Gioan Tẩy Giả có thể được mệnh danh là “Nhà rao giảng của Mùa Vọng”. Ngài là người dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Giêsu; Ngài đến trước để giới thiệu về Đức Giêsu và triều đại Nước Thiên Chúa. Mỗi năm, Phụng vụ lại giới thiệu sứ điệp của ngài cho chúng ta. Gioan Tẩy Giả, một ngôn sứ đầy tràn ơn Thánh Linh. Ngài làm Tiền Hô và là một nhà giảng thuyết di động, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối cầu ơn tha tội.
Thánh sử Luca kể về Gioan con ông Dacaria trong khung cảnh lịch sử của thế giới chính trị và tôn giáo thời bấy giờ cách uy nghiêm và trang trọng. Ơn gọi và hoạt động loan báo sứ điệp của thánh Gioan xảy ra vào năm thứ 15, dưới thời hoàng đế Tibêriô, năm 28, sau Tây lịch, bởi vì hoàng đế lên ngôi năm thứ 14. Quan toàn quyền Giuđêa lúc đó là Phongxiô Philatô. Palestine hồi ấy cũng gồm 3 châu quận do 3 quận vương cai trị là Hêrôđê Antipa, Philipphê và Lysania. Hai thượng tế vào thời này là thượng tế Anna (vào năm thứ 6 đến năm 14 sau công nguyên) và thượng tế Caipha (trị vì từ năm 18 đến năm 36 sau công nguyên).
Qua các sự kiện lịch sử chính trị và xã hội ấy, Thánh sử Luca cố ý nêu lên ý nghĩa thần học của lịch sử. Ngài muốn khẳng định rằng, chính Lời của Thiên Chúa tạo ra lịch sử. Tất cả mọi biến cố, mọi nhân vật, mọi thời đại, cách tiếp nối của các quyền bính và giới lãnh đạo trần gian, chỉ là khung cảnh trong đó Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Lời thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng diễn tả trước sứ điệp mà Chúa Giêsu Kitô loan báo sau này: Muốn được ơn cứu độ, con người phải lãnh nhận bí tích rửa tội, sám hối, hoán cải tâm lòng, thay đổi lối sống, canh tân tư tưởng và cung cách hành sự của mình, bởi vì Đấng Thiên Sai đã hiện diện giữa lòng trần gian.
Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ. Ngài vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước,vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau. Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Chúa Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.Nhưng Người cần Gioan để làm người tiền hô, dọn đường.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống đời sám hối và đền tạ tội lỗi trong nơi hoang vắng cho đến khi đủ khả năng để rao giảng.Trước khi là một người rao giảng, làm tiền hô, Gioan Tẩy Giả là một chứng nhân. Ngài sống tách biệt cách nhiệm nhặt trong hoang địa để cầu nguyện, ăn năn sám hối. Chính nhờ cuộc sống như vậy mà lời rao giảng của Gioan thực sự có sức hút. Ảnh hưởng của Gioan thật rộng lớn: từ khắp Giêrusalem, Giuđêa và tất cả miền Giođan đều tuôn đến xin ngài làm phép rửa, đồng thời lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Gioan rao giảng điều mình đã thực hiện, đã kinh nghiệm chứ không phải là một lý thuyết suông nào đó xa vời với chính bản thân ngài. Gioan Tẩy Giả thành công trong sứ mạng dọn đường cho Chúa cũng chính vì ngài vừa là chứng nhân vừa là một thầy giảng.
Con đường Gioan mời gọi tu sửa là đường trong lòng người. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo, hãy san cho thẳng. Những gì gò cao cần phải bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp; đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.
Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Khi Đức Giáo Hoàng hay vị nguyên thủ quốc gia đất nước nào muốn đến thăm viếng đất nước khác, vị Đại sứ hay đoàn Sứ gỉa được cử đến nơi đó hội đàm dọn đường, sắp đặt chương trình cho cuộc viếng thăm, có thể cả hằng năm trước đó.
Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thần dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua; như căn nhà cho Chúa ngự tới; Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nỗi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu.
Sửa đường là sám hối, không nói suông, không chỉ là đấm ngực, xé áo. Sám hối là nhận ra cái sai của mình và quyết tâm sửa đổi. Sám hối sẽ không là nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực; sám hối là sống công bằng, không tham lam nhũng lạm, không dùng quyền để cưỡng đoạt, áp bức người khác. Đường vào tâm hồn có những khúc quanh co: lén lút sống trong vòng tội lỗi, dối lừa. Sách Cách Ngôn có dạy “Thiên Chúa ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20). Cứu cánh của kẻ quanh co là gian ác, cho nên cần phải uốn nắn lòng mình thẳng ngay như sách Cách Ngôn nói : “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,28). Uốn những quanh co là sống chính trực công minh ngay thẳng ví như tác giả thư Do thái nhấn mạnh: “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9); Nếu lòng còn mãi quanh co, gập ghềnh, đầy những dối lừa biện minh cho những sai trái của mình… thì làm sao mà sửa đổi được!. Nếu không nhìn nhận mình sai lỗi thì làm sao có lòng thật tâm sửa lỗi. Sám hối đích thực là hoán cải. Hoán cải đòi hỏi phải hành động, phải trả giá, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát liên quan đến sự an toàn và tiện nghi của bản thân. Chỉ có sám hối và hoán cải cách đích thực thì mới dọn đường tâm hồn xứng đáng để đón Chúa.
Sửa đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén bạc cho chủ. Như người lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.
Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường được làm bằng đất đá, nhựa bê tông.Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển, trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.
Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi. Chính vì thế, Giáo hội muốn chúng ta sống 4 tuần lễ Mùa Vọng này như sống trong sa mạc: bình tâm hơn, ăn uống đạm bạc hơn, cầu nguyện nhiều hơn để biết rõ ý Chúa.
Sứ vụ của Gioan có hiệu quả chủ yếu bởi vì cuộc đời ngài là sứ điệp của ngài: sống những gì đã rao giảng. Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép rửa, sửa đường nội tâm. Ngài dọn lòng mình và lòng người khác để Chúa đến. Nếp sống giản dị của Gioan mang tâm tình sám hối, sửa đường. Gioan kêu gọi mọi người dọn tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế, và chính Gioan đã sống như con đường thẳng. Gioan mời gọi người ta sám hối, và chính đời ngài đã mang nét sửa chữa bằng tâm tình sám hối tâm thành.
Mùa Vọng cách đặc biệt mời gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối, thay đổi tâm can, thay đổi nội tâm và tin vào Chúa Giêsu. “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối”, lòng sám hối đích thực của Mùa Vọng chính là tích cực đổi mới ngay trong đời sống cụ thể. Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức.
Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Thánh Gioan, vị ngôn sứ luôn sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An