Tấn Phong Con Chí Ái – Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Năm B

09/01/2021

Tin Mừng Mc 1,6B-11

Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.

Hồi ấy, Đức Giê-su từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê đến và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.                           

************************************

TẤN PHONG CON CHÍ ÁI

Sau khi đột nhập vào trong Tin Mừng Lu-ca và Mát-thêu, những Tin Mừng duy nhất nói cho ta hay về thời thơ ấu của Chúa Giê-su, hầu gợi lên các mầu nhiệm Giáng sinh và Hiển linh, chúng ta lại cùng Mác-cô tái ngộ. Ông thì khai mở trình thuật với đầu đời công khai của Đấng Cứu Thế. Thành thử chúng ta lập tức chứng kiến giai đoạn trưởng thành của Đức Giê-su. Người đã khoảng ba mươi tuổi.

1. Loan báo Người Con chí ái

“Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng: Có Đấng quyền thế hơn tôi, đang đến sau tôi”. Trong Tin Mừng Mt và Lc, lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả có một nội dung dữ dội, công bố cuộc Phán xét cánh chung đã gần kề: “Nòi rắn độc kia… Hãy sám hối… Cái rìu đã đặt sát gốc cây…” (Mt 3,7.10; Lc 3,7.9). Mác-cô hoàn toàn bỏ quên kiểu rao giảng này, để chỉ giữ lại lời loan báo về “Đấng phải đến”… và về phép rửa Người thực hiện… Gio-an Tẩy giả loan báo chỉ mình Đức Giê-su thôi: “Này đang đến sau tôi Đấng mà anh em chờ đợi”. Người sắp đến. Hãy sẵn sàng! Nhưng Mc đã cảnh giác chúng ta ngay: Đức Giê-su ông sắp nói tới chất chứa cả một mầu nhiệm. Ngay trước khi xuất hiện trên sân khấu, “nhân vật vô danh” ấy được hồi hộp đợi chờ, khiến nhân cách ngoại hạng của ông càng thêm nổi bật. Vậy ông ta là ai mà Gio-an Tẩy giả thậm chí cũng chẳng đáng “cúi mình cởi quai dép cho”?

Ông ta là người “làm phép rửa trong Thánh Thần” đang khi Gio-an chỉ làm phép rửa trong nước. Thánh Thần được ba lần nói đến trong chương đầu tiên của Mc (Mc 1,8.10.12). Lối nhấn mạnh đó khiến chúng ta phải chú ý. Riêng thính giả của Gio-an thì chẳng thể lầm lẫn. Không như chúng ta, họ biết các sấm ngôn liên hệ tới Đấng Mê-si-a mang đầy Thần Khí (Is 11,1-3; 42,1; 61,1) và gieo rắc Thánh Thần ào ạt trên nhân loại vào Thời thiên sai (Is 32,15; 44,3; 59,21; Ed 11,19; 36,25-29; 37; 39,29; Ge 3,1…). Lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả thành thử loan báo: Đấng Mê-si-a đã đến gần kề và sẽ ban Thánh Thần để khai sinh một nhân loại mới. Chúng ta có ý thức rằng phép rửa Ki-tô giáo là thế không? Chung chung, chúng ta còn lâu mới sống thật chiều sâu phép rửa đã lãnh nhận. Do đang ngụp lặn trong một môi trường vô thần, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ coi ơn “cứu rỗi” loài người nằm trong sự nối dài các nỗ lực của chúng ta, các thái độ nhân bản giá trị nhất của chúng ta. Não trạng khoa học và kỹ thuật khiến chúng ta quen nghĩ rằng sự cứu rỗi của con người là nằm trong con người: hãy trở nên đoàn kết hơn, hãy làm chủ thiên nhiên hơn nữa, hãy chia sẻ nhiều hơn nữa, chúng ta bảo vậy. Điều này không sai. Nhưng tất cả “mạc khải Kinh Thánh” (và kinh nghiệm nhân loại đích thật nhất) nói cho chúng ta hay: ý nghĩa sau hết của con người chẳng có nằm trong con người: dù vĩ đại đến đâu, vũ trụ không có “cùng đích” trong chính nó. Con người chỉ có thể hoàn tất chính mình trọn vẹn khi mở lòng ra đón nhận một thực tại cao hơn: Thần Khí của Thiên Chúa, hay nói gọn ghẽ: Thiên Chúa! Như thế, giải đáp sau hết cho mọi câu hỏi lớn lao của con người không nằm trong con người. Chinh phục vũ trụ, bay lên cung trăng có ích gì, nếu cuối cùng để chết ở đó? Chiều kích “siêu việt” ngày càng cần thiết hôm nay. André Malraux (văn hào Pháp) từng viết: “Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Ki-tô giáo hoặc nó sẽ không tồn tại!”

2. Lễ nghi tấn phong Con chí ái

“Hồi ấy, Đức Giê-su từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê đến và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan”. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của Đức Giê-su trong trình thuật Mc. “Kẻ vô danh” này đã sống 30 năm trong cảnh tối tăm của một thôn làng bé nhỏ chẳng hề được nêu tên trong Kinh Thánh, sách Talmud (tác phẩm cơ bản của các giáo sĩ Do Thái), lịch sử lẫn địa dư… trước khi Đức Giê-su làm cho nó nổi danh khắp hoàn vũ. Thời ấy, theo những cuộc đào bới khảo cổ, Na-da-rét gồm khoảng 20 nóc nhà, thành thử gần trăm cư dân. Chính từ chốn tối tăm lạ lùng đó sắp xuất hiện một trong những phong trào lịch sử lớn lao nhất đã thay đổi bộ mặt hành tinh này. Vậy Đức Giê-su ấy là ai? Hiện thời, Người trông như một kẻ bình thường, vì thậm chí còn đến nhận phép rửa thống hối.

“Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra…” Lu-ca và Mát-thêu sử dụng ở đây một từ ngữ dịu hơn nhiều: “trời mở ra”. Đối với Mc, trời “xé ra”! Lúc nãy, khi nói về phép rửa chúng ta, chúng ta đã gợi lên cái thế giới trong đó con người có khuynh hướng khép mình lại. Vậy Đức Giê-su chính là Đấng đến “xé” một đường trong vũ trụ đóng kín đó. Từ nay, trong bản thân Người, nhân loại có một “kẽ hở” để thông giao với thế giới thần linh. Trong tiếng “xé” gợi hình ấy, chúng ta nhận ra văn phong cụ thể của Mc. Nhưng ta cũng có thể thấy nó ám chỉ một lời ngôn sứ: thời đại nạn lưu đày, trong nỗi chán nản âu lo vì Thiên Chúa không lên tiếng, ngôn sứ I-sai-a đã khẩn cầu Người phá vỡ im lặng của mình như vào thời giải phóng khỏi nô lệ Ai cập, và lời cầu nguyện của ông đã trở thành một tiếng kêu: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống…” (Is 63,19).

Đức Giê-su “thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người”. Quang cảnh này là quang cảnh đầu tiên trong đời Đấng Ki-tô, theo Mc. Hành vi đầu tiên của Đức Giê-su, theo tác giả Tin Mừng này, là một “linh kiến”. Theo Mc, chỉ mình Đức Giê-su chứng kiến việc “xé trời” qua đó Thần Khí tuôn xuống thế gian. Thành thử chúng ta đang đứng trước một biến cố siêu nhiên mà các chứng nhân khác không thấy được. Đây chắc hẳn là một linh kiến nội tâm, diễn tả việc Đức Giê-su đào sâu ý thức về tử hệ thần linh của mình, về sứ mệnh của mình (thấy mình là con Thiên Chúa, được giao một sứ mệnh đặc biệt). Chúng ta thường gặp rất nhiều khó khăn khi tưởng tượng tâm lý Đức Giê-su: Người đã không “trở thành” Con Thiên Chúa nhờ một thứ tiến triển nào đó, bởi lẽ Người đã như thế từ muôn thuở… Nhưng vì cũng là người thật, nên đã phải có một sự tiến triển trong ý thức Người, tương ứng với độ tuổi và các kinh nghiệm của Người. Có lẽ ngày nay ta nói đó là một “trực giác” hơn là một linh kiến. Nhưng ngôn từ của ta vẫn mãi què quặt khi diễn tả các thực tại thần linh.

Cựu Ước thường cho chúng ta thấy Thần Khí Thiên Chúa chiếm lấy một con người vì một sứ mạng chính xác (Is 11,2; Tl 6,34; 14,19; 15,14). Nên chúng ta có thể tưởng tượng rằng: Đức Giê-su đã thật sự xác tín thình lình, trong chính hữu thể nhân loại của mình, về “vai trò” vĩ đại Người nhận lãnh. Nhưng Thần Khí đã “tỏ mình” như thế nào? Bản văn nói “như”: như một chim câu. Trong ngôn ngữ văn chương khải huyền, phân từ này được sử dụng để gợi lên cái không thể trông thấy: “Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền” (Đn 7,9). Nhưng vì đang ở trong một cuộc “thần hiện”, nghĩa là một cuộc “tỏ mình của Thiên Chúa”, nên chắc chắn trí tuệ ta không thể xác định mầu nhiệm này: Thiên Chúa bao giờ cũng chỉ có thể xuất hiện như một “thách thức” đối với con người, vượt quá các khả năng quan niệm, tưởng tượng của chúng ta. Phải chấp nhận bị “xé” và để mình chìm mất trong đó như trong một vực thẳm: “Lý trí ngu dại hãy im đi trước mầu nhiệm” (Pascal), “Mầu nhiệm không phải là một bức tường cho trí tuệ bể nát khi đụng vào, mà là một đại dương trong đó trí tuệ bị mất hút luôn” (G. Thibon).

“Lại có tiếng từ trời phán: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Đây là một kinh nghiệm tình yêu độc nhất vô nhị. Đức Giê-su biết mình được yêu thương. Hiển nhiên một số kẻ sống cận kề Đức Giê-su đã khám phá thấy Người có một kiểu tương quan độc nhất vô nhị với Thiên Chúa. Trong khi cầu nguyện, Người thường nói cùng Đấng vô hình với một sự thân mật mà chẳng ai trước Người đã dám bày tỏ. Người từng xưng với Thiên Chúa: “Abba!”, có nghĩa là “Ba ơi!” (Mc 14,36).

Từ nhiều năm, trong ngôi làng Na-da-rét nhỏ bé và tối tăm, Người thành thử đã sống một cuộc mạo hiểm kỳ diệu của tình hiếu thảo. Và điều đó giờ đây nổ ra như một hồi chuông ngân vang trong quả tim Người: “Con là tình yêu của Ta. Con là Con một của Ta. Ta hài lòng về Con”. Dĩ nhiên những tiếng này được rút từ Kinh Thánh. Và thật có ích cho ta nếu tìm lại được các câu Đức Giê-su đã suy gẫm, đã thưởng thức bao năm trong lời cầu nguyện của Người tại hội đường, hay trong cuộc sống mỗi ngày, nơi căn nhà nhỏ bé của mình, với Đức Ma-ri-a, đang khi làm việc: “Ta sẽ là Cha nó và nó sẽ là Con Ta” (2Sm 7,14). “Chúa phán bảo tôi rằng: Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2,7). “Đây là tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng” (Is 42,1). Bạn đã có đôi lúc kinh nghiệm như thế chưa ? Đã cảm thấy mình được yêu mến ? Và đã đáp lại tình yêu ấy với tất cả sức lực mình?

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi