Tin Mừng Mc 6,1-6
1 Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó ; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
************************************
NGƯỜI LẤY LÀM LẠ VÌ HỌ KHÔNG TIN
Trong thời gian rao giảng Tin Mừng ở Ga-li-lê, Đức Giê-su hẳn đã có nhiều dịp trở về Na-da-rét. Thế nhưng các tác giả Nhất lãm (x. Mt 13,54-58; Mc 6,1-6; Lc 4,16tt) đã chỉ ghi lại có một lần viếng thăm này, có lẽ vì các ông cho rằng thái độ khinh thường Đức Giê-su của đồng hương trong lần viếng thăm ấy đã tiêu biểu cho thái độ chối từ Người của dân Ít-ra-en (đồng tiên tổ với Người) và thái độ không tin Người đủ của bao Ki-tô hữu (đồng thân thể với Người).
1. Thái độ không tin của đồng hương Đức Giê-su
Phần đầu của cuộc viếng thăm này rất giống với những gì Mác-cô kể lại ở 1,21-28 (biến cố tại hội đường Ca-phác-na-um): “Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ hỏi nhau: ‘Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền…” (c.27). Nhưng phần kết lại khác hẳn. Ở đây, “nơi quê quán Người”, khán thính giả nghe mà ngạc nhiên, nhưng rồi chẳng tin gì ráo ! Do đâu vậy ? “Có thể là vì thời Đức Giê-su, người Do-thái có một niềm tin phổ biến cho rằng Đấng Mê-si-a phải có một nguồn gốc siêu phàm huyền nhiệm. Sau này, trong cuốn “Đối thoại với Try–phon”, thánh Giút-ti-nô (khoảng năm 150) sẽ làm vang vọng niềm tin này khi ghi lại ý kiến sau đây của nhiều học giả Do-thái: “Nếu có kẻ nói rằng Đấng Mê-si-a đã đến, thì người ta đâu biết ai. Chỉ khi Người tỏ mình trong vinh quang, thiên hạ mới nhận ra Người”. Đó đúng là luận điệu của dân làng Na-da-rét, mà cũng là luận điệu của dân thành Giê-ru-sa-lem được Tin Mừng Gio-an ghi lại: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu ; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến, chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27), nghĩa là chẳng ai biết rõ nguồn gốc của Người. Đối với dân làng Na-da-rét cũng thế, Đức Giê-su không thể là Đấng Mê-si-a được, vì ai nấy biết rõ tông tích họ hàng của Người” (M.E. Boismard).
Thế nên, từ chỗ là niềm hãnh diện, Đức Giê-su đã thành một chướng ngại khiến đồng hương của mình vấp ngã. Họ trở nên điếc lác và mù quáng, do đó, đã không thể đón nhận các ân huệ của Người, nhất là ân huệ Tin Mừng cứu rỗi. Thật ra, chẳng phải là họ không có lòng tin. Hằng tuần họ vẫn nhóm họp tại hội đường để thờ phượng Đức Chúa, Tạo Hóa và Chủ Tể lịch sử đấy chứ ! Nhưng lòng tin mà Đức Giê-su đòi không chỉ là lòng tin vào Thiên Chúa như Mô-sê đã truyền dạy, mà còn là lòng tin vào Người, Con Thiên Chúa hóa thân thành bác thợ mộc làng Na-da-rét. Hơn nữa, lòng tin Người đòi hỏi chẳng phải là một mớ tín điều lề luật, song là sự đảo lộn cuộc sống, là bước theo Người trên đường thập giá, đường yêu thương.
2. Thái độ không tin của môn đồ Đức Giê-su
Phần chúng ta, khi nghe được nhận xét ấy của Mác-cô (“Người lấy làm lạ vì họ không tin”) một nỗi sợ hãi có thể xâm chiếm chúng ta: tôi thì thế nào ? Sợ như thế là có phúc, vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ chú ý đủ tới tình trạng của đức tin chúng ta, vì việc sống một cái gì đó với Đức Giê-su hoàn toàn tùy thuộc sức mạnh của niềm tin tưởng vào Người. Mà đức tin là cái nhìn của chúng ta về Người, sự hiệp thông giữa chúng ta với Người, việc chúng ta nắm lấy Người, là phương thế để yêu Người ngày càng hơn và chẳng bao giờ “vì Người mà vấp ngã”.
Điều đã diễn ra tại Na-da-rét có thể xảy tới với chúng ta. Câu ngạn ngữ Người nhắc lại cho đồng hương: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình” cũng có thể nhắm chính các Ki-tô hữu. Và đây là trọng điểm của trình thuật.
Có lẽ Người ngạc nhiên về niềm tin của chúng ta, về cách chúng ta tin Người. Để tin vào Đức Giê-su, phải thường xuyên vượt quá tri thức chúng ta có về Người lúc này đây. Đối với chúng ta, Người chẳng phải là bác thợ mộc làng Na-da-rét, chúng ta đã chẳng sống với Người trong ba mươi năm tuổi trẻ của Người, các phản ứng của dân làng Na-da-rét đối với Người chẳng phải là vấn đề của chúng ta. Nhưng có lẽ chúng ta cũng đã sống với Người nhiều năm. Chúng ta đã biết Đức Giê-su của cha mẹ chúng ta, của cha xứ chúng ta, Đức Giê-su của cuốn giáo lý, của một phong trào Công giáo, Đức Giê-su của mọi sách báo ta đã đọc, thậm chí của các sách chống Người và chống đạo Người.
Thình lình, hay dần dần, chúng ta gặp cơn khủng hoảng kiểu dân làng Na-da-rét. Đức Giê-su là ai đối với tôi khi tôi đau khổ hay khi tôi thấy sự đau khổ ? Khi một tình yêu ngây ngất đem tôi xa khỏi Đấng tôi từng nói với: Chúa là tất cả của con ? Khi một cuốn sách mạnh mẽ và gây bối rối làm lung lay các xác tín của tôi ? Khi một mục tử, đại diện chính thức của Người, làm tôi ngỡ ngàng, bởi lẽ thay vì hy sinh cho đoàn chiên, vị ấy lại hy sinh đoàn chiên để xin xỏ xun xoe với quyền lực ?
Người vẫn có thể là Đức Giê-su của đời tôi, nếu tôi học biết Người cách khác. Phải chăng Người đã quá ư là phàm nhân, hay quá ư là Thiên Chúa đối với tôi ? Mầu nhiệm một kẻ vừa là người vừa là Chúa thật chẳng dễ chấp nhận và cảm nghiệm. Lắm kiểu không tin đã phát xuất từ cái mà thật ra là đá tảng của Ki-tô giáo này. Thành thử chớ dừng lại trong cuộc tìm kiếm của chúng ta. Đối với mỗi người, có một Đức Giê-su vô danh phải khám phá. Cơn khủng hoảng kiểu Na-da-rét, đó là do chúng ta có các ý tưởng quá xưa cũ về Người. Phải học hỏi về Người không ngừng qua Thánh Kinh, qua giáo lý, qua lời giảng dạy của Giáo Hội, qua đời sống các Ki-tô hữu chứng nhân.
Có lẽ Người ngạc nhiên về cách chúng ta sống đức tin vào Người. Để tin vào Người, phải thường xuyên đổi mới và cụ thể hóa cách sống đức tin chúng ta đang có lúc này đây. Chúng ta tưởng mình biết Người, coi Người là thành phần cuộc sống mình. So với những kẻ không tin thì chúng ta cùng làng với Người, đã luôn gặp gỡ Người. Sự thân mật với Người như thế làm chúng ta tự mãn, tự cho mình đã chu toàn bổn phận của một kẻ tin ; hay ngược lại, sự thân mật ấy khiến chúng ta thỉnh thoảng mệt mỏi, việc đọc Tin Mừng làm chúng ta chán ngán.
Vì chúng ta đã đọc cách đãng trí, uể oải, hay đọc mà chẳng mấy khi đem ra thực hiện. Hãy gỡ mình khỏi những cái nhìn lý thuyết về Đức Giê-su và về Ki-tô giáo. Hãy luôn tự vấn về sức sống của đức tin mình. Vì càng được đem sống, lòng tin càng giúp ta hiểu rõ về Đức Giê-su ; và càng hiểu rõ, đức tin càng có nhiều sáng kiến thực hành cụ thể đích thật. Người lúc đó mới có thể là Đức Giê-su cho chúng ta. Nỗi thất vọng của Người ở Na-da-rét phải động đến chúng ta thật sâu thẳm. Lạy Chúa, con không muốn làm Ngài thất vọng đến thế, thất vọng vì con chỉ biết tuyên xưng Chúa trên môi, qua những bài giảng thật hùng hồn, đang khi cuộc sống nơi con và quanh con chẳng được biến đổi.
Germaine Cousin (1579-1601) là một thiếu nữ quê mùa ở làng Pibrac, gần Toulouse, Pháp. Mẹ mất sớm, cô phải lớn lên trong hoàn cảnh bị cha ghét bỏ và dì ghẻ đối xử tàn tệ. Do không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình, bà bắt cô phải ngủ trong chuồng vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc nào cũng phải làm việc đang khi ăn uống rất kham khổ. Ngay khi chín tuổi, Germaine đã phải đi chăn cừu. Mặc những lao nhọc và bất công như thế, cô vẫn luôn vui vẻ chấp nhận. Cô cũng rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô cũng vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho các thiên thần chăm sóc. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại dù ở cạnh khu rừng đầy sói Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác. Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai cần đến cô, nhất là các trẻ em trong làng. Cô thường dạy cho chúng biết kính sợ Chúa Sự thánh thiện của Germaine bắt đầu được dân làng chú ý. Nhưng điều này cũng chẳng thay đổi gì tình trạng của cô trong gia đình. Cô vẫn hay bị trừng phạt vì chia sẻ lương thực cho kẻ ăn xin. Có lần vào mùa đông, vì nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, bà dì ghẻ đã giật ra nhưng chỉ thấy những bông hoa mùa hè thật đẹp. Gia đình bắt đầu nhận ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin được tiếp tục cuộc sống như trước. Năm cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ Pibrac. Bốn mươi ba năm sau, khi tân trang nhà thờ, thợ nề vô tình khai quật mộ của cô và người ta tìm thấy xác của cô vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của cô. Cô được Đức Piô IX phong thánh năm 1849 và đặt làm quan thầy các thiếu nữ thôn quê. Lễ mừng 15-06.
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi