Vượt thắng chính mình – Suy niệm Chúa Nhật 6 thường niên – Năm A

10/02/2023

Tin Mừng Mt 5,20-22a.27-28.33-34a.37

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa.

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.

“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

************************************

VƯỢT THẮNG CHÍNH MÌNH

Cánh cửa phòng giam xịch mở. Hai người lính canh tống vào một tù nhân mới. Vừa nhận ra mặt hắn, hầu như ai nấy trong phòng đều hét lên xông vào. Chưa kịp thả xuống bao hành lý, hắn đã bị đấm đá tới tấp vào người, vào mặt. Thấy thế, mục sư Richard Wurmbrand[1] nhảy bổ đến, ôm chặt lấy kẻ xấu số, đưa lưng che chở cho hắn, nên cũng lãnh đủ vài cú đấm phẫn uất không kịp cầm lại. Một tù nhân hằn học lên tiếng :

– Mục sư không nên bênh vực cho hắn ta. Tên đại tá này có nợ máu với chúng tôi tất cả. (Đúng thế, tù nhân mới, tên Albon, đã từng là một đại tá chỉ huy một công trình thủy lợi rất lớn mà lực lượng thi công là các tù nhân thuộc giới trí thức Rumani thập niên 50. Nay y bị tù vì công trình đó thất bại). Bản thân chúng tôi cũng như gia đình đã phải đau khổ vì hắn. Do sự tàn ác của hắn, nhiều bạn hữu của chúng tôi đã bỏ thây nơi công trường. Đây là lúc hắn phải đền tội !

– Ai muốn trả thù anh này, xin cứ đánh vào tôi, mục sư đáp. Chính tôi lẫn vợ tôi cũng từng là nạn nhân của anh ta như các bạn. Nhưng các bạn hãy nhớ, chúng ta đều là Ki-tô hữu. Chúng ta không thể sống như những người khác. Chúa Giê-su dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù, tha thứ cho những ai làm chúng ta đau khổ. Nếu chúng ta cũng báo oán trả thù thì có hơn gì người đời đâu, và làm sao trở thành môn đệ Chúa được…

Một bầu không khí im lặng bao trùm phòng giam. Sau cùng một tù nhân lên tiếng:

– Thưa mục sư, mục sư đã dạy chúng tôi một bài học khó khăn nhất nhưng… cũng là một bài học tuyệt vời hơn cả !

Đúng là khó khăn, vì phải vượt lên (theo kiểu nói của Chúa Giê-su) trên các kinh sư và người Pha-ri-sêu, những thần học gia thời Người, những nhà chú giải Thánh Kinh thông thái, những bậc thầy chính thức dạy đạo, những thành viên của một phong trào tôn giáo nhiệt thành, luôn chấp hành tỉ mỉ mọi đòi hỏi của đức tin tinh tuyền nhất. Chúa Giê-su nhắc nhở môn đồ mình phải vượt lên trên họ, vượt lên trên người đời, và đúng ra phải vượt thắng chính bản thân. Ở những điểm nào ? Ở ba điểm hết sức ý nghĩa và thiết yếu của cuộc sống:

1. Vượt thắng bạo lực.

Nơi đầu tiên con người phải vượt thắng chính mình, đó là khuynh hướng bạo lực, là bản năng báo thù (nhất là khi 3 bản năng sinh tồn, truyền sinh và quyền lực bị ngăn cản đạt tới mức cuồng loạn), là thói ưa tranh chấp tấn công, là tật muốn chiến thắng đè bẹp, vốn còn sót lại từ sau ngày con người thoát thai khỏi giới động vật (nghĩa là trong các mối tương quan với nhau). Chúa Giê-su biết rất rõ lòng con người. Trước khi biến thành “cử chỉ” làm ác, thì hận thù, khinh bỉ, bản năng thống trị đã làm hư hỏng “nhân tâm”. Bạo lực không chỉ nằm trong quả bom của tên khủng bố, trong nắm đấm của kẻ độc tài, vốn làm người ta lo sợ… nó đã ở trong ta, khi lòng ta “nổi giận” đối với những ai không nghĩ giống mình, nói giống mình, làm giống mình. Và Thiên Chúa muốn đứng ra bảo đảm phẩm chất các mối tương quan của ta đó: phải hòa giải với thù địch của mình… ngay trước khi cầu nguyện (x. Mt 5,23)! Tin Mừng thật mới mẻ, triệt để so với luật người xưa. Và cũng hãy nhớ lại một câu nói của Mahatma Gandhi, một thánh nhân Ấn giáo, quốc phụ Ấn Độ, vị tông đồ của bất bạo động, người say mê Tám Mối Phúc: “Bạo lực là lối ứng xử của thú vật. Tình thương là lối ứng xử của loài người”.

2. Vượt thắng dục tính.

Tính dục, hay các tương quan giữa nam và nữ là nơi thứ hai Đức Giê-su kêu mời chúng ta “vượt qua” Lề luật, vượt thắng chính mình. Trước hết xin lưu ý : Chúa nói từ “quan điểm” của người nam, vì xã hội thời Người là xã hội đàn ông làm chủ. Rõ ràng thời nay ta phải hiểu cả hai mặt: “Phụ nữ nào nhìn đàn ông mà thèm muốn… Phụ nữ nào rẫy bỏ chồng mình…”. Tư tưởng ngoại tình là “mầm giống” để “cây non” ngoại tình mọc lên. Chận đứng cái này tức chận đứng cái kia vậy.

Lời Chúa Giê-su động đến tính dục của bạn, vợ chồng bạn, sự độc thân của bạn. Hãy đọc như thể Người muốn nói cho riêng bạn, mắt nhìn thẳng vào mắt. Những lời này chạm tới bao vết thương mở há hốc, bao lý tưởng bị nhạo báng, bao mộng ước ra bất thành. Chớ gì mỗi người chúng ta ít nhất biết đón nhận vào mình, như một lưỡi gươm, những lời đòi hỏi đó. Trong một thế giới hết sức phi luân hóa ta đang sống, một nền văn minh kích dục ta đang bị bao phủ, những lời này của Chúa Giê-su gây xáo trộn lật nhào và xem ra đi ngược dòng với sự “triển nở” nam và nữ (sự triển nở mang chiêu bài “giải phóng tình dục”, “hôn nhân đồng tính”…). Thật ra, tự thâm tâm, ai nấy cảm thức rằng những lời ấy xác định đường hướng duy nhất, thực sự anh hùng, của việc triển nở đích thật. Việc “vượt qua Lề luật”, “lội ngược dòng đời” mà Chúa Giê-su đề nghị này, chỉ có thể thực hiện với Người, với ân sủng, với tình yêu Người thôi.

3. Vượt thắng xảo ngôn.

Đây là những chỉ thị rất hiện đại, đề cập đến các tương quan “truyền thông” (thông hiệp ngôn ngữ và tư tưởng) giữa con người. Các tương quan này, đặc biệt thời nay, bị hư hỏng từ bên trong do dối trá, thủ đoạn, giả vờ, ngụy tạo, mưu mô… quảng cáo khoác lác, thông tin bịp bợm, tuyên truyền sống sượng…

Chúa Giê-su kêu mời chúng ta chân thật trong đối thoại, đàm phán. Thật vô ích khi tìm một bảo đảm ngoại diện trong một “lời thề”. Lời nói con người phải có một giá trị tự nội, phải tự nó đã đủ cho nó : có thì nói có, không thì nói không… Chúa Giê-su không tạo nên một “luân lý” mới. Người chẳng loại bỏ gì. Người chỉ hoàn tất cái bên trong (chữ “tâm”) mà thật ra là lý tưởng của mọi nền nhân bản đích thực.

Nói tóm, Chúa Giê-su kêu gọi môn đệ sống một cách khác hơn những người bình thường. Người kêu gọi họ trở nên giống như Người thôi. Nền luân lý Người truyền dạy cho các môn đệ không bao giờ chấp nhận thỏa mãn với câu hỏi : “Tôi có thể làm đến mức nào mà không kể là có tội?” và “Thiên hạ thấy tôi như thế nào?”, mà chỉ chấp nhận thỏa mãn với câu hỏi : “Tôi còn có thể làm thêm bao nhiêu nữa vì tình yêu ?” và “Tôi như thế nào trước lương tâm và trước Thiên Chúa ?”

Để kết luận, ta có thể đọc lại một đoạn trong “Thư gởi Đi-ô-nhê-tô”, một tác phẩm vô danh viết vào thế kỷ thứ II, thời Giáo hội bị bách hại : “Ki-tô hữu không phân biệt với những người khác do xứ sở, ngôn ngữ hay y phục. Họ không sống trong đô thị riêng, không dùng thổ ngữ lạ lùng, chẳng có lối sống đặc biệt. Không phải do tưởng tượng hay mơ mộng của những đầu óc điên loạn mà giáo thuyết họ được khám phá ra; họ chẳng bênh vực cho một lý thuyết phàm trần như bao người khác. Họ phân bố trong các thành thị Hy-lạp hay man di một cách tình cờ. Họ tuân theo các tập tục địa phương về y phục, thức ăn và lối sống, đồng thời bày tỏ những luật lệ khác thường và thật sự ngược đời của quốc gia tinh thần của họ. Họ ở trên quê hương mình, nhưng giống như người ngoại quốc có cư sở. Họ làm tròn mọi bổn phận công dân của họ và đảm nhận mọi gánh nặng như người ngoại quốc. Mảnh đất xa lạ nào đối với họ cũng là một quê hương, và mọi quê hương đều là một mảnh đất xa lạ. Họ kết hôn như mọi người và sinh con đẻ cái, nhưng không bỏ rơi trẻ sơ sinh. Tất cả họ cùng chia sẻ một bàn ăn, nhưng không chia sẻ một giường nằm. Họ sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ trải qua cuộc đời trên trái đất, nhưng là những công dân cõi trời. Họ tuân giữ luật pháp hiến định nhưng lối sống của họ vượt trên luật pháp về sự hoàn hảo…” Đoạn thư này cho thấy các tín hữu ban đầu đã sống với vế thứ hai của lời Chúa : “Còn Thầy, Thầy bảo anh em…”. Nhưng hôm nay thế nào thưa bạn ?

[1] 1909-2001, người Rumani gốc Do-thái, thuộc Giáo hội Lu-thê-rô, bị nhà cầm quyền CS Rumani giam tù tổng cọng 14 năm, đã viết hơn 20 cuốn sách, chủ yếu nói về kinh nghiệm thiêng liêng và truyền giáo trong nhà tù. Ông từng được xem như thánh Phao-lô của Giáo hội Hầm trú. Xem Wikipedia.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi