Thánh Thần sự sống – Suy niệm Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm B

21/05/2021

Tin Mừng Ga 20,19-23

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.

Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.               

************************************ 

THÁNH THẦN SỰ SỐNG

Một cha sở già miền núi ở đảo Sicilia nước Ý có thói quen dùng nhiều ví dụ cụ thể để diễn tả các mầu nhiệm trong đạo. Vào lễ Thánh Thần hiện xuống hằng năm, ngài thường ra lệnh thả một chim câu trong nhà thờ sau khi đọc bài Tin Mừng của Thánh lễ. Và khi chim đậu xuống ai, người đó phải thề hứa thực hiện một công tác cụ thể để phục vụ cộng đoàn, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Có lần chim đậu xuống một thầy hiệu trưởng, ông này đã cam kết và thực hiện được một cuốn sách giá trị. Lần khác chim đậu xuống một quả phụ giàu có và bà đã bỏ tiền xây hệ thống dẫn nước chạy khắp làng. Một linh mục trẻ được sai tới thay thế vị linh mục già. Cha sở mới không thích kiểu cách Cha sở cũ nhưng chưa tiện hủy bỏ những tập tục vốn đã trở thành truyền thống của giáo xứ. Vào lễ Chúa Thánh Thần đầu tiên sau ngày nhậm chức, ngài bảo cứ thả chim câu và cho mở rộng hết các cửa, nghĩ rằng chim sẽ bay ra ngoài. Trớ trêu thay, con chim chỉ bay lượn một vòng bên trong Nhà thờ và đậu ngay xuống vai Cha sở mới, trong tiếng vỗ tay vang dội của toàn thể giáo dân. Thế là vị Quản xứ trẻ đành phải thề hứa như tập tục. Ngài tuyên bố sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn Giáo xứ. Và ngài đã giữ lời.

Tuy phương pháp được vị linh mục già sử dụng để giải thích sự kiện và những hoạt động của Chúa Thánh Thần có vẻ gò bó và thô thiển, nhưng ta thấy Kinh Thánh cũng chẳng nói về Thánh Thần khác hơn: Người được diễn tả qua những hình ảnh biểu tượng rất cụ thể như cuồng phong, hơi sống, chim câu, lưỡi lửa… Tuy nhiên, điều quan trọng là tác động của Người đã thực lớn lao trong đời sống Giáo xứ nói trên và nhất là trong đời sống Giáo Hội qua bao thế kỷ, bắt đầu từ câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay.

1. Thánh Thần Sự Sống nơi Đức Ki-tô.

Theo Tin Mừng thánh Gio-an, chính chiều ngày Phục sinh, trong sự nối dài biến cố Sống lại, mà Thánh Thần đã được ban cho các Tông đồ và Giáo Hội đã được khai sinh cho trần thế từ cùng một hơi thở của Đức Giê-su Ki-tô. Chính vì thế, Gio-an mở đầu bằng kiểu nói: “Ngày thứ nhất trong tuần”. Một thế giới mới bắt đầu, một cuộc sáng tạo mới khởi sự. Thiên Chúa đã nắm lại “con người” trong tay, đã tái nhào nặn nó trong một thứ “đất sét” hoàn toàn mới, Thần Khí lại bay là là trên những gì sắp được tái tạo. Và Ki-tô hữu từ hôm ấy đã không ngừng tụ họp nhau mỗi “Ngày thứ nhất trong tuần”, mỗi Chúa nhật. Giáo Hội sinh ra từ sự tập họp đều đặn theo thời gian ấy, mãi tới hôm nay. Ki-tô hữu cũng dần dà được tạo nên qua nhiều Chúa nhật, theo nhịp những lần Đức Giê-su “đến”.

Ngày đầu tuần đó đã trở nên khởi điểm cho một cuộc tân tạo, chính là bởi Thánh Thần hôm ấy đã được Đấng Phục sinh đến tặng ban. Không phải tình cờ mà Gio-an liên kết sự Phục sinh của Đức Giê-su với việc ban tặng Thần Khí. Trong kinh Tin Kính, chúng ta quả quyết Thánh Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống”. Hồng ân sự sống này, Đức Giê-su là người trước tiên nhận lãnh: khi kéo Đức Giê-su khỏi quyền lực sự chết, Thánh Thần Thiên Chúa đã thực hiện hành vi bậc thầy của mình!

Như chúng ta biết, trong hữu thể thụ tạo, hữu hạn của chúng ta, “tinh thần” và “thể xác” liên kết với nhau cách chặt chẽ: tinh thần được bày tỏ qua thể xác, thể xác được sinh động bởi tinh thần. Nhưng dù có mạnh đến đâu, tinh thần trong ta cuối cùng cũng bất lực, không thể nắm giữ, sinh động thân xác mãi mãi: “làm người” cũng có nghĩa là “diệt vong”! Nhưng đứng trước vũ trụ thọ tạo, thành thử sẽ phải diệt vong này, Đức Ki-tô hôm nay chẳng những có trong tay nhiều khả năng hữu hạn của riêng tinh thần con người, mà còn nhiều khả năng vô biên thuộc riêng về Thiên Chúa. Người mang trong bản thân một Tinh Thần hoàn toàn khác với tinh thần “bị cái chết áp chế” của chúng ta. Người có trong tay Thánh Thần “Đấng ban sự sống”!

Người bẻ gãy mọi hàng rào. Việc Người đột hiện giữa các môn đệ đang giam mình cho thấy Người không thể bị cầm giữ bởi bất cứ chướng ngại nào để “đến đứng giữa các ông”. Sáng hôm ấy, Người đã nhận một “Hơi thở” đặc biệt mới, biến Người thành một “thân xác thần thiêng”, một thân xác được sinh động bởi Sức Sống của Thánh Thần (x. 1Cr 15,44). Người “đã được Thiên Chúa Cha ra tay uy quyền nâng lên, trao cho Thánh Thần đã hứa” (Cv 2,33), trước khi ban ngay cho môn đệ.

2. Thánh Thần Sự sống nơi môn đệ.

Đúng thế, sau khi chào bình an, Đức Giê-su “đã thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Ở đây, Gio-an sử dụng một ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt ám chỉ hai bản văn thời danh: cuộc sáng tạo tiên khởi: “Thiên Chúa đã hà hơi sống vào mũi con người” (St 2,7); và cuộc sáng tạo cuối cùng: “Thần khí hỡi, hãy thổi vào các tử thi này để chúng được sống” (Ed 37,9). Đã từng có cuộc sáng tạo trong quá khứ: sản sinh sự sống đầu thời gian. Rồi sẽ có cuộc sáng tạo trong tương lai: phục sinh tạo vật ngày sau hết. Nhưng cũng có cuộc sáng tạo luôn luôn hiện tại: hoạt động của “Hơi thở” Thiên Chúa là Thánh Thần.

Sinh khí! Hơi thở sống! Bạn không thấy thật tài tình khi mô tả sự Hiện diện và Hành động của Thiên Chúa trong thế giới bằng cái thông thường nhất và căn bản nhất sao: thở! Mọi sinh vật, từ con vi khuẩn đến các dã thú lớn, đều cùng thở khí oxy, được ban cho tất cả chung quanh hành tinh này… và chính ta cũng thở như mọi sinh vật. Thật là một hình ảnh đánh động về vị Thiên Chúa độc nhất vốn làm cho tất cả chúng ta sống!

Sự sống đó tựu trung là sự sống thông hiệp. Nhân loại phải được kêu mời đón nhận sự hiệp thông vốn có giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, để tất cả trở thành một! Chính vì thế, cùng với việc ban Thánh Thần là ủy nhiệm sứ mệnh: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”. Các môn đồ được sai đi “đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19), nghĩa là liên kết họ vào cộng đồng sự sống, cộng đồng tình yêu, cộng đồng thông hiệp của Ba Ngôi. Nhưng để việc hiệp thông trong Thánh Thần này được thể hiện, loài người trước hết phải hòa giải với Thiên Chúa, nhờ quyền năng của Thánh Thần qua bí tích tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

“Nhờ Thần Khí, các tâm hồn được nâng cao, kẻ yếu đuối được cầm tay dẫn dắt, người đang tấn tới được nên hoàn thiện. Khi soi sáng cho những kẻ đã được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ, Người làm cho họ trở nên những kẻ sống theo Thần Khí, nhờ được hiệp thông với Người. Và cũng như những vật thể trong suốt sáng ngời, khi gặp tia sáng, liền trở nên rực rỡ lạ lùng và tự mình tỏa ra một luồng sáng chói lọi, thì các tâm hồn mang Thần Khí và được Thần Khí chiếu soi cũng trở nên những con người sống theo Thần Khí và chuyển thông ân sủng đến những kẻ khác vậy” (Thánh Baxiliô Cả).

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi