Tìm hiểu cơ bản về Kinh Thánh – Bài 7: Các nghĩa trong Kinh Thánh

25/01/2024

TÌM HIỂU CƠ BẢN VỀ KINH THÁNH 

Biên soạn: Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành (TGP Huế)

********************

BÀI 7 – CÁC NGHĨA TRONG KINH THÁNH

Tông huấn Verbum Domini tái khẳng định xác quyết của Công đồng Vatican II rằng chân lý trong Kinh Thánh là ý muốn của Thiên Chúa được đồng hoá với ý muốn của thánh ký biên soạn Kinh Thánh[1]. Thật vậy, khi tìm hiểu các từ ngữ do các thánh ký biên soạn trong Kinh Thánh nơi đó ý muốn Thiên Chúa được mặc khải, người ta nhận thấy có những câu từ không đơn thuần mang một nghĩa nhất định, mà chuyển tải nhiều loại nghĩa khác nhau.

I. BỐN NGHĨA KINH THÁNH THEO QUAN NIỆM TRUYỀN THỐNG

Kinh Thánh là một cuốn sách ghi nhận các chân lý được diễn tả không chỉ với một vài biểu tượng, nhưng với một “rừng biểu tượng” mang nhiều nghĩa khác nhau. Để giải mã các nghĩa của Kinh Thánh, Thánh Giáo phụ Augustinô (354-430) phân biệt một bên là nghĩa văn tự, và bên kia là nghĩa bóng (hay nghĩa thiêng liêng)[2]. Trước đó, Origen (185-253) phân thành 3 nghĩa chính yếu của Kinh Thánh dựa theo quan niệm của Thánh Phaolô về 3 phần cấu tạo con người “thần trí, linh hồn và thân xác” (1 Tx 5,23): nghĩa văn tự (thân xác), nghĩa luân lý (linh hồn) và nghĩa thiêng liêng hay huyền bí (thần trí).

Về sau, thịnh hành nhất vào thời Trung cổ, các học giả hiểu Kinh Thánh theo 4 mức độ nghĩa. Điều này được Thánh Augustinô thành Đaxi (+ 1282) diễn tả bằng những khổ thơ như sau:

Littera gesta docet, quid credas allegoria, moralis quid agas, quo tendas anagogia.

Nghĩa văn tự dạy về biến cố; nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin ; nghĩa luân lý dạy điều phải làm; nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) dạy về 4 nghĩa Kinh Thánh, trong đó 3 nghĩa sau được gọi chung là nghĩa thiêng liêng. Dưới đây là những nét chính về các nghĩa được trình bày theo sách GLHTCG (115-119) cùng với những diễn giải để làm sáng tỏ các nghĩa Kinh Thánh[3]:

1. Nghĩa văn tự hay nghĩa lịch sử

Nghĩa văn tự chính là nghĩa từ chữ của bản văn. Kinh Thánh ghi lại các sự kiện theo truyền thống lịch sử. Ví dụ Xh 16: Thiên Chúa cho manna xuống làm thức ăn cho dân Hipri. Nếu chúng ta tìm hiểu đây là sự kiện lịch sử hoặc là một phép lạ, chúng ta đang ở trong nghĩa văn tự.

2. Nghĩa thiêng liêng

– Nghĩa ẩn dụ

Dựa vào sự kiện manna, nếu chúng ta liên kết với các phép lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu được kể trong các Tin mừng, manna là hình ảnh tiên báo bánh hằng sống của Chúa Giêsu, loan báo Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng đời sống các Kitô hữu[4].

– Nghĩa luân lý hay hiện sinh

Đọc Kinh Thánh không phải chỉ đển dừng lại ở việc hiểu các nghĩa, mà còn và nhất là dẫn người đọc đến thực hành chính trực. Ví dụ: Việc con cái Israel lượm manna tuỳ theo sức mình ăn và họ không được để dành theo lệnh của Môsê (Xh 16,17-20) được cắt nghĩa là họ cần sống tinh thần phó thác vào sự quan phòng của Đức Chúa. Điều này dạy người đọc đừng tham lam và cũng đừng tìm một lối sống độc lập với Thiên Chúa, nhưng phải biết cậy dựa vào nguồn sống là Chính Thiên Chúa.

– Nghĩa dẫn đường hay cánh chung

Kinh thánh chỉ cho chúng ta con đường đi đến Thiên quốc, nơi mà cuộc đời của chúng ta có được ý nghĩa tối hậu. Ví dụ Manna của Cựu ước là hình bóng loan báo Bí tích Thánh Thể trong Tân ước. Đến lượt mình, Bí tích Thánh Thể là bảo chứng để đạt được vinh quang tương lai ở Nước Trời. Cũng thế, Giêrusalem là hình bóng của Giáo hội tại thế, Giáo hội tại thế là hình ảnh loan báo Giêrusalem thiên quốc (x. Kh 21,1 – 22,5)[5].

Chúng ta có thể diễn tả hành trình 4 nghĩa của việc hiểu Kinh Thánh theo cách biểu tượng như sau: thực tại lịch sử, đó chính là thành Giêrusalem của người Do Thái (nghĩa văn tự), trở thành hình ảnh của Giáo hội, thành nhiệm mầu (nghĩa ẩn dụ), rồi trở thành hình ảnh của tâm hồn Kitô hữu (nghĩa luân lý), và cuối cùng là hình ảnh của Giêrusalem thiên quốc hay Giáo hội khải hoàn (nghĩa cách chung).

II. CÁC NGHĨA KINH THÁNH THEO TÀI LIỆU CỦA HỘI ĐỒNG KINH THÁNH GIÁO HOÀNG (HĐKTGH)

Gần đây nhất so với thời điểm của bài học này được soạn ra, Hội đồng Kinh Thánh Giáo hoàng trong tài liệu Giải thích Kinh Thánh trong Giáo hội (ngày 15/4/1993) đã phân thành 3 loại nghĩa và có những giải thích sâu xa hơn như sau[6]:

1. Nghĩa văn tự (sens littéral): II,B,1

Nghĩa văn tự của Kinh Thánh là nghĩa được diễn tả trực tiếp bởi chính các thánh ký. Vì là kết quả của việc linh hứng, nghĩa văn tự là nghĩa được chính Thiên Chúa muốn. Ví dụ: “Đức Giêsu ăn chay suốt 40 đêm ngày và sau đó Ngài thấy đói” (Mt 4,2). Đơn giản, nghĩa văn tự ở đây được hiểu đúng như ý của tác giả muốn diễn tả: Đức Giêsu đã ăn chay suốt 40 đêm ngày và sau đó Ngài đói thật sự!

Khi một bản văn thuộc thể loại ám dụ (métaphore), nghĩa văn tự của nó không phải được lẩy ra từ từng từ một của bản văn đó (ví dụ: “Hãy thắt lưng!” Lc 12,35), nhưng nghĩa văn tự của nó tương hợp với lối ám dụ của những hạn từ đó (“Hãy sẵn sàng!”).

Chung chung, nghĩa văn tự mà các thánh ký chỉ muốn truyền đạt chỉ là một nghĩa văn tự duy nhất. Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng như vậy. Bởi lẽ, một đàng, các thánh ký có khi muốn gợi lên một lúc nhiều mức độ khác nhau của thực tại. Đàng khác, ngay cả khi một lời xem ra chỉ có một nghĩa duy nhất, ơn linh hứng vẫn có thể hướng lời ấy để làm cho lời ấy có hơn một nghĩa. 

Ví dụ 1: Lời của Caipha “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50) được chính nhân vật hiểu trong nghĩa chính trị đầy tính toán của thời cuộc, nhưng tác giả thánh ký hiểu trong nghĩa mặc khải thần linh. Cả hai khía cạnh này của nghĩa ngữ đều thuộc về nghĩa đen.

Ví dụ 2: Khi thấy Đức Giêsu tắt thở, viên Đại Đội trưởng cất tiếng: “Người này là công chính” (Lc 15,39). Từ “công chính” ở đây trước hết được hiểu trong bối cảnh pháp lý: “vô tội”. Đây là nghĩa mà viên Đại đội trưởng hiểu khi phát biểu. Nhưng từ này được chính Luca hiểu trong nghĩa mặc khải: “người công chính đau khổ”. Hình ảnh “công chính đau khổ” này sẽ được thánh ký Luca khai triển trong Cv 2,14; 7,52 và 22,14.

Cần lưu ý là nghĩa văn tự phải được phân biệt khác với nghĩa duy văn tự (littéraliste) của trường phái bảo thủ văn chương (fondamentalisme)[7]. Cắt nghĩa duy văn tự (littéraliste) hiểu “hãy thắt lưng” theo đúng từng từ một, nhưng cắt nghĩa văn tự (littérale) hiểu là “hãy sẵn sàng” (Lc 12,35)[8]. Sẽ không đủ nếu chúng ta dịch bản văn từng từ để có được nghĩa đen, mà phải hiểu bản văn theo quy ước văn chương thời đó.

2. Nghĩa thiêng liêng (sens spirituel): II,B,2

Theo cách chung, nghĩa nghĩa thiêng liêng là nghĩa được chính các bản văn Kinh Thánh diễn tả, khi bản văn ấy được đọc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong bối cảnh của mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô và trong hoàn cảnh của đời sống mới phát xuất từ mầu nhiệm ấy. Tân ước là sự nghiền ngẫm Cựu ước và hiểu bản văn Cựu ước trong nghĩa thiêng liêng dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt qua và của đời sống mới. Khi một bản văn Cựu ước quy trực tiếp về mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô hay về cuộc sống mới phát xuất từ mầu nhiệm ấy, nghĩa của bản văn ấy được gọi là nghĩa thiêng liêng[9]. Chúng ta hiểu nghĩa thiêng liêng theo lối tiên trưng (typologie): Adam tiên báo Chúa Kitô (Rm 5,14), lụt hồng thủy tiên báo Phép rửa (1 Pr 3,20-21), vv.

Không được lẫn lộn nghĩa thiêng liêng với những diễn giải chủ quan do trí tưởng tượng bày vẽ hay những suy đoán của lý trí. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra nghĩa thiêng liêng đích thực nếu đặt mình trong 3 tương quan: bản văn Kinh Thánh, mầu nhiệm Vượt qua và hoàn cảnh hiện tại của cuộc sống trong Chúa Thánh Thần.

3. Nghĩa trọn vẹn (sens plénier): II,B,3

Nghĩa trọn vẹn được định nghĩa “là một ý nghĩa sâu xa hơn của bản văn, do Thiên Chúa muốn, nhưng không được tác giả loài người diễn tả rõ ràng”. Nghĩa này được khám phá trong một bản văn Kinh Thánh, khi “chúng ta nghiên cứu bản văn này dưới ánh sáng của những bản văn Kinh Thánh khác vốn đã sử dụng bản văn này, hoặc dựa vào mối liên hệ của nó với việc phát triển nội tại của mặc khải”.

Một cách khác, chúng ta hiểu nghĩa trọn vẹn là nghĩa mà thánh ký hiểu về một bản văn Kinh Thánh có trước ngài, và khi ngài sử dụng lại trong hoàn cảnh mà hoàn cảnh đó cho bản văn đó một nghĩa mới. Theo đó, nghĩa trọn vẹn là nghĩa mà sau này truyền thống tín điều hay một định tín công đồng xác thực cho bản văn Kinh Thánh ấy.

Ví dụ 1: Khi dùng bản Kinh Thánh Hy Lạp LXX của Is 7,14 với từ parthênos (παρθένος): “trinh nữ sẽ thụ thai” (Mt 1,23), Matthêu cho lời sấm của Isaia 7,14 của bản Hipri một nghĩa trọn vẹn về chữ almah (עַלְמָה) vốn được hiểu đơn giản là “thiếu nữ sẽ thụ thai”[10].

Ví dụ 2: Các Giáo phụ và các Công đồng dạy về Ba Ngôi, và diễn tả nghĩa trọn vẹn của lời giảng dạy trong Tân ước về Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.

Ví dụ 3: Định tín của công đồng Trentô về tội nguyên tổ cho chúng ta nghĩa trọn vẹn của lời giảng dạy của thánh Phaolô ở Rm 5,12-21 về hậu quả của tội Ađam đối với toàn thể nhân loại.

Như vậy, nghĩa trọn vẹn này cũng được hiểu là “nghĩa thiêng liêng của một bản văn Kinh Thánh trong trường hợp nghĩa thiêng liêng này khác với nghĩa văn tự”. Chúa Thánh Thần đã “dẫn dắt các thánh ký trong việc chọn lựa các cách diễn tả để nói về một chân lý mà chính các thánh ký không thấu triệt trọn vẹn chiều sâu của chân lý ấy. Chân lý ấy về sau theo dòng thời gian, được mặc khải trọn vẹn hơn”.

KẾT LUẬN

Tài liệu của Hội đồng Kinh Thánh Giáo hoàng xác định và sắp xếp các nghĩa của bản văn Kinh Thánh trong một trật tự hơi khác so với sự phân biệt và lối sắp xếp các nghĩa theo truyền thống Trung cổ, đồng thời tài liệu nhấn mạnh đến tính đa dạng của nghĩa văn tự của bản văn.

Kinh Thánh có những giai tầng nghĩa khác nhau. Các giai tầng đó không phải chỉ được diễn tả một lần trong thời điểm bản văn Kinh Thánh được biên soạn, mà còn có thể nối dài qua dòng lịch sử nghiền ngẫm Kinh Thánh trong những hoàn cảnh khác nhau.

Chính vì thế, không nên giới hạn quá chặt chẽ hoặc gắn chết ý nghĩa bản văn vào một hoàn cảnh lịch sử rõ rệt nào. Vì chưng, ý nghĩa bản văn sẽ được nối dài trong hoàn cảnh mới. Chính hoàn cảnh mới soi sáng bản văn theo hướng khác và thêm những nghĩa mới vào nghĩa nguyên thuỷ. Chúng ta gọi theo cách hình tượng là “Kinh Thánh lớn lên cùng người đọc”[11].

Tuy nhiên, cũng không thể tuỳ tiện và chủ quan gán bất kỳ ý nghĩa khác nào vào bản văn Kinh Thánh. Bất cứ lối giải thích nào đều không phải là lối giải đích thực, nếu không tương hợp (hétérogène) với ý nghĩa vốn đã được các thánh ký diễn tả trong bản văn Kinh Thánh: “Chấp nhận những ý nghĩa không tương hợp như thế, tức là chặt đứt sứ điệp Kinh Thánh khỏi gốc rễ là Lời của Thiên Chúa vốn được thông truyền trong lịch sử, và cũng có nghĩa là mở cửa cho một thứ giải thích chủ quan không kiểm soát được” (II,B,1).

SÁCH THAM KHẢO

1. Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), ban hành ngày 18/11/1965.

2. Toà Thánh Vatican, Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (tái bản), dịch bởi Uỷ ban Giáo lý Đức tin (HĐGMVN), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2019, nguyên tác: Catechismus Catholicae Ecclesiae (công bố năm 1992).

3. Commission biblique pontificale, l’Interprétation de la Bible dans l’Église (phát hành 15/4/1993), Paris, Cerf, 1994.

4. ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, công bố ngày 30/09/2010.

5. Grêgôriô Cả, Homélies sur Ezéchiel,I, (Sources Chréiennes, số 326, 1985, I, VII, 10), Paris, Cerf.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), số 11. Cf. Tông huấn Verbum Domini số 19.

[2] Nghĩa sau này được thánh Giáo phụ phân thành 2 nghĩa: nghĩa liên kết (typologia: Cựu và Tân ước) và nghĩa biểu tượng có giá trị luân lý hay huyền bí cho người đọc.

[3] Về các điểm trong sách Giáo lý, chúng ta dựa vào Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (tái bản) và dùng những hạn từ do Uỷ ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN dịch thuật từ nguyên tác Catechismus Catholicae Ecclesiae của Toà thánh Vatican, công bố năm 1992.

[4] Trong nghĩa này, Pascal về sau nói rằng Cựu ước là hình ảnh của Tân ước, và Chúa Giêsu là đá góc tường của hai thực thể Cựu và Tân ước: Cựu ước diễn tả Chúa Giêsu Kitô như được mong chờ, còn Tân ước giới thiệu kiểu mẫu của Ngài”. Thánh Augustinô diễn tả sự tương hợp giữa hai Giao ước: “Tân ước chính là Chúa Kitô được ẩn giấu trong Cựu ước, trong khi đó Cựu ước được mặc khải trong Tân ước”.

Thánh Phaolô đã áp dụng nghĩa này khi Ngài nói về người nô lệ tên Agar và người phụ nữ tự do tên Sara: “Có một nghĩa bóng: những người phụ nữ này là hai giao ước” (Gl 4,21-31)

[5] Thánh Augustinô lưu ý rằng: “Kinh Thánh được ban cho chúng ta không phải để dạy cho chúng ta về những vì sao, nhưng chỉ cho chúng ta con đường đi lên Thiên Đàng. Kinh Thánh không dạy ta trời như thế nào, nhưng dạy ta làm sao lên trên trời, tức là làm sao có được sự hạnh phúc vĩnh cửu.

[6] Bản văn của tài liệu Hội đồng Kinh Thánh Giáo hoàng trong bài này được lược trích từ bản Pháp ngữ: Commission biblique pontificale, l’Interprétation de la Bible dans l’Église, phát hành 15/4/1993.

– Các nội dung dưới đây được tóm lược theo tài liệu của HĐKTGH và được quy chiếu theo phân mục được trình bày trong bản Pháp ngữ. Ví dụ: 2,B,1 có nghĩa là Phần 2, mục B, tiêu mục 1.

– Để người đọc hiểu rõ nghĩa hơn và để tránh sự nhầm lẫn, một số hạn từ đặc biệt trong bài này được quy chiếu theo Pháp ngữ.

[7] Việc đọc Kinh Thánh theo lối duy văn tự đến từ trường phái bảo thủ văn chương (fondamentalisme) của Kinh Thánh. Trường phái này xuất phát từ Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ XIX giữa những nhóm bảo thủ Tin Lành muốn giải thích nghiêm nhặt quan niệm Sola Scriptura duy Kinh Thánh.

[8] Lối cắt nghĩa duy văn tự hiểu sai rằng sự kiện Chúa tạo dựng vũ trụ và con người đã diễn ra đúng theo như những gì được kể trong St 1-2,4a.

[9] Truyền thống Kitô giáo chân nhận nơi bản văn Cựu ước đó một sự tương tác trước với cuộc sống mới do Chúa Kitô mang lại. Như thế, ý nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh, vốn vượt lên trên nghĩa văn tự và lịch sử, bao gồm 3 hình thức suy luận mở rộng của Trung cổ: nghĩa ngụ ngôn, nghĩa luân lý, và nghĩa loại suy.

[10] Bản LXX là bản dịch Kinh Thánh Cựu ước từ tiếng Hipri sang Hy Lạp. Công việc biên dịch được thực hiện vào thế kỷ III trước CN.

[11] Giáo phụ Grêgôriô Cả, Homélies sur Ezéchiel, I, (Sources Chréiennes, số 326, 1985, I, VII, 10), Paris, Cerf, tr. 251.

Công thức nổi tiếng Scriptura cum legentibus crescit của thánh Giáo phụ Grêgôriô Cả đã gợi hứng cho nhiều nhà thông diễn học (herméneutes) và hiện tượng học (phénoménologue) đương đại khi bàn về việc diễn giải Kinh Thánh.