Tìm hiểu cơ bản về Kinh Thánh – Bài 9: Tóm tắt lịch sử niềm tin về cõi sau trong Kinh Thánh

30/11/2024

TÌM HIỂU CƠ BẢN VỀ KINH THÁNH 

Biên soạn: Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành (TGP Huế)

BÀI 9

TÓM TẮT LỊCH SỬ NIỀM TIN VỀ CÕI SAU TRONG KINH THÁNH

Một trong những tín điều làm nên đời sống đức tin đặc trưng và trở nên nền tảng của Kitô giáo, là tín điều về sự sống lại sau cái chết. Tín điều này được cô đọng trong hai câu cuối của Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống[1]” hoặc “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”[2]. Tuy nhiên, niềm tin về sự sống lại vào đời sau như chúng ta phát biểu trong Kinh Tin Kính không phải ngay từ đầu của lịch sử cứu độ đã được mặc khải như thế, mà có sự tiệm tiến từ Cựu ước đến Tân ước.

Trong phần này, chúng ta tìm hiểu tiến trình mặc khải về cuộc sống mai sau trong Cựu ước và Tân ước. Nhờ đó, chúng ta hiểu rõ hơn niềm hy vọng về sự sống mai sau như thế nào của dân Chúa. Nỗi khát mong về sự sống mai sau, chính là niềm hy vọng mà mỗi Kitô hữu đều mang trong tâm hồn của mình, và đó cũng là niềm hy vong của chính Giáo hội trong tư cách là dân của Chúa lữ hành tiến về quê trời.

1. Cựu ước: khởi đầu và sự phát triển mặc khải về cõi sau

– Sheol – âm phủ

Sheol, âm phủ hay âm ty, là hạn từ phổ biến của tiếng Hibri trong Cựu ước chỉ định thế giới sau khi chết. Từ này được dùng để diễn tả nhiều hình ảnh cụ thể phong phú. Sau đây là những miêu tả về Sheol của Cựu ước:

– Sheol là nơi đến của người chết cách biệt với thế giới của người sống: đó là một dạng cõi âm dưới lòng đất (Am 9,2; Tv 139,8; Is 14,15; Ez 32,18), nơi đó con người ở mãi không có đường lùi về với thế giới của người sống (G 7,9-10; 16,22).

– Sheol là nơi mà con người yên ngủ không thể chỗi dậy (Tv 88,13). Chết là đi vào giấc ngủ mãi mãi.

– Sheol là nơi đầy tối tăm, mịt mù hỗn độn như thể khi Thiên Chúa chưa tạo dựng trời đất (G 10,21tt …). Chết là đi vào lại trong cái hỗn mang mờ mịt của thế giới chưa được tạo dựng.

– Sheol là nơi đầy bụi đất, thứ vật chất trước khi Thiên Chúa dùng để tạo dựng con người (St 3,19; Tv 104,29; G 10,9; Gv 3,20). Chết được hiểu như là sự quay trở lại thực trạng như khi con người chưa được sinh ra.

– Sheol là nơi của sự quên lãng. Cụ thể người chết sẽ không còn nhớ những công trình của Thiên Chúa (Tv 88,11) và chính người chết cũng không còn nhớ đến nhau (Gv 9,5). Khi chết, con người vừa là tác nhân vừa là đối tượng của sự quên lãng.

Nếu như Sheol, thế giới của những người chết, là nơi mà không thể quay trở lại hội tụ với người sống, tách biệt, tối tăm, bụi đất, quên lãng[3], thì rất thích hợp để gọi theo lời suy tư của Giảng viên, là nơi chẳng còn gì:

Những gì trong tầm tay, bạn hãy ra sức làm,

vì trong cõi âm ty, nơi bạn đang đi tới,

không còn hoạt động, không còn dự tính,

chẳng còn hiểu biết, chẳng còn khôn ngoan (Gv 9,10)[4]

– Sheol và sự thưởng phạt

Sheol được coi là nơi xoá hết những giá trị sống trước đây của con người (x. Gv 9,10), nên tất cả gồm mọi người đều trở thành không ở trong Sheol: số phận đều giống nhau đối với người tốt cũng như kẻ xấu. Thậm chí không có gì khác biệt giữa con người và con vật (Gv 3,19; 9,2). Tuy nhiên, có chút phân biệt về chỗ cư ngụ của người lành và kẻ dữ trong Sheol: người dữ ở tầng sâu trong âm phủ hoặc không ở chung với những dũng sĩ (Ez 32,17-32).

– Khởi đầu về niềm tin vào sự sống lại

Khoảng thế kỷ II tCN, niềm tin vào sự phục sinh bắt đầu xuất hiện. Cụ thể lời sấm trong sách Đaniel tiên báo vào “thời cùng tận” có nhiều người trong số những kẻ đã chết sẽ được sống lại: người thì hưởng sự sống đời đời, kẻ thì chịu ô nhục muôn kiếp (Đn 12,2). Sách Maccabê quyển hai ghi lại lời tuyên xưng của người mẹ và đứa con trai đang chịu bách hại về phúc thưởng đời sau. Hai mẹ con công khai tuyên xưng đức tin mạnh mẽ về việc Thiên Chúa sẽ làm cho người chịu bách hại vì đạo sẽ được “sống lại để hưởng sự sống đời đời”, và kẻ bách hại sẽ “chuốc lấy án phạt” (2 Mcb 7,9.14.23.29.36). Đặc biệt sách Khôn ngoan, được biên soạn vào bằng tiếng Hy Lạp, đề cập việc người công chính khát khao linh hồn trường sinh bất tử[5] vì được Thiên Chúa bảo vệ chở che (Kn 3,1.4; x. 5,14-15).

2. Tân ước: mặc khải tối hậu về cõi sau

Mặc khải về cuộc sống mai sau được thực hiện trọn vẹn và đỉnh cao ở lời dạy của Chúa Giêsu, được lưu ghi lại trong Tin Mừng, và được triển khai trong các sách khác của Tân ước.

– Sự sống vĩnh cửu cho những người tin

Chúa Giêsu loan báo sự sống vinh hiển và vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài. Hai điểm đặc biệt ở mặc khải này so với Cựu ước: Chúa Giêsu đồng hoá chính Ngài với sự sống lại và kể từ đây, hễ ai tin vào Ngài thì được sự sống đời đời: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống; còn ai sống và tin vào Ta, sẽ không chết đời đời”. (Ga 11,25-26).

– Linh hồn bất tử và sự thưởng phạt sau khi chết

Dù là mặc nhiên, nhưng Tân ước khẳng định linh hồn bất tử với “sự thưởng phạt mỗi người ngay sau khi họ chết, tùy theo công việc và đức tin của họ.” Dụ ngôn về người nghèo khó Lazarô (Lc 16,22) và lời Đức Kitô trên thập giá nói với người trộm lành (Lc 23,43), cũng như những bản văn khác trong Tân ước (2 Cr 5,8; Pl 1,23; Hr 9,27; 12,23) là những minh chứng cho mặc khải về sự thưởng phạt dành cho các linh hồn sau khi chết[6].

– Ngày Chúa trở lại, ngày phán xét, Thiên đàng, hoả ngục, thân xác biến đổi

Chúa Giêsu mặc khải về ngày Ngài trở lại. Ngày đó sẽ diễn ra sự phán xét cho tất cả mọi người: Thiên đàng cho những người công chính (Mt 25,34); Hỏa ngục cho những ai từ chối Thiên Chúa (Mt 25,41). Vào ngày đó, người lành cũng như kẻ dữ sẽ được cho sống lại. Nhưng người lành sống lại để được sống muôn đời, còn người dữ sống lại để bị kết án (Ga 5,28-29).

Dựa theo truyền thống mặc khải, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến ngày Chúa trở lại và ngày phán xét (1 Ts 4,16-17 ; 2 Ts 1,7-9). Ngày chung cục, thân xác vốn đã chết sẽ được sống lại. Con người sống lại với thân xác từ chính cái thân xác phàm trần, nhưng đã được biến đổi (1 Cr 15,36-38.42-44, x. Mt 22,23-33 và //). 

Nhận định và kết luận

Trong Cựu ước, Sheol âm phủ là một nơi trung tính, nơi dành cho mọi người chết, nơi kẻ chết ngủ mà không thể chỗi dậy. Cựu ước có đề cập đến, dù hoạ hiếm, về niềm hy vọng được cứu sống sau khi chết, nhưng vẫn còn mơ hồ và chưa rõ ràng[7]. Chỉ đến giai đoạn sau của Cựu ước, khái niệm phục sinh và thưởng phạt mới xuất hiện và đạt đến sự trọn vẹn trong Tân ước với lời mặc khải của Chúa Giêsu[8].

Thật vậy, không phải không có lý khi niềm tin về sự sống mai sau được mặc khải muộn màng. Vì chưng, một đàng, cõi sau vốn là nỗi u uẩn dai dẳng đầy bí nhiệm của lịch sử nhân loại, đàng khác, mầu nhiệm sống lại của Kitô giáo là mặc khải quan trọng nhất trong tất cả các mặc khải, là đỉnh cao đi với mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô. Thiên Chúa phải chuẩn bị dân của Ngài để dân có thể đón nhận mặc khải này.

Với cái chết và sự sống lại, Đức Giêsu là người đầu tiên[9] sống lại vĩnh cửu. Sự kiện này trở thành nền tảng nhất cho đời sống của mỗi Kitô hữu và toàn thể Giáo hội. Theo lập luận của Thánh Phaolô, Chúa Kitô chết và sống lại để cứu loài người chúng ta khỏi ách nô lệ của thần chết và đưa loài người vào sự sống vĩnh cửu. Giả sử như không có sự sống lại đời sau dành cho loài người, thì việc Chúa Kitô sống lại cũng không xảy ra. Điều này đánh vào trọng tâm đức tin Kitô giáo, vốn dựa trên sự phục sinh của Đức Giêsu. Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì các Tông đồ, những người rao giảng Chúa Kitô phục sinh, sẽ trở thành những kẻ làm chứng dối về Thiên Chúa, bởi các ngài đã tuyên bố rằng Thiên Chúa đã cho Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì con người vẫn ở trong tình trạng tội lỗi, xa cách với ơn cứu độ. Bởi lẽ, Chúa Giêsu chết là để thế mạng cho tội lỗi chúng ta; và với sự sống lại, Ngài có khả năng đưa chúng ta vào sự sống mới. Chỉ khi sống lại, Đức Giêsu mới có quyền thực hành sự công chính trong chúng ta, tức là ban sự sống cho loài người[10]. Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì Kitô hữu là những người “đáng thương hại nhất”, vì họ sẽ không có tương lai, điều mà họ đã xây dựng và dấn thân trong hiện tại (x. 1 Cr 15,12-19).

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] “hằng sống” ở đây nghĩa là sự sống đời đời”. Tiếng Latinh: Credo carnis resurrectionem et vitam aeternam.

[2] Tiếng Latinh: exspecto resurrectionem mortuorum, et vitam venturi saeculi.

[3] x. Maurice Carrez, “séjour des morts”, trong CIB, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, 1987, tr. 1184-1185.

[4] Sử dụng bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ở đây.

[5] Linh hồn bất tử là khái niệm quen thuộc với triết học Platon của Hy Lạp.

[6] X. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, dịch từ “Catechismus Catholicae Ecclesiae” do Toà Thánh Vatican soạn thảo và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1992, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, số 633; 1021.

[7] Ví dụ như trong Tv 16,10-11.

[8] Dựa vào nền tảng này, Giáo hội khai triển và dạy rõ ràng về những thực tại liên quan đến cõi sau như được ghi trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo: sđt, số 632-637; 988-1019.

[9] Thánh Phaolô dùng hình ảnh “hoa quả đầu mùa” để diễn tả sự kiện phục sinh tiên khởi diễn ra nơi Đức Giêsu trước mọi loài (1 Cr 15,20-23).

[10] X. Rm 4,25. AELF, La Bible: traduction officielle liturgique, mame, 2020, chú thích u, tr. 2559.