Vào dự tiệc Nước Thiên Chúa – Suy niệm Chúa Nhật 21 thường niên – Năm C

19/08/2022

Tin Mừng Lc 13,22-30

Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không được.

“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi’. Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính’.

“Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

“Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.

************************************

VÀO DỰ TIỆC NƯỚC THIÊN CHÚA

Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau ước muốn có một ngôi nhà khang trang. Một tay tỉ phú tình cờ nghe được câu chuyện ấy. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu Mỹ kim để thực hiện ước mơ của mình. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Song đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu Mỹ kim, tình yêu của họ đã tan vỡ… Con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất. Sự thành đạt thường không tới cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài.

Đó là điều mà trang Tin Mừng hôm nay muốn dạy. Đoạn này là một bức khảm gồm nhiều văn bản mà nơi Mát-thêu, ta thấy nằm rất ở nhiều vị trí (câu 24: Mt 7,13; câu 25: Mt 25,11; câu 26: Mt 7,22; câu 28: Mt 8,11; câu 30: Mt 19,30 và 20,16). Lu-ca thành thử đã liên kết nhiều lời Đức Giê-su nói trong nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có thể coi đây một bản văn nhất quán: trả lời câu hỏi về số người được chọn, Đức Ki-tô khẳng định hai chân lý xem ra rất mâu thuẫn… cửa trời thì “hẹp”, nhưng chính lương dân ùa vào bàn tiệc thiên sai, trong khi những khách mời trước tiên lại đứng ngoài. Chớ nên ngạc nhiên trước lối biên soạn này. Đức Giê-su đã chẳng “viết lách”, “cố định” gì cả. Và hiển nhiên Người cố ý như vậy. Người đã thật sự giao Lời mình cho Giáo Hội để Giáo Hội nói lại bằng cách thích nghi nó theo các nhu cầu của mỗi thời đại lịch sử. Trang sách Lu-ca vẫn là “của Đức Giê-su” theo hai nghĩa: nó đúng là phát xuất từ môi miệng Người vào những lúc khác nhau… nó cũng là công trình của Đức Giê-su hằng sống trong Giáo Hội là Thân Thể Người… Hãy bắt chước chính thái độ của Lu-ca: vừa trung thành với nguồn liệu, vừa tự do trong Thần Khí… để giải thích Kinh thánh như lời sống động, có khả năng soi sáng các vấn đề hôm nay.

1. Bằng nỗ lực hành động

Lúc ấy, Đức Giê-su đang “trên đường” lên Thành thánh… nơi chúng ta biết cái gì sắp xảy đến. Người chẳng bất động. Người “du hành”. Người bước đi! Từ này được sử dụng 88 lần bởi Lu-ca, bạn đường của thánh Phao-lô, nhà đại du hành. Đời Ki-tô hữu cũng là một cuộc du hành, tiến về phía trước. Phần tôi, tôi có bất động, dừng lại, đứng im chăng? Phải chăng tôi mong ước một Giáo Hội đứng im, dừng lại, bất động? Hãy nhớ lại lời giáo huấn “Giáo hội đi ra” trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” (số 20-24.49) của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Sự tiến triển của lịch sử nằm trong chương trình Thiên Chúa. “Thời gian” là một tạo vật của Người.

“Có kẻ hỏi Người: Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Đây là một câu hỏi nóng bỏng, luôn thời sự. Một câu hỏi rất người, căng phồng tình máu mủ của ta: làm sao có thể hạnh phúc trên trời nếu thân nhân của mình không có đó? Một câu hỏi rất tự nhiên: “Chớ đến dự tiệc Vương Quốc một mình; trên đường, hãy loan tin: điều Thiên Chúa hứa là một chiếc bánh bẻ ra để san sẻ…”. Ai không ao ước cho “mọi người” được cứu, thì chẳng hưởng ơn cứu rỗi được, vì không hoàn tất chính định luật của Vương Quốc Thiên Chúa là tình yêu vô biên… “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (1Tm 2,4).

Một lần nữa, Đức Giê-su không trả lời trực tiếp. Người chẳng nói sẽ có “nhiều” hay “ít” kẻ được tuyển chọn. Làm như thể câu hỏi lý thuyết này chẳng liên quan tới mình, Người lập tức đưa thính giả về lại trách nhiệm của họ: “Thay vì tranh luận kiểu trí thức, anh em hãy cụ thể đi vào sự sống vĩnh cửu ấy… Vấn đề là đi vào!” Tò mò về số kẻ được cứu phản ảnh thái độ tìm kiếm an ninh không lành mạnh: nếu mọi người lên trời hết, thì cần chi lo lắng chuyện này… nếu rất ít là kẻ được lên, thì ích gì mà nỗ lực? Đức Giê-su thành thử cố ý bất chính xác, để buộc ai nấy phải quyết định, và Người quả quyết “đó là điều nghiêm túc”. Người không thích “trấn an”, một chỉ muốn ta có “trách nhiệm”. Do đó Người sử dụng một hình ảnh quen thuộc trong toàn bộ Kinh thánh: Vương Quốc Thiên Chúa như một phòng tiệc. Nhưng Người thêm: thiên hạ xô lấn nhau trước cửa, bởi lẽ nó “hẹp” vô cùng. Từ hy lạp được dịch “hãy chiến đấu” là động từ “agonizesté” vốn có nghĩa “đánh nhau để vào” nếu xét theo mặt chữ. Từ “agonie” trong tiếng Pháp xuất phát tự cùng ngữ căn: đó là cuộc chiến đấu tối hậu của cuộc đời. Để trao ban ơn cứu rỗi cho “mọi” người, Đức Giê-su đã “chiến đấu” đầu tiên, tại Ghet-sê-ma-ni và Gôn-gô-ta (chính xác hơn cách dịch: “hấp hối”). Người không cho ta một lời khuyên nào mà chẳng tự mình thực hiện trước. Trong một đoạn khác, Người bảo: “Ai mạnh sức thì chiếm được Nước Trời” (Mt 11,12; Lc 16,16).

Vậy để được Thiên đàng, đâu là cuộc chiến của riêng tôi? Tôi phải đấu tranh trên điểm nào, trong hoàn cảnh tôi ở, với tính khí tôi có, bằng cách vượt thắng những điều kiện và những gò bó đè lên cuộc đời tôi? Thánh Phao-lô cũng sử dụng từ “agôn”, “chiến đấu” để diễn tả bản chất đời Ki-tô hữu. “Tôi vui mừng được chịu đau khổ, để loan báo Đức Ki-tô: chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu” (Cl 1,29; 1Cr 9,25; Cl 4,12; 1Tm 4,10). “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7). Sao chúng ta lại có ảo tưởng “đi vào” Thiên đàng mà chẳng nỗ lực? Đời Ki-tô hữu phải đâu là một chiếc ghế bành. Dĩ nhiên đó là một ơn nhưng không, thậm chí ban cho kẻ tội lỗi. Song phải biết đón nhận ơn ấy, chớ triệt để khép cửa lòng mình.

2. Chứ chẳng bằng mang danh

“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” thì ông sẽ bảo anh em: “Ta không biết các anh từ đâu đến!” Dụ ngôn dữ dội tiếp tục: cửa hẹp bây giờ trở thành cửa “đóng”. Lời mời vào hết sức khẩn cấp: thời gian thúc giục, ngày mai sẽ quá trễ… phải “vào Vương Quốc” ngay hôm nay. Vâng, một ngày kia, đối với tôi cũng thế, sẽ quá trễ. Tôi còn lại biết bao thời gian? Chúng ta phải sống mỗi ngày như thể là ngày cuối cùng. “Bấy giờ anh em mới nói: Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài…”. Ý thức cao về giá trị của Giao ước, dân Ít-ra-en đã khó chấp nhận chuyện dân ngoại đi vào Nước Trời. Rabbi Méir viết: “Để nên con cái của thế giới mai hậu, phải ở tại xứ Ít-ra-en, nói ngôn ngữ thánh là tiếng Hip-ri, và đọc kinh Shê-ma Ít-ra-en (=Nghe đây, hỡi Ít-ra-en) sáng chiều…”. Đối với Đức Giê-su thì trái lại, các đặc quyền chủng tộc ấy không đáng kể. Lời cảnh cáo nghiêm khắc của Người, vốn áp dụng trước hết cho những ai đã “ăn uống” với Người, đã “nghe” Người giảng dạy, bây giờ áp dụng cho chúng ta là những kẻ chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể. Một giờ ngắn ngủi sống với Đức Giê-su Chúa nhật, sẽ không bù trừ nổi mọi giờ khác trong tuần chúng ta trải qua để “làm điều bất chính” cách xa Người.

“Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Giácóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài…”. Ngôn ngữ này có thể cho ta cảm tưởng nhiều người thiện chí, sau khi đã thật sự tìm cách vào Thiên đàng, thì bị tùy tiện loại khỏi đó do quyết định độc đoán của một chúa tể bất nhân. Nghĩ thế là bêu riếu Thiên Chúa! Người không khe khắt cũng chẳng bất công tí nào. Ai không vào bàn tiệc được phải tự trách mình. Thật thế, ngay cả lương dân cũng từ mọi chân trời đến đó. Thiên Chúa đã làm tất cả để cánh cửa thời danh, “chật hẹp” thật sự, vì vĩnh cửu là cái gì quan trọng, trở thành một cửa “mở” cho mọi người, không phân biệt ai. Số phận bi đát của Ít-ra-en, hạng được mời trước hết nhưng đã bị các dân tộc từ khắp nơi qua mặt, phải đánh thức thói đờ đẫn của chúng ta. Ta không thể lên trời mà không lưu tâm đến trời, có thể bảo vậy. Phải muốn nó. Phải phấn đấu để vào. Phải quyết chọn Đức Giê-su. Đó không phải là thuộc về một nhóm, một chủng tộc, một gia đình, cũng chẳng phải là thực hành một số lễ nghi, vốn có thể cho chúng ta một bảo đảm hão… Đó là dấn thân toàn bộ con người chúng ta, mọi giây phút của chúng ta, để theo Đức Giê-su.

Và đặc biệt chớ phê phán người khác. Chúng ta biết được hai điều: 1- về phía Thiên Chúa, tất cả đã được thực hiện để cứu rỗi mọi người…; 2- về phía con người, còn lại tự do nghiêm túc để chấp nhận hay từ chối “ân huệ” Thiên Chúa, và tự do này gây nên một cuộc chiến đấu thực sự… Ở đời này, chúng ta chẳng bao giờ biết tự do của anh em đã nói tiếng cuối cùng hay chưa. Cuộc gặp gỡ sau hết với Thiên Chúa, vào lúc chết, thành thử hẳn mang tính quyết định. Mọi ai đã hiểu sự được mất kinh khủng này, mới có thể trở nên “người cứu rỗi” cùng Thiên Chúa: Chớ đến dự tiệc Vương Quốc một mình; trên đường, hãy loan tin: Điều Thiên Chúa hứa là một chiếc bánh bẻ ra để san sẻ. Thiên Chúa thúc giục anh em đi vào nơi ở duy nhất và quy tụ anh em trong tình yêu. Lạy Chúa Giê-su, niềm hy vọng của loài người, xin giúp chúng con làm chứng cho ơn cứu rỗi của Chúa…

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi