Tin mừng Mc 1,21-28
Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.
Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”. Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
************************************
MỘT SỨC MẠNH MỚI
Năm 1973, cuốn phim “Thầy trừ quỷ” (Exorcist) của đạo diễn William Friedkin người Mỹ ra đời đã phá kỷ lục bán vé. Chỉ trong hai tuần, mọi chi phí đã được thu lại. Phim kể chuyện một thanh niên bị quỷ ám giống hệt anh chàng trong Tin Mừng hôm nay. Nó được xây dựng dựa trên trường hợp có thực của một cậu bé 14 tuổi, sống tại vùng Mt. Raimer, bang Maryland, Hoa Kỳ, năm 1949. Tờ Newsweek (Tuần Tin Tức) đã mô tả trường hợp này như sau : “Tranh ảnh, ghế bàn và chiếc giường của cậu bé đột nhiên di động. Về đêm hầu như cậu ta không thể nào ngủ được. Sau khi được đưa vào bệnh viện trường đại học công giáo Georgetown, cậu bé bắt đầu lầm bầm trong miệng những lời nguyền rủa hung hãn bằng nhiều thứ cổ ngữ ; và đến một lúc nào đó, dẫu cậu đang bị cột vào chiếc giường ngủ, trên thân thể cậu vẫn hiện ra những vết cào dài đẫm máu”. Cuối cùng, cậu đã sống sót nhờ được trừ tà, và hiện đang sinh sống tại thủ đô Washington. Vị linh mục già từng tham gia vào việc đuổi quỷ khỏi cậu cho biết kinh nghiệm này đã thực sự biến đổi cuộc sống mình tốt đẹp hơn và củng cố đức tin mình hơn.
Câu chuyện này, cùng với bao nhiêu chiến thắng khác của các tín hữu Ki-tô (đặc biệt các thánh) trên quyền lực sự dữ qua bao thế kỷ chỉ là tiếp nối và khai triển sức mạnh đã được Đức Giê-su bày tỏ và đem đến thế gian này, bắt đầu từ biến cố trong Tin Mừng hôm nay.
1. Lời nói quyền uy
Đức Giê-su vừa mới kêu gọi bốn môn đồ. Đó là trang được suy niệm Chúa nhật tuần trước. Bây giờ, Người không cô đơn nữa. Nên đúng là một toán năm người đi vào một thành ven bờ hồ Ga-li-lê. Từ nay, Mác-cô sẽ cho ta thấy họ luôn ở với nhau, làm thành một nhóm, “Đức Giê-su và các môn đệ”. Trong một ngôn ngữ nặng chất thần học hơn, thánh Phao-lô sẽ nói đến “Thân thể Đức Ki-tô” mà chúng ta là các “chi thể”. Mác-cô gợi lên cũng thực tại ấy, nhưng với một phương pháp ngôn ngữ khác, cụ thể hơn nhiều. Điều Đức Giê-su sắp làm chút nữa, thì chính “Người-cùng-môn-đệ” làm! Đây là công trình Giáo Hội.
Họ vào Ca-phác-na-um, biểu tượng của vùng “Ga-li-lê dân ngoại”, mảnh đất sẽ được ưu tiên rao giảng Tin Mừng, vì nó đặc biệt cần thiết điều này. Ca-phác-na-um ! Y như ngày nay nói tới Marseille, Amsterdam, Hồng Kông hay Hải Phòng, những thành phố cảng. Một trong những chỗ ghé qua, pha trộn đủ thứ chủng tộc. Đi vào đó, Đức Giê-su và môn đệ nhận ra các thủy thủ, con buôn, nông dân… khuôn mặt ngăm đen của dân du mục từ sa mạc gần kề… quần áo rách bươm của những người khốn khổ và y phục đắt tiền của mấy tay trưởng giả Rô-ma…, nhận ra lính tráng làm cảnh binh cho lũ ngoại xâm và tên thu thuế Mát-thêu đáng tởm đang bóc lột cho quân chiếm đóng. Đấy là cái thế giới ô hợp Đức Giê-su đã biết và đã chọn.
Nhưng sau khi quay cả “nhóm”, caméra của Mác-cô giờ chơi “cận cảnh”, tập trung vào con người có vẻ hướng dẫn chỉ đạo, một “cư dân Na-da-rét” nào đó mà cho tới nay là thợ mộc ở một thôn xóm trong đất liền, tên Giê-su. Mác-cô giờ đây mô tả cho ta “một ngày tiêu biểu” của ông Giê-su ấy cùng nhóm với ông, “ngày Ca-phác-na-um” nổi tiếng, qua 4 “hoạt động” đặc trưng toàn thể sứ vụ của Đức GS (cũng như của GH và của mỗi Ki-tô hữu) : giảng dạy-trừ quỷ-chữa bệnh- cầu nguyện. Và tất cả những cái đó sắp xảy ra trong cùng 1 ngày : từ rạng đông này đến rạng đông kia (Mc 1,21-35). Bản tóm tắt đầy ý nghĩa đó bắt đầu, mà chắc không phải tình cờ, “trong hội đường, một ngày sa-bát”. Đó là nơi chính thức của Do Thái giáo, Nhà của mọi người, Nhà của Lề luật. Đức Giê-su lập tức đến nơi thiên hạ quy tụ nhiều nhất. Người tìm cách tiếp xúc.
“Và Người giảng dạy” ở đó. Trong cùng một hàng, đã có ba chữ “didakê”, “giảng dạy”. Đối với Đức Giê-su, giảng dạy, rao lời Thiên Chúa, là chuyện hàng đầu! Việc trừ quỷ đúng nghĩa sẽ được đặt giữa hai khẳng định về việc giảng dạy của Đức Giê-su. Thành thử đây là vai trò đầu tiên của Đức Giê-su (và của Giáo Hội). Mác-cô không cho biết nội dung bài giảng. Ông đã nói cái đó trong bốn câu ở trang trước rồi : “Thời kỳ đã mãn… Triều đại Thiên Chúa gần đến… Anh em hãy sám hối… và tin vào Tin Mừng…”. Cái làm Mác-cô lưu tâm chính là phản ứng của thính giả : họ hoàn toàn bị thu hút… Đức Giê-su là một diễn giả theo nghĩa mạnh nhất của từ này… Thiên hạ “sửng sốt” về cách Người giảng dạy. Nhưng đó không phải do giọng nói, một hiệu quả nhân tạo, song vì lời Người thấu tận tâm can, đặt ra những câu hỏi đích thực ai nấy đều đặt cho mình và mang lại một câu đáp được chờ đợi vì “thật” đến tận đáy hữu thể! Sao lại được như thế ? Ta hãy nhớ thánh Gio-an đã long trọng khai mở sách Tin Mừng bằng cách nói về Đức Giê-su như sau: “Tự nguyên thủy đã có Ngôi Lời… Vì Ngôi Lời là Thiên Chúa và Ngôi Lời đã mặc lấy xác thể”. Mác-cô cũng nói với chúng ta y chang như vậy nhưng trong một ngôn từ khác : Đức Giê-su là Lời của một Thiên Chúa tự mạc khải, Lời gây sửng sốt, Lời quyết định…
Các “kinh sư” truyền thống chỉ biết lặp lại những bài đã học. Còn Đức Giê-su lập tức gây chú ý bằng “uy quyền” của lời Người, vốn xuất phát từ nội tâm Người. Đức Giê-su nói “về” Thiên Chúa, vâng, nhưng Thiên Chúa lại chính là sự sống của Người! Ta cảm nhận được điều này, khi ai đó nói với một xác tín nhất định : “Anh ta tin vào đấy! Anh ta dấn thân trong lời mình. Không phải kiểu tán phét, nói dóc, nhưng thiệt sự !”. Vâng, Đức Giê-su dấn thân trong những gì mình nói, khác với các ký lục… Phần tôi, khi nói về Thiên Chúa, Giáo Hội, tôi có làm cho thiên hạ cảm nhận được xác tín của mình không? Tôi là một “kinh sư” hay một “nhân chứng”? Phải chăng tôi chỉ lặp đi lặp lại những bài đã học, như tự bên ngoài? Hay lời Thiên Chúa đã trở thành “của tôi”, đã được nội tâm hóa, nên “da thịt của tôi”?
2. Hành động hiệu quả.
“Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập la lên…” Chúng ta quả là đang ở trong bối cảnh Đông phương ! Cuốn phim của Franco Zeffirelli (“Đức Giê-su thành Na-da-rét”) đã diễn rất tuyệt sự kiện ấy: người ta múa may, la hét, kích động. Mác-cô không ngần ngại tô vẽ cho cảnh tượng bùng nổ này : trước hết là “tiếng kêu” vang lên ngay giữa bài giảng! Rồi “Đức Giê-su quát mắng”: bầu khí thành kịch liệt! Và “lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng”, thần ô uế xuất khỏi anh ta!
Trong Tân Ước có ba mươi lần đề cập tới “thần ô uế” mà có khi cũng được dịch là “quỷ”, vì trong thực tế, từ “ô uế” ở đây không liên can gì đến “dục tính” mà chỉ có nghĩa đối lập với “thánh thiện”. Riêng Mác-cô sẽ sử dụng từ “thần ô uế” này đến mười một lần. “Thần ô uế”, đó chính là “kẻ chống lại sự thánh thiện của Thiên Chúa”: ta thấy nó được mô tả đầy đủ ở đây. Nó “làm khổ” con người! Nó ngăn đương sự trở thành người thật. Kẻ bị “làm khổ” chính là biểu tượng của con người “bị tha hóa”, “bị chiếm hữu”, bị một sức mạnh siêu phàm khống chế, trói buộc.
Đứng trước việc “trừ quỷ” này của Đức Giê-su, chúng ta có thể bị hai thái độ cám dỗ, hai thái độ thực ra khá giống nhau, ngăn cản chúng ta hiểu sâu cảnh tượng: thái độ thứ nhất là chán ghét và loại bỏ bản văn kỳ lạ này, xem nó như lỗi thời cổ hủ… thái độ thứ hai, ngược lại, là thích thú với vẻ ngoài huyền diệu của bản văn (theo kiểu người làm phim “Thầy trừ quỷ”, sử dụng xảo thuật điện ảnh để tạo sự khủng khiếp). Thực ra, Mác-cô mở đầu hoạt động của Đức Giê-su bằng một cuộc trừ quỷ, là vì ông coi đó như “tóm tắt” hoàn hảo tất cả công trình Người: Đức Giê-su đến giải phóng con người nô lệ khỏi những mảnh lực tha hóa nó… thế giới nay đổi chủ… triều đại Thiên Chúa bắt đầu !
Nhưng trước giây phút đó, ma quỷ đã muốn tiết lộ căn tính đích thật của Đức Giê-su. Nó đi từ tước hiệu vô thưởng vô phạt “Giê-su Na-da-rét” sang tước hiệu tuyệt vời “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Đức Giê-su đâu phải là thứ thầy pháp trừ tà nông thôn như thấy khắp nơi lúc ấy, một thứ phù thủy hay thuật sĩ. Giữa “Thần ô uế/Thần dữ” và “Thiên Chúa” có sự xung khắc hoàn toàn : Satan thật sự tuyên chiến với Thiên Chúa. “Ông chen vào làm gì? Có gì chung giữa ông và tôi? Ông muốn nói gì ở tôi vậy ?” Đấy là “tiếng kêu” của quỷ. Phần chúng ta thế nào? Có quan niệm cuộc sống Ki-tô hữu của mình với Đức Giê-su như một trận chiến giải thoát chăng ? Những ai thuộc “nhóm Đức Giê-su” phải chờ đợi chuyện ấy. Các lực lượng đối nghịch nổi lên dữ dội chống lại Người. Phải chăng tôi là chiến binh với Đức Giê-su ? Tôi phải giải thoát anh em và chính tôi khỏi cảnh tha hóa, khỏi sự độc dữ nào ?
“Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Từ Hy Lạp được dùng ở đây (quát mắng) có nghĩa là “khóa mõm”, “đe dọa”… Đứng trước cơn bão cuồng nộ trên hồ, chữ này cũng được sử dụng (x. Mc 4,39). Nó diễn tả sự toàn thắng của quyền lực của Đấng phục sinh trên sức mạnh ma quỷ : khi Thiên Chúa xuất hiện, thần dữ bị đánh bại hoàn toàn.
Chúng ta nhận thấy có một chi tiết rất ý nghĩa. Trong khi loài người thắc mắc kinh ngạc về “nhân cách/căn tính” Đức Giê-su thì ma quỷ lại biết rõ Người. Phải chăng nhờ bản tính thiêng liêng của chúng ? Nhưng Người đã bắt chúng câm miệng : “Im đi!” Căn tính đích thực của Đức Giê-su chỉ có thể được tiết lộ dần dần : tuyên bố quá sớm Người là “Con Thiên Chúa”, “Đấng Thánh của Thiên Chúa” đúng là việc của ma quỷ. Chỉ trước thập giá mà một “con người”, một kẻ ngoại, viên bách quản trực nhật, mới có thể thốt lên tiếng này cách giá trị thôi (x. Mc 15,39).
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi