Đề tài Tin Mừng hôm nay không phải là Luật Môsê hay Luật Thiên Chúa, nhưng chỉ là truyền thống của tiền nhân. Chúa Giêsu tố cáo những người Pharisiêu và Kinh sư chỉ dựa vào truyền thống mà coi thường và gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, huỷ bỏ Lời Thiên Chúa: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng….”. Chúa Giêsu mở đầu bằng cách trích dẫn và áp dụng lời sách Isaia vào những kẻ đang bắt bẻ môn đệ của Người và tuyên bố họ là những kẻ đạo đức giả.
Từ Hy Lạp có nghĩa “kẻ tự cho mình là”, diễn viên trên sân khấu. Diễn viên trên sân khấu Hy Lạp đeo mặt nạ. Người đạo đức giả là người đeo mặt nạ đạo đức. Lột cái mặt nạ ra thì thấy mặt thật của họ…Đạo đức giả hay giả hình (hupokrites), theo truyền thống Hy Lạp, chữ này có liên quan đặc biệt đến những người trả lời trong cuộc đối thoại của các vở kịch trên sân khấu, các diễn viên. Họ là những người đóng kịch, trong lòng đang vui mà phải giả bộ khóc hay đang buồn mà phải cố cười để mua vui cho thiên hạ. Người giả hình là người sống không thật với lòng mình.(x.Tĩnh tâm với sách Tin Mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cái giả tràn lan khắp nơi: từ thực phẩm giả, thuốc giả, đến bằng cấp giả, điểm giả, học bạ giả… Nghiêm trọng nhất là thứ giả làm huỷ hoại con người, đó là “đạo đức giả”.
Dân chúng bây giờ phải có kỹ năng mới phân biệt được thực phẩm thật và giả để bảo vệ sức khoẻ của cả gia đình.
Ngay cả thuốc ung thư cũng giả, thuốc H-Capita 500mg Caplet do VN Pharma nhập về chứa 97% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, “không được sử dụng chữa bệnh cho người”.
Điểm giả, học bạ giả, bằng cấp giả, những tiến sĩ gỉa, bác sĩ giả, giáo sư giả…cũng không bằng một thứ giả tệ hại nhất là đạo đức giả. Thật đúng: “Những gì xấu xa bên trong lòng người mới làm cho người ta ra nhơ uế”.
Một trong những đặc trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ thuật làm đồ giả. Chân giả, tay giả, tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả…. Những thứ giả ấy đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm ngũ quả, hoa nến nhang đèn đều giả… Mức độ “giả” còn tinh vi nên lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái thật, khó mà phân biệt được thực hư, tốt xấu. Nhưng tệ nhất vẫn là thứ “Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách (Mt 23,13-29). Thánh Gioan đã lật tẩy: “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1Ga 2,4); “Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu người anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).
Trang Tin Mừng ngày thứ 2 tuần 21 thường niên (Mt 23, 13-22), Chúa Giêsu lên án thói đạo đức giả: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình!”. “Khốn cho” kẻ giả hình, họ giả hình vì họ chỉ thực hành những nghi thức tôn giáo hoàn toàn hình thức bên ngoài, khác xa với lòng đạo đức chân thực sống động bên trong con người. Bởi vì đạo đức là thứ vô hình dưới mắt con người, nên người ta chỉ có thể đoán biết nó qua lời nói và việc làm. Sống giả hình khi nói những lời giả nhân giả nghĩa, tư tưởng không đi đôi với lời nói và lời nói không đi đôi với việc làm; ngôn hành bất nhất, nói một đàng làm một nẻo…Vì thế, Chúa Giêsu đã nghiêm khắc kết án: “Khốn cho các ngươi hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi giống như mồ mả, bên ngoài thì quét vôi đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy mọi thứ xấu xa”.
Kẻ giả hình luôn lợi dụng việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống để thượng tôn pháp luật và nghi lễ bên ngoài một cách xảo quyệt. Kẻ giả hình, lấy Thiên Chúa làm “bình phong” để “tô son trát phấn” nhằm đề cao danh dự, tiếng tăm cho bản thân mình. Họ “kính Chúa bằng môi bằng miệng nhưng cõi lòng thì lại xa Chúa”. Họ tuân giữ cặn kẽ những tập tục của tiền nhân mà quên bẵng những giới luật của Chúa. Họ chỉ lo giữ gìn tiếng tăm trước mặt người đời, mà không lo giữ gìn tâm hồn khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi trước mặt Thiên Chúa. Họ bấu víu vào những hình thức đạo đức bên ngoài nhưng trong cuộc sống họ tỏ ra gian tham độc ác với tha nhân. Đúng như Chúa Giêsu đã diễn tả: “họ kinh kệ dài dòng nhưng lại nuốt chửng gia tài của các bà goá. Họ lo lau chùi chén đĩa bên ngoài, mà không lo gìn giữ tâm hồn mình trong trắng”.
Nguyên nhân của thói giả hình là do họ thiếu lòng mến chân thành, đến một lúc nào đó, chiếc mặt nạ đạo đức giả sẽ rơi xuống, khiến họ chỉ còn là những kẻ giả dối.
Chúa Giêsu đòi hỏi, việc phụng thờ Thiên Chúa cần phải thành thực và sống động bởi lòng yêu mến chân chính.
Con người nên cao cả là nhờ thế giới nội tâm với tư duy, cảm xúc, phân tích, đúc kết, kinh nghiệm… Nhờ có thế giới nội tâm mới có khoa học, có sáng tạo văn hoá nghệ thuật. Cũng chính cái thế giới nội tâm này làm cho con người trở nên bi đát. Bề ngoài và bề trong liên quan với nhau và tác động lẫn nhau, nhưng về mặt luân lý đạo đức, bề trong mới là phần quyết định. Chỉ có con người mới có giả hình, lừa đảo, gian dối, mưu mô, thủ đoạn. Đức Giêsu đã nhận xét: “ Không phải những gì từ bên ngoài vào làm cho người ta ra ô uế, nhưng từ trong lòng mới xuất phát những cái làm cho người ta ra ô uế” (Mt 15,19).
Đức Giêsu nhấn mạnh sự thanh tẩy từ bên trong. Người chẳng phản đối chuyện rửa tay. Người chỉ phê bình thói hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là rửa cõi lòng. Cái ô uế thực sự đáng sợ không đến từ việc đụng chạm hay ăn uống mà nó lại nằm trong lòng người. Nó không từ ngoài vào mà từ bên trong ra.
Đối với Đức Giêsu, yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bên ngoài. Ý hướng bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có gía trị hay không. Đức Giêsu luôn sống tình thương với mọi người, luôn “chạnh lòng thương”.Tình thương chính là sự thánh thiện. Tình thương là thanh sạch. Đấng Thánh hôm nay có tên gọi là Tình Thương.Tình thương là chia sẻ, là hiệp nhất. Sự thánh thiện của Đức Giêsu luôn rộng mở lan toả hương thơm tình thương, thanh sạch.
Thường thì khi vừa sinh ra, con người ta có cái tâm hồn hậu nhưng cái trí dại khờ. Càng lớn lên, trí càng khôn ngoan nhưng tâm càng vẩn đục. Đi cho trọn đường trần là trí học biết được càng nhiều càng tốt những khôn ngoan mà tâm vẫn giữ được cái hồn hậu của tuổi ấu thơ.
Đối với người Kitô hữu, nếu như xã hội mong muốn và chờ đợi chúng ta sống đạo đức một, thì chính Chúa còn đòi buộc chúng ta phải “thánh thiện” trăm ngàn lần hơn:”Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mắt thiên hạ, để họ nhìn thấy công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,14.16).
Con người sống ở đời cần có một tấm lòng, một trái tim yêu thương chân thành. Thiên Chúa đã ra lệnh truyền cho con người: “Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31). Người còn phán: “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi, Ta sẽ ban cho các ngươi môt trái tim mới” (Ed 36,25). Một trái tim mới biết yêu thương hay một tấm lòng để người ta sống tốt đẹp với nhau. Một trái tim chân thành, những lời nói chân thật, những hành vi chân chính, đó là nền tảng cơ bản nhất cho sự sinh tồn và hạnh phúc của con người.
Tình thương của Chúa Giêsu là tình thương cứu thế, muốn thanh tẩy con người tội lỗi, rửa sạch tâm hồn và trao ban sự sống mới.
Trong đời sống tâm linh, người Kitô hữu cần phải tu dưỡng cái tâm, phải có tâm ngay lành, luôn tôn trọng sự công bằng, yêu thương mọi người. Cần có một tấm lòng, tâm tốt thì mọi việc làm sẽ đẹp lòng Chúa. Thánh Giacôbê mời gọi trong bài đọc hai: “Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chớ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”.
Người Kitô hữu mỗi ngày đến nhà thờ dự tiệc Thánh Thể. Đưa tay đón nhận Bánh Thánh là đón nhận tình thương và thanh sạch của Chúa.Bàn tay đón nhận Bánh Thánh cũng là bàn tay bác ái yêu thương góp phần thánh hoá trần gian.
Nguyện xin Chúa cho chúng con, trong mỗi lời nói, từ mỗi việc làm luôn xuất phát từ trái tim chân thành, từ lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An