“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần khi mặt trời chưa thức giấc, có cô thôn nữ trầm buồn lê gót tìm về một nghĩa trang đìu hiu, nơi vừa chôn cất Thầy mình; đến nơi, cô thấy tảng đá lấp mộ lăn ra một bên, xác Thầy không còn, cô tự hỏi, “Phải chăng có người lấy mất xác Thầy?”; và kìa, hai thiên thần bảo cô, “Sao lại tìm người sống giữa những kẻ chết?”.
Cũng sáng hôm ấy, cũng ngôi mộ ấy, có hai người đàn ông, một trẻ, một già hối hả đến nơi; họ chạy thẳng vào ngôi mộ trống; dải băng liệm còn đó, khăn cuộn đầu còn đây. Và Gioan, người trai trẻ ấy cũng là tác giả Tin Mừng viết, “Ông đã thấy và đã tin”.
Rồi cũng chiều ngày hôm ấy, một chiều rất buồn, có hai người bạn thất chí tìm về một làng quê, về với ghe gọ ruộng vườn sau những năm tháng theo Thầy mà xem ra họ đã mất cả chài lẫn chì… thì kìa, một khách bộ hành xuất hiện, cùng đi, cùng thảo luận và cùng đồng bàn để họ vừa kịp nhận ra Thầy mình khi Ngài bẻ bánh thì Ngài lại biến mất.
Lại một buổi sáng tờ mờ tinh sương nửa thực nửa mơ, bên một bờ hồ, khi các bạn chài đang buồn rười rượi sau một đêm hoài sức, Đấng từ cõi chết hiện ra, đượm tình Thầy, thắm tình trò, đầy nghĩa đệ huynh. Chúa Phục Sinh đang lui cui chuẩn bị bánh cá cho các bạn Ngài với bếp lửa hồng lung linh trong gió, dưới ánh trăng tỏ lấp ló trong mây, và “Không ai dám hỏi ông là ai vì mọi người đã nhận ra Thầy”.
Một cách nào đó, thánh sử Marcô hôm nay tổng kết những trình thuật phục sinh của bốn Phúc Âm một cách tài tình như thế, và tác giả kết thúc với lời của Chúa Phục Sinh, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Tin Mừng này là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào người Con ấy, thì được sống đời đời”; Tin Mừng này là “Hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương anh em”; Tin Mừng này là “Điều mà anh em làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Thầy đây là anh em làm cho chính Thầy”.
Trong những ngày qua, tại Grenoble, một thành phố xinh đẹp miền đông nam nước Pháp, người ta nhắc đến ông chủ nhà hàng Obobun, anh Phan Việt Phong. Nhà hàng đóng cửa… nhưng bếp Obobun vẫn mở. Mỗi ngày, anh đích thân vào bếp với một số nhân viên để nấu hàng trăm phần bún bò đem tặng các y bác sĩ bệnh viện CHU Grenoble và hai bệnh viện khác. Các phần ăn được đóng gói cẩn thận và trước khi chuyển ra xe, anh không quên ghi trên nắp thùng những lời cầu nguyện, những lời chúc phúc và cảm ơn gửi tới các y bác sĩ, “Dành cho những con người đẹp đẽ”, “Cảm ơn vì các bạn đã ở đây lúc này”… Những phần ăn kèm theo những lời cổ vũ, tri ân được trao đi; những dòng biết ơn, cảm tạ được gửi lại, “Bạn không thể tưởng tượng niềm hạnh phúc mà bạn mang lại cho chúng tôi trưa nay”, “Cảm ơn bạn một lần nữa, tuyệt vời ngon và thật ấm áp”. Một nhân viên nhắn tin xin không nhận lương cho đến hết đợt nghỉ dịch; anh cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ khác, người cung cấp rau, kẻ khác cho gia vị, người thì vận chuyển. Thật đúng như ngạn ngữ Pháp, “Một hành động tốt sẽ kéo theo những việc tốt khác”. Anh tâm sự, “Gần 20 năm sống tại Pháp, tôi chưa bao giờ hạnh phúc đến thế khi cảm nhận sâu sắc tình người ấm áp giữa lúc khó khăn”. Trên trang cá nhân, anh viết, “Đó chính là ‘mùa xuân trong mùa dịch’”.
Anh Chị em,
Đã có lần Chúa Giêsu nói với một ký lục, “Ông cũng hãy đi và làm như thế”. Sống mầu nhiệm phục sinh là đi và làm như thế; loan báo Tin Mừng là đi và làm như thế.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, hãy xô con tới phía trước, để ngay hôm nay, con cũng đi và làm như thế”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)