LỄ GIÁNG SINH NĂM A
(THÁNH LỄ BAN NGÀY)
Tin Mừng Ga 1,1-18
Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà được tạo thành, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của người phàm, hoặc do ước muốn của đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”.
Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. Thiên Chúa, chưa có ai thấy bao giờ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
************************************
NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI
Đối với mọi người, Ki-tô hữu hay không, Giáng Sinh là máng cỏ, mục đồng, Mẹ Ma-ri-a, Hài nhi Giê-su. Tất cả những cái ấy đều thật. Đó là bài Tin Mừng Thánh lễ nửa đêm và Thánh lễ rạng đông, được Lu-ca viết (chúng ta đã/sẽ giải thích bài này trong các năm B và C). Nhưng mầu nhiệm kính nhớ hôm nay phong phú đến độ phải có nhiều bài Tin Mừng để giúp chúng ta đi một chút vào trong cái biến cố đã biến đổi bộ mặt trái đất, và sau hơn 2000 năm, vẫn còn lay động biết bao con người thuộc mọi dân tộc khắp hoàn vũ. Thành thử chúng ta cũng đọc Lời tựa theo thánh Gio-an.
1a. Ngôi Lời nơi Thiên Chúa
“Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa”. Đức Giê-su đã sinh ra ở Bê-lem cách đây hơn 2000 năm, nhưng trước đó, khi chưa có thời gian, Người đã được sinh ra rồi. Thánh Gio-an đưa chúng ta nhảy một bước lên tới “khởi đầu”, nghĩa là từ muôn muôn thuở, từ trong vĩnh cửu. Như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính: “Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”.
Để diễn tả mầu nhiệm ấy, Gio-an sử dụng chữ “Lời” (Ngôi Lời). Ông muốn qua đó gợi cho ta thấy nơi Thiên Chúa có một hoạt động nội tâm. Đấy là Người có thể có nhiều ý tưởng, chứa nhiều nội dung. Nhưng ý tưởng cao cả nhất, có nội dung tuyệt vời nhất, đáng Thiên Chúa nghĩ đến nhất, đó chính là bản thân Người. Chứ sao nữa? Ý tưởng này -do Thiên Chúa sinh ra trong chính Người- diễn tả trọn vẹn bản tính của Người, vì thế được gọi là “Tâm từ”, “Lời nội tâm”, nói gọn là “Lời” và trở thành một ngôi vị, Ngôi Lời, Ngôi Con, Chúa Con (như rồi đây -hiểu theo nghĩa từ muôn thuở- tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con cũng biến thành một ngôi vị mang tên Chúa Thánh Thần). Thành thử trước khi sinh ra bên ngoài, trước khi làm con người dưới trần gian, trước khi tỏ mình trong máng cỏ, Ngôi Lời đã tiền hữu (hiện hữu trước rồi) bên trong Chúa Cha. Khi nhìn Đức Giê-su sinh ra dưới thế, ta chớ quên rằng đó là Thiên Chúa đang tự mạc khải: “Ai thấy tôi, là thấy Cha” (Ga 12,45; 14,9). Là Lời Thiên Chúa, Người sẽ “bày tỏ Thiên Chúa” đúng bản tính cho chúng ta, sẽ cho chúng ta “thấy được Thiên Chúa” trọn vẹn.
Sau sự “sinh ra đời đời” của Ngôi Lời Thiên Chúa, nay Gio-an nhắc đến sự “sinh thành thế gian”: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”. Biểu hiện đầu tiên của Thiên Chúa, thành thử chính là việc sáng tạo. Thế giới “nói” cho ta biết Thiên Chúa, vũ hoàn “nói” với ta về Đấng Sáng tạo. Khi nhìn tinh tú, trái đất, hoa cỏ, các kỳ diệu của tế bào sinh vật và của nguyên tử, khi nhìn con người, nhìn một hài nhi, nhìn sự sống và ánh sáng… chúng ta đã có được một ý tưởng về Thiên Chúa rồi: Người tự “bày tỏ”, Người đã “thông ban” một cái gì đó của Người trong những gì Người đã tạo dựng. Và tuyệt đối không chi hiện hữu ngoài Người… Và giữa mọi thụ tạo này, Đức Giê-su là “trưởng tử”!
Sau sự “sinh ra đời đời” và “sinh thành thế gian”, này đây, theo các nhà chú giải, là sự “sinh phát công trình Cứu rỗi, sự sống và ánh sáng cho loài người”. Thật thế, từ ngữ “sự sống” trong thánh Gio-an, hầu như luôn luôn có nghĩa “sự sống vĩnh cửu”, “sự sống thần linh”, “sự sống siêu nhiên”… chứ chẳng phải là sự sống tự nhiên. “Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống”. Công trình của Đức Giê-su là thế: sự sống duy nhất đích thực cho nhân loại nằm ở nơi Người, trong cuộc khổ nạn phục sinh của Người. Như thế, trong 5 câu đầu, Gio-an đã phác họa cho chúng ta bức tranh vĩ đại và toàn diện về dự tính của Thiên Chúa: Ba Ngôi, Sáng tạo, Cứu chuộc. Từ muôn thuở, từ trong mầu nhiệm Tình yêu của Người, Thiên Chúa đã mơ ước chia sẻ sự sống của Người cho chúng ta.
1b. Chứng nhân của Ánh sáng
“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an… ”. Sau khi lên rất cao trong chiêm niệm, tác giả Tin Mừng thứ tư xuống lại dưới thấp. Vì trong trình thuật mở đầu này, ông muốn kể lại chính tiểu sử Đức Giê-su. Thế mà Đức Giê-su là một sự kiện lịch sử không thể chối cãi, đã được lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả chuẩn bị. Ông này chỉ là một “con người” chứ chẳng phải là “Ánh sáng” (thánh sử nhấn mạnh điểm đó để chớ có ai lạm chiếm chỗ Thiên Chúa hay chỗ Đấng Mê-si-a của Người). Nhưng Thiên Chúa lại cần đến con người. Đức Giê-su đã cần đến Gio-an Tẩy giả. Và để sinh ra đêm Giáng sinh, Người đã cần đến Đức Ma-ri-a. Sau khi đã quyết định “tạo dựng” nhân loại có trách nhiệm và tự do, như một kẻ thật sự đồng vai vế trước mặt Người, Thiên Chúa đã “chơi lối chơi” của loài người. Bình thường, không ai đạt đến niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, mà trước hết lại chẳng thông qua nhiều trung gian, nhiều chứng nhân… nghĩa là qua nhiều con người nam nữ “dọn đường” cho Ánh sáng.
2a. Ngôi Lời giữa loài người
“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”. Chỉ mình Đức Giê-su mạc khải cho ta biết chiều sâu của vạn vật, ý nghĩa chung quyết của mọi sự. Và ánh sáng của Ngôi Lời trải rộng ra cho “tất cả”, chẳng trừ ai. Vâng, Thiên Chúa “nói” trong tâm mỗi người mỗi cách, không thể biết được. Người chẳng ở xa mỗi chúng ta, vì Người là “ánh sáng” đôi khi nhỏ bé soi sáng cuộc sống tăm tối của chúng ta. “Người ở giữa thế gian, thế gian đã nhờ Người mà được tạo thành, nhưng lại không nhận biết Người”. Toàn bộ Tin Mừng thánh Gio-an luôn nói đến thế đôi ngả đáng sợ này: đứng trước Đức Giê-su, có những kẻ gắn bó và chống đối, có những kẻ tin và không tin. Thập giá đã in hình trên máng cỏ: loài người từ chối “tin vào” Tình yêu, thành thử là từ chối Sự Sống và Ánh Sáng…
“Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa…”. Như thế, trong cùng một văn bản, chúng ta được mạc khải về hai kiểu “sinh ra” của Ngôi Lời, đồng thời cũng được biết hai kiểu sinh ra của chính chúng ta: một là sinh ra do “khí huyết”, qua “ước muốn của người phàm”, hai là sinh ra cách thần linh, “bởi Thiên Chúa”… Thành thử có một “sự sống thần linh” giữa lòng hữu thể mỏng dòn của chúng ta, và sự sống ấy “vĩnh cửu”, “đời đời”, như thánh Gio-an không ngừng nói đi nói lại (Ga 3,15-16.36; 4,14; 5,24.39; 6,27.40. 47.54.68; 10,28; 12,25.50; 17,2-3). Thế nhưng, theo lối giải thích sâu xa câu này, kiểu sinh ra cách thần linh có “hai mức độ”, được Gio-an dùng hai thành ngữ để chỉ: “sinh bởi Thiên Chúa” và “nên con Thiên Chúa”. 1- “Sinh bởi Thiên Chúa”: điều này liên hệ đến mọi người. Không một con người nào hoàn toàn ở ngoài “sự sống” Thiên Chúa ban tặng. Thành thử chẳng bao giờ có cuộc sống phàm nhân nào mà Thiên Chúa chẳng hiện diện với. Thánh Phao-lô sẽ khai triển rõ rệt tư tưởng này: những ai không biết Đức Ki-tô, tức lương dân, cũng đều “sinh bởi Thiên Chúa” và có thể được cứu khi hoàn tất “luật ghi trong tâm họ” (Gr 31,33; 2Cr 3,2-3). 2- “Nên con cái Thiên Chúa”, đây là giai đoạn tiếp, dựa trên giai đoạn đầu: ta “trở thành” con cái Thiên Chúa khi “tin” vào danh Đức Giê-su. Ở đây chúng ta có thành ngữ rất mạnh kêu mời những ai “đã sống” nhờ Thiên Chúa cách mặc nhiên, hãy “trở thành con Thiên Chúa” cách minh nhiên bằng việc học đạo và chịu phép rửa, nghĩa là công khai đi vào Giáo hội, Dân hữu hình của Thiên Chúa.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm (thành xác phàm. Nguyễn Thế Thuấn) và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật”. Nay chúng ta được đưa trở lại cách cụ thể với Hài nhi Bê-lem: trong chuồng bò, trên rơm cỏ nghèo nàn như phận người chúng ta, chúng ta có thể chiêm ngưỡng “xác phàm” Thiên Chúa đã mặc. Vâng, Người đã nên “hèn yếu” để ban cho ta “vinh quang” của Người… Người đã nên “dễ chết” để ban cho ta sự “bất tử” của Người… Người đã nên “phàm nhân” để ta được làm “thần thánh”, như các Giáo phụ thời đầu đã mạnh dạn khẳng định. Đứng trước cái thế giới bừng tỉnh và trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội trong đó mọi sự xem ra sụp đổ, vào chính lúc Attila và quân man di của ông đang bao vây Rô-ma thế kỷ IV, thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả đã kêu lên trong một bài giảng Giáng sinh nổi tiếng. “Hỡi Ki-tô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hóa bằng việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua” (Bài đọc 2 giờ Kinh sách ngày 25-12).
Ngôi Lời, Con Một, đã mang lấy xác phàm! Lúc nãy, để nói về chúng ta, Gio-an đã dùng thành ngữ “con Thiên Chúa”. Nhưng ở đây, ông sử dụng thành ngữ chỉ dành cho Đức Giê-su: “Con Một Thiên Chúa”… Chức làm con của Đức Giê-su là độc nhất vô nhị. Rồi để gợi lên cho ta mầu nhiệm ấy, mà chỉ đức tin mới đưa ta vào, Gio-an sử dụng, ở đây nữa, một từ rất chính xác và rất biểu đạt: “éskénôsèn”, “Người cư ngụ giữa”… mà đúng ra phải dịch “Người đã cắm lều” ở giữa chúng ta. Từ này đã được dùng trong Bản 70 (bản dịch Cựu Ước ra tiếng Hy-lạp) để diễn tả khái niệm “Shékinah” (thần cư) của Do-thái: “TC ở” giữa dân Người: qua “Lều tạm” trong hoang địa, rồi “Đền thờ” Giê-ru-sa-lem, nhưng từ đây qua “xác thể” của Hài nhi Bê-lem.
2b. Chứng nhân của Đấng Vĩnh cửu
“Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. Trong đoạn hai về Gio-an Tẩy giả này, lại một đợt sóng mới trong tư tưởng trôn ốc lên dần của thánh sử.
Gio-an Tẩy giả, ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, chứng nhân đầu tiên của Đức Giê-su Ki-tô, tái khẳng định sự khác biệt bản tính giữa ông với Người: chúng ta sinh ra trong thời gian, còn Đức Giê-su sinh ra trước thời gian… Chúng ta được “thần hóa” khiến trở thành con cái Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su là “Thiên Chúa” từ muôn muôn thuở. “Người đã đến sau tôi nhưng lại có trước tôi!”
3a. Ngôi Lời, nguồn ơn Thiên Chúa cho loài người
“Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có”. Câu chuyện Thiên Chúa với nhân loài là một công cuộc tuyệt diệu, đong đầy thương mến: “hết ơn huệ này đến ơn huệ khác”, “tình yêu nhưng không lại đến tình yêu nhưng không”. Lề luật đã được ban cho Mô-sê, và tất cả cuộc mạo hiểm của dân Ít-ra-en cũ đã là một chuyện tình tuyệt vời, một lịch sử Giao ước: hai từ “ân sủng và sự thật” đặc trưng hành động của Thiên Chúa từ muôn thuở. Nhưng trong Đức Giê-su, có thể nói điều đó tràn ngập, “viên mãn”! Nhân loại từ nay “đầy tràn” Thiên Chúa! Trong đức tin của Ma-ri-a, gương mẫu của mọi kẻ tin tương lai, nhân loại “cưu mang” Thiên Chúa và sinh ra Người giữa lòng mình. Và ngày nay, cũng như mọi thời, “muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người… nên cùng rên riết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19.22). Vâng, hôm nay, trong ngày Giáng sinh này “ân sủng và sự thật do Đức Giê-su Ki-tô” đang sinh ra giữa lòng nhân loại.
“Thiên Chúa, chưa có ai thấy bao giờ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người mới tỏ cho chúng ta biết”. Tình yêu của vị Thiên Chúa này cao cả biết bao! Biết mình siêu việt, vượt trên mọi thụ tạo, không thể “xem thấy” như một trong các vật ở trần thế, Người cũng đã “nhập thể” trong Đức Giê-su. Nên khi nhìn Đức Giê-su, chúng ta có thể đoán biết Thiên Chúa mai ẩn đó là gì. Khi nghe lời Đức Giê-su, chúng ta có thể biết vị Thiên Chúa im lặng đó nghĩ gì và muốn gì.
3b. Trung gian của Đấng ban Luật.
Để đề cao, nêu bật Ngôi Lời một lần nữa, Gio-an nhắc đến một nhân vật lớn của Cựu Ước là Mô-sê. Nhưng dù kiệt xuất, Mô-sê cũng chỉ là trung gian của Lề luật mà Thiên Chúa đã ban cho Ít-ra-en rồi cho nhân loại (Thập điều), rồi Lề luật Mô-sê cũng chỉ là một ân huệ bất toàn phải nhường chỗ cho những ân huệ của nhiệm cục mới và phải được Đức Ki-tô hoàn thiện qua Luật Tình yêu (Bát phúc). Ngoài ra, tác giả Tin Mừng, khi đối chiếu hai trung gian (Mô-sê – Giê-su) ở đây, còn có thâm ý dọn đường cho những cuộc khẩu chiến lẫn bút chiến giữa giữa các Tông đồ (môn đệ Đức Giê-su) và phái Pha-ri-sêu (môn đệ ông Mô-sê) mà rồi đây chúng ta sẽ thấy trong các Tin Mừng và trong các thư Phao-lô.
Kết: Thành thử “Lời tựa” Tin Mừng thánh Gio-an hòa hợp với tất cả những gì tiếp theo: trong Đức Giê-su, Thiên Chúa nói với loài người, mạc khải bí mật và mầu nhiệm của Người. Ai “yêu mến”, dù là Ki-tô hữu hay không, thì cũng đã “kết hợp” với Thiên Chúa và “sinh bởi Thiên Chúa”… Nhưng ai “tin vào Đức Giê-su” thì đi vào trong một sự viên mãn mới, nhờ “biết” Thiên Chúa và “trở nên con cái Người”.
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi