Sống với cỏ lùng – Suy niệm Chúa Nhật 16 thường niên – Năm A

22/07/2023

Tin Mừng Mt 13,24-43

Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi; còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’”.

Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. Vậy, như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian ác mà tống ra khỏi Nước Trời, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe”.

************************************

SỐNG VỚI CỎ LÙNG

Có một sinh viên 22 tuổi thuộc đại học Simon Fraser ở Canada tên là Terry Fox. Năm 1977, cậu mắc ung thư và bị cưa chân phải. Huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học của cậu trước kia, khi hay tin buồn này liền gởi cho Terry một bài báo nói về một người bị cưa chân đã thi chạy Marathon Nữu Ước. Bài báo gây hưng phấn cho trí tưởng tượng của cậu. Biết mình chỉ sống thêm được vài năm nữa, Terry muốn làm một điều gì thật ý nghĩa với những tháng ngày còn lại này. Cậu bèn quyết định chạy băng qua Canada từ New Foundland đến British Columbia với khoảng cách 9000 km để quyên góp một số tiền nhằm giúp các bệnh nhân ung thư như cậu. Suốt 18 tháng trời, Terry đã tập chạy trên chiếc chân giả. Cuối cùng, ngày 12 tháng 4 năm 1980, Terry khởi sự thi hành dự tính. Nhúng chiếc chân giả của mình vào Đại Tây Dương, cậu bắt đầu chạy băng ngang qua đất nước Canada. Trong túi cậu có toàn bộ giấy tờ hứa ủng hộ cuộc lạc quyên lên tới trên một triệu đôla. Sau 114 ngày và 4500 km đường bộ, bất thình lình Terry ngã gục xuống. Căn bệnh ung thư đã lan đến buồng phổi. Cậu không thể hoàn thành cuộc chạy. Khi nghe tin báo Terry bị quỵ xuống, dân chúng khắp nơi ở Canada liền gởi đến nhiều tặng vật ủng hộ cậu ở bệnh viện. Trong nhiều tiếng đồng hồ, số tiền lạc quyên lên tới trên 24 triệu đôla. Vài ngày sau đó, Terry qua đời.

Một cuốn phim liền dựng lại cuộc đời cậu. Một con tem lập tức được phát hành để ca ngợi cậu. Và cậu là nhân vật trẻ nhất nhận được vinh dự cao quý của quốc gia là Huân chương Canada. Công trình bỏ dở của Terry được tiếp nối. Donald Mars, một người đưa thư 44 tuổi sống ở Cincinnati, Hoa Kỳ, cũng bị bệnh ung thư giống như Terry. Quá xúc động vì câu chuyện của người anh hùng trẻ tuổi, ông bèn quyết định hoàn tất cuộc chạy của cậu. Khởi sự từ phía dưới Chicago, trong 3 tháng ông đã tới được Golden Gate Bridge (Cầu Kim Môn) ở San Francisco (bang California). Khi ông băng ngang qua chiếc cầu này thì một cơn mưa phùn rơi xuống, nhưng ông vẫn tiếp tục chạy. Và lúc ông nhúng tay vào Thái Bình Dương, hoàn tất cuộc chạy của Terry thì một cầu vòng khổng lồ đã bắc ngang qua bầu trời nước Mỹ. Đó quả là kết thúc phi thường cho một cuộc chạy phi thường.

Rõ ràng trước mắt mọi người, cuộc sống của Terry xem như là đồ bỏ. Ai nấy đều nhìn cậu với đôi mắt ái ngại thương xót. Ban đầu cậu cũng đã thất vọng và nghĩ mình chẳng còn có thể làm gì tốt đẹp cho bất cứ ai. Nhưng rồi, nhờ vị thầy cũ, ý chí cậu đã vươn lên như lúa tốt từ cỏ lùng bệnh tật và chán nản, để cuối cùng toàn thắng.

1. Kiên nhẫn với cỏ lùng.

Đoạn Tin Mừng hôm nay lấy lại cùng một lược đồ như đoạn trước mà chúng ta vừa đọc trong Chúa nhật mới rồi (cc.1-23) nói về dụ ngôn người gieo giống. Quả vậy, cả hai cùng có: (a) lời trình bày dụ ngôn cho dân chúng (cc.3b-9 / 24-30); (b) lý do giảng dạy bằng dụ ngôn (cc.10-17 / 34-35); (c) lời giải thích dụ ngôn cho môn đồ (cc.18-23 / 36-43).

Ý hướng thần học của cả hai là làm nổi bật đặc ân được thấu hiểu các mầu nhiệm Nước Trời của các môn đồ, đối nghịch với thảm cảnh của những kẻ có tai mà không chịu nghe và khinh thị thời gian được thăm viếng. Ở đây người ta thấy tư tưởng đã tiến thêm một bước. Các câu 34-35, với việc đề cập đến lý do hiện hữu của các dụ ngôn, đã xác quyết và bổ túc các câu 10-17. Hơn nữa, trong viễn ảnh cuộc phán xét và phân loại người lành kẻ dữ do cuộc phán xét kéo theo, tỏ hiện số phận dành riêng cho những người “nghe mà hiểu được” và cho những kẻ “nhìn mà không thấy”; vì chẳng phải chỉ có các năng lực của Nước Trời là bắt đầu hoạt động từ hôm nay dưới các dạng thức khiêm tốn, thậm chí mâu thuẫn (phần các dụ ngôn người gieo giống, hạt cải và men bột), mà lại chính sự thụ cảm trước các năng lực đó (trong đó có thái độ khiêm tốn, kiên nhẫn và hy vọng) sẽ định đoạt số phận các thính giả nghe Lời Nước Trời, khi Nước ấy xuất hiện trong vinh quang (phần dụ ngôn cỏ lùng: 13,24-30.36-43).

Câu chuyện của Terry trên đây là một bài học kiên nhẫn và hy vọng cho chúng ta, như bài học trang Tin Mừng hôm nay chủ yếu muốn dạy: phải chấp nhận sống giữa một thế giới đầy dẫy người lành với kẻ dữ, lúa tốt với cỏ lùng, trong niềm hy vọng là kẻ dữ sẽ được hoán cải. Dẫu sao cũng khó đến nỗi người ta bị cám dỗ tỏ ra sáng suốt: hãy nhổ cỏ lùng đi! Đức Giê-su từng nói với những kẻ thiếu lòng kiên nhẫn đừng như vậy. Họ bảo: “Tại sao có biết bao tên hung ác như thế? Thiên Chúa còn đợi gì mà không thủ tiêu bọn chúng đi?” Đúng như ý tưởng Gio-an Tẩy giả từng có về Đấng Thiên Sai hùng mạnh tảo thanh sự dữ: Các ngươi rồi sẽ thấy! “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì sẽ thu vào kho lẫm còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12).

Đức Giê-su đã phải làm dịu các thái độ sốt ruột ấy. Và cả thái độ của chúng ta nữa! Vâng, sẽ có một sự lọc lựa nhưng vào ngày tận thế kia, và chỉ duy Thiên Chúa mới có thể thực hiện việc nầy. Nhưng đôi khi chúng ta đã coi mình như Thiên Chúa : “Đây là những người tốt! Kia là hạng không thể cứu vãn, cho vào lửa!” Có một cám dỗ luôn luôn hiện hữu nơi những Ki-tô hữu tốt nhất: cùng nhau làm thành một cánh đồng lúa xinh đẹp. Họ nói: tiếc là có lắm cỏ lùng trong thế giới nhưng ít nhất chúng ta hãy dọn sạch cánh đồng của mình, hãy sống giữa nhau như những tín hữu chân chính, như những con người sạch sẽ và có giáo dục. Người ta mơ một Giáo hội gồm những tín hữu thuần khiết, một giáo xứ thuần khiết, một cộng đoàn thuần khiết, một gia đình thuần khiết. Hãy nhổ cỏ lùng nào!

Nếu thế, chúng ta đứng trước một khuynh hướng nguy hiểm là khuynh hướng giáo phái: không gì hết ngoài những kẻ tình nguyện và chọn lọc, không gì hết ngoài những kẻ chính thống và thẳng ngay, chẳng có hạng sai lệch, hèn yếu, xác tín nửa vời. Dĩ nhiên có những nhóm thuần nhất sốt sắng, anh hùng, đó là trường hợp tiêu biểu của những bước khởi đầu trong các dòng tu. Nhưng biết bao thế giới nhỏ bé đặc tuyển đã bị lòng kiêu căng về lúa tốt rình rập: người ta không chịu được cỏ lùng trong đó.

2. Khiêm tốn và hy vọng.

Đức Giê-su nhìn Giáo hội mình cách khắc hẳn. Người nhìn Giáo hội như một đoàn dân biết rộng rãi đón nhận và kiên nhẫn không cùng, như một tập thể gồm những người đẹp và xấu sống êm đềm với nhau, như một nơi điều trị trong đó có kẻ lành bệnh sớm kẻ lành bệnh trễ, như một cộng đồng luôn cố gắng khiêm tốn và hy vọng.

Khiêm tốn! Bạn là ai mà muốn lựa lọc cỏ lùng? Bạn tưởng mình là đồng lúa ư? Tại sao không, nhưng là đồng lúa pha trộn. Hãy nhìn trái tim và các hành vi của bạn, bạn sẽ chấp nhận hơn rằng trong thế giới và chung quanh bạn, các người khác cũng là một sự pha trộn thiêng thánh. Cỏ lùng và lúa tốt có thể cùng tồn tại trong một tâm hồn. Đừng như nhân vật trong câu chuyện ngắn ngay đây: Nhóm tín hữu nọ đang suy niệm Thánh Kinh trong nhà thờ. Một người đi qua bĩu môi. Cha sở hỏi: “Sao không vào tham gia với họ?” – “Trong ấy toàn những kẻ giả hình Cha à!” – “Cứ vào đi, vẫn còn dư một chỗ đấy!”

Hy vọng! Giáo hội là một hỗn hợp. Hỗn hợp này là một hy vọng. Không ai hoàn toàn trong sạch, nhưng cũng chẳng ai hoàn toàn xấu xa. Tất cả đều có thể tiến triển tốt hơn, may phước! Khi thiên hạ kiên nhẫn chấp nhận chúng ta với sự xấu xa của chúng ta, chúng ta còn giữ một hy vọng nào đó để cải thiện mình. Và khi chính chúng ta chấp nhận cỏ lùng nơi người khác, chúng ta vẫn sẽ tiếp xúc với họ và có thể giúp họ trở nên lúa mì. Xin hãy ban cho người khác một cơ hội, như biết bao cơ hội đã được ban cho chúng ta. Dụ ngôn về đức kiên nhẫn trên đây là một dụ ngôn tuyệt vời về sự tiến bộ vậy. Bạn cần nhớ: “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ! Tội nhân nào cũng có một tương lai!” vì “Thiên Chúa chẳng bao giờ đóng một cánh cửa mà không mở ra một cánh cửa khác” (Tục ngữ Ai-len). Người là Đấng kiên nhẫn: Người chịu đựng nhiều thế kỷ tội lỗi vì viễn ảnh rộng lớn của Người là ban ơn cứu độ cho tất cả chúng ta (x. Rm 3,26). Người ghét tội lỗi, nhưng yêu kẻ biết thống hối ăn năn dù tội lỗi đến đâu chăng nữa (x. Rm 2,4). Nếu Thiên Chúa không kiên nhẫn, bây giờ ta ở đâu rồi?

Đức kiên nhẫn ấy cũng cần cho con người. Do đấy có nhiều yêu sách xem ra mâu thuẫn nhưng phải biết dung hòa : không dung túng sự dữ, song vẫn kính trọng phẩm giá và khả năng hoán cải của tội nhân, đồng thời bảo vệ các tâm hồn ngay chính khỏi nhiễm lây gương xấu, thái độ dửng dưng tôn giáo, hay bầu khí vô thần tà đạo. Do đó ngay từ nguyên thủy, ta thấy Giáo Hội khi thì nghiêm khắc (x. 1Cr 5,3-5) lúc lại thông cảm (x. 1Cr 5,9-10) tùy hoàn cảnh cụ thể của các tâm hồn. Hai thái độ ấy đều chính đáng và cần thiết, dù theo một lường độ khó xác định. Chúng cũng đề phòng ta khỏi bị ảo tưởng đạt được những trạng thái dứt khoát rõ ràng ở đời này. Một cộng đoàn Kitô hữu lý tưởng trong đó chỉ có các thánh, chỉ gồm người công chính là một điều hão huyền. Nếu đường ranh giới phân chia sự dữ điều lành khá rõ ràng, thì lại rất lu mờ giữa kẻ lành người dữ (lấy quyền nào mà cho mình là “tốt” ?). Vì kẻ sống trong tội lỗi hôm nay, mai ngày có thể trở nên một thánh Augustinô hay một thánh Charles de Foucauld vậy.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi