát các nhóm trong đó tôi sống: gia đình, cơ quan, xí nghiệp, có thể cảm nhận được “tôi đã chịu phép rửa nhân danh Ai” không?
Nhưng để được quy tụ trong tình yêu Thiên Chúa, phải giữ giới răn Đức Giê-su đã truyền. Giới răn nào? Giới răn tình yêu! “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em có lòng thương yêu nhau” (Ga 13,34-35). Được thanh tẩy chưa đủ, còn phải tỏ ra mình là “môn đệ” của Đức Giê-su qua mọi hành vi cuộc sống. Đối với Đức Giê-su, dạy giáo lý không phải là bắt học một bài học, nhưng là tập một cách sống “theo tình yêu”, theo gương Ba Ngôi Thiên Chúa.
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi