“Hãy nhượng vườn nho cho ta!”; “Đừng chống cự người ác!”.
David Seamands nói, “‘Bản năng thánh thiện’ trong mỗi người được Thiên Chúa thiết định cho các mục đích tinh thần mang tính xây dựng! Ai không thể cảm thấy bất bình trước điều ác, người ấy thiếu nhiệt tình với điều thiện. Bạn không có khả năng ghét điều sai, tôi e rằng, ‘bản năng dã tâm’ đã lấn lướt bạn! Và tôi nghi ngờ, bạn có thực sự yêu thích công bình hay không!”.
Kính thưa anh chị em,
Sẽ rất thú vị khi cả hai bài đọc hôm nay tiết lộ cho chúng ta cùng lúc hai bản năng mà David Seamands đề cập, ‘bản năng dã tâm, bản năng thánh thiện!’. Một, từ lòng tham bên trong; một, từ ân sủng trên xuống! “Hãy nhượng vườn nho cho ta!”; “Đừng chống cự người ác!”.
Những người có quyền lực có thể rất muốn chiếm đất đai không thuộc về họ, và điều đó thường gây bao hậu quả khôn lường. Cuộc chiến Ukraine lúc này là một ví dụ, và ‘bản năng dã tâm’ đó, một lần nữa, hiện nguyên hình trong bài đọc Các Vua; Acáp muốn vườn nho của Naboth! Thật dễ hiểu khi Naboth từ chối; vì lẽ, đây là mảnh đất đã gắn bó bao đời với gia đình ông. Cũng thế, Ukraine đang chiến đấu để bảo vệ giang sơn của tổ tiên, vì đó là bổn phận lịch sử đối với đất nước và con cháu họ. Giêzabel, hoàng hậu, ít cẩn trọng hơn; thủ đoạn của bà đã dẫn đến cái chết bất công của Naboth; và ngày nay, điều đó cũng đang lặp lại! Những kẻ quyền lực, bằng mọi giá, tìm cách bịt miệng hoặc dập tắt các đối thủ, đôi khi đó là một số rất đông những người nghèo, người trí thức, hoặc bất đồng chính kiến. Khi đất đai trở nên quan trọng hơn cuộc sống và mạng sống đồng loại, bất cứ điều ác nào cũng có thể xảy ra!
Giáo lý của Chúa Giêsu hoàn toàn đi ngược với ‘bản năng dã tâm’ đó! Ngài dạy, một sự dữ không thể được đáp trả bằng một sự dữ lớn hơn! Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” vốn từng được coi là tiến bộ của một thời, giờ đây không còn phù hợp. Ngài mời chúng ta đạt đến một cấp độ cao hơn của bác ái, yêu như Chúa yêu; Ngài đề nghị chiến thắng điều dữ bằng điều lành. Trong thực tế, có thể sẽ rất khó, đặc biệt là trong chiến tranh; tuy nhiên, nguyên tắc vượt qua cái ác bằng cái thiện vẫn luôn luôn là quy tắc vàng, đặc biệt khi con người bị cám dỗ để đáp lại cái ác bằng một điều ác lớn hơn. Tắt một lời, Chúa Giêsu muốn chúng ta trở về nguồn gốc của mình và cố đào tạo cho mình một ‘bản năng thánh thiện’ như con cái của Thiên Chúa!
Thánh Phaolô cũng dạy điều tương tự, “Đừng khuất phục điều ác, hãy lấy điều lành để thắng điều ác!”. Bản năng tồi tệ đó đã được phơi trần nơi con người Giêzabel, nó điều khiển bà; đang khi bản năng tốt nhất của con người có tên là ‘bản năng thánh thiện’, ‘bản năng thiêng liêng’, bản năng của Thánh Thần lại là con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Hãy nhìn lên thập giá! Ngài sống những gì Ngài nói! Ngài sống và chết để chiến thắng điều ác bằng điều thiện. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu muốn chúng ta sống. Và tuyệt vời thay! Đó chính là ‘sự mới mẻ triệt để’ của Tin Mừng, và cũng là ‘hoa trái mới mẻ’ của Thánh Thần!
Anh Chị em,
“Đừng chống cự người ác!”; hay “Đưa cả má bên kia!”, Chúa Giêsu không khuyến khích chúng ta sống nhu nhược vốn là điều tối kỵ và ‘không phải cách’ của vô số ‘anh hùng’ màn bạc và đời thường. Bản thân Ngài đã trải nghiệm điều này, Ngài đáp trả sự tấn công ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Không là nạn nhân, nhưng là ‘chủ nhân’; Ngài hoàn toàn tự chủ! Không chọn bạo lực; Ngài chọn ‘bất bạo động chủ động’, vốn hiệu quả hơn, phù hợp hơn với lý tưởng tôn trọng con người và phẩm giá của nó, những con người mà Ngài muốn cứu độ! Trên thập giá, Ngài thua, nhưng Ngài đã phục sinh oai hùng bằng sức mạnh Thánh Thần. Vì thế, là con cái Chúa, chúng ta không sống theo bản năng, nhưng sống bản lĩnh đượm chất Tin Mừng! Chúng ta có quá đủ bằng chứng trong thế giới về ‘sự phá sản’ của một chu kỳ bạo lực và chống lại bạo lực, vốn không bao giờ kết thúc. Bạo lực không hề mặc cả; và sự trả thù cũng không hề ngọt ngào!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ban cho con một nội tâm kiên định, để con chiến thắng ‘bản năng dã tâm’; dạy con đào tạo cho mình một ‘bản năng thánh thiện’ bằng việc nên giống Chúa mỗi ngày!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)