Tin Mừng Ga 18,33-37
(LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ)
Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?”. Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao ? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”.
Ông Phi-la-tô bèn nói: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
************************************
VƯƠNG QUYỀN ĐÍCH THỰC
Sử biên niên thời Trung cổ còn ghi lại một sự kiện khá kỳ lạ và rất ý nghĩa: Việc xảy ra trong một hầu quốc gần sông Rhin nước Pháp. Vua của lãnh thổ này vừa qua đời, sau một thời gian đẩy đất nước vào chinh chiến loạn lạc. Chán cảnh chiến tranh, dân chúng đòi một người kế vị yêu chuộng hòa bình. Nhưng các quan trong triều lại bối rối, vì vị vua vừa mất có để lại 2 hoàng tử sinh đôi còn bé và hoàng tử nào cũng dễ thương cả. Làm sao biết được ai sẽ là con người yêu chuộng hòa bình? Lúc đó, có một vị quan đưa ra ý kiến là hãy quan sát kỹ 2 em đang nằm ngủ trong nôi như hai thiên thần. Ông thấy đứa bé thứ nhất ngủ mà tay mở ra trong khi đứa thứ hai nắm chặt tay lại. Không do dự, ông chọn ngay bé thứ nhất. Và sử đã ghi lại rằng đó là một ông vua đầy từ tâm, nhân ái, tôn trọng công bình và sự thật.
Đây là hình ảnh của Đức Giê-su dịu hiền và tốt lành. Vị Vua cao cả của chúng ta. Vì Người cũng thế, lúc ở trong máng cỏ cũng như khi trên thập giá, Người đã đưa tay cho chúng ta trong dáng vẻ đón nhận. Vương quyền kiểu này, Người đã một lần công bố trước vua quan trần thế. Và đó là trang Tin Mừng ta đang suy niệm trong Chúa nhật cuối năm phụng vụ hôm nay.
1. Xóa bỏ sự hàm hồ của vương tước.
Bài Tin Mừng khai mở với quang cảnh Đức Giê-su đứng trước vành móng ngựa và bị buộc tội! Vụ án nổi tiếng nhất mọi thời! Quan tòa chính là Phi-la-tô, thủ lãnh quân chiếm đóng Rô-ma, tổng trấn của một trong những đế quốc vĩ đại từng thống trị và ghi dấu thế giới. Lúc đó Rô-ma đang cai trị các nước quanh Địa Trung Hải. Hoàng đế đương vị là Li-bê-ri-ô. Phi-la-tô là quan toàn quyền có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc nổi loạn bùng lên khá thường xuyên trong môi trường Do-thái. Ông đã ra lệnh đóng đinh hàng ngàn đảng viên Zê-lốt (“Cuồng nhiệt”) nơi các cửa thành để áp đặt “vương quyền” của Rô-ma.
Đối với Phi-la-tô, kẻ bị buộc tội ngày hôm ấy là một “tên Giê-su nào đó” mà cách đấy ba năm, vẫn còn là một gã thợ mộc đơn sơ và không tên tuổi ở làng Na-da-rét, một thôn xóm hoàn toàn vô danh đối với chính quyền, các đội lính tuần tiễu chẳng mấy khi đi qua! Hai con người ấy đang đối diện nhau: quan tòa và bị cáo.
Sau câu thẩm vấn khai mạc của quan tòa: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?”. Đức Giê-su hỏi lại: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Thật là quá lắm! Kẻ bị buộc tội lại “hỏi” quan tòa của mình. Các vai trò đảo ngược chăng? Kẻ khốn khổ này to gan thật. Và tuyệt vời nữa! Biết viên quan đầy quyền lực, Đức Giê-su tuy thế vẫn muốn có với ông một quan hệ cá nhân thân mật, cố gắng lôi ra khỏi cuộc tranh luận pháp lý, để đưa ông đến chỗ đích thân bày tỏ lập trường: “Này Phi-la-tô, phải chăng ông tự mình nói tôi là vua?” Một phần lớn các vấn đề của thế giới kỹ trị hóa, định chế hóa, hành chánh hóa, viên chức hóa của chúng ta chắc hẳn là đối tượng mà thái độ ấy của Đức Giê-su nhắm tới, thái độ cố gắng ra khỏi tương quan “thẩm phán-bị cáo” để đi đến tương quan “người-với-người”. Chúng ta không ngớt đóng các “vai trò”, mang nhiều mặt nạ: chủ-thợ, y sĩ-bệnh nhân, thương gia-khách hàng, quản xứ-giáo dân, cha mẹ-con cái, thầy giáo-học trò, Giáo hội giảng dạy-Giáo hội được giảng dạy… Hãy rời bỏ mặt nạ ông đi, hỡi Phi-la-tô! Hãy nhìn thẳng tôi đây này! Hãy nói cho tôi điều ông nghĩ về tôi. Đừng tụng những bài đã học từ kẻ khác. Chính ông phải “tuyên tín”, phải quyết định.
Nhưng ta cảm thấy sự sốt ruột lộ ra nơi vị quan tòa. Ông trở nên hung hãn. Ông không muốn bị chất vấn trong lương tâm cá nhân, và quyết chí trở lại “vai trò” mình, “mặt nạ” mình: tôi không đứng đây để nói điều tôi nghĩ, nhưng để thẩm cứu một vụ kiện! “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Đức Giê-su cố gắng gặp “một con người”… Nhưng Phi-la-tô lại muốn đóng vai “một nhân vật”. Dẫu sao thì chính ông “thống trị”, dẫu sao thì chính ông nắm quyền! Tên thợ làng Na-da-rét sẽ không thể có lý trước Xê-da! Ai đã có thể nói rằng hôm đó, chẳng phải Xê-da với bước giậm chân nặng nề của các quân đoàn vô địch, sắp uốn nắn thế giới ngày mai… nhưng là tay thợ mộc nhỏ bé bị khinh bỉ? Từ Người sắp phát sinh, trong nhiều thiên niên kỷ, một nhân loại mới.
Thay vì đáp lại câu hỏi của vị quan án, Đức Giê-su chỉ tuyên bố: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp…”. Dẫu không khống chế kẻ đối thoại, Đức Giê-su vẫn lèo lái cuộc tranh luận theo các chủ đề mình muốn. Người xóa bỏ sự hàm hồ của vương tước trên đó Phi-la-tô mở cuộc điều tra. Ít nhất có ba cách làm “vua”: 1- Vương quyền chính trị, theo kiểu Rô-ma: người ta thống trị kẻ khác bằng cách nô hóa họ…; 2- Vương quyền Mê-si-a, theo kiểu dân Do-thái mong chờ: một hậu duệ của Đa-vít lại chính thức lên ngôi và toàn thắng kẻ thù của Ít-ra-en lẫn của Thiên Chúa (!) bằng cách tiêu diệt họ…; 3- Cuối cùng, Vương quyền theo kiểu Đức Giê-su: một vương quyền thần bí không cưỡng bức hay tiêu diệt người nào (“Anh có muốn theo tôi không?”… “Anh em cũng muốn bỏ đi chứ?”…), một vương quyền khiến “ông vua” nộp mình cho kẻ địch mà chẳng kháng cự, một tổng thống không “vệ sĩ bảo vệ khỏi đám đông”, một vương quốc không khí giới, không thiết giáp, không tên lửa… (Lãnh tụ Liên xô Stalin từng ngây ngô hỏi thuộc hạ: Giáo hoàng có thể tuyển mộ bao nhiêu “sư đoàn xe bọc thép”!).
2. Xác định ý nghĩa của Vương triều
Thật ra, Đức Giê-su vẫn thường xuyên hành động như “chúa tể”: Người đã quật ngã sự dữ, đã đuổi quỷ khỏi con người, đã khống chế biển cuồng nộ, đã đổi mới việc giảng dạy Lề luật Do-thái với một quyền bính vô song. Nhưng Người đã chẳng bao giờ “khuất phục” ai bằng vũ lực. Người là vị “chúa tể” để chúng ta hoàn toàn “tự do”, thậm chí còn “nộp mình” cho chúng ta đánh (hãy suy niệm về chữ “nộp” Người dùng lại ở đây). Đức Giê-su là chính chân dung của Thiên Chúa, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x. 2Cr 4,4): “Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha!” (Ga 14,8-11; Cl 1,15). “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả, nhưng chính nhờ Con Một đã tỏ lộ” (Ga 1,18). Trong lời rao giảng của Người được các Tin Mừng Nhất lãm ghi lại, Đức Giê-su đã chẳng ngừng nói đến “Nước Thiên Chúa”, nhưng đó là một “nước” không giống các nước trần gian! Một nước ẩn giấu, như hạt cải nhỏ xíu trở thành cây lớn… như nhúm men người đàn bà trộn vào bột… như hạt lúa mì chết trong lòng đất hầu sinh hoa kết quả. Đức Giê-su là “vua”, đúng thế nhưng theo kiểu Thiên Chúa. Và Thiên Chúa hiển nhiên không như ta tưởng tượng. Thiên Chúa “thống trị”, các thánh vịnh từng hát như vậy (x. Tv 46,9; 54,20; 58,14; 92,1; 98,14; 145,10). Và Đức Giê-su dạy chúng ta thưa với Chúa Cha: “Xin cho Nước Cha trị đến!” Nhưng Thiên Chúa không tiêu diệt các kẻ thù của mình, không cưỡng ép nhân thế phải tin vào mình. “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Thiên Chúa mến yêu những kẻ chẳng mến yêu mình. Người yêu cầu chúng ta cũng làm như vậy. Người chẳng phải là “vua”! Không! Người tuyệt đối chẳng làm vua. Người chẳng giống ông vua nào ở trần thế cả!
Sau khi đã phân biệt rõ ràng vương quyền mình với mọi vương quyền khác như vậy, bây giờ Đức Giê-su mới có thể tuyên bố mình là vua… vì từ đây, chẳng còn ai có thể hiểu sai ý nghĩa của vương quyền này nữa, vốn chẳng liên can gì với các quyền lực hạ giới: nó đến từ chỗ khác: “Nước tôi không thuộc chốn này”, Người bảo. Thậm chí Người cũng chẳng thấy cần phải xác định cái “nơi” mà Người phát xuất đó! Thiên hạ có thể giết Người. Thiên hạ sắp sửa giết Người. Người vẫn thống trị. Người vẫn hiển thắng. Ngược đời thay! Vinh quang Người không thể bị thử thách lẫn thất bại kiểu trần gian ảnh hưởng. Vương quyền (“thần linh”!) của Người chẳng phòng giữ Người khỏi chết thể xác. Vinh quang của Người là vinh quang “được nâng lên khỏi đất” trên thập giá và bên hữu Chúa Cha.
Vì Người “đã sinh ra, đã đến thế gian, là để làm chứng cho sự thật”. Nơi bản văn thứ hai đọc trong Chúa nhật này (Kh 1,5-8), chúng ta đã nghe Gio-an định nghĩa Đức Giê-su như “Chứng Nhân trung thành”. Từ “chứng nhân” này dịch từ Hy-lạp “martus”, do đó có từ Anh/Pháp “martyr” (tử đạo). Đức Giê-su đã trả giá cho vương quyền mình, cho chứng từ mình! Vậy vương quyền này hệ tại cái gì? Quy tụ tất cả những ai “thuộc về sự thật” để “nghe” cùng một “tiếng nói”: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đức Giê-su “thống trị” qua việc chúng ta tín thác vào Người, tin tưởng vào lời Người, biến cuộc sống mỗi ngày của ta phù hợp với “tiếng nói” của Người. Chẳng ai thoát khỏi vương quyền này nổi: làm người, đó là chọn theo hay chống “sự thật”, tức kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa… vì chỉ có một sự thật bao trùm và phát sinh mọi sự thật khác: “Thiên Chúa là Tình Yêu”! Tôn kính Đức Ki-tô Vua, trước hết chẳng phải là xông hương cho Người, chẳng phải là cứ hình dung theo bài hát: “Nhìn về phía Thánh cung, nến đèn lênh láng sáng, hương trầm nghi ngút bay, đàn ca vang réo rắt” (Huyền Linh, Giê-su Vua), chẳng phải là tổ chức lắm nghi lễ xôm trò cho Người, giống mọi phù phiếm của vua chúa thế gian… Không! Đó là “nghe tiếng nói của Người” và làm cho cuộc sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp, xã hội của chúng ta phù hợp với “tiếng nói” ấy, tiếng nói tóm gọn trong hai chữ “Tình yêu”, để đạt tới kết quả cuối cùng: “Quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,10).
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi