Tin Mừng Lc 3, 15-16. 21-22
Khi ấy, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa”.
Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
************************************
SỨ VỤ ĐẤNG MÊ-SI-A
Tin Mừng thánh Lu-ca kể lại bước đầu đời công khai của Đức Giê-su theo thứ tự sau đây: 1- Gio-an Tẩy giả rao giảng: “Anh em hãy hoán cải… Người đang đến…” (x. Lc 3,1-18). 2- Gio-an Tẩy giả bị giam tù (x. Lc 3,19-20). 3- Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Lc 3,21-22). 4- Gia phả Đức Giê-su (x. Lc 3,23-38). 5- Đức Giê-su bị cám dỗ trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày tại hoang địa (x. Lc 4,1-13). 6- Bài giảng đầu tiên của Đức Giê-su, đặc biệt tại Na-da-rét (x. Lc 4,14-30). Dĩ nhiên ai cũng biết Gio-an đã làm phép rửa cho Đức Giê-su trước khi bị tù (x. Mc 6,17; Mt 14,3). Nhưng đối với Lu-ca (cũng như mọi thánh sử khác), điều quan trọng chẳng phải là diễn tiến lịch sử song là ý nghĩa thần học của các biến cố (Thánh kinh không chuộng “chính xác” nhưng chuộng “chân thực”). Với lối sắp đặt hơi kỳ lạ vừa thấy, Lu-ca muốn nói Đức Giê-su khai mở một thời đại mới, chấm dứt Giao Ước cũ. Là đại diện cuối cùng của giao ước này, Gio-an Tẩy giả phải biến mất trước khi Đức Giê-su bắt đầu sự nghiệp.
Bài đọc phụng vụ Chúa nhật này liên kết các phân cảnh 1 (Gio-an rao giảng: Lc 3,15-16) và 3 (Đức Giê-su chịu phép rửa: Lc 3,21-22), bỏ qua các câu trung gian kể lại việc Gio-an biến mất. Vì lời rao giảng của Gio-an đã được chú giải ở Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C, nên hôm nay chúng ta khởi sự với cái thuộc riêng ngày này.
1. Chịu phép rửa để thanh tẩy loài người.
“Khi toàn dân chịu phép rửa…”: Thành ngữ phổ quát mở đầu này (“toàn dân”) chỉ mình Lu-ca có và rất thích sử dụng (x. Lc 1,10; 2,10;3, 21). Là phát ngôn nhân của Thiên Chúa, ông lặp lại ở đây với chúng ta rằng ơn cứu độ được dành cho tất cả, sứ mệnh Đức Giê-su sắp khai mạc là để cho mọi người. Thành ngữ cũng ám chỉ: Đức Giê-su cho đến giờ vẫn cư xử “như bất cứ ai”. Lúc Người bước vào sân khấu, chẳng có chi phân biệt Người với đồng hương, với “toàn dân” cả. Người là một tín hữu Do-thái tốt, không tìm mọi cách tách riêng mình. Vì toàn dân đã chịu phép rửa, nên “Đức Giê-su cũng xin chịu”! So với trình thuật của các thánh sử khác (x. Mt 3,13-17 và Mc 1,9-11), câu này của Lu-ca, “nét bút” chỉ mình ông có và tô đậm, thật đầy ý nghĩa! Nó cho thấy Đức Giê-su vô cùng “nhập thể”, hết sức “làm người” đến mức đã hành động “như mọi người”. Bằng tưởng tượng, hãy quan sát Người đang trà trộn vào đám đông, chẳng có nét chi phân biệt. Người đứng đó, trong dãy dài thường dân đang chờ đến phiên nhận phép rửa.
Điều này thoạt tiên xem ra lạ lùng đối với chúng ta. Làm thế nào mà Đức Giê-su lại đã nhận “phép rửa” (x. Lc 3,3)? Là Đấng vô tội, Người cần được thanh tẩy chỗ nào? Câu trả lời nằm sâu xa, cũng trong cuốn Tin Mừng này: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,49-50). Câu trả lời cũng nằm trong chuyện hai anh em nhà Dê-bê-đê đến xin Đức Giê-su cho được ngồi bên tả hữu Người trong ngày vinh quang: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38). Phép rửa đích thật của Đức Giê-su là cái chết cứu rỗi của Người. Khi để mình chịu thanh tẩy “trong hàng ngũ kẻ tội lỗi”, khi suốt đời chấp nhận “một thái độ hối nhân”, Đức Giê-su đã trọn vẹn chia sẻ khát vọng của con người, khát vọng Thiên Chúa đến cứu thoát, thanh tẩy bản thân mình. Người đã chọn lấy địa vị của tội nhân là chúng ta. Vì “cũng chịu phép rửa”, Đức Giê-su không lên án các yếu đuối của ta từ trên cao, song liên đới với các yếu đuối này. Nhưng đâu chỉ có thế! Qua việc để mình bị “nhận chìm” trong nước sông Gio-đan, Đức Giê-su muốn tiên báo và chuẩn bị mình sẽ bị “nhận chìm” trong đau khổ để lấy máu thanh tẩy loài người. Đó cũng chính là điều thánh sử Gio-an muốn nói tới khi ông thuật lại việc nước và máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Đức Giê-su (x. Ga 19,34tt) và khi ông quả quyết rằng Thần Khí, nước và máu liên kết với nhau cách chặt chẽ (x. 1Ga 5, 6-8).
2. Nhận Thánh Thần để tuôn đổ cho trần gian.
Chịu phép rửa xong, “Đức Giê-su cầu nguyện”: Kiểu nói này cũng chỉ mình Lu-ca có và thích lặp lại không ngơi (x. Lc 5,16; 6,12; 9,18.28-29; 10,21; 11,1; 22,32.40-46; 23,34.46). Và chính trong lúc cầu nguyện như thế mà Người đã nhận được Thánh Thần. Về sau, khi kể lại bước đầu của Hội Thánh, vào chính lúc Hội Thánh nhận cũng một Thánh Thần lúc đến phiên mình (x. Cv 1,14; 2,1-11), Lu-ca sẽ cho thấy Hội Thánh cũng cầu nguyện. Trong một đoạn khác của Tin Mừng, Lu-ca sẽ cho ta hay “điều thiện” duy nhất cần xin với Thiên Chúa chính là “Thánh Thần” (x. Lc 11,13).
Như thế, trong Tin Mừng Lu-ca, việc cầu nguyện và Thánh Thần luôn được liên kết với nhau đến nỗi mục đích chủ yếu của cầu nguyện ra như là xin cho được Thánh Thần để Người ngự trong lời cầu nguyện ấy và qua đó trong cả cuộc sống chúng ta. Bởi lẽ duy mình Người mới có thể đưa chúng ta vào tận những cõi thâm sâu trong đó cầu nguyện chỉ còn là việc chân thành tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Giúp ta hoàn toàn trở thành con người như Thiên Chúa muốn chính là công việc của Thánh Thần trong ta. Cầu nguyện thành thử là dành chỗ cho Thánh Thần. Đó là tạo khoảng trống để Người đến, tạo những điều kiện cho Người tới biến đổi ta, giúp ta không còn sống theo tinh thần của loài người nữa mà theo tinh thần của Thiên Chúa. Phải chăng bạn luôn cầu nguyện theo ý hướng ấy? luôn xin sự tuôn đổ Thánh Thần? luôn cầu mong “phép rửa của Thần Khí” như lời loan báo của Gio-an Tiền hô: “Đức Giê-su sẽ rửa (nhận chìm) anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16).
Lúc ấy “trời mở ra”. Trong Đức Giê-su bắt đầu một thời đại mới, chấm dứt Giao ước cũ. Thời của Gio-an Tẩy giả đe dọa nhân loại với “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa đã qua rồi (x. Lc 3,7). Một sự thông giao mới mẻ được thiết lập giữa trời và đất. Trời mở ra chứ không còn đóng nữa. Và Thần Khí Thiên Chúa, phần khả thông của Thiên Chúa, được ban cho con người Giê-su, trước khi tuôn tràn trên những ai sẽ “chịu phép rửa trong Thánh Thần” dịp lễ Ngũ Tuần và nhân mỗi lần rửa tội.
Và Người “ngự xuống trên Đức Giê-su, dưới hình dáng chim bồ câu”. Nhiều lối giải thích đã được đưa ra về “dấu chỉ” khả giác này. Phải chăng nó gợi lại hình ảnh chim câu của Hồng thủy loan báo một thế giới mới (x. St 8,8)? Phải chăng nó biểu hiện tình yêu Thiên Chúa trong Diễm Ca (x. Dc 2,14; 5,2)? Phải chăng nó nhắc nhớ cuộc Sáng tạo thế giới lúc Thần Khí bay là là trên mặt nước (x. St 1,1)? Có lẽ cả ba cách giải thích này đều đúng cả. Vâng, một cuộc sáng tạo mới đang bắt đầu, hình thành một nhân loại mới mà Thiên Chúa chẳng còn muốn phạt, vì Người thiết tha yêu mến nó!
Tình yêu này biểu lộ trước tiên qua kiểu nói âu yếm nhân từ Thiên Chúa ngỏ với Đức Giê-su: “Con là Con yêu dấu của Cha”. Đang khi Mát-thêu kể lại cũng cảnh này nhưng nói ở ngôi thứ ba: “Đây là Con yêu dấu của Ta…” (Mt 3,17) thì nơi đây, trong thánh Lu-ca, Đức Giê-su được gọi ở ngôi thứ nhì. Công thức nào trong hai là đúng với lịch sử? Cả Lu-ca lẫn Mát-thêu đều không quan tâm đến loại câu hỏi hiện đại ấy. Truyền thống Do-thái vẫn hay quả quyết Thiên Chúa “duy nhất” bao giờ cũng chỉ nói “một tiếng”, ngỏ “một lời” nhưng con người lại nghe “nhiều lời”, nghĩa là hiểu nhiều cách.
Rồi cũng khác với Mt, Lu-ca giải thích Lời duy nhất của Thiên Chúa bằng cách trích dẫn vừa ngôn sứ I-sai-a 42,1 vừa thánh vịnh 2,7: “Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Chính câu trích Thánh Kinh này sẽ được dùng nhiều lần để diễn tả “tử hệ thần linh” và “cuộc tái sinh” của Đức Giê-su từ trong cõi chết (Cv 13,33; Dt 5,5). Ở đây, Lu-ca muốn ngụ ý rằng Đức Giê-su được công khai tấn phong làm Đấng Mê-si-a (Ki-tô) và bắt đầu thi hành sứ mệnh giữa dân Chúa. Đây là lời mạc khải hệ trọng nhất về mầu nhiệm của Người. Đây cũng là sứ điệp khẩn cấp nhất đối với nhân loại: nhân loại không mồ côi, chẳng phải là kết quả của “ngẫu nhiên và tất yếu”. Trong Đức Giê-su, chúng ta đã được sinh ra từ một Thiên Chúa yêu loài người. Đây cũng là “ý nghĩa” phép rửa của riêng tôi. Tôi sinh ra từ Thiên Chúa!
Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế.