Ngày Chúa trở lại – Suy niệm Chúa Nhật 32 thường niên – Năm A

10/11/2023

Tin Mừng Mt 25,1-13

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: Chú rể kia rồi ! Ra đón đi !’ Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng : ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn chúng em sắp tắt rồi !’ Các cô khôn đáp : ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn’.

“Đang lúc các cô đi mua thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi : ‘Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với !’ Nhưng Người đáp : ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !’ Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”.

************************************

NGÀY CHÚA TRỞ LẠI

Hơn 1940 năm trước, chính xác là năm 79 Công nguyên, núi lửa Vésuve ở Ý đã phun lên. Khi nó ngưng phun lửa, thành phố Pompéi dưới chân nó đã bị chôn vùi dưới gần 6 mét phún thạch. Thành phố nằm yên như thế mãi đến thế kỷ 18, lúc các nhà khảo cổ khai quật nó lên. Ai ai cũng ngạc nhiên về những điều khám phá được. Bánh mì thành than nhưng vẫn nguyên dạng, trái cây vẫn tiếp tục bốc mùi, những trái ô-liu vẫn còn nổi trong chảo. Tuy nhiên, có những khám phá khiến người ta còn sửng sốt hơn. Phun thạch đã làm đông cứng mọi người ngay trong tư thế họ đang có khi cơn đại họa ập xuống. Các thân thể dĩ nhiên đều bị hư hoại, nhưng chúng đã để lại những lỗ trống trong lớp tro cứng và dày. Dùng cách đổ thạch cao lỏng vào các lỗ trống đó, các nhà khảo cổ học đã khôi phục được hình hài các nạn nhân. Một số tượng này đã gây xúc động. Chẳng hạn có một thiếu phụ đang quấn chặt đứa con trong đôi tay mình, hoặc một lính canh Rô-ma đang đứng thẳng người tại trạm gác, trên người trang bị vũ khí đầy đủ. Nạn nhân thứ ba là một người đàn ông tay cầm gươm trong tư thế chiến đấu, chân đang đặt trên một đống vàng bạc. Rải rác quanh anh là năm xác khác, có lẽ là những kẻ dự định cướp của đã bị anh hạ thủ. Câu chuyện những bức tượng thạch cao này minh họa sống động cho hai chủ đề trong trình thuật Tin Mừng hôm nay.

1. Sống trong sự chờ đợi Chúa.

Ngay từ đầu trình thuật, Đức Giê-su không ngần ngại cho chúng ta một hình ảnh xinh đẹp, trẻ trung, vui tươi : mười nàng trinh nữ. Nét duyên dáng của các cô gái này còn nổi bật lên nhờ cử chỉ của họ : cầm một ngọn đèn bước đi trong đêm. Họ được “mời” dự một cuộc “gặp gỡ”. Một ai đó kết hôn : chú rể chờ đợi họ. Cựu Ước vẫn thường trình bày Thiên Chúa như Phu quân của Ít-ra-en. Khi Mát-thêu viết trình thuật này, hình ảnh đám cưới đã rõ ràng được sống thực : đích thân Đức Giê-su là Hôn phu nhiệm mầu… và chính Giáo hội, chính mỗi người chúng ta là hôn thê (xem 1Cr 11,2). Đính hôn. Thành hôn. Tình yêu. Toàn là những hình ảnh xinh đẹp, sống động, hạnh phúc. Dụ ngôn hôm nay thành thử đưa ta đi sâu vào lòng Đức Giê-su : Người tự coi mình như một hôn phu đang yêu nhân loại. Hình ảnh biểu tượng này, vốn tràn ngập Kinh Thánh Cựu Ước, nổi lên nhiều chỗ trong các Tin Mừng : Mc 2,19; Lc 5,34; Mt 9,15; Ga 3,29. Đối với chúng ta, cuộc sống Ki-tô hữu phải chăng như thế? Phải chăng là việc một hôn thê đi đón hôn phu của mình? Phải chăng là khát vọng cháy bỏng về một cuộc gặp gỡ tình yêu?

“Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn…”. Như mọi khi, Đức Giê-su không cất lời để chỉ kể cho nghe một chuyện vui nho nhỏ. Hãy nhớ vào lúc Người kể dụ ngôn này, bối cảnh rất bi thảm : Đức Giê-su chỉ còn vài hôm nữa là chết, chết cách đau đớn. Người vừa tấn công phái Pha-ri-sêu dữ dội. Giờ đây “vụ án Giê-su” đã có trong tâm trí các đối thủ của Người… họ đã quyết định giết Người như “từng giết các ngôn sứ” (Mt 23,34-37). Năm cô “dại” Người nói đến không chỉ là những ả “khờ dại”, “thiếu phòng xa”. Từ Hy-lạp có nghĩa mạnh hơn nhiều. Đây là chuyện “điên dại” thực sự. Và theo nghĩa Kinh Thánh, người “điên dại” trước hết chẳng phải là kẻ ngu ngốc, thiếu nhận thức, nhưng là kẻ “vô đạo”, điên rồ đến độ chống lại Thiên Chúa : “Kẻ ngu si tự nhủ: làm chi có Chúa Trời!” (Tv 14,1). Trong Tin Mừng, cũng tiếng ấy chỉ kẻ không đem thực hành lời Đức Giê-su (x. Mt 7,26), chỉ những người Pha-ri-sêu “ngu si mù quáng” (Mt 23,17). Năm cô “dại” thành thử không chỉ là những thiếu nữ dễ thương nhưng ngớ ngẩn, lơ đễnh đãng trí. Đó liên can tới một thái độ tinh thần căn bản : “khôn” là kẻ đặt lời mình trên nền tảng Thiên Chúa… “dại” là kẻ đặt đời mình trên nền tảng những giá trị nghèo hèn của nhân loại. Vâng ! Cuộc sống là một cái gì rất nghiêm chỉnh : người ta phải tập chọn lựa dần dần để được hay mất tất cả. Đức Giê-su nhắc chúng ta nhớ điều ấy bằng cách phác thảo chân dung năm trinh nữ khôn và năm trinh nữ dại.

Nhưng dẫu câu chuyện chỉ mô tả một đám cưới thông thường, chỉ tiết vẫn xem ra hơi kỳ quái : “Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả”. Hiển nhiên ta đang nghe một ngôn ngữ biểu tượng. Trong “Diễn từ Cánh chung” chúng đang nằm vào (Mt 24-25), các chi tiết này hết sức nổi bật. Đó cũng là ý tưởng trong dụ ngôn nói đến tên đầy tớ đang khi đợi chủ về, đã bắt đầu tỏ ra hung ác say sưa vì “chủ về chậm” (Mt 24,48-49). Đợi chờ ! Đợi chờ một ai đến trễ. Trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng mình trông đợi Đức Giê-su trở lại : “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Nhưng ngày gặp gỡ thì không thể tiên liệu. Và Đức Giê-su cảnh giác : nguy cơ nghiêm trọng là ngủ quên. Hình ảnh giấc ngủ thật đánh động : “ngủ” thay vì “sống” đời Ki-tô hữu. Cứ mải đợi chờ TC, “Đấng đến trễ”, xem ra xa vời, ta rút cục đâm mệt mỏi, và thế là nguội lạnh, đờ đẫn, quen nếp.

“Nửa đêm, có tiếng la lên”. Thiên Chúa bao giờ cũng đến “ban đêm” (Mt 24,43-44; Mc 13,35-36; Lc 12,20.39-40; 1Tx 5,2). Một tiếng kêu lớn xé tan màn đêm tĩnh mịch. Cảnh tượng thành ra được cố ý bi thảm hóa. Tiếng la làm ai nấy giật mình : Thiên Chúa đến bất ngờ “vào giờ người ta không ngờ tới” (Mt 24,44), “như chớp lóe từ đông sang tây” (Mt 24,27). Giây phút duy nhất quan trọng đối với mỗi người chính thật là giây phút ấy : giây phút của Thiên Chúa… giây phút của “gặp gỡ”… giây phút mà đối với mỗi một chúng ta, vĩnh cửu xuyên qua và xé toạc thời gian như trong một tiếng kêu bất ngờ. Chẳng ai biết lúc nào điều ấy tới. Hôm nay ? Ngày mai ? Trong một năm, mười năm nữa ? Đức Giê-su cảnh giác chúng ta : bởi thế phải sẵn sàng. Vậy là chúng ta được tiên báo, một lần thay cho tất cả.

2. Chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Người.

“Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy và sửa soạn đèn”. Trong trình thuật của Đức Giê-su, hết thảy đều ngủ : khôn cũng như dại… Mọi cô đều có lỗi trong việc đợi chờ. Trong ngôn ngữ biểu tượng, tất cả đều đã bất trung. Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con ! Chúa không ngạc nhiên vì những yếu đuối của chúng con. Nhưng Chúa chờ đợi nơi chúng con những gì ? Ít nhất cũng để “đèn sáng”. Chúa đâu có đòi điều bất khả : chỉ cần chút tỉnh thức còn lại, một ngọn đèn nhỏ tiếp tục “canh đêm” đang khi chúng con ngủ. Nhưng các cô dại thì thế nào ? Đèn các cô tắt cả. Đành phải xin các cô khôn nhưng đã bị từ chối khéo. Đến chỗ này, luôn luôn có người công phẫn vì thái độ ích kỷ của những trinh nữ gọi là “khôn”. Phản ứng như thế là chẳng hiểu gì về thể văn “dụ ngôn” cả. Chúng ta đã thường nhận xét : mọi chi tiết trong đó không luôn mang bài học. Ở đây, rõ ràng là Đức Giê-su không thể muốn nói : hãy chỉ nghĩ đến mình… từ chối giúp tha nhân đi… cứ giữ cho mình của cải ! Người đã nói ngược lại đủ trong nhiều đoạn Tin Mừng khác. Nhưng Người hẳn có một bài học lớn muốn dạy chúng ta qua chi tiết khó có thật như thế, một chi tiết cố ý phóng đại, như trong một bức biếm họa để người ta thấy rõ. Vậy Đức Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì ? Xin nghe phần tiếp câu chuyện.

“Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi : “Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng chú rể đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” Các “trinh nữ dại” đã không biết sẵn sàng. Như những người khác, họ đã nhọc công, nhưng quá trễ ! Như những người khác, họ đã thắp đèn lên lại, nhưng quá trễ ! Như những người khác, họ đã đến cửa phòng tiệc cưới, nhưng quá trễ ! Đây là điều Đức Giê-su muốn nói. Có phải chúng ta được chọn ngày giờ đâu ! Hiển nhiên đây không phải là một chú rể bình thường (ai lại nỡ làm thế trong ngày cưới !) nhưng chính là vị Quan án của Ngày Chung thẩm : “Không phải những ai nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Cha thôi” (Mt 7,21).

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Phán quyết khủng khiếp này nêu bật tất cả tính nghiêm trọng của tự do chúng ta. Việc chúng ta đã được yêu đâu phải là chuyện cười. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, các “cô dại” đã bị loại khỏi phòng tiệc cưới chỉ vì trước hết, họ đã loại Thiên Chúa. Phán quyết Thiên Chúa đưa ra chỉ diễn tả cái họ đã đáng chịu vì chính thái độ của họ. Biệt phái (Pha-ri-sêu) thời Đức Giê-su hẳn rất hiểu điều này. Nhưng bây giờ là chúng ta, là tôi, là bạn. Bạn có sẵn sàng không ? có tỉnh thức không ? Có sợ cảnh dân thành Pompéi không ?

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi