TÌM HIỂU CƠ BẢN VỀ KINH THÁNH
Biên soạn: Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành (TGP Huế)
“Củng cố sự hiệp thông” là chủ đề của năm mục vụ 2023 của Giáo hội Việt Nam do HĐGMVN đề ra trong đại hội tháng 10/2022. Điều thực hành đầu tiên mà HĐGMVN đề nghị, đó là cổ võ việc đọc và học hỏi Kinh Thánh [1]. Trong tinh thần đó, các Linh mục thuộc Hạt Thành Phố của TGP Huế đã dành một thời gian trong dịp tĩnh tâm tháng của các Linh mục trong Hạt để chia sẻ việc cổ võ đọc và học hỏi Kinh Thánh cho các Giáo xứ của mình. Những loạt bài học cơ bản sau đây là một trong những nguồn tham khảo có thể sử dụng trong việc học hỏi Kinh Thánh.
BÀI 1: MỘT VÀI KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT
Trong bài cơ bản đầu tiên của loạt bài tìm hiểu về Kinh Thánh, chúng ta đi tìm một định nghĩa của Kinh Thánh (1), thời điểm và tác giả biên soạn (2) và bố cục của bộ Kinh Thánh (3).
1./ Định nghĩa
Từ “Kinh Thánh” – Biblia (Latinh), Bible (tiếng Anh và tiếng Pháp) – bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Biblia (βίβλια) có nghĩa là “những cuốn sách” [2]. Gốc từ này làm nên ý nghĩa bởi vì Kinh Thánh không phải là 1 cuốn sách do 1 người nào đó viết ra trong một thời gian vắn và xuyên suốt, mà là một bộ sưu tập nhiều cuốn sách, do nhiều người biên soạn qua nhiều thế hệ và giai đoạn khác nhau.
Gốc từ Hy Lạp Biblia số nhiều chuyển thành số ít trong tiếng Latinh. Điều này cho thấy Kinh Thánh gồm nhiều cuốn sách khác nhau được viết nhiều tác giả khác nhau, nhưng đã trở thành một bộ duy nhất và xuyên suốt, được tác giả thần linh duy nhất là Chúa Thánh Thần ứng tác.
Các sách khác nhau trong Kinh Thánh được gom thành hai bộ lớn: bộ đầu tiên được gọi là Cựu ước; bộ thứ hai được gọi là Tân ước. “Uớc” ở đây nghĩa là giao ước, là thỏa thuận nền tảng mà Thiên Chúa ký kết với dân của Ngài.
Cựu ước ghi lại câu chuyện Giao ước của Thiên Chúa với dân Israel là dân được Chúa chọn giữa các dân trên thế giới: đây là một lịch sử dài với những bất trung của dân Israel. Mặc dù vậy, Thiên Chúa vẫn trung tín với Giao ước đã ký với dân này.
Tân ước ghi lại câu chuyện Giao ước mới mà Thiên Chúa ký kết với con người bằng máu của Đức Giêsu. Giao ước mới này không loại bỏ giao ước cũ, nhưng hoàn tất lời hứa cũ của Thiên Chúa đối với dân Israel.
Kinh Thánh là toàn bộ những sách viết về Giao ước mà Thiên Chúa ký kết với Israel qua trung gian của Môsê (Cựu ước) và được hoàn thành trong Chúa Giêsu (Tân ước).
2./ Thời điểm và tác giả biên soạn
Quá trình soạn tác Cựu ước chắc chắn kéo dài trong nhiều thế kỷ, bắt đầu (với việc truyền khẩu hoặc chỉ một số ít dữ liệu được ghi chép) vào khoảng thế kỷ XII đến thế kỷ II tr CG, Tân ước được biên soạn từ giữa thế kỷ I đến đầu thế kỷ II.
Với thời gian dài như thế, Kinh Thánh được biên soạn bởi nhiều tác giả khác nhau [3]. Các tác giả này được Chúa Thánh Thần linh ứng cho để ghi lại những mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa và ý định của Ngài cho con người.
3./ Bố cục Kinh Thánh theo quy điển Công giáo
Quy điển (canon) [4] nghĩa là “chuẩn tắc”, “quy thước”. Các Giáo phụ dùng từ này để xác định là quy thước của đức tin. Kinh Thánh được các ngài xem là quy thước của đức tin bằng chữ viết. Đó là một bộ sưu tập các bản văn được xác định làm nên quy thước của đức tin. Vậy, quy điển của Kinh Thánh là bộ sưu tập các sách được linh hứng mà Giáo hội chấp nhận làm chuẩn mực đức tin và luân lý.
Không phải dễ dàng và ngay từ đầu tất cả mọi tín hữu đều thống nhất với nhau về các sách trong Kinh Thánh. Những sách mà chúng ta có bây giờ đã nhiều lần trong thời gian dài được Giáo hội xác quyết. Một đàng đã có sự tranh cãi trong Giáo hội ít ra vào thời kỳ đầu về tính linh hứng của sách này hay sách kia. Đàng khác, có những lạc giáo muốn có nhiều hay ít hơn những sách như chúng ta có bây giờ trong bộ Kinh Thánh.
Giáo hội qua các học giả Công giáo (Thánh Athanasiô năm 367, Thánh Augustinô năm 393), các Đức Giáo hoàng (Đamasô năm 382, Innôcentê I năm 405) và các Công đồng (Carthage II năm 419, Trentô năm 1546) đã xác định rõ ràng những sách nào thuộc quy điển Kinh Thánh, tức là những sách có tính tông truyền và có nội dung chính thống để làm chuẩn mực đức tin và luân lý cho Giáo hội.
Bộ Kinh Thánh Công giáo được sắp xếp theo thứ tự với các phần như sau:
Cựu ước gồm 4 phần theo thứ tự: (1) Ngũ thư, (2) các sách Lịch sử, (3) các sách Giáo huấn và (4) các sách Ngôn sứ.
Tân ước theo thứ tự gồm: 4 cuốn Tin mừng, sách Công vụ Tông đồ, các Thư và sách Khải huyền.
Trọn bộ Kinh Thánh của Công giáo gồm 73 cuốn tất cả. Các cuốn sách đó được gom thành hai bộ lớn: Cựu ước (46 cuốn) và Tân ước (27 cuốn).
Nhìn chung, các sách trong Kinh Thánh được xếp theo loại chủ đề [5]. Tuy nhiên, việc sắp xếp này không được thực hiện theo trật tự niên biểu nghiêm nhặt và nhất quán. Ví dụ sách Amos được xếp sau sách Isaia, Giêrêmia, Êdêkiel, Hôsê và ngay cả sau Giôel cho dù Ngôn sứ này, theo các nhà chuyên môn, được cho là Ngôn sứ văn tự đầu tiên.
Về Tân ước, Công Giáo và Tin Lành đều có quy điển giống nhau (27 cuốn). Riêng Cựu ước, Tin Lành chỉ nhận 39 cuốn/46. Tin Lành không công nhận thuộc Kinh Thánh các sách Tôbia, Giuđitha, 1-2 Maccabê, Khôn ngoan, Huấn ca và Barúc thêm một vài đoạn trong Đaniel và Esther [6]. Các sách này vẫn thuộc quy điển Kinh Thánh Công giáo, nhưng được gọi là Đệ nhị quy điển (so với các sách chính lục). Gọi là Đệ nhị quy điển không có nghĩa là các sách không có thế giá như những sách khác về mức độ linh hứng. Thực ra, không phải như các sách đệ nhất quy điển vốn được rộng rãi chấp nhận và có rất ít tranh cãi, các sách này (đệ nhị) đã có ít nhiều do dự trong việc được chấp nhận vào quy điển, tức là Sách Thánh [7].
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-nam-2022-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ve-giao-hoi-hiep-hanh-46586. (tham khảo ngày 1/2/2023)
[2] βιβλίον (biblion), cuốn sách: số ít; βίβλια (biblia): số nhiều.
[3] Theo truyền thống Cựu ước, 5 cuốn sách đầu được gán cho Môsê là tác gỉa. Sách Giôsuê, sách Thủ lãnh và sách Samuel được gán cho Samuel. Bộ Thánh vịnh được gán cho Đavid. Châm ngôn và Diễm ca được gán cho Salomon. Nhưng quan niệm này không được một số nhà phê bình lịch sử bản văn đón nhận.
Dù sao, chúng ta chân nhận ít ra một số dữ liệu liên quan trong Cựu ước bắt nguồn từ các tác giả trên. Có những dữ liệu đã xuất hiện từ thế kỷ XII-XI tCG: Mười Điều răn (Xh 20,1-17), Bộ Luật Giao ước (Xh 20,22 – 23,19), Mười Điều răn về nghi lễ (Xh 34,11-26).
[4] κανών kanôn tiếng Hy Lạp: 2 Cr 10,13; Gl 6,16. קָנֶה qaneh trong tiếng Hipri nghĩa là cọng, hay trượng: St 41,5.22 ; Ed 40,5.
Vào thế kỷ IV, trong Thư Vượt Qua, thánh Giáo phụ Athanasiô thành Alexandria đã sử dụng rõ ràng từ “canon” để chỉ định danh sách các sách Kinh Thánh. Các sách thuộc Sách Thánh là những sách đã được linh hứng và có thế giá trong Giáo hội.
[5] Riêng các thư Phaolô được xếp theo thứ tự từ dài đến ngắn.
[6] Tin Lành dựa theo quy điển Kinh Thánh Do Thái là quy điển chỉ nhận các sách được viết bằng tiếng Hipri và một vài đoạn bằng tiếng Aram.
Thuật ngữ apocrypha (ngụy thư) dùng để chỉ những sách tương tự như các sách của Kinh Thánh nhưng không được chấp nhận vào quy điển.
Công giáo dùng từ apocrypha để chỉ các sách mà Tin Lành gọi là mạo thư pseudigrapha, tức là những sách giả danh của một vài anh hùng dân tộc như Môsê hay Ênoch (sách Ênoch, sách Cuộc thăng thiên của Môsê và nhiều sách khác nữa). Trong khi đó, Tin Lành dùng từ apocrypha để chỉ 7 cuốn sách thuộc đệ nhị quy điển Công giáo, sách 3 & 4 Ezra, sách Lời cầu nguyện của Mơnasê, và sách 3 & 4 Maccabê.
[7] Xem thêm Lawrence Boadt, Dẫn vào Cựu ước, Nxb Tôn Giáo, 2021, tr.16.