Mộng tề thiên – Suy niệm Chúa Nhật 1 Mùa Chay – Năm B

19/02/2021

Tin Mừng MC 1,12-15

Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có thiên sứ hầu hạ Người.

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “.

************************************

MỘNG TỀ THIÊN

1. Cơn cám dỗ đích thực

Mở đầu bài Tin Mừng nói về cơn cám dỗ Đức Giê-su chịu hôm nay, Mác-cô nói đến phép rửa Người vừa lãnh nhận. Hai Tin Mừng Nhất lãm kia cũng nối kết hai biến cố này lại. Tại sao thế ? Có mối liên hệ nào giữa cảnh cám dỗ với cảnh phép rửa ?

Trong ngôn ngữ thông thường, từ “cám dỗ” hay bị hạ giá, biến thành ấu trĩ. Bị “cám dỗ”, đối với một đứa trẻ, là “ước ao làm điều cha mẹ cấm đoán”: ăn chùng kẹo bánh… ăn cắp tiền bạc… Đối với người lớn, được nắn đúc trong một nền giáo dục đầy những cấm kỵ, thì bị “cám dỗ” thường là “ước ao làm những chuyện tính dục không được phép”… Trong Phúc Âm, cám dỗ là một cái gì nghiêm túc hơn nhiều ! Cám dỗ căn bản nhắm tới chuyện “tin” hay “không tin” vào Thiên Chúa. Cám dỗ đích thật có liên hệ tới “phép rửa”, đấy là một cám dỗ thuộc riêng “tín hữu”, riêng Giáo Hội, cám dỗ của “con cái Thiên Chúa”, cám dỗ mà Đức Giê-su sẽ đòi hỏi chúng ta chiến thắng, khi cầu nguyện mỗi ngày : “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…”.

Dân Do Thái, thính giả ban đầu của Đức Giê-su… các Ki-tô hữu tiên khởi, lúc Mc viết trình thuật cám dỗ này… và chúng ta hôm nay… tất cả đều thú nhận rằng Thiên Chúa đã làm mình thất vọng ! Chà, lẽ ra Người phải tỏ mình hơn tí nữa ! Tỏ cho biết Người là ai chứ ! “Thử thách” này là cơ bản, thường xuyên: chúng ta bị cám dỗ khinh bỉ Đức Giê-su, Ông Con Thiên Chúa với tư cách Mê-si-a quá ít hiển nhiên rõ ràng, đặc biệt lúc Người chết trên thập giá. Thực ra, chính chúng ta, dân “tín hữu” cám dỗ Thiên Chúa, khi cầu xin Người hãy khác với cái Người đã mong muốn trở thành : một Thiên Chúa mai ẩn… “Cám dỗ” số một trong Kinh Thánh, chính là “xin Thiên Chúa làm phép lạ”: Người hãy ra khỏi chỗ ẩn nấp của mình! “Trong sa mạc, tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta… Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán” (Tv 94,9). “Trong sa mạc, bao lần dân làm phản, trêu giận Người giữa chốn hoang vu. Khiêu khích Chúa, họ thử đi thách lại, làm cực lòng Đức Thánh của Ít-ra-en” (Tv 77,40-41). Đó cũng là cám dỗ thường xuyên của kẻ đồng thời với Đấng Cứu Thế : “Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người” (Mc 8,11).

Vậy hãy tỏ ra ông là Con Thiên Chúa ! Ông vừa được công bố như thế bởi trời mở và bởi Thánh Thần mà ! “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40). Cám dỗ của các tín hữu, cám dỗ của Giáo Hội, đó là khiến Đức Giê-su xuống khỏi thập giá : tỏ bày một Thiên Chúa thống trị hơn, một Thiên Chúa không còn “mai ẩn”, một Thiên Chúa không còn “nhập thể”, thành thử “yếu đuối” nữa (x. 1Cr 1,25), một Thiên Chúa biết điều hơn tí chút, hợp lý hơn tí chút, vị Thiên Chúa thông thường của mọi tôn giáo… nhưng không phải là vị Thiên Chúa bị đóng đinh “Người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, nhưng chúng tôi thì rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, ô nhục đối với người Do Thái, điên rồ đối với người Hy lạp” (1Cr 1,22-23).

“Thần Khí đẩy Người vào hoang địa”. Động từ được dịch là “đẩy” ở đây theo nguyên bản mạnh hơn nhiều. Mác-cô đã viết : “Thánh Thần xua Người vào hoang địa” (NTT). Đây cũng là tiếng ông dùng khi Đức Giê-su “xua đuổi” ma quỷ. Thật thế, trong Kinh Thánh, Thần khí Thiên Chúa năng xuất hiện như một thứ “sức mạnh”, “cuồng phong”, “sự mãnh liệt không gì cưỡng nổi của sấm và lửa”. Cơn cám dỗ Đức Giê-su chịu hẳn phải rất quan trọng, cần thiết trong đời Người, đến nỗi chính Thần Khí Thiên Chúa phải lôi Người vào đó! Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng sợ cơn cám dỗ : nó không thể tránh, nó cần thiết, tốt hảo cho mọi người. Chiến đấu thiêng liêng là một thành tố tất yếu của cuộc sống tín hữu. Lời của Xa-tan là một thành tố của thế giới chúng ta. Xa-tan không ngừng gợi ý chúng ta biến Thiên Chúa nên khác với bản chất Người… biến Thiên Chúa nên khác với cái Người đã “mạc khải” về mình trong Đức Giê-su Ki-tô… biến Thiên Chúa thành một kẻ giải quyết mọi chuyện của chúng ta với “quyền lực” Người…

Nếu Đức Giê-su đã chìu theo sự thách thức ! Nếu Người đã nghe chúng ta, đã nghe Xa-tan ! Thì Người đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa “dổm”. Nhưng Thần Khí của Thiên Chúa đích thực, Thiên Chúa duy nhất đích thực, đã “đẩy” Đức Giê-su Con Ngài xa khỏi những màn quảng cáo, những đám đông bon chen, những thành công ồn ào ngoạn mục… mà vào “hoang địa”! Thiên Chúa duy nhất đích thực, chính là vị “Thiên Chúa mai ẩn”. “Lạy Chúa, thánh vịnh 88 từng hỏi, Ngài còn lánh mặt đến bao giờ? “.

Người còn “lánh mặt trong hoang địa 40 ngày”. Dài thật ! Nếu quen với Thánh Kinh, tất cả chúng ta đều biết Đông phương xưa thích các con số… nhưng lúc ấy chúng chưa có ý nghĩa toán học như ta gán bây giờ : thông thường, chúng có một giá trị “biểu tượng”. Con số 40, ví dụ vậy, là con số quy ước chỉ “thời gian một đời người”: do đó nó nói lên “một giai đoạn khá dài chẳng biết chính xác bao nhiêu”. Mỗi khi một người Do Thái thông thạo Kinh Thánh nghe chữ “bốn mươi” này, anh ta liền nghĩ tới cuộc Xuất hành, cuộc giải phóng khỏi Ai cập, đến thời gian cư trú nơi hoang địa vốn đã kéo dài “bốn mươi năm”. Mô-sê đã ở “bốn mươi ngày” trên núi (Xh 34,28). Ê-li-a đã đi “bốn mươi ngày” trong hoang địa (1V 19,8). Phần chúng ta, trong mùa chay này, chúng ta có khả năng “bước” bốn mươi ngày chăng ?

“Trong 40 ngày đó, Đức Giê-su bị Xa-tan cám dỗ”. Mc không nói Người “ăn chay” như Mt và Lc. Ông cũng chẳng bảo cuộc cám dỗ xảy ra “cuối” 40 ngày… nhưng suốt thời gian Đức Giê-su lưu trú hoang địa. “Bị cám dỗ 40 ngày” như thế có nghĩa là Đức Giê-su bị cám dỗ suốt cả đời người… đặc biệt khi bắt đầu sứ vụ “Con Thiên Chúa”. Nhưng chớ quên rằng Đức Giê-su ở “một mình” trong hoang địa. Chẳng có ai khác chứng kiến các cơn cám dỗ của Người, cơn cám dỗ “làm Con” theo quan niệm thế gian, theo quan niệm ma quỷ. Thành thử chính Đức Giê-su, một hôm nào đó, đã tâm sự chuyện ấy với bạn hữu Người. Một số giáo phụ nghĩ rằng chính là vào dịp “Phê-rô tuyên tín tại Xê-da-rê”, khi ông thừa nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, khi Đức Giê-su tiên báo Con Người sẽ chịu khổ nạn, khi cũng một “cám dỗ” tương tự xuất phát từ phía Phê-rô khiến Đức Giê-su bó buộc phải đốp lại vị tông đồ trưởng “Xa-tan, xéo lui sau Ta !” (Mc 8,27-33). Rất có thể tưởng tượng rằng khi ấy Đức Giê-su đã “thú nhận” với họ mình cũng đã từng bị cám dỗ “làm những dấu chỉ lừng lẫy” ra khỏi vai trò Người Con “nhập thể trong xác thịt yếu đuối”… để mình bị mắc bẫy Xa-tan, kẻ không ngớt đẩy Người (và môn đồ Người, Giáo Hội Người) “lên nắm quyền lực”, biểu diễn thần tính, đáp ứng nỗi chờ mong sặc màu chính trị của dân Ít-ra-en.

2. Kết quả của chiến thắng.

“Người sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ”. Đây cũng còn là một thành ngữ Kinh Thánh được mã hóa, cần khám phá ra ý nghĩa. Khác với Mt và Lc, Mác-cô không minh nhiên nói rằng Đức Giê-su chiến thắng cơn cám dỗ. Ông diễn tả điều đó qua hai thành ngữ “dã thú”, “thiên thần”… Đây là một ngôn ngữ biểu tượng truyền thống : như A-đam trong vườn địa đàng sống với dã thú (St 2,19), niềm hy vọng Mê-si-a cũng từng chờ mong sự trở lại của cảnh “thái hòa” nầy: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ… Bé thơ còn đang bú giỡn chơi kề hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn ổ mang” (Is 11,1-9). Vâng, trong khi con người đầu tiên là A-đam đã chìm theo cơn cám dỗ muốn “tề thiên” (bằng trời), “làm thần”, “nên như Thiên Chúa” khiến mình xung đột với bản thân, tha nhân, vạn vật… thì Đức Giê-su đã chiến thắng cám dỗ ấy ; do đó mối hòa giải lớn lao, cảnh sống chung an bình giữa người với thiên nhiên được thực hiện.

Khi con người từ chối “thống trị”, từ chối hình ảnh một “Thiên Chúa nào đó”, chấp nhận sự “bất lực” của mình, sống với niềm “tin kính mến yêu”… chỉ khi ấy nó mới gặp lại địa đàng, mới là người theo ý Thiên Chúa nổi! Chỉ khi ấy nó mới lại thấy mình an bình hòa hiệp với anh em, với vũ trụ, với “dã thú”, với “các thiên sứ”, với “đất trời”… Chỉ khi ấy nó mới thật là “con” Thiên Chúa, theo lòng Thiên Chúa, Đấng không thống trị, không áp đặt, Đấng “yêu thương” đến độ bỏ mình, chết trên cây thập giá vì chúng ta. Sự tàn phá thiên nhiên và hủy hoại môi trường sống, chiến tranh hận thù và tham nhũng bóc lột, việc đánh mất lẽ sống và sự bình an tâm hồn như đang thấy trong thế giới hôm nay, tất cả đều phát xuất tự chủ nghĩa vô thần duy vật, tự thái độ chối bỏ Thiên Chúa và muốn chiếm chỗ của Người.

“Sau khi ông Gio-an bị bắt giam, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã gần bên. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Một cuộc sáng tạo mới bắt đầu ! Một lịch sử mới của nhân loại khởi sự ! Xa-tan đã chiến bại. Đức Giê-su đã toàn thắng. Không phải “ma quỷ” là Chúa. Không phải kẻ “thống trị” là Chúa, không phải tên “Đối thủ” là Chúa nhưng là chính Thiên Chúa, chính Tình Yêu… Đó là “Triều Đại” duy nhất đích thực. Đó là Tin Vui to lớn tuyệt vời. Nhưng cuộc chiến của “đức tin” chưa chấm dứt. Xa-tan luôn tiếp tục đề nghị với chúng ta ý tưởng “Thiên Chúa” của nó. Thế nên Đức Giê-su kêu mời chúng ta chớ chấp thuận : phải không ngừng từ chối một hình ảnh (sai lạc !) về Thiên Chúa, để mở lòng mình đón nhận Thiên Chúa đích thực. Lạy Chúa, “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, xin giúp chúng con hoán cải tâm hồn.

Lời cầu nguyện này có thể nói đã được chấp nhận cách nào đó trong đời của Alfred Nobel (1833-1896), người mà trên thế giới hiện nay không mấy ai không nghe tên tuổi. Một buổi sáng năm 1866, Nobel đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt. Tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của ông, mà họ gọi là “vua chất nổ”. Thật ra đây chỉ là lầm lẫn của một ký giả nào đó. Nhưng dù sao cũng là dịp Nobel đọc được cảm nghĩ thiên hạ đang có về mình. Trên môi miệng và tâm trí mọi người, ông chỉ là kẻ làm giàu trên cái chết của không biết bao sinh mạng do chất nổ gây ra. Khi đưa ra phát minh này, ông đã ngây thơ nghĩ rằng từ nay nhân loại sẽ sợ hãi chiến tranh, vì tác dụng quá khủng khiếp của sản phẩm do ông chế tạo, và nhất định sẽ chỉ sử dụng nó trong công nghiệp. Thế nhưng thiên hạ đã “tận tình” khai thác “phát minh quý hóa” đó để giết nhau, khiến Nobel trở thành tỷ phú. Nhưng từ đấy tâm hồn ông luôn bị dằn vặt. Cái tin vịt và danh hiệu không đáng vui “vua kinh doanh cái chết” năm 1886 đã khiến ông quyết định đổi đời, làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Thế là ông đã viết ngay chúc thư trối lại tất cả tài sản để thành lập giải thưởng tặng cho ai có những đóng góp lớn lao trong lãnh vực văn chương, khoa học và nhất là hòa bình. Các giải thưởng này bắt đầu được phát từ năm 1901.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi