CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A: MT 26,14-27,66
(Vì bài Tin Mừng quá dài, chúng tôi xin phép không chép ra đây)
************************************
THIÊN CHÚA YẾU NHƯỢC VÌ TÌNH
Tuy trung thành với lược đồ xem ra có từ rất sớm trong truyền thống Giáo Hội sơ khai, tuy đồng quy với nhiều bản văn khác của Tân Ước (1Cr 11,25-26; 15,1-7; 1Pr 2,21-22; 3,18-22 và các Tin Mừng Khổ nạn song song), trình thuật Thương khó của thánh Mát-thêu vẫn có những nét riêng của tác giả.
Trước hết là những đặc tính vẫn gặp trong Tin Mừng của vị Thánh sử: quân bình, sáng sủa và trang trọng. Mát-thêu có những chi tiết không thấy nơi các Tin Mừng khác: cái chết của Giu-đa, chuyện vợ Phi-la-tô lo lắng, một vài “hiện tượng” lạ xảy ra khi Đức Giê-su vừa gục đầu tắt thở. Môi trường Pa-lét-ti-na của Tin Mừng thứ nhất cắt nghĩa thỏa đáng lý do tại sao Mt đã ghi lại những chi tiết này. Tuy nhiên, đi sâu vào ý nghĩa, ta thấy nơi Mt có ba điểm nổi bật:
1. Lễ Vượt Qua của Đức Giê-su
Ngay từ lời khai mạc (26,1-2), đang khi Mác-cô ghi thoáng một chỉ dẫn thời gian (“Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men” Mc 14,1), Mát-thêu nêu rõ cả ý nghĩa của sự việc sắp thể hiện: “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá”. Khác với trước đây (12,15; 14,13), bây giờ Đức Giê-su không lánh đi nữa; Người đối đầu với số mệnh của mình. Ở đây Người nói trước rất rõ về số mệnh ấy. Nhất là Người liên kết số mệnh của mình với lễ Vượt Qua để mặc khải ý nghĩa của nó.
Thánh sử cho thấy Đức Giê-su hoàn toàn làm chủ tình hình. Người ý thức về mọi sự sắp xảy đến, và tự do tiến tới để trung thành trọn vẹn với sứ mạng… “Cô ấy vừa làm cho Thầy một việc nghĩa… Cô đổ dầu thơm trên thân thể Thầy là để chuẩn bị mai táng Thầy” (26,10.12) – “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ” (26,18) – “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy… Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người” (26,21.24) – “Đêm nay, tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy… Nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (26,31.34)
Như nói trên, Mát-thêu nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa lễ Vượt Qua và sự kiện Con Người sẽ bị nộp. Vượt Qua là một lễ quan trọng, hướng tới quá khứ, hiện tại lẫn tương lai… Nhớ lại chuyến thoát khỏi Ai-cập với Mô-sê thuở nào, dân Do-thái nhận biết rằng hôm nay họ còn sống sót là nhờ ơn Chúa; họ hướng về tương lai và chờ đợi lúc Người sẽ can thiệp, như xưa kia, để giải phóng dân Người khỏi ách nô lệ… Này đây, Mát-thêu nói, điều ấy đã thể hiện: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội… Từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (26,28-29).
2. Sự ứng nghiệm các lời Kinh thánh
Là tác giả viết cho Ki-tô hữu gốc Do-thái, Mát-thêu muốn chứng minh cho họ thấy Đức Giê-su đã hoàn tất đến tận cùng và viên mãn những lời loan báo của Thánh kinh. Người nhắc đi nhắc lại: “Vì có lời chép” (26,31, trích dẫn Dcr 13,7), “Thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được” (26,54), “Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời chép trong sách các Ngôn Sứ” (26,56, vẫn ám chỉ Dcr 13,7). Mát-thêu cũng nói: “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a” (27,9-10. Hai câu 9-10 này thật ra nối kết, tổng hợp Dcr 11,12-13 với nhiều yếu tố trong Gr 18,2-3; 19,1-2; 32,6-15).
Ông thường xuyên đưa độc giả mình về lại Cựu Ước, hoặc mặc nhiên (như trong những lời chế giễu của các thượng tế, kinh sư, kỳ mục ở 27,43 cảm hứng từ sách Kn 2,18-20) hoặc minh nhiên (như khi Giu-đa nộp Thầy: 26,15; 27,9; như khi Đức Giê-su hấp hối còn cầu nguyện Thánh vịnh [22,2]: 27,46). Nghĩa là suốt trình thuật cuộc Thương khó, Mát-thêu luôn dùng những chi tiết thuộc về hình ảnh người Tôi Tớ của Đức Chúa (Is 52,13-53,12) và Người Công Chính đau khổ trong Tv 22; 69, để cho thấy ý nghĩa cứu độ nơi cái chết của Đức Giê-su: “Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất chính hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (1Pr 3,1).
Ứng nghiệm lời Kinh thánh không có nghĩa là tất cả đã được thấy trước và chỉ cần đọc Kinh thánh là biết hết thảy. Kinh thánh chỉ soi chiếu hành trình đức tin của các Ki-tô hữu tiên khởi. Sau và nhờ cuộc Phục sinh, họ hiểu hơn ý nghĩa của các biến cố đau thương Thầy mình đã trải khi đọc lại Kinh thánh cũng như hiểu hơn ý nghĩa của nhiều đoạn Thánh kinh nhờ đối chiếu với các biến cố đau thương của Thầy mình. Suốt lịch sử dân Chúa cũng như lịch sử Đức Giê-su, vẫn chỉ là ý định của Thiên Chúa, một ý định nhất quán, được thực hiện qua những chống đối, đau khổ và tử vong mất mạng. Nhưng dưới ánh sáng mới của cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su, Kinh thánh từ nay thêm sáng sủa rõ ràng (x. Lc 24,25-27)
3. Việc khai mạc một thời đại mới
Lúc Đức Giê-su chết, Mát-thêu kể ra nhiều hiện tượng kỳ lạ có sức biểu tượng mạnh mẽ: “Màn trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy” (27,52), và “Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người” (27,53).
Những hiện tượng khác thường này đều là những dấu hiệu tiêu biểu, những lối dàn cảnh văn chương cho “Ngày của Đức Chúa” do các ngôn sứ đưa ra (x. Am 8,3; Is 26,19; Ed 37,12; Đn 12,2). Mát-thêu muốn qua đó loan báo cho biết ta đang dự vào sự sụp đổ của một thế giới và thời đại cũ cũng như vào sự khai mạc một thế giới và thời đại mới. Từ nay, tất cả mọi người sẽ có thể tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Giê-su là Đền Thờ mới mẻ. Nhờ Đức Giê-su chết, những kẻ lành trong Cựu Ước được thoát tử thần (x. Mt 16,18) và sẽ theo Người vào Thành thánh, tức Giê-ru-sa-lem trên trời (x. Kh 21,2-10; 22,19). Các thánh giờ có thể tháp tùng Đức Giê-su phục sinh tiến vào Thiên quốc. Từ sự kiện này, thánh Phê-rô sẽ nói rõ về việc Chúa Ki-tô xuống âm phủ giải thoát các vong linh (x. 1Pr 3,19). Nơi đâu sự chết và tội lỗi tưởng đã chiến thắng, nơi đó sự sống và tình yêu đã khải hoàn. Điều này trước hết thể hiện nơi viên đại đội trưởng Rô-ma, kẻ đầu tiên tuyên xưng niềm tin của Giáo Hội: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (27,54). Hết thảy dân ngoại và nhân loại bắt đầu nhìn Đấng chịu đóng đinh bằng cả niềm tin yêu.
Thật vậy, với câu nói kết thúc và làm tột điểm cho trình thuật Khổ nạn này, Mt cho thấy thời đại tình yêu đã bắt đầu. Chỉ có Con Thiên Chúa Tình Yêu mới chịu một bản án bất công như thế, một cái chết tức tưởi, đau thương, nhục nhã như thế mà vẫn giữ tất cả thái độ bình thản chấp nhận, tất cả tấm lòng tha thứ bao dung.
Vâng! Đức Giê-su chính là vị Thiên Chúa đã ra yếu nhược vì tình. Dẫu có thể gọi đến “hơn mười hai đạo binh thiên sứ” (26,53: tương đương 72.000 vị, theo Claude Tassin, Les Évangiles, textes et commentaires), Người vẫn vui lòng chịu trói chân tay trước mặt Phi-la-tô, vẫn thích được xếp vào hạng cô thế, nghèo hèn, bệnh tật, bị loại bỏ, để phục hồi nhân phẩm cho họ. Người đã tích cực bảo vệ họ đến chọc tức cả những kẻ tự cho là có thế lực trước mặt Thiên Chúa hơn Người. Người đã cảnh báo môn đệ của mình rằng giữa họ với nhau, và cả với người khác nữa, chớ bao giờ đè lên nhau cái gánh mệnh lệnh: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,26-28).
Vâng! Đức Giê-su chính là Thiên Chúa không thế lực. Bởi vậy, quyền uy của Đấng Phục sinh chẳng có gì giống với những quyền lực thế trần. Quyền lực của tình yêu không làm Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa các đạo binh (cent armées). “Theo một nghĩa nào đó, tạo vật quyền năng hơn Thiên Chúa. Làm sao phản ánh của một vì Thiên Chúa mà quyền lực rốt cuộc là cái mà con người, từ các phạm trù nhân loại của mình, bị buộc phải gọi là sự yếu đuối? Yếu đuối của Đấng hoàn toàn chú tâm vào việc tôn trọng và yêu mến tha nhân” (Simone Weil). Điều này bộc lộ cách hùng hồn trong cuộc Khổ nạn dưới ngòi bút của Mát-thêu.
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi