Muối đất, đèn trời – Suy niệm Chúa Nhật 5 thường niên – Năm A

03/02/2023

Tin Mừng Mt 5,13-16

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

************************************

MUỐI ĐẤT, ĐÈN TRỜI

Cha Jacques Loew (1908-1999, người Pháp) là một linh mục dòng Đa-minh nổi tiếng, một trong những tông đồ gương mẫu của thế kỷ XX. Đang khi là sinh viên luật, ngài trở lại Công giáo năm 1934, vào dòng Đa-minh, chịu chức linh mục năm 1939. Năm 1955, giữa lúc trông coi một họ đạo vùng ngoại ô Marseille (miền Nam nước Pháp), cha lập một hội tông đồ truyền giáo (về sau lớn mạnh) nhằm thúc đẩy giáo xứ tham gia việc rao giảng Tin Mừng. Năm 1968, cha lại thành lập một Trường dạy Đức tin tại Fribourg (Thụy Sĩ) theo yêu cầu của linh mục René Voillaume, đấng sáng lập dòng Tiểu đệ Tiểu muội. Ngài từng được bạn thân là thánh Giáo hoàng Phaolô VI mời giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều tại Vatican năm 1970.

Trước đó, vào năm 1942, với phép của bề trên, cha Jacques Loew đến hải cảng Marseille để làm phu bến tàu, hầu truyền giáo cho anh em lao động (theo phong trào Linh mục-thợ lúc bấy giờ). Dẫu với thiện chí, cha vẫn bị giới chủ nhân lẫn công nhân nghi ngờ và đối xử lãnh đạm. Thế nhưng cha nhất quyết sống yêu thương, chia sẻ theo tinh thần Tin Mừng, trong tươi vui, âm thầm, nhẫn nhục, phục vụ. Cho đến một hôm, một công nhân vô thần nói với cha: “Thưa linh mục, tôi thì không tin có Thiên Chúa; nhưng nếu Người có, chắc Người cũng giống linh mục !” “Nghe thế, cha Loew kể lại sau này, bao nhiêu nỗi nhục nhằn, vất vả suốt mấy năm trời của tôi như tan biến. Tôi cảm thấy Thiên Chúa hình như đã chiếu giãi ánh sáng của Người qua tôi. Muối của Người trong tôi xem ra đã bắt đầu có tác dụng”. Sau thời gian 3 năm làm tông đồ kiểu đó, cha Jacques Loew công bố một bản điều tra về các phu bến tàu tại Marseille mà đã khiến dẫn tới một đạo luật cải thiện điều kiện làm việc của họ.

1- Muối cho cuộc đời.

Chủ đề “nên muối và ánh sáng” đi tiếp ngay sau các mối Phúc thật. Điều đó muốn nói khi chúng ta thật sự nghèo khó tâm hồn, hiền lành, đói khát công chính, trong sạch, có lòng thương xót, xây dựng hòa bình, can đảm chịu gian khổ vì Nước Trời, lúc ấy chúng ta mới là hương vị của Thiên Chúa và là ánh sáng của Người như cha Jacques Loew trong câu chuyện trên đây.

Trong thực tế, biết bao người chúng ta gặp thường ngày có cuộc sống thật buồn tẻ, vô vị. “Món cháo”, “món canh”, “món thịt nướng” đời họ thật nhạt thếch, vô nghĩa, chẳng ai (thậm chí bản thân họ) chịu nổi. Họ đang chờ chúng ta “muối”! Khốn thay nếu chúng ta ra nhạt hoặc chỉ là những bình đựng muối mà chẳng có muối bên trong.                   

Các nhà bác học cho ta biết muối được sử dụng vào khoảng 1400 việc khác nhau, từ trong y học, hóa học đến kỹ nghệ thực phẩm. Chẳng hạn muối được dùng như một chất khử trùng (x. Xh 43,24), làm giảm chỗ đau vì nọc ong chích. Biểu tượng thật rõ rệt : những điều xấu của thế gian có thể được sửa chữa hay ít nhất giảm đi nhờ sử dụng muối đức tin. Như muối bảo quản thực phẩm khỏi hư thối, thì những ai tin theo Chúa Ki-tô cũng phải gìn giữ những người họ gặp gỡ khỏi những giải đáp suy đồi lầm lạc đối với những vấn đề quan trọng của đời sống.

Muối còn là biểu tượng của tình bằng hữu. Thật thế, trong nhiều nền văn hóa, muối được dùng để tặng khách. Dân Nga mời khách bằng bánh mì chấm muối. Dân Việt đón khách với muối chấm gừng (“Tay bưng đĩa muối chấm gừng. Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, ca dao). Muối đức tin phải làm chúng ta nên thân hữu cả với kẻ thù nghịch là vậy, và đó là loại tác dụng Chúa Giê-su đặc biệt muốn chúng ta phải mang (x. bài Tin Mừng các Chúa nhật sau). Người cũng muốn chúng ta dùng muối làm gia vị cho lời ăn tiếng nói, nghĩa là phải nói năng với nhiệt thành và thân ái của con cái Chúa, với khôn ngoan và hiểu biết do lòng tin vào Người : “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp với mỗi người sao cho phải” (Cl 4,6). Muối còn là hình ảnh của bác ái, gia vị không thể thiếu cho các mối tương quan giữa con người : “Anh em hãy giữ muối trong lòng và sống với nhau thật hòa thuận” (Mc 9,50).

2- Ánh sáng cho trần gian.        

Khi Đức Giê-su nói : “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”, chúng ta liên tưởng ngay đến các thánh hiển tu, đồng trinh, tử đạo… của hôm qua và hôm nay, đến một chứng nhân nào đó, chứ không phải đến bản thân mình. Thật nực cười nếu nghĩ rằng chúng ta đang là ánh sáng. Thế nhưng Chúa còn nói rõ : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi”. Một ước muốn đồng thời là một mệnh lệnh, và như thế chấp nhận được. Nhất là Người còn thêm : “Để thiên hạ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Thiên Chúa”. Quan trọng không phải là hư danh của tôi, nhưng là vinh quang của Đấng ngự trên trời.

Có hai cách loan báo về Thiên Chúa : lời nói và hành vi của tín hữu. Ở đây, Đức Giê-su gợi lên cách thức thứ hai: “Thấy những công việc tốt đẹp anh em làm”. Hiển nhiên ta nghĩ tới lòng bác ái huynh đệ, vì đúng là tình yêu tế nhị và quảng đại của một tín hữu dễ lôi kéo lương dân đến với Thiên Chúa. Nhưng thiết tưởng người ta hay quên một lối làm chứng khác nữa: đó là can đảm sống đạo, hoàn tất nhiệm vụ đời tín hữu. Khi thiên hạ khám phá ra một kẻ rõ rệt tuyệt vời nhờ cố sức tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, họ sẽ cảm xúc ngay: “Nếu đức tin đúng là như thế, thì có lẽ cũng đáng công thật”. Giáo hội tăng trưởng mạnh vào những thời kỳ bị bách hại dữ dằn mà đa số tín hữu vẫn trung thành đến chết.

Có một thiếu nữ tật nguyền, hoàn toàn bại liệt. Cô từng sống với mẹ, nhưng bà vừa mới mất. Khổ thay, cô chẳng tìm ra được một ai đến giúp cô trở mình, ngồi lên vào những giờ khắc nhất định. “Thế nhưng, tôi vẫn tin tưởng, cố sống từng ngày, cô viết cho một người bạn. Mọi sự thật đen tối khi nghĩ đến tương lai, nhưng tôi thoát ra khỏi đó nhờ hành vi tin tưởng. Tôi nói với Chúa: Đó, Chúa thấy con đang thế nào !” Bức thư này là một ánh sáng cho chúng ta, nó giúp chúng ta hiểu rõ điều mà một thần học gia, cha Edward Schillebeeckx, gọi là “kinh nghiệm phó thác”. Ấy là đứng trước cái xem ra đối với nhân loài là không có thể hay không chịu được, thế mà vẫn tiến lên: “Với Ngài, lạy Chúa, con sẽ có thể làm được”. Khi một tín hữu tỏ rõ kinh nghiệm này trong một tình huống khó khăn, kinh khủng, người ấy sẽ trở nên một niềm hy vọng có thể sờ thấy và là ánh sáng rạng rỡ.

Nhưng không chỉ có những chứng tá về đức anh dũng và tình yêu thương như thế. Chúng ta là ánh sáng khi với bất cứ giá nào, chúng ta cũng chỉ nói sự thật, bênh công lý. Chúng ta là ánh sáng khi xong cầu nguyện, chúng ta mang đến cho người khác một chút bình an tươi vui. Chúng ta là ánh sáng khi đang tham dự thánh lễ, chúng ta chống trả thói lo ra và máy móc để “hiện diện” trong tư tưởng, lời kinh, cử chỉ của mình. Một vị tư tế chắp hai tay đầy vẻ cung kính khi cử hành thánh lễ là ánh sáng. Một linh mục nói : “Chúng ta hãy thú nhận tội lỗi của chúng ta” y như nói : “Sáng nay trời lạnh” thì không phải là ánh sáng. Một bà mẹ bị đứa con lên 8 hỏi : “Đức Trinh Nữ có con như thế nào ?” mà trả lời : “Lo ăn cho rồi, mày chỉ quấy rầy tao” thì không phải là ánh sáng. Chúng ta trở nên ánh sáng khi đức tin thấm vào da thịt đến độ mọi phản ứng của ta đều là những hoạt động của Chúa Giê-su trong ta. Chúng ta là ánh sáng theo mức độ chúng ta là Người.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi