“Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì ở trong Tôi, và Tôi ở trong kẻ ấy”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay, kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội muốn con cái một lần nữa chiêm ngắm bí tích Thánh Thể, bí tích tình yêu. Nói đến bí tích tình yêu này là nói đến gặp gỡ, nói đến ở lại, ở trong, ở mãi và ở cùng; đó là tình yêu của một vị Thiên Chúa cúi xuống, quên mình và phục vụ. Bí tích Thánh Thể còn là bí tích Thiên Chúa ban sự sống, kéo dài sự sống và lưu truyền sự sống. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì ở trong Tôi, và Tôi ở trong kẻ ấy”.
Thiên Chúa tình yêu, Đấng muôn trùng cao cả, tạo dựng muôn loài cũng là một Thiên Chúa muốn lân la với con người, ở lại với con người; vì thế, Thánh Thể chính là sáng tạo tuyệt đỉnh của tình yêu Người. Tình yêu làm được tất cả, phong phú hoá tất cả, hiện tại hoá tất cả, cả những lời hứa tưởng như không bao giờ hiện thực, cả những giấc điệp mơ giữa ban ngày, “Người sẽ được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Và như thế, chính nhờ bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa được thoả mãn khi có thể ở với con người.
Trong tấm bánh Giêsu, một bằng chứng được xác thực là càng yêu thương, Chúa càng trở nên nhỏ bé; càng nên nhỏ bé, tình yêu của Ngài càng lớn lao; tình yêu càng lớn lao, Ngài càng cúi xuống; và càng cúi xuống, Ngài càng trở nên vĩ đại. Như thế, lời hứa của Chúa Giêsu ngày nào đã nên hiện thực, “Nầy đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ở cùng cách nào đây nếu Ngài không trở nên của ăn của uống cho những kẻ Ngài yêu.
Wari, một bộ tộc cổ xưa ở lưu vực Amazon, Nam Mỹ, còn gọi là bộ tộc Pakaa Nova, chuyên săn cá sấu và hà mã. Bộ tộc Wari có một nền văn hóa độc đáo với những quan niệm riêng về thế giới thần linh. Một trong những tập tục kỳ dị của họ là cách thức mai táng người chết. Khi trong bộ tộc có người chết, tang lễ được tổ chức trang nghiêm nhưng không có nét u buồn. Sau một vài ngày với các nghi lễ, họ bắt đầu tiến trình mai táng. Tộc trưởng sẽ chủ sự cuộc lễ bằng cách cầm một con dao và bắt đầu mổ xác người chết. Thịt của người chết, chẳng hạn cha mẹ, ông bà, sẽ được chia cho tất cả mọi người để cùng ăn hầu chia sẻ sức mạnh của người quá cố. Tù trưởng sẽ ăn phần não để tiếp nhận trí tuệ; con cái và những người cật ruột sẽ ăn phần tim để bảo đảm tình yêu của người chết sẽ còn mãi trong thân xác mình. Những phần còn lại như xương, tóc, ruột sẽ được hoả thiêu và tang lễ kết thúc. Với người Wari, đó là sự tôn kính dành cho người chết. Họ quan niệm, việc đem thân xác người chết chôn xuống đất, để mặc trong ẩm ướt, lạnh lẽo là bất hiếu; linh hồn người chết được giải phóng khỏi vỏ bọc thân xác để đi vào một kiếp sống mới thì cơ thể cũ phải mất đi; thế nhưng, ăn thịt người chết là để giữ lại sinh khí, trí tuệ và khí huyết; là kéo dài sự sống, lưu truyền sự sống cũng như nhắc nhở cho người sống rằng, người chết đang hiện diện.
Qua đó, chúng ta hiểu được phần nào những gì Chúa Giêsu nói, “Ai không ăn thịt và uống máu tôi, người ấy không có sự sống nơi mình” và xem ra Ngài cũng muốn làm những gì mà bộ tộc Wari đã làm. Ngài muốn chúng ta lưu truyền sự sống Thiên Chúa, lưu truyền sinh khí của Ngài là Chúa Thánh Thần. Ngài nói, “Thịt Tôi thật là của ăn, máu Tôi thật là của uống; ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong kẻ ấy”.
Chúng ta thường nghe nói, “Bạn ăn gì, bạn sẽ nên thể ấy”. Nghĩa bóng của câu nói ấy là con người được giáo dục thế nào, sẽ nên thể ấy. Ai được hấp thụ một nền tảng đức tin tốt, một nền giáo dục tốt, một đời sống đạo đức tốt… người ấy có cơ may nên tốt. Vì thế, khi ăn Chúa Giêsu, rước Chúa Giêsu, đón nhận sự sống của Ngài mỗi ngày trong Thánh Thể, chúng ta có cơ may ngày càng nên giống Chúa hơn để bớt chất người và thêm chất Chúa trong suy nghĩ, trong lời nói và trong hành động.
Israel xưa đã nói, “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Chúa, Thiên Chúa của chúng ta ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?”. Thiên Chúa đó, giờ đây trong Chúa Giêsu, đang ở trong chúng ta, ở với chúng ta. Tâm hồn chúng ta là đền thờ Thiên Chúa ngự; đôi tay chúng ta là bàn thờ đầu tiên tiếp nhận Ngài. Cũng chính đôi tay này sẽ trở nên đôi tay của Chúa, những đôi tay yêu thương, đôi tay phục vụ sẽ làm những gì Chúa làm và từ chối làm những gì là tội, là giết chóc, là phá huỷ. Cũng thế, miệng lưỡi chúng ta, khi đón rước Chúa cũng sẽ là miệng lưỡi của Ngài, sẽ nói lời yêu thương, lời xây dựng chứ không phải là lời của giết chết và nguyền rủa.
Anh Chị em,
Trước nhà tạm cố định của mỗi nhà thờ, chúng ta chiêm ngắm Chúa; ra khỏi nhà thờ, chúng ta còn có những nhà tạm di động, đó là những anh chị em chúng ta gặp gỡ, Chúa Giêsu cũng đang ở trong họ và chúng ta cũng sẽ đụng chạm đến Ngài, đón rước Ngài bằng việc cúi xuống phục vụ hay thể hiện một nghĩa cử yêu thương.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nhờ việc ăn Chúa mỗi ngày, xin cho con bớt chất người và thêm chất Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)