Những đôi mắt Giáng Sinh – Suy niệm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia – Năm B

26/12/2020

Tin mừng Lc 2,22-40

Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Hồi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en. Và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo Luật dạy, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en dân Ngài”.

Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc lành cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”.

Lại cũng có một bà ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.

*********************************************

NHỮNG ĐÔI MẮT GIÁNG SINH

Ngày 5-1-1964 (lễ Thánh Gia), Đức Phaolô VI, nhân chuyến viếng thăm Thánh địa (ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến Pa-lét-ti-na), đã đọc tại Na-da-rét một huấn từ đầy ý nghĩa. Sau đây là vài trích đoạn: “Na-da-rét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giê-su; đó là trường học của Tin Mừng. Tại đây, trước tiên chúng ta học quan sát, học lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của việc Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương… Tại đây, chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Ki-tô là ai. Tại đây, chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Người cư ngụ giữa chúng ta: địa điểm, thời gian, phong tục, ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo, và tất cả những gì Đức Giê-su đã sử dụng để mạc khải chính mình cho thế gian. Tại đây mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có nghĩa. Tại đây, trong trường học này, chúng ta hiểu được cần phải có một kỷ luật thiêng liêng, nếu chúng ta muốn tuân theo giáo huấn của Tin Mừng và trở nên môn đệ Đức Ki-tô. Ôi, tôi thật lòng mong muốn trở lại làm trẻ thơ và đến học nơi ngôi trường Na-da-rét khiêm nhu nhưng cao cả này! Tôi khao khát biết bao được ở gần bên Đức Ma-ri-a để bắt đầu học lại phải sống như thế nào và tìm hiểu các chân lý của Thiên Chúa khôn ngoan và siêu việt biết bao!”

Điều Đức Phaolô VI bày tỏ trên đây, câu chuyện Tin Mừng hôm nay cũng giúp chúng ta thấy được phần nào, thấy được qua những đôi mắt Giáng Sinh (những đôi mắt thấu hiểu mầu nhiệm Giáng Sinh) của Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se, của ông Si-mê-ôn và bà An-na.

1. Của Ma-ri-a và Giu-se

“Khi đã đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem”. Họ bồng con trẻ, còn cụ già Si-mê-ôn “ẵm Hài Nhi trên tay”. Đứa bé 40 ngày tuổi này bị người ta làm những gì họ muốn: Nhập thể phải đi đến đó. Cái phi thường của Giáng Sinh rơi vào lại trong cái rất tầm thường. Chúng ta đôi khi mơ mộng ra khỏi cuộc sống khiêm hèn của mình để sống điều kỳ lạ, thế mà cảnh này cho ta thấy hai vị thánh cao cả nhất Ki-tô giáo đã vâng theo Lề luật cách rất bình thường.

Nhưng hai tâm hồn ấy lạ kỳ đến độ có thể sống cách khiêm tốn một cuộc mạo hiểm kỳ lạ: việc cứu rỗi thế giới, vốn bắt đầu diễn ra nơi họ. Họ vâng lời. Ma-ri-a và Giu-se vâng lời Lề luật để hiệp thông với Thiên Chúa. Biết con mình là Quý tử của Đấng Tối Cao, Ma-ri-a và Giu-se vẫn hiểu rằng mầu nhiệm Nhập thể đòi buộc Đấng nhập thể phải đi trọn vẹn con đường của người phàm, chịu những tất định của lịch sử, tuân hành mọi điều kiện của một cuộc sống giữa xã hội loài người, vâng theo khuôn khổ của các định chế. Cuộc sống chúng ta thường được dệt bằng những tiếng vâng như thế, những tiếng vâng vốn có thể rất đơn giản và rất hạnh phúc (vì nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự và mọi hoàn cảnh) như các tiếng vâng của Ma-ri-a và Giu-se.

Nhưng thình lình niềm vui bị nỗi buồn che phủ: “Còn chính bà, Si-mê-ôn nói với Ma-ri-a, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” Lưỡi gươm nào? Ta thấy qua những gì đi trước: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên”. Nhiều người Do Thái đã từng chờ đợi một ơn cứu rỗi tập thể, hơi máy móc: toàn dân đều được cứu. Đó không phải là ơn cứu rỗi Đức Giê-su mang lại: mỗi người sẽ phải quyết định, đó sẽ là ơn cứu độ bằng niềm tin cá nhân vào Đức Giê-su. Một số sẽ theo, số lớn sẽ chống, khiến Ma-ri-a sẽ tan nát lòng. Đây là điều gian khó mà đôi mắt của bà phải nhận ra đầu tiên, để có thể chân nhận và chấp nhận một lưỡi gươm khác sẽ đâm thâu hồn bà: nỗi đau khổ dày vò bà dưới chân Thập giá.

2. Của Si-mê-ôn và An-na

Sau đôi mắt của Ma-ri-a và Giu-se, giờ đây là đôi mắt của Si-mê-ôn và An-na. Cụ già Si-mê-ôn nói khi ẵm bồng con trẻ: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en dân Ngài”. Đây là những lời mô tả Đấng Mê-si-a, Cứu Chúa của nhân loại, nỗi mong chờ của dân Do Thái và xác tín của Ki-tô hữu.

Thế nhưng, chúng ta vẫn cảm thấy khó chịu trước sự bành trướng toàn cầu của ơn cứu độ khởi từ Đấng Mê-si-a của dân Ít-ra-en. Đối với chúng ta, chữ “Mê-si-a” có vẻ sặc mùi Do Thái. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đọc lên Mê-si-a đấy mỗi lần nói Ki-tô. Từ này có nghĩa là “được xức dầu”, Mê-si-a trong tiếng Hip-ri còn Ki-tô trong tiếng Hy-lạp, và lịch sử của nó bắt đầu với vua Đa-vít. Thay mặt Thiên Chúa, ngôn sứ Na-than đã đến nói với Đa-vít: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta” (2Sm 7,16). Từ lời này đã phát sinh quan niệm Mê-si-a hoàng tộc mà mọi niềm hy vọng của Ít-ra-en sẽ dần dần tập trung vào: Đấng Mê-si-a là con vua Đa-vít. Đức Giê-su sẽ đi vào trong trào lưu này bằng cách sẵn lòng chấp nhận được gọi là con Đa-vít, nhưng Người sẽ tự vệ chống lại một quan niệm hiếu chiến và quá hạn chế về sứ mệnh Mê-si-a của Người. Chỉ sau cuộc Vượt qua, được tẩy sạch mọi ý nghĩa chính trị và được hết sức mở rộng, tước Mê-si-a mới trở thành danh hiệu được các Ki-tô hữu dùng để tôn kính Đức Giê-su như Đấng Cứu độ nhân loài và như Con Thiên Chúa: “Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta”.

Si-mê-ôn quả có một năng lực tiên tri đáng nể! Ông thấy đến Đền Thờ một đôi bạn khiêm hèn chỉ đủ sức dâng một cặp bồ câu non. Nhưng khi ẵm đứa bé trong tay mình, ông nói lên những gì chúng ta sẽ phải nói lúc nghĩ đến Đức Giê-su: mắt tôi đã thấy đấng Mê-si-a, ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Sau cái nhìn tiên tri của cụ ông là cái nhìn của cụ bà ngôn sứ. An-na là gương mẫu những bà góa thánh mọi thời: góa bụa lâu dài trong thanh khiết, ăn chay và cầu nguyện. Bà không rời Đền Thờ. Hôm ấy, được Thánh Thần báo trước, bà đã tuôn trào lời khen ngợi: Hài nhi được Ma-ri-a và Giu-se đem đến trình dâng là đấng Ít-ra-en vẫn đợi chờ! Bà đã nói tiên tri về điều đó qua ba cái tên tạo vầng hào quang quanh bà: An-na có nghĩa là ân sủng. Bà là con gái của ông Pơ-nu-ên: Thiên Chúa là ánh sáng. Và thuộc chi tộc A-se, tên có nghĩa: hạnh phúc. Bà lặp lại tất cả những điều ấy cho mọi người: Hài nhi này là Đấng giải thoát, là ân huệ của Thiên Chúa, là ánh sáng và hạnh phúc cho muôn dân. Họ đã không có vẻ cảm động.

Cái khó tin của mầu nhiệm Nhập thể, đó không chỉ là nó khó tin, mà còn là nó xảy ra chẳng ai để ý. Cả lễ Giáng Sinh của ta hiện nay cũng biến thành dịp vui cho người lớn (ăn nhậu), trẻ nhỏ (nhận quà) và kẻ nghèo (được ủy lạo). Đó không phải là cái mà bà ngôn sứ đã từng thấy: chính tình yêu của Thiên Chúa trong tay của Ma-ri-a, dưới cái nhìn say mê của Giu-se. Chúng ta cần mọi đôi mắt Giáng sinh đó: đôi mắt của Ma-ri-a, Giu-se, Si-mê-ôn, An-na, các mục đồng, các đạo sĩ. Họ giúp chúng ta đi tới tận thâm sâu mầu nhiệm: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một mình.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi