Thứ bánh khác cho một cơn đói khác – Suy niệm Chúa Nhật 18 thường niên – Năm B

30/07/2021

Tin Mừng Ga 6,24-35

Khi ấy, dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có mặt ở bờ biển hồ Ga-li-lê, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.

Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”. Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm chi đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”.

Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”. Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

************************************

THỨ BÁNH KHÁC CHO MỘT CƠN ĐÓI KHÁC

Sau phép lạ hóa bánh, quần chúng đã muốn tôn Đức Giê-su lên làm vua, nhưng Người đã không chấp nhận cuộc khải hoàn chính trị mà quần chúng đề nghị với Người (bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước). Người lánh lên núi và đêm hôm đó qua bờ bên kia với môn đệ. Khải hoàn chính trị, thức ăn trần thế: trên một bờ hồ, bờ của con người. Nhưng để thật sự gặp Đức Giê-su, phải “tìm” Người ở bờ hồ bên kia… Chính lúc đó bắt đầu diễn từ “Bánh Sự Sống”, một diễn từ dài chiếm toàn bộ chương 6 Gio-an và sẽ được đọc trong bốn Chúa nhật liên tục, bắt đầu từ Chúa nhật hôm nay.

1. Tìm lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh

Đức Giê-su ngỏ lời với các nông dân xứ Ga-li-lê phải vất vả kiếm sống. Họ biết thế nào là đói, là no, là làm việc, là vui hưởng… Như với phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng, Đức Giê-su khởi sự từ nhu cầu vật chất của thính giả, để lấy trong đó nhiều biểu tượng. Thoạt tiên, Người đưa ra một nhận định về các nông dân này, một nhận định vừa khắt khe vừa đúng đắn: cái họ chờ đợi không phải là các “dấu chỉ Nước Trời” song là những “lợi lộc vật chất” có thể từ đó rút ra. Nhận định này luôn mang tính thời sự nóng bỏng. Các nông dân khốn khổ ấy chắc chẳng duy vật hơn chúng ta hiện thời: nếu chấp nhận để mình bị Đức Giê-su “chẩn đoán”, ta sẽ khám phá ra rằng mình cũng đói khát tiền bạc, quyền lực, an ninh, tiện nghi, thú tiêu khiển… Khi Đức Giê-su thu xếp các vấn đề của ta, ta tiếp tục theo Người… nhưng nếu Người đề nghị cho ta nhiều dấu chỉ gây bối rối, không thích hợp, chúng ta chẳng sẵn sàng bỏ rơi Người sao?

Tiếp đến, Đức Giê-su dùng hình ảnh “thức ăn” để giúp hiểu những gì Người đem tới cho nhân loại. Có hai loại sự sống và hai loại thức ăn: thức ăn vật chất ban một “sự sống lụi tàn”, và thức ăn đến từ trời ban “sự sống vĩnh cửu”. Được tạo dựng bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, con người đói khát Thiên Chúa. Không gì ngoài Thiên Chúa có thể thỏa mãn con người trọn vẹn. Mọi thức ăn trần thế đều để con người còn đói. Đức Giê-su không mời gọi ta khinh bỉ “bánh hằng ngày”, nhưng muốn ta cũng phải ao ước “bánh sự sống vĩnh cửu”. Người chẳng yêu cầu ta trở nên chây lười trong “công việc” cần thiết cho sự sống của xã hội nhân loại, nhưng muốn ta cũng hăng say tìm kiếm một sự sống sẽ chẳng lụi tàn! Khác với Đức Phật, Đức Giê-su không kêu mời chúng ta diệt dục, nhưng là khuyếch đại ước muốn: anh em đừng chỉ ao ước mẩu sự sống phù du tự nhiên… hãy đi đến chỗ ao ước một sự sống vĩnh cửu, và làm những gì cần thiết để sống sự sống đó ngay tự bây giờ!

Thế nhưng dân chúng vẫn đứng ở chân trời quen thuộc của họ, mãi trên một bờ: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?” Còn ta hôm nay thì xem cũng chẳng khác. Mỗi ngày, trên các phương tiện truyền thông, thiên hạ chẳng nói với ta rằng ta sẽ hạnh phúc khi mua nhãn máy này, nhấm nháp loại kẹo cao su kia, sử dụng thuốc tẩy mùi hay dầu gội đầu nọ!… Nhưng Đức Giê-su đốp lại rằng mọi thứ “man-na” đó chỉ là một thức ăn vật chất rất thô thiển, có thể nói là của động vật, bên cạnh hạnh phúc Thiên Chúa muốn ban cho con người. Chắc ai cũng nhận thấy, trong xã hội tiêu thụ của chúng ta, đã và đang bành trướng hiện tượng có thể gọi là “hiện tượng nhâm nhi, nhấm nháp”: suốt ngày, trên đường phố, thiên hạ mút, ăn, nhai, ngậm… nhất là các thứ bánh kẹo đủ loại. Các nhà phân tâm học thấy đó là một sự lùi lại giai đoạn trẻ con chỉ biết khuây khỏa khi gặp khổ sở bằng cách nút ngón tay cái. Nhưng đơn giản hơn, phải chăng đó là dấu hiệu người ta chỉ bằng lòng với những khoái thú hời hợt, ngoại diện, biểu bì? Hiển nhiên Đức Giê-su đặt mình ở bờ bên kia và chỉ muốn đào sâu trong ta cơn đói khát điều chủ yếu…

Cơn đói chủ yếu là đói Thiên Chúa. Ta được tạo dựng là cho Người. Dù muốn hay không, chúng ta đói chính là Người. “Sao lại phí tiền bạc vào của chẳng làm no thỏa?”, ngôn sứ I-sai-a từng bảo vậy (55,1-3). Còn thánh Au-gút-ti-nô, sau khi tìm đủ mọi lạc thú trần gian, đã thú nhận “Lạy Chúa, hồn con còn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Ngài”. Vâng, trái tim ta lớn đến độ sẽ không bao giờ có chi đổ đầy được, ngoại trừ chính Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên nó cho Người. Khao khát luôn phát sinh sau mỗi lần no thỏa, là dấu chỉ ta tìm kiếm cái vô biên.

2. Là tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến, bánh đích thật.

Để thỏa mãn cơn đói sâu xa đó, Thiên Chúa đã ban bánh của Người, “bánh đích thực… từ trời xuống… đem lại sự sống cho thế gian”. “Bánh từ trời xuống”, đó từng là man-na, một lương thực nhiệm mầu, như trong bài đọc đầu tiên hôm nay nhắc lại: “Man-hu: Cái gì đây?” Nhưng Đức Giê-su, lấy lại một lối giải thích truyền thống, xem man-na thời Mô-sê như biểu tượng của một “ơn huệ cao hơn”, một “thức ăn từ trời”: Lời Thiên Chúa. Quả thế, theo Đệ Nhị Luật, mục đích sâu xa của phép lạ thời Xuất hành chẳng phải là nuôi dân Hip-ri về mặt vật chất trong hoang địa, nhưng là tập cho họ quen “tin” vào Thiên Chúa : “Con người không chỉ sống nhờ bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,2-3). Ý tưởng cho rằng Lời Thiên Chúa là một thức ăn thiêng liêng no thỏa, cao hơn thức ăn thông thường đối với ai tiếp nhận, ý tưởng ấy đã từng gặp trong toàn thể Cựu Ước : “Đây sắp đến những ngày Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Thiên Chúa” (Am 8,11). “Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào. Lời Ngài làm lòng con hoan hỷ” (Gr 15,16).

Lời đó bây giờ là chính Đức Giê-su. Bản thân Người chính là lương thực : “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !” Ở đây Đức Giê-su bắt đầu một mạc khải tuyệt diệu. Thức ăn chủ yếu mà thế nhân khao khát, thật ra là chính Người ! Táo bạo quá thể, tham vọng điên cuồng, nhưng được chứng nghiệm hàng tỉ lần từ hai ngàn năm nay. “Việc Thiên Chúa muốn cho loài người làm” để được no thỏa, chính “là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Tin vào Đức Giê-su là làm việc với Thiên Chúa, là cộng tác với Thiên Chúa, Đấng muốn ban cho chúng ta Sự sống vĩnh cửu của Người !

Trong bức thư đọc Chúa nhật này, thánh Phao-lô nói với chúng ta về những người ngoại “sống theo những tư tưởng phù phiếm” (Ep 4,17-24). Tiếc biết bao nếu các “thứ bánh” của chúng ta đi đến chỗ đủ cho chúng ta! Có một kẻ đã kinh nghiệm thấm thía điều này là Eve Lavallière (1866-1929, tên thật là Eugénie Marie Pascaline Fénoglio), một trong những diễn viên xinh đẹp, tài giỏi và thành công nhất của nền kịch nghệ nước Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Nhờ sắc đẹp, tài năng và cơ hội, bà đã nếm đủ mọi thứ “bánh trần tục”. Thế nhưng bi kịch cũng đã đóng ấn lên đời bà : một thảm cảnh đã nhuốm máu thời tuổi trẻ của bà (cha bà giết mẹ rồi tự sát) ; nỗi tuyệt vọng đã nhiều lần đẩy bà đến bờ tự tử (nhiều cuộc tình tan vỡ, đứa con gái ngoại hôn thù ghét mẹ và sống trụy lạc hơn cả mẹ) ; bệnh tật đã đóng đinh bà cho đến cuối đời (đau yếu triền miên, cuối cùng chết vì viêm màng bụng nặng). Bà đã đi tìm lối thoát trong thông thiên học (thuật chiêu hồn). Nhưng tất cả đã khiến tâm hồn bà luôn trống trải cho đến một hôm… Nhờ gặp gỡ một linh mục thánh thiện, cha Chasteignier, Lavallière đã trở về cùng Chúa (1917). Sau đó bà từ giã sân khấu và quyết định xin vào dòng kín Cát-minh. Việc này đã gây chấn động dư luận đương thời. Nhưng vì sức khỏe yếu kém nên không đạt ước nguyện. Bà trở thành tông đồ tích cực trong một Giáo xứ tỉnh lẻ, rồi thừa sai y tá tại Tunisie (Phi châu), sau đấy gia nhập Dòng ba thánh Phan-xi-cô và lấy tên là nữ tu Eve Marie Thánh Tâm Chúa Giê-su. Ngày 10 tháng 7 năm 1929, nữ tu Eva Marie đã về nhà Cha sau những tháng ngày đền tạ và yêu mến trong đau khổ tột cùng. Trong một lá thư gởi cho vị linh hướng là Đức Cha Lemaître, Tổng Giám mục thành Carthage (Tunisie), bà đã viết như sau : “Chúa Giê-su muốn tất cả cho Người và ta cũng phải cho Người tất cả, tất cả, tất cả… Người đã tái tạo lại trái tim con nhờ Thân thể thần linh của Người mà con nhận mỗi ngày và tâm hồn khốn khổ của con cảm thấy êm dịu lẫn run lên khi tiếp xúc với Thân thể ấy, như một cánh chim sợ rét được nắm trong lòng bàn tay… Với Chúa Giê-su, xem ra ta có thể mang nổi cả thế giới ; không có Người, một hạt cát cũng làm ta vấp ngã”.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi