Tin Mừng Ga 15,1-8
1Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
“5Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em không làm gì được. 6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.
************************************
TẤT CẢ TRONG THẦY VÀ TRONG CHA
Suốt Cựu Ước, hình ảnh “cây nho” đã chỉ dân mà Thiên Chúa từng tuyển chọn và lo lắng với tình yêu (x. Is 5,1-7; 27,2-4; Gr 2,21; 12,10; Ed 15,1-8; 17,6-10; 19,10-14; Hs 10,1; Tv 80,8-17). Nhưng Ít-ra-en đã làm cho Thiên Chúa phải thất vọng, vì đã không trổ sinh cành lá tươi tốt, hoa trái ngon ngọt (x. Is 5,4; Gr 2,21). Đức Giê-su chiếm lấy hình ảnh này, biểu tượng này để giúp chúng ta khám phá một thực tại mới: “Thầy là cây nho đích thực”, nơi Ga 15,1-17. (Đoạn này chia làm hai phần: cc. 1-2: dụ ngôn cây nho và cành nho ; cc. 3-17: áp dụng, quảng diễn dụ ngôn, trong văn mạch của Diễn từ Giã biệt).
1. Vì Thầy là Cây Nho
Luôn luôn có Thiên Chúa, người trồng nho chăm chỉ, và loài người, dân-vườn nho. Nhưng giữa cả hai nổi lên một con người-vườn nho, một con người “tập thể”: Đức Giê-su. Vườn nho với nhiều gốc rải rác trở thành Gốc nho độc nhất sẽ không ngừng lớn lên nhờ các cành: “Thầy là cây nho, anh em là cành”
Không nói: “Thầy là thân nho, anh em là cành nho” mà lại sử dụng kiểu nói lạ lùng vừa thấy, Đức Giê-su muốn cho ta nhận thức rõ một mầu nhiệm: mầu nhiệm hiệp nhất: sự hiệp nhất chặt chẽ của Người với các môn đệ Người. Mối hiệp nhất này rõ ràng khiến nghĩ đến sự liên đới loài người trong A-đam (liên đới trong họa), nhưng sự liên đới trong Đức Giê-su còn mạnh mẽ hơn và hoàn toàn có lợi (liên đới trong phúc) (x. Rm 5,12-21). Nó múc lấy sức mạnh từ một sự hiệp nhất khác: hiệp nhất giữa Đức Giê-su với Cha Người, giữa “gốc nho” với “người trồng nho”.
Có một từ tiêu biểu của Gio-an xác định sự hiệp nhất thần linh vốn lan đến chúng ta nhờ Đức Giê-su như thế: ở lại trong: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Nơi lời cầu nguyện dài cuối cùng, Đức Giê-su sẽ gợi lên lần sau hết kiểu hợp nhất trú ngụ chưa từng có ấy: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (17,21). Rồi một hình ảnh biểu tượng rất đẹp nói lên việc cộng thông sự sống giữa Đức Ki-tô với những ai tin vào Người: nhựa cây nho. Không có Thầy, Đức Giê-su nói, không có sự sống của Thầy trong huyết quản anh em, anh em không thể làm gì, anh em không thể sống cái gì sâu xa, đầy sinh lực với Chúa Cha và giữa anh em. Anh em chỉ là một cành cây khô héo.
2. Vì anh em là Đoàn Dân, Hội Thánh, Thân Thể
Để biểu tượng hóa cũng chính sự hiệp nhất này, thánh Phao-lô sẽ thích dùng ý tưởng “thân thể”: chúng ta là Thân Thể Đức Ki-tô, một thân thể mang tên Hội Thánh: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Quả thế, tất cả chúng ta, dù là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong Thần Khí duy nhất để trở nên một thân thể duy nhất” (1Cr 12,12-13; x. Rm 12,4-5). Đức Ki-tô và Hội Thánh làm nên “Đức Ki-tô toàn thể”. Thân thể này không phải là cộng số các chi thể, mà là nguyên lý thống nhất các chi thể. Trong tư duy Do-thái, thân thể đồng nghĩa với con người (x. Rm 6,6). Đức Ki-tô cũng vậy, bản thân Người là nguyên lý thống nhất, làm cho số đông các Ki-tô hữu được hợp nhất nên một.
Khái niệm “Thân Thể Đức Ki-tô” đưa chúng ta đến nhiều mầu nhiệm kết hợp, cư ngụ, đến cộng đồng sống giữa Đức Giê-su với những ai tin Người. “Trong thân thể này, sự sống Chúa Ki-tô tràn lan trên các tín hữu nhờ các bí tích… Trong Người, toàn thân lớn lên trong Thiên Chúa nhờ được bồi dưỡng và xây dựng qua sự liên kết ràng buộc với nhau. Trong thân thể Người là Hội Thánh, Người luôn quy định để ban các thừa tác vụ, nhờ đó, với thần lực Người, chúng ta mang đến cho nhau những việc phục vụ cần thiết cho ơn cứu rỗi, hầu khi thực hiện chân lý trong bác ái, chúng ta lớn lên về mọi phương diện trong Người là Đầu của chúng ta”. (Hiến chế Hội Thánh số 7). Với những tìm tòi mới của Tân Tô-ma thuyết (dùng mọi kiến thức khoa học của thời đại để hỗ trợ cho thần học, hầu có một cái nhìn tổng hợp về mọi công trình của Thiên Chúa và trình bày một đức tin để thấu hiểu và chấp nhận được đối với con người hôm nay), người ta ngày càng khám phá thấy có những liên hệ chặt chẽ và đối xứng sít sao giữa thân thể con người và Thân Thể Đức Ki-tô, giữa con người và Con Người Mới (Đức Ki-tô toàn mãn), giữa cuộc tiến hóa và cuộc thánh hóa, giữa sinh học (đặc biệt sinh học con người, một mũi nhọn của thế kỷ 21) và thần học, giữa công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc. Đây là một mảnh đất màu mỡ đang được khai phá.
Từ công đồng Vatican II, chúng ta lại học yêu mến một khái niệm khác của Thánh Kinh, khái niệm Dân Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã chọn Ít-ra-en làm dân Người, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử dân ấy… Tuy nhiên tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và là hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo sẽ được ký kết trong Chúa Ki-tô… Người đã triệu tập dân chúng từ Ít-ra-en và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân mới Thiên Chúa, thành một “giống nòi được tuyển chọn, thành hàng tư tế vương giả, thành dân thánh, dân đã được Thiên Chúa thu phục” (Hiến chế Hội Thánh số 9). Khái niệm “Dân Thiên Chúa” này làm nổi lên hình ảnh những con người đang tiến bước, một đoàn lữ hành bao la vốn đã lên đường theo sau Áp-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít, và Đức Giê-su Mục Tử đích thật.
Nhưng cũng chớ bỏ quên khái niệm đầu hết và thông thường hơn cả là khái niệm “Hội Thánh”. Khái niệm này lập tức gợi lên ý tưởng “những gì là thánh thì hội lại”: quanh Thiên Chúa Đấng Thánh, quanh Ba Ngôi Chí Thánh đã, đang và sẽ hội lại các thánh (những Ki-tô hữu cũng như những chính nhân của Cựu Ước và của cả nhân loại đã hoàn tất tốt đẹp cuộc đời), dân thánh (mọi Ki-tô hữu còn đang chiến đấu [x. Cv 9,13.32.41; 26.10…] cũng như những ai đang sống theo lương tâm ngay thẳng) và tất cả những gì được thánh hóa (nghĩa là toàn thể vũ trụ được cứu chuộc nhờ Đức Ki-tô với sự cộng tác của loài người): “Từ nguyên thủy, Hội Thánh đã được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Ít-ra-en và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ hoàn tất trong vinh quang. Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi các Thánh Giáo Phụ, mọi người công chính từ A-đam, “từ A-ben công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng” sẽ được tập họp trong Hội Thánh phổ quát bên Chúa Cha” (Hc Hội Thánh số 2; x. 1Cr 15,25-28)
3. Kiểu sống xuất phát từ đó
Cây Nho, Đoàn Dân, Hội Thánh, Thân Thể, tất cả đều lôi chúng ta ra khỏi một cuộc sống Ki-tô hữu duy cá nhân. Và thậm chí khỏi một kiểu tương giao tưởng tượng “Ngài-con” với Thiên Chúa. Chúng ta chẳng bao giờ cô độc và chẳng bao giờ là hai cả ; thực tại Ki-tô giáo là một bộ ba: sự hiệp thông của chúng ta với Ba Ngôi và với nhân loại. Hình ảnh các tương quan quá tách biệt, đường thẳng đứng (chúng ta với Thiên Chúa) và đường nằm ngang (chúng ta với mọi người), kể ra không được đẹp. Nên thấy mình ở trong một vũ trụ bao la, nơi tôi cùng lúc vươn tới Chúa và anh em của tôi khắp nơi.
Cuộc sống hiệp thông này, vừa duy nhất vừa đa dạng, hiển nhiên là một hiệp thông tình yêu. Trong các câu nổi tiếng tiếp theo mà chúng ta sẽ suy niệm tuần tới (15,9-17, bài tình ca của Gio-an), Đức Giê-su nói với chúng ta rằng cùng một nhựa sống thần linh, cùng một lòng yêu mến, phải dần dần biến mọi người nên một Dân-Cây nho trong Người.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Kính mời đọc thêm: Hội Thánh (vũ trụ), Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Ki-tô (Thử đưa ra một cái nhìn tổng hợp về mầu nhiệm Hội Thánh).
https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=415
https://tonggiaophanhue.org/tu-lieu/tai-lieu-khac/hoi-thanh-vu-tru-than-the-mau-nhiem-cua-chua-kito/
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi