Tin Mừng Lc 6,27-38
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.
“Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu cả với những phường vô ân và quân độc ác.
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.
************************************
YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ (còn được gọi là Chiến tranh giành độc lập Mỹ, 1775-1783), tại Pensylvania có mục sư Peter Miller rất được cộng đoàn ái mộ. Nhưng trong khu xóm gần nhà thờ có một kẻ rất oán ghét và nhiều lần nhục mạ mục sư. Vì phạm tội phản quốc, anh ta bị tòa án Philadelphia kết án tử hình. Nghe tin ấy, mục sư Miller vội vàng đi bộ tìm đại tướng George Washington xin ân xá cho tên tử tội. Đại tướng trả lời: “Tôi rất tiếc không thể thỏa đáp thỉnh nguyện của mục sư mà tha bổng cho người bạn thân của mục sư” – “Đại tướng bảo là bạn thân của tôi ư? Phải nói anh ta là kẻ thù đê tiện nhất của tôi trên đời này!” – “Mục sư nói sao? Mục sư phải lội bộ cả 60 dặm để xin ân xá cho một kẻ thù à? Thế thì là một chuyện khác. Tôi vì mục sư ân xá cho phạm nhân”. Cầm giấy ân xá của tướng Washington ký, mục sư Miller tức tốc cuốc bộ 15 dặm để đến pháp trường. Thoạt trông thấy ông đằng xa, tên tử tội nói: “Kìa, tên Peter đã lội bộ từ Ephrata đến đây đặng trả thù ta bằng cách khoái chí chứng kiến cảnh ta bị treo cổ!” Anh ta vừa dứt lời, thì mục sư cũng vừa vạch được đám đông tới nơi, trao tận tay anh ta tờ ân xá của đại tướng Washington.
1. Thái độ nội tâm
Khỏi nói, ta cũng thấy mục sư Miller đã thực hiện cách tuyệt diệu những lời Đức Giê-su dạy chúng ta hôm nay, những lời nói lên tất cả mới mẻ của Tin Mừng mà Người mang đến cho những ai chấp thuận nghe Người giảng. Nét đặc trưng luân ý Ki-tô giáo không phải chỉ là yêu thương, vì mọi nền luân lý nhân loại đều đòi hỏi điều đó… nhưng là yêu thương “kẻ thù”. Đây là một tình yêu phổ quát, chẳng loại trừ ai cả.
Từ “kẻ thù” được Đức Giê-su sử dụng là một từ mạnh mẽ, nên có nguy cơ bị hiểu sai. “Tôi đâu có kẻ thù”, ta thường nghe nói thế. Thế nhưng Đức Giê-su đã cẩn thận cho nhiều ví dụ: kẻ thù là những kẻ ghen ghét tôi… những kẻ nói xấu tôi… những kẻ vu khống tôi… Và để nắm bắt tất cả tầm mức của nền luân lý Tin Mừng này, ta cần hiện tại hóa từ “kẻ thù” ấy.
Trên bình diện cá nhân: Đức Giê-su đòi hỏi tôi yêu mến những kẻ chỉ trích, gây khó chịu, không đồng ý với tôi… những kẻ tấn công tôi bằng mọi cách suy nghĩ, ăn mặc, cầu nguyện của họ v.v… Trên bình diện tập thể: Đức Giê-su cũng đòi hỏi môn đệ yêu thương kẻ thù của nhóm: những kẻ bắt bớ, chống đối họ; những kẻ suy nghĩ và hành động khác họ… Thế giới sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng lớn biết bao, nếu mỗi Ki-tô hữu bắt đầu làm thật những gì Đức Giê-su đã dạy làm! Trước khi đi xa hơn trong bài suy niệm, tôi hãy dừng lại một chút để đặt những danh tính và khuôn mặt đối nghịch tôi trên trang Tin Mừng này, để mong ước sự lành và cầu nguyện thực cho họ…
2. Hành vi bên ngoài
Sau các thái độ “nội tâm”, luôn luôn đi trước trong viễn tượng của Đức Giê-su, là các hành vi “bên ngoài”, hậu quả tất yếu của các thái độ ấy: “Ai vả anh má bên này thì hãy giơ cả má bên kia nữa…”. Lòng yêu mến kẻ thù phải đi đến những hành vi tích cực đối với họ. Nhưng hãy ghi nhận rằng ở đây Đức Giê-su không tìm cách ban bố một tân pháp chế, xoay quanh bốn điểm: “vả”, “đoạt”, “xin”, “lấy”… Thật ra, đây chỉ là những ví dụ nhằm minh họa một cách thức hành động hoàn toàn mới mẻ. Các ví dụ này cố ý tạo cho ngược đời để dễ nhớ thôi. Quả là thiếu óc chú giải hoặc thiếu lương tri, khi giải thích sát chữ các kiểu nói Do-thái này, như thể phải thực sự chìa má trái cho ai vả má phải. Ví dụ được tay kể chuyện tài ba đây sử dụng cũng thuộc kiểu nghịch lý như chuyện móc mắt chặt tay mình (x. Mt 5,29-30). Trong thực tế, các hành động ấy e rằng hoàn toàn vô ích. Mắt bị móc chẳng hề bảo vệ ta khỏi sự vấp ngã khác. Cái tát thứ hai đâu ngăn chặn nổi cái tát thứ ba, và còn lâu mới dẫn kẻ ác đến những tình cảm tốt đẹp!!! Chính Đức Giê-su sẽ đưa ra lời giải thích tốt nhất cho câu tuyên phán của mình khi chẳng chìa má kia cho tên đầy tớ vả mặt mình trước mặt Thượng tế: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Tuy nhiên, nếu chúng ta phải tự tìm lấy những thái độ đáp trả các cuộc tấn công mà mình là đối tượng, thì chớ có làm dịu Tin Mừng. Trong thực tế, tuy đã chẳng “chìa má kia”, Đức Giê-su cũng vẫn đi xa lắm: Người đã để mình bị đánh đến chảy máu, đã trao phó toàn thân cho những kẻ hành hạ mình: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,5-6). Đức Giê-su đã chẳng yêu cầu gì ta mà lại không làm trước.
Nhưng không phải chỉ tiêu cực như thế. “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Đây là cái thiên hạ vẫn gọi là “luật vàng”, một trong những nguyên tắc cơ bản của mọi nền luân lý. Rabbi Hillel, đồng thời với Đức Giê-su, từng dạy: “Những gì bạn không thích, thì chớ làm cho người”. Các triết gia phái Khắc kỷ cũng bảo: “Điều bạn không muốn người ta làm cho mình, thì đừng làm cho người ta”. Nhưng ta nhận thấy riêng Đức Giê-su thì đã ban cho luật này một hình thức tích cực, mang tính cách vô biên. Phải làm tất cả sự thiện có thể cho tha nhân… thậm chí cho cả kẻ thù!
Vì “nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa?”. Là môn đệ Đức Giê-su, là Ki-tô hữu, chúng ta không tất nhiên tốt hơn những người khác… Tuy nhiên, Đức Giê-su rõ rệt yêu cầu chúng ta phải khác với họ. Khác như thế nào? Cái gì đặc trưng Ki-tô hữu? Đó là “yêu mến những kẻ chẳng mến yêu ta”. Tư tưởng sâu xa của Đức Giê-su, ấy là tình yêu chúng ta phải thoát ra khỏi mọi cộng đồng tự nhiên: gia đình, giới nhóm, quốc gia, chủng tộc. Ở giữa những kẻ giống nhau, tình liên đới là điều tự nhiên, bộc phát. Và phải dám nói rằng: tình liên đới tự nó chẳng phải là một sự thiện: ngay cả những “người tội lỗi”, độc ác, áp bức, ích kỷ… cũng có thể có những dây liên đới nhằm tìm kiếm lợi lộc và chống lại kẻ khác. Chẳng phải vì ích kỷ trở nên tập thể mà nó ít nguy hiểm hơn! Trong lúc đó, tình yêu Ki-tô giáo là một tình yêu không biên giới, vô hạn định.
3. Kết quả nhận được
“Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu cả với những phường vô ân và quân độc ác”. Các lời này nêu bật cho thấy nhân loại xét chung đều xa kế hoạch của Thiên Chúa… nên Thần khí của Người, Triều đại của Người, phải nắm bắt lại chúng ta từ bên trong biết bao để biến đổi chúng ta. Cho đến Đức Giê-su, nhân loại lấy bạo lực đáp trả bạo lực. Thậm chí trong Kinh Thánh Cựu Ước, người ta còn thực hiện thánh chiến để tiêu diệt kẻ thù, còn nhân danh tôn giáo để bóp cổ ai đối nghịch cùng Thiên Chúa nữa! (x. Đnl 7,1-6; 20,10-18; 25,19; Gs 6, 17). Cho đến Đức Giê-su, và thậm chí trong Cựu Ước, người ta đã từng cầu xin Thiên Chúa phạt kẻ thù (x. Tv 17,13; 28,4; 69,23-29 v.v…). Từ Đức Giê-su, chúng ta phải cầu xin Người gia ân cho họ.
Và lý tưởng được đề ra chẳng là gì ngoài chính Thiên Chúa… một lý tưởng phải không ngừng vươn tới, chẳng bao giờ đạt nổi, vì Người vô giới hạn. Và một phần thưởng lạ lùng: ai yêu mến kẻ thù sẽ được làm “con Đấng Tối cao”. Đây chính là danh hiệu đã ban cho Đức Giê-su trong lời truyền tin cho Đức Trinh Nữ! (x. Lc 1,32). Chức làm con Thiên Chúa được ban cho kẻ “xây dựng hòa bình” (Mt 5,9). Yêu kẻ thù là chuyện phi phàm, thần linh! Đó là điều mà Thiên Chúa, Đấng “tốt lành với kẻ vô ơn bạc ác” theo lời mạc khải của Đức Giê-su, vẫn không ngừng thực hiện.
Đức Giê-su còn nêu rõ: vị Thiên Chúa ấy “là Đấng nhân từ”. Ta sẽ chẳng bao giờ nói đi nói lại đủ về điều đó: Thiên Chúa không phán xét ai, không kết án ai, luôn tha thứ cho mọi kẻ tội lỗi. Và Người đòi hỏi ta bắt chước Người! Người còn đi đến chỗ bảo rằng “cuộc phán xét riêng” của ta có thể nói là nằm trong tay ta. Điều đó không có nghĩa Thiên Chúa chấp nhận sự dữ! Sẽ chẳng bao giờ có gì chung giữa Thiên Chúa với bất công, tra tấn, độc ác, hèn nhát, ích kỷ. Ai làm những điều đó sẽ chẳng hề có phần “với Người”. Nhưng không phải Thiên Chúa phán xét hay đoán phạt. Những kẻ khốn khổ ấy tự kết án và tự tiêu diệt chính mình khi khăng khăng từ chối lời mời gọi sống yêu thương của Thiên Chúa và từ chối ơn tha thứ của Người. Hỏa ngục chính là mặt trái của Thiên Chúa và đã chẳng do Người làm ra. Hỏa ngục là hậu quả sau cùng, là chọn lựa dứt khoát của một cuộc đời liên tục lựa chọn sống ích kỷ, sống cho mình và rốt cục từ chối đi vào Thiên đàng là nơi phải bỏ mình để có thể yêu thương. Vì Thiên Chúa chỉ là tình yêu, thương xót, nhân hậu. Phần bạn, bạn ở bên phía Thiên Chúa rồi chứ?
Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế.