Ba hương sắc của lòng xót thương

19/07/2020

“Nước Trời là Nước của lòng thương xót”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay man mát mùi hương của lòng thương xót nơi một Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Từ bài đọc sách Khôn Ngoan, Thánh Vịnh đáp ca cho đến thư thánh Phaolô, tất cả đều toả ngát hương thơm đó; cách đặc biệt, bài Tin Mừng với một chuỗi ba dụ ngôn vốn cho chúng ta có thể cảm nếm ba hương sắc ý nhị của lòng thương xót Chúa khi Chúa Giêsu nói về Nước Trời, một Nước của lòng xót thương.

Bài đọc sách Khôn Ngoan nói, “Ngoài Thiên Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng, Chúa không đoán xét bất công”; “Và vì Người là Chúa mọi sự, nên Người tỏ ra khoan dung với mọi người”; “Chúa là chủ sức mạnh, nên Người xét xử hiền lành, quản cai chúng ta với lòng khoan dung chan chứa”; “Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối”. Vì thế vương quốc của Chúa là vương quốc của lòng xót thương.

Điệp khúc Thánh Vịnh đáp ca chúng ta vừa hát đi hát lại như một lời ngợi khen Đấng đầy lòng thương xót, “Chúa là Đấng từ bi nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan dung”. Đấng khoan dung ban Thánh Thần của Người để Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn nơi chúng ta khi chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải lẽ; chính Thánh Thần sẽ dạy chúng ta biết chạy đến với lòng thương xót Chúa và đây là điều mà thánh Phaolô nói đến trong thư Rôma.

Thú vị hơn với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến Nước Trời như ruộng lúa tốt, nhưng rủi thay, cỏ lùng lại chen vào; Ngài nói đến Nước Trời như hạt cải nhỏ vươn lên thành cây hoặc như nắm men vùi trong ba đấu bột. Qua chuỗi dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho thấy ba nét đặc trưng của lòng thương xót Chúa. Trước hết, lòng thương xót Chúa tỏ ra khoan dung, nhẫn nại, đợi chờ trong hy vọng qua hình ảnh ông chủ giỏi nghề ruộng, khéo nghề vườn biết hướng đến ngày mùa khi lúa tốt sẽ được đem vào kho, cỏ lùng thì đem đốt cháy; lòng thương xót Chúa tỏ ra khiêm nhu lặng lẽ như hạt cải nhỏ bé âm thầm mọc lên thành cây để chim trời có thể đến nương náu; và sau cùng, lòng thương xót Chúa tỏ ra mạnh mẽ, nồng nàn nhưng lại đằm thắm thầm lặng như nắm men bà kia vùi vào ba đấu bột cho đến khi bột dậy men. Để từ đó, ba dụ ngôn dẫn đến kết luận tuyệt vời, rằng, Nước Trời là Nước của lòng thương xót và con dân của Nước đó sẽ là con dân của một Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

Dừng lại với dụ ngôn chính “Ruộng lúa rủi ro”, chúng ta học thấy cách thức Thiên Chúa cư xử, cách thức của lòng xót thương, cách thức của một Đấng luôn luôn hy vọng.

Trước hết, dụ ngôn cho biết, sự xấu trên thế giới này không đến từ Thiên Chúa nhưng đến từ kẻ thù của Người là Quỷ Dữ; Quỷ Dữ đến trong đêm để gieo để vãi; nơi đâu không có ánh sáng, ở đó, quỷ sẽ đến để gieo, để rắc sự ác. Nó gieo sự ác giữa sự lành để con người không thể phân biệt rõ ràng; nhưng cuối cùng, Thiên Chúa sẽ tách biệt khi đến giờ của Người.

Thứ hai, đối nghịch giữa sự nóng vội của các tôi tớ và sự kiên nhẫn của chủ cho thấy Thiên Chúa khác với con người. Mỗi khi thấy điều xấu, chúng ta vội vàng kết án, xếp loại nhưng Thiên Chúa thì không, Người luôn đợi chờ. Người nhìn cánh đồng cuộc sống mỗi người với nhẫn nại và khoan dung; Người xót thương đợi chờ để yêu thương, để tha thứ. Thái độ của Chúa là thái độ của niềm hy vọng vì tin rằng, sự dữ không phải là khởi đầu cũng chẳng là cùng đích; có một cái gì đó hơn thế nữa, chính nhờ niềm hy vọng đầy kiên nhẫn mà cỏ lùng, hoặc những con tim xấu xa ngập tràn tội lỗi, cuối cùng, có thể trở nên hạt giống tốt. Trước một thế giới vàng thau hỗn mang, người môn đệ Chúa được mời gọi bắt chước ‘sự nhẫn’ của Chúa, nuôi dưỡng niềm hy vọng với sự nâng đỡ của Thánh Thần hầu có thể có một niềm tin không hề dao động vào chiến thắng chung cuộc của sự thiện là tình yêu, là chính Thiên Chúa.

Sau cùng, một sự thật thú vị khác là sự ác trong thế giới không thể ảnh hưởng đến sự phát triển đức hạnh nơi người môn đệ, cản bước họ tiến vào Nước Trời nếu họ không cho phép.

Cô Mary, một giáo viên trẻ, ước được thành công trong nghề; rủi thay, trong lớp, có một học sinh rất bướng bỉnh, Bill; cậu biến lớp học thành rạp xiếc. Cô Mary buồn vô cùng. Một buổi sáng, cô ngồi vào bàn lấy giấy viết một câu gì đó. Bill xuất hiện, cậu hỏi, “Cô đang viết gì thế?”; “Cô đang viết một lời cầu nguyện đây em”. Bill nhạo lại, “Chúa có đọc được chữ tốc ký không?”; “Ngài hiểu hết mọi sự, Ngài có thể nhậm lời cầu của cô nữa”. Nói xong cô gấp tờ giấy, bỏ vào tập sách. Giờ ra chơi, Bill đánh cắp tờ giấy đó. Hai mươi năm sau, tình cờ, Bill gặp lại tập vở thời thơ bé, trong đó có tờ giấy của cô giáo xưa. Bill đọc, “Lạy Chúa, xin đừng để con phải thất vọng, Bill quá bướng bỉnh, phá phách, con không điều khiển nổi lớp. Xin Chúa đánh động tâm hồn em. Bill có thể trở nên người tốt, cũng có thể trở nên người xấu; một thiên thần hay một tướng quỷ”. Lời kinh sau cùng bổ vào tâm hồn người thanh niên như một nhát dao cắt thấu tim, vì Bill đang toan tính làm một việc tày đình. Bill trầm ngâm nhiều ngày; cuối cùng, chàng cương quyết đổi đời. Ít lâu sau, thành phố Bronx biết đến Bill, như một người cha của hàng trăm trẻ mồ côi.

Anh Chị em,

Yêu mến Hội Thánh là nhận ra cỏ lùng trong linh hồn mình, gia đình mình, cộng đoàn mình nhưng không phải để tự giày vò hay lên án nhưng để nhẫn nại, sám hối, cải thiện bản thân, cầu nguyện và cảm thông. Các thánh đã khởi đi từ đó, không bằng con đường nổi loạn hay lìa bỏ, nhưng là canh tân chính mình, môi trường mình bằng hương thơm của lòng thương xót.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con hằng yêu mến việc toả hương thương xót của Chúa mỗi ngày”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)