Những lời tâm huyết của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi chép lại trong hai chương 13 và 14, cuối cùng Chúa đúc kết trong một lời khuyên ân cần: “Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy“.
Có câu chuyện “Cậu Bé Thủy Thủ” giàu ý nghĩa minh họa :
Cậu bé Louis, 15 tuổi, học nghề thuỷ thủ trên một chiếc tàu buôn. Một hôm, trời mưa to gió lớn làm cho các thuỷ thủ lạnh cóng và rét run. Viên thuyền trưởng đem rượu Whisky ra cho các thuỷ thủ uống để chống lạnh. Ông cũng đem rượu cho cậu bé Louis, nhưng cậu từ chối không uống. Viên thuyền trưởng ép cậu phải uống kẻo bị lạnh, nhưng Louis vẫn một mực từ chối. Vì tự ái, viên thuyền trưởng bắt cậu ra sàn tàu đứng ôm cột buồm suốt đêm.Sáng hôm sau, khi điểm tâm xong, viên thuyền trưởng mới chợt nhớ ra cậu bé Louis. Mọi người chạy lên sàn tàu thì thấy cậu bé đã ngất xỉu dưới chân cột buồm.Sau khi sưởi ấm và làm cho cậu bé tỉnh, viên thuyền trưởng mới dịu dàng hỏi : “Tại sao cháu lại cố chấp như thế ?”. Cậu bé trả lời : “Thưa ông, vì trước khi chết, mẹ cháu dạy cháu đừng bao giờ uống rượu. Và cháu đã hứa với mẹ điều ấy”. Viên thuyền trưởng ngạc nhiên hỏi : “Tại sao ?”. Cậu bé ngậm ngùi kể lại : “Cha cháu say sưa tối ngày vì rượu. Mỗi lần say, ông về đánh đập mẹ cháu, lấy đồ đạc trong nhà bán để uống rựơu. Mẹ cháu buồn quá sinh bệnh rồi chết. Cháu rất thương mẹ cháu. Xin ông đừng bắt cháu làm ngược lại những gì mẹ cháu đã dạy bảo”. Viên thuyền trưởng cảm động ôm lấy cậu bé và nói : “Con xứng đáng là con của ta, ta sẽ truyền nghề cho con”.
Cậu bé Louis vì thương mẹ nên đã vâng giữ lời mẹ dạy. Cậu vâng nghe lời mẹ vì yêu mến mẹ.
Tình yêu của mỗi tín hữu dành cho Chúa sẽ được thẩm định bằng việc tuân giữ Lời của Ngài. Tình yêu ấy được minh chứng bằng cuộc sống tốt lành hàng ngày.
“Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy”. Lòng yêu mến của mỗi tín hữu đối với Chúa chỉ có giá trị khi đi đôi với việc làm là “vâng giữ lời Chúa”.
Khi thực thi ý Chúa, người tín hữu nhận lãnh được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa : “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Câu nói này của Chúa Giêsu hướng chúng ta đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và nhất là ơn huệ Thánh Thần: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.Thánh Thần được ban chính là để làm chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu; như thế, chính khi chúng ta nhớ, hiểu và cảm nếm Lời Chúa trong cầu nguyện, trong thời gian tĩnh tâm, trong thánh lễ hằng ngày; khi để cho Lời Chúa trở thành lương thực, sự sống mỗi ngày của mình thì chúng ta đang chan hòa ơn Thánh Linh. Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong chúng ta, như thế tâm hồn mỗi người xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa, một đền thờ thiêng liêng, thánh thiện, tốt đẹp, yêu thương, luôn thể hiện tình yêu Thiên Chúa đến với mọi người.
“Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy“. Giữ lời của Thầy là chứng tỏ lòng thương mến của mình đối với Thầy. Lời cốt lõi của Thầy là các con hãy tuân giữ và thực thi giới răn yêu thương.
Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại.Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời: Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về Tình yêu và đi vào trong Tình yêu (R.Tagore)
Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương. Chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta. Và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống viên mãn.Thiên Chúa là dòng sông ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua chúng ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Những người yêu mến Chúa thì luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.
Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:
“Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác…. Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng chia cơm cho họ”. Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Ngài quả là người yêu mến Chúa thật và đã đáng được Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.
Đức Maria là mẫu gương yêu mến và tuân giữ Lời Chúa.
Một người phụ nữ nghe Chúa giảng dạy, bà nghe say mê. Với tính nhạy cảm của một người nữ, bà cảm nghiệm niềm hạnh phúc của người mẹ có một người con tuyệt vời như Chúa Giêsu. Giữa đám đông, bà bày tỏ niềm thán phục Chúa, bà tán dương Mẹ Maria là “người mẹ có phúc đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”. Đáp lại lời tán dương ấy, Chúa nói đến hạnh phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa: “Bà ơi, đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Người phụ nữ kia đã tán dương Đức Mẹ là có phúc vì Mẹ có các vinh dự làm Mẹ của một người con tài ba kỳ diệu là Chúa Giêsu. Đây mới chỉ là vinh dự trần gian. Mẹ Maria còn có một hạnh phúc lớn lao hơn là “nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Khi biết lắng nghe, đón nhận và giữ lời Thiên Chúa thì thiên đàng đã ở trong người ấy, vinh phúc đời đời ở trong người ấy, Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là vinh phúc của Mẹ Maria. Bởi đó, Chúa nói với người phụ nữ kia, không chỉ dừng lại nơi lời khen Mẹ Maria có phúc vì đã có vinh dự cưu mang, nuôi dưỡng một người con tuyệt vời, mà cần hướng đến ý nghĩa cao cả hơn. Phúc thay cho ai biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc cao quý nhất của Đức Mẹ.
Vào ngày Thiên Thần Gabriel đến truyền tin, Đức Mẹ đã đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng. Mẹ cưu mang con Thiên Chúa. Mẹ suy nghĩ và trao đổi. Mẹ biết đây là thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đáp trả lời “Xin Vâng”. Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã tin và chấp nhận dấn thân. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Chính Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa đang đến với nhân loại và trở nên Emmanuel.
Ngày kia, Chúa đang rao giảng, có người tin cho Chúa biết: “có Mẹ và anh em Thầy đang chờ gặp Thầy”. Chúa nói ngay với họ: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi? Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, người đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.
Tại tiệc cưới Cana, Mẹ xin Chúa giúp đỡ gia đình tân hôn đang hết rượu. Với một lời đề nghị tế nhị: “Con ơi, họ hết rượu rồi”. Chúa đáp lại như một lời từ chối: “Thưa bà, việc đó liên can chi đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Mẹ tin nơi tình thương của Chúa. Chúa sẽ làm những gì tốt nhất, đẹp nhất cho con người. Vì thế, Mẹ dặn dò người giúp vịêc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Trong cuộc thương khó của Chúa, Mẹ đau đớn và luôn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Dưới chân thập giá, Mẹ hiệp thông trọn vẹn trong lễ tế hiến dâng với con…
Lạy Chúa, chúng con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là chúng con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con xác tín rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp chúng con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.
Lạy Chúa, trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng con tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng con nhìn lên Mẹ như vị thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu như Mẹ là mẫu gương cho chúng con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An