Tin Mừng Lc 5,1-11
Khi ấy, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh là người thu phục người ta”. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
************************************
SỨ MỆNH TÔNG ĐỒ
Cha Anthony de Mello (1931-1987) là một linh mục Dòng Tên người Ấn Độ, nổi tiếng thế giới vì đã viết nhiều tác phẩm tu đức độc đáo, thấm đẫm tinh thần Đông phương (cuốn “Một phút khôn ngoan”, “Bài ca của loài chim” chẳng hạn). Trong các tác phẩm này, cha luôn đề cao việc chiêm niệm, hết hợp với Thiên Chúa, điều kiện để việc tông đồ có kết quả. Cha còn thực hiện một chương trình truyền giáo trên Ti-vi, phát tới 76 đại học Mỹ và Ca-na-đa, lôi kéo hơn 3000 sinh viên vào cuộc đối thoại. Anthony lớn lên tại Bombay, Ấn Độ. Một ngày kia, khi từ trường trở về, anh hỏi cha là mình có thể đi tu làm linh mục được không. Cha anh đáp: “Không, con là con một. Cha muốn con nối dõi tông đường”. Thế rồi, sau 14 năm không con, mẹ của Anthony mang thai lại. Khi bà được chở tới bệnh viện để sinh nở, anh cũng hối hả chạy bộ theo, vượt quãng đường hơn 6 km. Trong hơi thở hổn hển, Anthony hỏi cha: “Mẹ sinh con trai hay con gái?” – “Con có một em trai”, cha anh trả lời. “Tuyệt quá, thế là bây giờ con có thể trở thành linh mục!”
1. Nói nhân danh Đức Ki-tô
Cuộc đời cha Anthony de Mello trên đây là một minh họa lý thú cho câu chuyện Tin Mừng ta đang đọc. Như nhiều trang khác, dẫu có dáng vẻ một giai thoại trong đời Đức Giê-su, đoạn Tin Mừng này thật ra là một trang thần học về sứ mệnh tông đồ và về Giáo Hội. Trước hết, ta thấy Đức Giê-su đang đứng giữa một đám đông bên bờ hồ. Người nói. Thiên hạ nghe. Người chẳng nói bất cứ điều gì mà chỉ giảng Lời Thiên Chúa. Thần học gia Lu-ca bảo với ta đây là sứ mạng đầu tiên của Giáo Hội! Điều Giáo Hội cố gắng làm thì chính Đức Giê-su đã khởi sự. Lời rao giảng của Giáo Hội nối dài lời rao giảng của Đức Giê-su và có cùng một nội dung. Tiếp đến cũng là một quang cảnh cụ thể, hiện thực, nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng sâu xa: “Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông”. Chiếc thuyền tạo một khoảng cách giữa Đức Giê-su với đám đông, như thế càng làm nổi bật vẻ uy nghiêm của Đức Giê-su đang ngồi giảng. Và Người nói từ chính “chiếc thuyền của Phê-rô”!
Chẳng phải tình cờ mà Lu-ca ghi nhận chi tiết đó. Ông cố ý phân biệt trong đám đông môn đệ, có một số sẽ trở thành “nhóm Mười Hai, mà Đức Giê-su gọi là Tông đồ” (Lc 6,13)… và trong số Tông đồ, Lu-ca còn nêu bật Si-môn, cho ông ta đứng giữa trình thuật, nêu tên ông 6 bận trong trang này. Thành thử đây là cơ cấu chủ yếu của Giáo Hội, đã được Đức Giê-su muốn có.
Cơ cấu tổ chức ấy có thể làm chúng ta hài lòng hay khó chịu. Suốt giòng lịch sử, các Giáo hoàng và các Giám mục có thể đã đóng những vai trò trần tục theo hình ảnh vua chúa thế gian! Điều đó thật đáng tiếc. Nhưng trên phương diện thần học, cơ cấu tông truyền của Giáo Hội quả đã xuất phát từ Đức Giê-su. Thừa tác viên trong Giáo Hội trước hết không phải là một thủ lãnh, một cấp trên hay một tổng giám đốc nhưng là một tôi tớ đại diện Đức Ki-tô Tôi tớ. Chức tư tế là một dấu chỉ, một bí tích của Đức Giê-su Ki-tô. Sự có mặt của linh mục giữa đám đông môn đồ Người muốn nói : chúng ta không chiếm được ân sủng hay lời thiêng nhưng là đón nhận nó từ một Đấng khác.
Nhưng ngày nay, xem ra chúng ta có khuynh hướng nguy hiểm là giảm giá “lời rao giảng” của Giáo Hội, tước khỏi lời đó khía cạnh bí tích, nhiệm mầu, linh thánh, chỉ thấy con người nói mà quên Đấng được đại diện và làm dấu chỉ. Công đồng Vatican II thành thử đã mạnh dạn quả quyết: “Đức Giê-su hằng hiện diện trong các hoạt động phụng vụ, trong bản thân thừa tác viên… Chính Người nói khi ta đọc Thánh Kinh… Chính Người rửa tội khi một thừa tác viên rửa tội… Phụng vụ là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Đức Giê-su, được biểu tượng nhờ nhiều dấu chỉ khả giác…” (Hiến chế Phụng Vụ số 7).
Phần con thuyền của Si-môn neo trong vũng nhỏ ấy, ta có thể hình dung như một chiếc thuyền tồi, vá víu lung tung với những tấm ván bị đóng đinh mọi phía để bít những lỗ rò rỉ… một chiếc thuyền rất bình thường, rất nghèo khổ, rất nhân loại! Nhưng Đức Giê-su đã vào bên trong và giảng dạy từ đó! Ôi, Giáo Hội của Chúa, chiếc thuyền mầu nhiệm, vừa hết sức nhân loại vừa hết sức thần linh…
2. Làm cùng với Đức Ki-tô
“Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Câu này dịch sát chữ sẽ là: “Hãy tiến ra trên vực thẳm”. Đối với người Sê-mít, dân ở cạn, biển là nơi đáng sợ nhất, biểu tượng của các vực thẳm bên dưới, lãnh thổ của các quái vật địa ngục (x. St 7,17; Tv 24,2; 74,13; G 38,16; Kh 9,1-3). Nghề đi biển là một nghề nguy hiểm. Biết bao thuyền trưởng, biết bao thủy thủ đắm tàu, đã bị nuốt chửng bởi cái mồm há hốc của đại dương! Như vậy, Đức Giê-su muốn nói cách biểu tượng thế này: “Hỡi thuyền của Si-môn, Giáo Hội của Ta, hãy tiến lên bất chấp nguy hiểm của biển cả, của thế giới. Hãy rời bỏ bến bờ bình an, đi ra trên vực thẳm”.
Nhưng ông rab-bi trẻ tuổi làm nghề thợ mộc này lại dám lên mặt dạy Phê-rô cùng các bạn chài về chuyên môn của họ sao? Ai hơn họ trong chuyện đánh cá này được? Họ có vẻ lầu bầu: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Nhưng “vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Và thái độ vâng lời đã được ân thưởng.
Lu-ca nêu bật tính cách ngoại lệ của mẻ cá siêu phàm này: lưới hầu như rách, phải có người giúp đỡ, hai thuyền đầy mặp đến gần chìm! Giáo Hội chỉ có thể thành công nếu biết tin vào Lời Đức Giê-su. Si-môn hẳn nhớ mãi điều đó! Đức Giê-su đã hạ ông, đã cho ông thấy các giới hạn của ông ngay trên lãnh vực nghề nghiệp của ông, nơi ông nghĩ mình giỏi giang thành thạo. Không có Người, ông đã chẳng là gì hết; không có Thiên Chúa, các mẻ lưới của tông đồ sẽ thành trống rỗng. Khi khai mạc cuộc đánh bắt linh hồn vĩ đại hôm nay, Đức Giê-su đã đưa ra lời cảnh báo chớ bao giờ được quên đó. Chân lý căn bản này, người ta không luôn luôn thấy rõ lúc còn trẻ. Một khi dấn thân vào sứ mệnh tông đồ, ta khó nhọc ngày đêm nhưng không làm việc với Đức Giê-su cho đủ. Ta buông thả việc cầu nguyện, lơ là đời sống bí tích; ta hành động, ta vùng vẫy, và một ngày kia cảm thấy nản lòng: mình đã mệt lử vô ích. Lúc đó, hãy nhớ lại câu chuyện này để giải thoát mình khỏi những ảo tưởng vốn đã làm ta tin vào giá trị riêng của ta, để tái phó thác vào Đức Giê-su, nghĩa là vào việc cầu nguyện, để hoàn tất các bổn phận nghề nghiệp trong niềm thông hiệp triền miên với Thiên Chúa, để lại ý thức mình là hư vô, còn Người là tất cả.
Và đó chính là thái độ của Phê-rô lúc bấy giờ: “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su, ông nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Trước sự hiện diện của Thần linh, phàm nhân luôn cảm thấy kinh hãi lạ lùng, một tình cảm gần như phổ quát trong mọi tôn giáo. “Khốn thân tôi là người môi miệng ô uế”, I-sai-a từng nói thế khi nghe các Xê-ra-phim tung hô Thiên Chúa trong đền thờ Giê-ru-sa-lem (x. Is 6,1-8). Ngày nay, nỗi hoảng sợ do cái linh thánh gây ra hình như biến mất. Thật ra không biến mất song là chuyển dịch. Khi chẳng còn niềm kính sợ Thiên Chúa, người ta vấp đủ thứ lo âu kinh hãi: lo bom nguyên tử, lo ô nhiễm môi sinh, lo dịch bệnh hoành hành, lo tương lai vô định, lo kẻ nghĩ khác và làm khác mình…
Phê-rô lúc này cũng hãi sợ và khẩn xin Đức Giê-su xa mình là một tội nhân. Về sau, nghe tiếng gà gáy, ông sẽ còn khám phá tình trạng tội lỗi của mình hơn nữa! A! Chớ chi đừng có nạn sùng bái cá nhân trong Giáo Hội, ngay cả “sùng bái giáo hoàng”. Kẻ được Đức Giê-su yêu cầu đại diện, vị giáo hoàng tiên khởi, là một “tội nhân”. Trước đó Phê-rô là một “trưởng nhóm”, luôn tin tưởng vào kiến thức, kinh nghiệm của mình. Nhưng cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su đã giúp ông thấy mình thật bé nhỏ. Và chính nhờ làm cho ông ý thức sự vô nghĩa của ông như thế mà Đức Giê-su đã chuẩn bị ông lãnh nhận sứ mệnh Người trao.
Sứ mệnh đó là: “Từ nay anh là người thu phục người ta” (dịch sát: sẽ đi lưới người). Theo ý nghĩa biểu tượng về biển đã khai triển trên kia, đây đúng là “cứu người khỏi vực thẳm địa ngục”. Nhân loại là mồi ngon của những quyền lực khủng khiếp vốn có thể nuốt chửng, nhận chìm nó. Hãy nên “kẻ lưới người”, hãy cứu họ! Và rốt cục là Phê-rô cùng bạn hữu cũng như Anthony trên đây đã “bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giê-su”. Phép lạ đích thực chẳng phải là mẻ cá ngoài khơi nhưng là cuộc chinh phục trong tâm hồn, là sự liều lĩnh lớn lao vì đức tin mà các môn đệ tiên khởi chấp nhận để theo Đức Giê-su, bỏ hết những gì còn lại.
Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế.