Người có hiện diện cho chúng ta không? – Suy niệm Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm B

10/04/2024

Tin Mừng Lc 24,35-48

35 Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em !”  37Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay tay chân ra cho các ông xem. 41Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. 45Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, sẽ từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.

************************************

NGƯỜI CÓ HIỆN DIỆN CHO CHÚNG TA KHÔNG?

Theo thông lệ hằng năm, như Chúa nhật 1 và 2 Phục sinh, bài Tin Mừng Chúa nhật thứ 3 này cũng tường thuật một cuộc hiện ra của Đấng Sống lại. Câu chuyện bắt đầu từ sau chuyến trở về của hai môn đệ làng Em-mau. Họ vừa “thuật lại cho nhóm Mười Một và các bạn hữu những gì đã xảy ra dọc đường, và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”, thì Người lại một lần nữa đến đứng giữa họ.

Ở đây, ta gặp lại 3 phần tiêu biểu của các cuộc hiện ra sau Phục sinh: 1- Đức Giê-su có sáng kiến ; 2- Người tự tỏ mình ; 3- Người ủy thác cho các môn đệ một sứ mệnh. Bản văn được Lu-ca soạn rất kỹ nhằm cho thấy Đức Giê-su đã làm thế nào để đưa các môn đồ từ từ đi tới đỉnh cao của thông điệp Vượt qua. Ở cc.36-43 (…ăn trước mặt các ông): Đức Giê-su khắc phục tâm trạng yếu tin của các ông bằng những dấu chỉ cụ thể chứng tỏ Người đã phục sinh ; ở cc.44-48: Người giúp các ông hiểu rõ Kinh Thánh và xác định nhiệm vụ của các ông là làm chứng Người đã sống lại.

1. Người lại hiện diện giữa các môn đệ

Một lần nữa, Đức Giê-su lại hiện đến đứng giữa họ. “Người đã đứng giữa họ”. Để đánh giá được lời khẳng định này, phải nghĩ lại những gì các môn đệ vừa trải qua: cái chết của Đức Giê-su và việc an táng Người. Khi đặt tử thi này vào trong mộ, họ đã chôn cả niềm hy vọng của họ luôn: “Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en… Thế nhưng các thượng tế và thủ lãnh đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi” (Lc 24,20-21). Nhưng đột nhiên Người có đó ! Kẻ đã chết, đã bị đóng đinh, đã bị chôn vùi đang đứng đó. Sống động ! “Giữa họ”. Điều chúng ta đọc hôm nay, có lẽ rất ư bình thản, chính là điều họ đã cố gắng kể lại, và chẳng phải là việc dễ dàng. “Người đã tự tỏ mình”, họ bảo. Họ đã chẳng thấy Người đến, đã chẳng nghe Người gõ cửa (Gio-an sẽ nói rõ: cửa đóng). Người đứng đó, mỉm cười, bình thản, kẻ từng được tháo khỏi thập giá và đặt vào trong một nấm mộ.

Họ nhớ lại những gì mình đã nghĩ: “Không thể được ! Đây là một bóng ma, là tất cả những gì người ta muốn, nhưng không phải là con người chúng ta đã thấy từ trần”. Họ đã chần chừ ! Và các chần chừ ấy đã được kể lại cách trung thực cho ta để ta sống lại hết sức có thể kinh nghiệm Phục sinh của họ: “Người đã chết, nhưng nay Người đang sống”.

Đức Giê-su lường đúng cái bước mà môn đệ Người phải làm, và chúng ta cũng phải làm sau họ. “Vâng, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” Đấng hiện ra với các môn đệ không phải là một xác chết hiện hình, cũng chẳng phải là “hồn mai phách quế”. Đó chính là kẻ đã từng ăn uống với họ, từng đụng chạm đến họ trước khi chịu khổ hình. Hoàn toàn không phải là một ảo ảnh… Họ có thể thấy Người, sờ đến Người. Đúng là Người. Và vì họ sướng điên lên (Lu-ca tìm một cái lý để bào chữa cho sự cứng tin của các môn đồ) nhưng vẫn còn hoài nghi, Người cho họ thêm một bằng cớ nữa: “ăn trước mắt họ”.

Mắt họ ! Đó bây giờ là những con mắt của đức tin chúng ta. Vì có nhiều người, cách đây hai ngàn năm, đã thấy Đức Giê-su chết rồi sống lại, nên khi tin vào mắt họ (đức tin chúng ta dựa trên chứng nhân và chứng từ), chúng ta đi vào đức tin Ki-tô giáo: Đức Giê-su đúng là Con Thiên Chúa trở thành một con người, bị đóng đinh, chịu an táng, và được công nhận là vẫn sống sáng ngày Vượt qua.           

2. Một sự hiện diện mới mẻ giữa chúng ta

Nhưng không phải là một kẻ sống như La-da-rô sau cuộc hồi sinh của mình. Lu-ca nhấn mạnh đến “xác thể tính” của Đức Giê-su phục sinh để chúng ta chớ nghĩ rằng các Tông đồ đã có những ảo tưởng, ảo tưởng cá nhân hay tập thể ; họ đã thực sự cảm nghiệm “một” sự hiện diện của Đức Giê-su hằng sống. Chính đó là điều cần tin, mà đừng cố hình dung, tưởng tượng “thân xác phục sinh” của Người. (Chớ nghĩ Đấng Phục sinh vẫn còn có những nhu cầu ăn uống. Thần học sẽ chỉ nói rằng đó là một thân xác chẳng còn lệ thuộc thời gian và không gian nữa). 

Đức Giê-su từ nay thuộc về “thế giới khác”, mà cái nhìn của chúng ta cũng như các môn đệ không thể vươn tới được. Với các từ của mình, Lu-ca cố gắng tả cho chúng ta điều khó tả: Đức Giê-su đã trở lại với sự sống. Dẫu mặc hình thức nào mới chăng nữa, thì để vẫn là của con người, sự sống này cần phải diễn ra trong một thân xác và qua một thân xác. (Nên nhớ Lu-ca viết cho giới Hy-lạp quen xem thể xác là vật hèn mạt và sự kiện Phục sinh là điều phi lý. Xem Cv 17,32; 1Cr 15,12).

Từ đó, tất cả đều là mầu nhiệm, và các tác giả Tân Ước, ngoài từ phục sinh (sống lại, chỗi dậy: résurrection) còn dùng một từ khác: tôn vinh (siêu thăng, rước lên trời: exaltation). Nghĩa là một sự phục sinh tuyệt đối độc nhất vô nhị. Đức Giê-su đã trở về với cuộc sống con người, nhưng là một cuộc sống con người cách khác hẳn, có thể vươn đến mọi người và cứu rỗi mọi người. Nhờ cuộc phục sinh, Người hiện diện với bất cứ ai, bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

Việc La-da-rô, con gái ông Gia-ia, con trai bà góa thành Na-im đã tìm lại được sự sống cho một vài năm, điều đó đã chẳng thay đổi cuộc sống chúng ta lẫn thế giới. Trái lại, cuộc phục sinh-tôn vinh của Đức Giê-su từ nay không những làm cho Người trở thành Đấng Sống trên đó cái chết chẳng còn quyền hành gì, nhưng còn là Nguồn sự sống nữa.

Sự sống nào đây ? “Sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu” như thánh Gio-an sẽ nói, chính sự sống của Đấng Vĩnh cửu, Đấng Đời Đời mà Đức Giê-su phục sinh từ đây có thể thông ban cho mọi người: “Ai khát, hãy đến với tôi ! Ai tin vào tôi, hãy đến mà uống !” (Ga 7,37). “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (6,54)

Tin vào Người, uống sự sống xuất phát từ Người, ăn mình và máu Người, biết mình chiến thắng sự chết như Người, những điều này tùy thuộc việc chúng ta tán đồng nhiều ít câu chuyện chúng ta suy niệm hôm nay: “Người đã đến, đứng giữa họ”. Chúng ta có tin Người đang hiện diện giữa chúng ta, trong thế giới hiện thời của chúng ta không ? Hiện diện qua hoạt động Người, qua các hành vi bí tích, hiện diện trong anh em ? Hiện diện trong tôi đến độ tôi có thể nói: “Sự sống của tôi chính là Đức Ki-tô” như thánh Phao-lô đã phát biểu không ?

Đây chẳng phải là những mơ mộng đạo đức hay những sự thật chơi vơi giữa trời, nhưng là những kinh nghiệm phải có ngay lập tức, những kinh nghiệm sống với Đấng Hằng Sống. “Bất cứ tôi ở đâu, Đức Ki-tô cũng ở đó với tôi, trong giờ làm việc cũng như khi cầu nguyện, trong lúc buồn rầu và khi vui thỏa. Chúa đồng hành với tôi ở khắp mọi nơi tôi đi tới” (Thellier de Poncheville). Có như thế, chúng ta mới trở thành chứng nhân đích thực !

Một thanh niên kia hôm nọ tình cờ đi trên một con đường vắng và gặp quỷ Xa-tan. Mặt mày thật hung dữ, Xa-tan cầm chĩa ba tấn công anh ta tới tấp. Hắn hét to đến rợn người, đòi giết anh cho được. Sợ khiếp vía, anh nhìn chung quanh tìm người cầu cứu. Anh chợt thấy Đức Giê-su đứng cạnh đó, thản nhiên nhìn quỷ tấn công mình. Anh lùi về phía Chúa. Quỷ bước đến, anh lại lùi về phía Chúa nhưng Người lại lùi xa hơn. Cả ba lần như vậy, hoảng quá anh hét lên: “Chúa ơi, xin ra tay làm một việc gì mau đi ! Xin cứu con với !” Tức thì lúc đó Chúa bước ngay vào người anh. Quỷ Xa-tan thấy vậy, liền hoảng sợ bỏ chạy.

Nếu chúng ta có Chúa ở một bên cuộc đời, chúng ta sẽ lùi bước trước ma quỷ. Nhưng nếu có Chúa hiện diện trong con tim, làm chủ cuộc đời mình, thì quỷ Xa-tan lùi bước, không dám tấn công chúng ta.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi