Tin Mừng Lc 10,1-12.17-20
Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Ngài bảo các ông:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên, các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó”.
Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, những hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.
************************************
SAI ĐI TRUYỀN GIÁO
Năm 1659, khi phái ba Giám mục Đại diện Tông tòa tiên khởi đến Đàng Ngoài (Đức Cha François Pallu), Đàng Trong (Đức Cha Pierre Lambert de la Motte) và Nam Kinh (Trung Hoa, Đức Cha Ignace Cotolendi), bộ Truyền bá Đức tin đã ra Huấn dụ Instructio Vicariorum Apostolicum ad Regna Sinarum Torchini et Cocinciane Proficiscentium với nhiều chỉ thị tích cực (trong phần 3). Xin đơn cử vài ví dụ, như hãy đào tạo giáo sĩ bản quốc, vâng phục và lĩnh ý Tòa thánh, đừng bức bách người ta tuân theo ý Thánh bộ, biết kính trọng nhà cầm quyền, không xen vào chính trị như gánh một phận vụ hành chánh, chớ lưu lại nơi công đường mà hãy mau chóng trở về Giáo phận chu toàn chức vụ thiêng liêng, dạy dân chúng hợp nhất và vâng phục chánh quyền, tôn trọng cổ tục bản xứ, tôn trọng trật tự công cộng, đừng rời bỏ khu vực của mình, chớ tranh luận với nhau, buộc các linh mục giữ đúng kỷ luật truyền giáo, cẩn thận trong vấn đề tiền của, cổ vũ việc dịch sách (sách thánh, sách lễ, sách giáo lý, sách đào tạo) sang tiếng bản địa… Đấy là một cái nhìn rất sáng suốt, có giá trị cho đến cả bây giờ. Được như thế là nhờ Huấn dụ đã thấm nhuần tinh thần của chỉ thị truyền giáo Đức Giê-su đưa ra cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
1. Thành phần và cách thức
“Một hôm, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác…” Là bạn đồng hành của Phao-lô, Tông đồ dân ngoại, Lu-ca nêu bật điểm này trong đời Đức Giê-su. Ông cũng là tác giả Tin Mừng duy nhất kể lại câu chuyện đó. Vào lúc viết nó, ông đã thấy nhiều cộng đoàn Ki-tô hữu hình thành giữa các phố thị và thôn làng dân ngoại. Một số giáo đoàn địa phương này đã không phát sinh nhờ hoạt động của các Tông đồ được chính thức ủy quyền, nhưng từ việc tông đồ giáo dân của những con người di chuyển vì nghề nghiệp và loan báo Đức Giê-su luôn thể (x. Rm 16). Lu-ca nhấn mạnh: chính từ Đức Giê-su đã phát xuất chuyện các môn đệ làm tông đồ như thế. Không chỉ “sai” Nhóm Mười Hai (x. Lc 9,1-6). Người cũng đã “sai” 72 môn đệ mình với cùng những lời lẽ, cùng một sứ mệnh… mà kể ra còn chi tiết hơn sứ mệnh của “hàng giáo phẩm”. Giáo Hội không chỉ là Giáo hoàng, Giám mục, linh mục mà còn là mỗi Ki-tô hữu.
“Bảy mươi hai”… Con số này ám chỉ toàn thể các nước dân ngoại được kể trong sách Sáng Thế (x. St 10)… Dĩ nhiên nó không mang tính hạn chế hay tính toán học. Đó là mọi người, mọi dân. “Từng hai người một”… Đây là con số mà Lề luật đòi hỏi để một chứng từ được nhận như có giá trị (x. Đnl 19,15). Đó cũng là thói quen của các Ki-tô hữu thừa sai đầu tiên, không bao giờ một mình: Phao-lô và Ba-na-ba… Ba-na-ba và Mác-cô… Phao-lô và Xi-la… “Trước Người… nơi chính Người sẽ đến…”. Sự nghiệp tông đồ phải luôn khiêm tốn. Ta chỉ biết sửa soạn. Công việc đích thực, Đức Giê-su sẽ đích thân làm.
Tuy nhiên, trong viễn tượng của Đức Giê-su, 72 người đầu tiên, con số đã khá lớn rồi, rõ ràng sẽ không đủ. Nhiều thợ mới sẽ phải thường xuyên bắt tay vào việc, bởi lẽ “lúa chín đầy đồng”, mùa gặt phong phú. Đức Giê-su trông rộng nhìn xa! “Mùa gặt” là một hình ảnh Thánh Kinh truyền thống để nói đến “Ngày tận cùng”, sự can thiệp cánh chung của Thiên Chúa (x. Ge 4,13; Mt 13,39; Kh 14,15-16). Trong Đức Giê-su, “thời cuối cùng” này đã bắt đầu. Người thấy sự dồi dào của “mùa gặt thần linh” ấy, nhưng khốn nỗi thợ lại không đủ. Và ngay lập tức, trước sự thiếu hụt này, Đức Giê-su gợi lên một giải pháp độc nhất: cầu nguyện! Việc tông đồ không phải là một công trình phàm nhân, như tuyên truyền hay quảng cáo, nhưng là một công trình thần linh, một ân sủng.
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Đức Giê-su không che giấu khó khăn của công cuộc tông đồ, trái lại muốn cảnh báo chúng ta thật rõ. Hình ảnh kể ra hơi gây khó chịu: tín hữu như một con chiên bị bầy sói tấn công. Chớ bắt hình ảnh nói quá những gì nó muốn nói. Mọi kẻ vô tín ngưỡng đều được Thiên Chúa yêu mến, nhưng “đàn chiên nhỏ” thật sự cần Mục tử bảo vệ (x. Ga 15,18; 10,1-16). Giáo Hội thường xuyên ở trong tình trạng nguy hiểm! Điều này đôi khi đòi hỏi một ý thức sắc bén, vì nhiều Ki-tô hữu nhắm mắt trước những bách hại tinh vi, thậm chí những đàn áp kinh khủng của thế quyền ở một nơi nào đó, để tự ru ngủ là đang “tốt đời đẹp đạo”, mọi chuyện đều êm xuôi. Các thời đại bình an, yên ổn thực sự mới phải khiến chúng ta kinh ngạc… Vậy thì hãy tin tưởng!
2. Tinh thần và phương tiện
“Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…”. Đáng lưu ý là Đức Giê-su không đưa ra chỉ thị nào thuộc loại “giáo lý”: Người chẳng nói đến nội dung đức tin… nhưng đến nhiều thái độ cụ thể của nhà thuyết giảng… y phục, hành lý, cách quan hệ của họ. Các thừa sai trước hết loan báo Nước Thiên Chúa bằng lối sống của mình!
Thứ nhất là đòi hỏi về nghèo khó. Tiên vàn chớ dựa vào những phương tiện nhân loại. Đức Giê-su đã chẳng sử dụng các khí giới của quyền lực, giàu sang… Giáo Hội trước hết phải bắt chước Thầy mình sống nghèo. “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường…”. Chớ mất thì giờ vào những cử chỉ “lễ phép quá mức” (chào hỏi theo kiểu phương Đông rất dài dòng). Một hãy khẩn trương! Chuyện lạ lùng là trong Lu-ca, các sứ giả Tin Mừng đều “chạy”: Đức Ma-ri-a chạy đi thăm viếng, các mục đồng chạy đến máng cỏ, Phi-líp-phê chạy cho kịp chiếc xe của một người xứ Ê-thi-óp (x. Cv 8,30). “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” Đây là một lối sống: bình an, thanh thản. Có trong mình một sự bình an và thông chuyển nó. Tin Mừng cũng chính là thế: làm cho sự hòa hợp viên mãn chảy qua giữa loài người.
“Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó… Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em”. Các vấn đề thực phẩm này xem ra tầm thường nhỏ mọn đối với chúng ta. Nhưng nếu biết được những cấm kỵ về thức ăn của người Do-thái, sẽ thấy các từ này của Đức Giê-su vang dội như một sự giải phóng tuyệt vời: hãy ăn tất cả, đừng bận tâm xem các thực phẩm sạch hay nhơ. Ở đây Đức Giê-su thật sự tỏ ra đi trước thời đại. Người biện hộ cho một thái độ khai mở rộng rãi trước các thói quen phong tục của người khác: hãy chấp nhận những thói tục văn hóa của các dân tộc mà bạn muốn đến rao giảng Tin Mừng! Điều này đi thật xa, như ta thấy trong Huấn thị 1659.
Tin Mừng này cũng rất cụ thể, thực tiễn. Đó là “Tin Mừng” hành động: làm việc thiện, đẩy lùi sự ác, an ủi chữa lành… Đó là Tin Mừng về việc thực hiện “Triều Đại”, chương trình, kế hoạch Thiên Chúa. Người ta đã từng chờ đợi nó đến vào ngày Tận cùng. Nhưng Đức Giê-su bảo nó đã có đó, gần bên! Nó ở trong cuộc sống bình thường nhất của bạn. Triều Đại Thiên Chúa là gì? Đó là Đức Giê-su. Đó là hạt giống mầu nhiệm Thiên Chúa đặt trong chính loài người. Với Đức Giê-su, Thiên Chúa thống trị, Thiên Chúa có đó, ngay tự bây giờ. Trong Đức Giê-su, việc hoàn tất thế giới đã xảy đến. “Tin Mừng” là một cái gì rất đơn giản: chính nghĩa của Thiên Chúa sắp toàn thắng, nó là tương lai tuyệt đối của loài người, và nó đã khởi sự! Thế giới sẽ chẳng kéo dài mãi, lịch sử nhân loại có một tận điểm, nhưng tận điểm này chẳng phải là hư vô mà là Thiên Chúa. Tin vào Đức Giê-su, đó là thể hiện trước thành tựu này… Cụ thể ra, làm cho Triều Đại Thiên Chúa đến, đó là “thực hiện thánh ý Người”: Xin cho Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện!”. Và thánh ý Thiên Chúa, đó là thiện ích toàn vẹn của loài người: việc chữa lành các bệnh tật (sự phá hoại toàn vẹn tính này) là một dấu chỉ của việc đó: “Hãy chữa kẻ đau yếu!” “Hãy chữa trị con người!” Triều Đại Thiên Chúa có đó, kề bên!
“Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em… Trong ngày ấy [Ngày Phán xét], thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó”. Đức Giê-su rõ ràng thấy trước các thất bại, các thái độ chối từ đức tin… Nhưng lời tiên báo sự thành công của chính nghĩa Thiên Chúa vẫn tồn tại. Dù muốn hay không, Thiên Chúa vẫn thống trị ngày kia, Ngày Phán xét… chỉ có điều là nếu bạn đã cố ý và ngoan cường chống lại việc ấy, bạn sẽ không được hưởng thành quả này mà vốn đã có thể là thành quả của bạn…
Tóm lại, các chỉ thị của Đức Giê-su nói lên tinh thần phải sinh động các môn đồ và các phương tiện họ phải vận dụng. Đó không phải là một tinh thần thống trị và chinh phục, song là tinh thần hiền hòa và bình an. Vì đó là chuyện tìm nẻo lối đi vào hồn người để họ mở lòng đón nhận Tin Mừng cứu rỗi. Và các phương tiện sử dụng chính là sự đơn sơ, nghèo khó, nhân từ, thay vì nại đến hiển hách của hành động, đến quyền lực của bạc tiền, đến sức mạnh của vũ khí, đến uy tín của kiến thức!
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi