Các bài suy niệm Thứ Tư Lễ Tro

21/02/2023

HÃY XÉ LÒNG, ĐỪNG XÉ ÁO    
Mt 6, 1-6.16-18

Chu kỳ Phụng Vụ lại xoay chuyển vần xoay. Mùa chay, bắt đầu từ ngày hôm nay và Mùa chay là thời gian chuẩn bị, dọn lòng con người. Mùa chay hướng chúng ta, đưa con người đến việc tưởng niệm mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Mùa chay được khai mào bằng việc xức tro trên đầu ngày thứ tư lễ tro. Nghi thức xức tro gợi cho con người, loài người và mỗi người chúng ta về sự thực hiển nhiên là cái chết. Trong nghi thức xức tro, vị Chủ tế xức tro trên đầu mỗi người và nói: ” Hãy sám hối và Tin vào Tin mừng “. Lời mời gọi của vị Chủ tế gợi cho mỗi người về thân phận yếu hèn, tội lỗi của mình. Sám hối là kêu gọi mỗi người hãy nhìn lên Chúa để thấy Chúa cao cả, thánh thiện biết bao và nhờ đó, con người sẽ phải cố gắng, vượt thắng để noi gương bắt chước Chúa và nhận lấy tấm lòng từ ái, nhân hậu của Chúa. Giáo Hội trong nghi thức đầu Mùa chay này, cũng cho chúng ta thấy một sự thực đáng sợ mà mỗi Kitô hữu phải đối diện là cái chết. Một sự thực hiển nhiên và cũng thật bất ngờ bởi vì ai cũng phải chết nhưng giờ chết hay lúc nào con người phải chết thì không ai biết được. Đúng là sự chết thật chắc chắn những cũng thật là bấp bênh: ” Người ơi hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro “. Con người vẫn biết mình là bụi tro như Thiên Chúa đã phán với Ông bà nguyên tổ là Ađam và Evà rằng: ” Con người từ bụi đất sẽ trở về với bụi đất “. Đó là một sự thực thật rõ ràng, nhưng cũng rất bấp bênh. Nhiều người đã cùng chúng ta sống Mùa chay năm trước cũng như các năm trước nữa, vô số người đã gặp gỡ chúng ta, đã trao đổi, trò chuyện cùng chúng ta, nhưng hôm nay trong thánh lễ này, họ đã khuất, họ đã ra đi. Đó là sự kinh ngạc, bỡ ngỡ, bấp bênh của kiếp người. Nhưng hiển nhiên, chúng ta không hề biết tại sao họ lại ra đi như thế. Đó cũng là mầu nhiệm của sự chết và là huyền nhiệm của kiếp người xem ra rất vững chắc nhưng cũng lại thật là mong manh, mỏng dòn và dễ vỡ. tuy nhiên, có một điều tối quan trọng là chúng ta có đủ chuẩn bị chắc chắn cho cái chết của chúng ta hay không ? Cái chết của chúng ta có dẫn chúng ta tới sự sống đời đời và đưa chúng ta tới sự phục sinh của Chúa ?

Chúa ban chúng ta cơ hội, thời gian để sám hối và tỉnh thức chờ đợi Ngài tới trong vinh quang. Chết là hết. Chúa không cho chúng ta cơ hội, dịp thuận tiện thứ hai để dọn mình chờ đón cái chết. Điều quan trọng nhất, chúng ta có trung thành với Chúa suốt cả cuộc đời hay không, hay chúng ta ơ hờ, buông xuôi mặc thời gian Chúa ban để chơi bời, phung phí những giây phút quí báu của cuộc sống con người. Cái chết đáng sợ thật, nhưng nếu chúng ta đã sẵn sàng, gắn bó với Chúa, trung thành với sứ mạng Thiên Chúa trao phó: quá khứ, hiện tại, tương lai đều là của Chúa. Chúng ta không thể thay đổi, đẩy lùi quá khứ, chúng ta cũng chẳng hiểu được, đoán được tương lai. Hiện tại là quan trọng bởi vì tất cả đều là hồng ân và đều là thời gian của Chúa. Chúng ta hãy sống khoảnh khắc hiện tại với mức cao độ của yêu thương thì chúng ta sẽ sống tốt khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. Chúng ta hãy đọc lại những lời của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong ” Tư Tưởng Về Cái Chết ” như sau: ” Không nhìn lại đàng sau nữa, nhưng con vui vẻ làm bổn phận trong lúc này đây như là ý Chúa, một cách đơn sơ, khiêm tốn, và mạnh mẽ. Làm nhanh, làm tất cả, làm tốt. Làm một cách tươi vui: điều mà Chúa muốn nơi con trong lúc này đây, cả khi nó vượt quá sức lực của con và cả khi nó đòi hỏi mạng sống của con đi nữa. Sau cùng, trong giờ phút này “.

Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định, phải là điều xinh đẹp nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy dành cho tất cả mọi người tình yêu thương, nụ cười của chúng ta mà không mất đi một giây nào.

Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là:      

khoảnh khắc đầu tiên 

khoảnh khắc cuối cùng          

khoảnh khắc duy nhất.           

(Trích trong Chứng Nhân Hy Vọng TGM F.X Nguyễn Văn Thuận, Công Đoan Đức Mẹ La Vang ấn hành 2.000, trg 98-99 ).           

Vâng, Chúa mời gọi chúng ta sám hối nghĩa là chúng ta phải tránh xa tội lỗi mà trở về với Chúa đồng thời chúng ta phải để Chúa thay đổi thực sự tâm hồn mỗi người chúng ta. Suốt Mùa chay, mỗi Kitô hữu hãy siêng năng tham dự thánh lễ hằng ngày, năng chịu các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải và siêng năng lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô. Đây là việc sám hối đích thực và là cơ hội thuận tiện, giờ cứu độ để chúng ta sám hối ăn năn và nhìn lên Chúa để lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Giáo Hội qua Phụng vụ hôm nay: ” Người là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro “. Chúa nói: ” Hãy xé lòng chứ đừng xé áo “.Phải cải hóa nội tâm, phải thay đổi chứ không chỉ sống bề ngoài.       

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vượt thắng các cám dỗ như Chúa đã đối diện với những cám dỗ và đã vượt thắng một cách vẻ vang. Amen.

Giuse Nguyễn Hưng Lợi

*************************

BỤI TRO SẼ TRỞ VỀ BỤI TRO
Mt 6:1-6,16-18 

Hãy nhớ đến ý nghĩa và nguồn gốc của chính ta: “Người là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. (Gen 3:19) Lời đầu tiên Thiên Chúa đã báo cho Ađam khi vừa phạm tội. Hôm nay Giáo Hội cũng lặp lại những lời ấy với mỗi Kitô hữu về hai chân lý nền tảng này ” Là hư vô và chết là thực hữu”.    

Ngày nay có rất nhiều người khi chết đã dùng phương pháp hỏa táng thi hài, lấy tro giữ lại. Đây là một bài học cụ thể cho chúng ta về thân xác hay hư nát. Bạn hay tôi với một thân xác to béo khỏe mạnh 150 pounds hoặc ốm yếu 80, 90 pounds. Sau khi nhắm mắt xuôi tay chỉ còn lại một nắm tro tàn. Tro ở đây diển tả rất đúng sự hư vô của con người. Câu Thánh vịnh 38:6 đã kêu lên: “Chúa ơi, khoảng đời con là hư vô trước nhan Chúa”. Cần phải nắm chắc chân lý này: “Trong ta tất cả là hư vô”. Tất cả những văn bằng, những chức tước, của cải, danh vọng có nghĩa gì đối với linh hồn của chúng ta sau khi chết? Một câu hỏi rất lớn cho bạn và tôi: “Đời của chúng ta chỉ kết thúc ở đây sao? Chết có phải là hết không?” Vậy trong nắm tro tạm gửi này, chúng ta hãy ăn năn hoán cải tâm hồn, sám hối trọn vẹn. Với lòng trong sạch ngay thẳng, ta sẽ luôn có sự bình an thật. Hãy làm mọi việc không có tà ý và với cái nhìn luôn hướng về Chúa. “Làm vinh danh Chúa”.       

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn nhấn mạnh với chúng ta: khi thực hành bố thí hãy thực hành theo tinh thần Bái ái, Phục vụ và Khiêm tốn. ” Đừng phô trương công đức trước mặt người đời” (Mt 6:1)

Có những việc thiện chúng ta làm có lẽ chỉ là khoe khoang tự phụ trá hình dưới lớp vỏ của đức ái. Chỉ dùng hành vi thiện hảo như một nhãn hiệu. Có những cử chỉ nhân đức do lòng ích kỷ chỉ vì mục tiêu phô trương hơn là lòng săn sóc đích thực. Người thực thi bác ái không đòi hỏi phải được trả ơn, báo đền, được tuyên dương công trạng trên báo chí hay nơi công cộng, hoặc danh tiếng mình phải được mọi người biết đến. Chúng ta nên dừng lại và tự vấn: “Lý do nào đã làm tôi không tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng? Lý do nào đã làm tôi không tích cực cộng tác giúp đỡ những vị chủ chăn, với ban Quản Trị Hội Đồng Giáo Xứ nữa? Hoặc tôi chỉ có thể làm việc được với người này mà không làm việc được với người kia?”

Lời Chúa đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6:3). Trong Cộng đoàn, công xưởng và gia đình, nhiều người rất cần đến những sự trợ giúp, lời khuyến khích an ủi tinh thần và thái độ thông cảm của chúng ta. Khi chúng ta gạt bỏ ra ngoài tất cả những thái độ, tư tưởn ích kỷ riêng tư, những lời dèm pha thiếu xây dựng, hoặc thái độ không được ăn thì đạp đổ, hoặc những cách ăn nói thích được trọng kính nơi công cộng, được ngồi chỗ cao trong các hội đường. Như thế, chúng ta mới có thể hãnh diện được mình là những môn đệ của Chúa Kitô, sống kiếp làm người để cứu chuộc con người.

“Lạy Chúa, xin ban cho con một quả tim trong sạch và niềm vui ơn cứu độ” (TV 50:12,14) 

Sr Julianna Thư, CMR

*************************

ĐỪNG ĐỂ TAY TRÁI BIẾT VIỆC TAY PHẢI LÀM 
Mt 6:1-6,16-18          

Trình thuật Tin mừng hôm nay vạch rõ khuôn vàng thước ngọc cho ta ba việc lành phước đức chính yếu của tín hữu Công giáo, đặc biệt trong Mùa Chay Thánh. Đó là: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Mỗi khi làm bất cứ việc lành nào, phải làm sao để “tay trái không biết việc tay phải làm!”        

Đừng để tay trái biết việc tay phải làm. Lời khuyên thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại không dễ thực hành! Bởi lẽ, ai ai cũng muốn mình được xem là trung tâm vũ trụ, đỉnh cao trí tuệ của loài người! Ai ai cũng muốn mình được danh thơm tiếng tốt, được chúc tụng ngợi khen. Đặc biệt, khi thi hành được dăm ba công việc đạo đức nào đó như: dâng cúng tiền của xây cất thánh đường, chuyên cần đi lễ hằng ngày hằng tuần, hoặc giữ chay mọi ngày thứ Sáu suốt trong mùa Chay Thánh.  

Tính tự nhiên của con người là thế. Nhưng Chúa Giêsu khuyên dạy người tín hữu phải sống siêu nhiên, ưa chuộng lối sống khiêm tốn, chọn lựa những việc làm ẩn kín: Đừng để tay trái biết việc tay phải làm.

Xin đan cử mẫu gương của bà góa nghèo, trong trình thuật Tin mừng theo thánh Mác-cô: Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc La Mã. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: Thầy bảo thật anh em: Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà góa này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống (Mc 12: 41-44).          

Hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc La Mã. Nhưng nếu tính ra Mỹ kim hoặc bất cứ một đồng bạc nào khác, thì hai đồng tiền kẽm này cũng cho thấy một số tiền thật nhỏ nhoi, quá nhỏ nhoi, gần như vô dụng, vô nghĩa! Thế nhưng, trước mắt Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn thì hai đồng tiền kẽm của bà góa nghèo lại có một giá trị vô cùng to lớn! Bởi lẽ, hai đồng tiền kẽm này là tất cả tài sản của bà.

Xin đan cử một thí dụ khác. Trong tập sách nhỏ tựa đề Những người quá cố – Căn nhà của mọi người, Cha Giuseppe Tomaselli, người Ý, dòng Don Bosco, viết:  

Một linh mục nói với tôi: “Tôi đã già và đã từng đi khắp các đại lục Âu, Á và Phi châu. Tôi gặp gỡ và quen biết nhiều linh mục cùng Giám mục. Nhưng vị thánh thiện nhất mà tôi đã được hân hạnh tiếp xúc, có lẽ là Đức Cha Marengo, Giám mục Giáo phận Carrara, miền Bắc nước Ý. Cũng có thể vì quá quảng đại xả thân phục vụ tha nhân nên ngài sớm từ giã cõi đời, khi tuổi chưa cao. Ngài qua đời ngày 22-10-1921. Ngài ra đi để lại niềm thương tiếc cho các tín hữu. Họ thường âu yếm nhắc đến ngài như một vị thánh”.

Bảy năm dài trôi qua, người ta bắt đầu quên và không còn nhắc đến tên Đức Cha Marengo nữa. Thế rồi, vào một buổi chiều chạng vạng tối, nơi tu viện các nữ tu Salésiennes, hay cũng còn gọi là các Nữ Tử Đức Bà Phù Hộ, ở Nice, miền Nam nước Pháp, nữ tu coi cổng bắt đầu đóng tất cả các cửa ra vào. Chị đang đứng nơi hành lang tu viện. Bỗng chị kinh ngạc nhận ra bóng dáng một giáo sĩ đang đi bách bộ gần nơi cỗng ra vào. Đầu vị giáo sĩ hơi cúi xuống, trong tư thế của một người vừa đi vừa suy gẫm.

Nữ tu canh cổng thắc mắc tự hỏi: Ai vậy kia? Và làm sao vào tu viện được, khi tất cả các cổng và cửa ra vào đều đã đóng kín? Chị liền từ từ đến gần vị khách lạ. Khi đến nơi, chị kinh ngạc nhận ra vị giáo sĩ không ai khác mà là Đức cha Marengo! Chị cuống quít hỏi dồn dập: “Thưa Đức Cha, sao Đức Cha lại ở đây? Không phải Đức Cha đã chết rồi sao”? Đức Cha Marengo liền trả lời: “Chị em và mọi người đã bỏ quên tôi nơi Luyện ngục! Tôi đã làm việc giúp đỡ cho tu viện này rất nhiều, vậy mà không ai còn nhớ cầu nguyện cho tôi nữa”? Chị nữ tu ngạc nhiên hỏi lại: “Ngài còn ở Luyện ngục sao? Một Giám mục thánh thiện như ngài mà vẫn còn ở luyện ngục hay sao?” Đức cha Marengo buồn bã trả lời: “Chỉ thánh thiên trước mặt người đời thôi chưa đủ, còn phải thánh thiện thật trước mặt Thiên Chúa nữa! Xin chị em nhớ cầu nguyện cho tôi.” Nói xong câu nầy, Đức cha Marengo biến mất.

Chỉ thánh thiện trước mặt người đời thôi chưa đủ, còn phải thánh thiện thật trước mặt Thiên Chúa nữa. Lời quả quyết của vị Giám mục quá cố được mọi người ca tụng là thánh thiện một lần nữa minh chứng rằng: phán đoán của loài người không phải là phán đoán của Thiên Chúa: Đấng thấu suốt mọi bí ẩn. Và chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa mới thưởng công tương xứng với từng việc lành phước đức con người làm.

Vậy thì, mỗi năm khi làm bất cứ việc lành nào như bố thí, cầu nguyện và ăn chay, đừng bao giờ tìm kiếm lời khen của người đời, nhưng phải làm sao để tay trái không biết việc tay phải làm!

Sr Jean B. Minh Nguyệt

*************************

THỨ TƯ LỄ TRO

1. Ăn chay trong đời sống tâm linh và tôn giáo

Bất kỳ tôn giáo nào cũng đề cao việc ăn chay và cầu nguyện, vì ăn chay và cầu nguyện có nhiều tác dụng tốt đẹp về mặt tâm linh.  

a. Trước hết, ăn chay – thường đi đôi với hãm mình – là để tỏ lòng thống hối và đền tội, làm hòa với Thiên Chúa, quyết tâm trở về với đường ngay nẻo chính, với công lý và tình thương. Câu chuyện thành Ni-ni-vê là một điển hình (x. Gn 3,1-10). Đây là một thành phố tội lỗi, Thiên Chúa dự định trừng phạt bằng cách phá hủy thành. Dân thành biết vậy nên đồng lòng ăn chay và quyết tâm thống hối. Vì thế, Thiên Chúa đã hủy bỏ dự định phá hủy thành ấy.           

b. Ăn chay – phối hợp với những việc thực thi công bình và bác ái – là một cách thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, muốn chia sẻ những nỗi thống khổ mà Đức Giê-su hay người nghèo, người bị áp bức phải chịu. Đây là một việc làm rất đẹp lòng Thiên Chúa. Người ăn chay nên dùng tiền tiết kiệm được do việc ăn chay để thực hành đức ái: giúp đỡ người nghèo túng, ủng hộ những việc làm từ thiện, những công trình cải thiện xã hội hoặc Giáo Hội… 

c. Ăn chay – phối hợp với cầu nguyện, tĩnh tâm, chiêm niệm – để có một sức mạnh tâm linh. Khi ăn chay, ta phải chống lại sự đòi hỏi của bản năng thèm ăn, nhờ đó sự tự chủ lên cao, sức mạnh tâm linh cũng tăng lên. Ăn chay cũng lôi kéo ơn Chúa và sức mạnh thần linh xuống trên ta. Nhờ đó ta có thể thực hiện những việc làm hay những tiến bộ về tâm linh. Điều đó được Đức Giê-su đề cập đến qua câu nói: “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17,21). Vì để trừ quỉ, cần có một sức mạnh tâm linh rất cao, tức sự thánh thiện, và để đạt được sức mạnh ấy, ăn chay cầu nguyện là một phương cách hữu hiệu.        

Chính Đức Giê-su đã ăn chay 40 đêm ngày trước khi bắt đầu cuộc đời công khai của mình. Đó là một mẫu gương cho ta: khi bắt đầu thực hiện hay quyết định một việc gì quan trọng về tâm linh, ta nên ăn chay và cầu nguyện để được nhiều ơn Chúa hầu quyết định sáng suốt và thực hiện công việc có hiệu quả.

2. Tinh thần chay tịnh

Cốt yếu của việc ăn chay không nằm trong việc nhịn ăn, kiêng ăn hay ăn ít đi, mà nằm trong tinh thần mà việc ăn chay muốn biểu lộ. Ăn chay chỉ là một hình thức cụ thể để biểu lộ tâm tình bên trong: thống hối, muốn đền tội, quyết tâm trở về với Thiên Chúa, hay muốn thể hiện tinh thần bác ái, thông cảm với những người đau khổ, hay muốn tăng cường sức mạnh tâm linh… Nếu không có những tâm tình bên trong ấy làm nội dung, thì việc ăn chay chỉ là một hình thức trống rỗng, không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cho biết Thiên Chúa không đoái hoài đến việc ăn chay theo kiểu thuần hình thức ấy: “Chúng có ăn chay, cầu khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe tiếng; có dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng chẳng tỏ lòng xót thương” (Gr 14,12).   

Như vậy ăn chay cốt yếu là một việc làm trong nội tâm, không ai thấy được hơn là việc thể hiện ra bên ngoài ai cũng thấy được. Ngôn sứ Giô-en trong bài đọc 1 hôm nay cũng nhấn mạnh đến cái cốt tủy bên trong của việc chay tịnh: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Ge 2,13). Điều quan trọng là trở về với Thiên Chúa hơn là ăn chay bên ngoài.  

Ngôn sứ I-sa-i-a lại nhấn mạnh đến cốt lõi của việc ăn chay là tinh thần yêu thương và tôn trọng công lý, chứ không phải là hình thức khổ chế bên ngoài: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,3-7). Như vậy, ăn chay bằng những việc làm bác ái, bằng việc lên tiếng cho công lý, để đập tan những bất công, để bênh vực kẻ nghèo khổ, sống ngoài lề xã hội, những kẻ bị áp bức, thì thực tế và đẹp lòng Thiên Chúa hơn là việc nhịn ăn một cách hình thức.   

Nói như thế không có nghĩa là không cần ăn chay mà chỉ cần đối xử với nhau cho có tình nghĩa, hay chỉ cần thực hiện công lý và bác ái thôi. Thiên Chúa muốn rằng “các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23,23). Vì hình thức và nội dung phải đi đôi với nhau: hình thức đòi buộc phải có nội dung, nhưng nội dung cũng đòi hỏi phải có hình thức. Vì thế, khi ăn chay, chúng ta vừa nhịn ăn hoặc ăn ít để thực hiện mặt hình thức, mà vừa phải có những tâm tình thâm sâu bên trong, được thể hiện cụ thể bằng việc thực thi công bằng và bác ái để thực hiện mặt nội dung.

3. Ăn chay và cầu nguyện một mình với Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự kín đáo khi ăn chay và cầu nguyện. Ăn chay và cầu nguyện là những hành vi đối thoại với Thiên Chúa, vì thế, nó cần được thực hiện một cách riêng tư, trong thầm lặng với Ngài. Nó củng cố tình thân hay sự thân mật giữa ta với Thiên Chúa. Thật ngược đời và quái dị nếu sự thân mật riêng tư giữa vợ chồng hay bạn bè với nhau lại được phơi bày ra trước mặt mọi người. Cũng vậy, sự thân mật riêng tư giữa ta với Thiên Chúa thì chỉ nên giữa Thiên Chúa với ta biết với nhau, không nên cố ý thực hiện trước công chúng để ai cũng biết. Cố ý ăn chay và cầu nguyện trước mặt mọi người thì đó không còn là sự đối thoại thật sự với Thiên Chúa nữa, mà nó đã bị biến chất thành một hành vi đóng kịch. Như thế có khác gì hai người hôn nhau để người khác chụp hình.

Càng muốn cho mọi người thấy tình yêu riêng tư của mình thì tình yêu ấy chỉ là “tình yêu biểu diễn”, “có vẻ yêu thương”, mang nặng tính hình thức và giả dối, chứ không phải tình yêu đích thực. Chỉ những người đạo đức giả mới thích biểu diễn việc ăn chay và cầu nguyện của mình trước mặt người khác. Trái với tinh thần giả hình ấy, Đức Giê-su khuyên ta nên cố ý dấu không cho người khác biết mình ăn chay, thậm chí nên đánh lạc hướng để người khác không thể đoán ra hay nghi ngờ mình ăn chay: “Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo”.    

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, hôm nay là ngày mở đầu mùa Chay, Cha muốn con ăn chay trong mùa này như thế nào? Suy gẫm lời của ngôn sứ I-sa-i-a, con biết rằng lối ăn chay mà Cha thích nhất nơi con, đó là con biết quan tâm đến hạnh phúc và đau khổ của tha nhân, đến những vấn đề xã hội, đến những người nghèo khổ, người bị áp bức chung quanh con. Cha muốn con ăn chay bằng cách làm một điều gì đó thật cụ thể và thực tế để những người đang đau khổ ấy được hạnh phúc hơn, giảm được phần nào đau khổ của mình. Cha muốn con ăn chay bằng cách nỗ lực làm cho xã hội trở nên công bằng và tốt đẹp hơn, bằng sự lên tiếng, can thiệp, hỗ trợ… trong khả năng của mình. Xin cho con quảng đại và can đảm thực thi tinh thần ăn chay ấy trong mùa chay này, để chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su, Con Cha trong những tháng sắp tới. Amen.

JKN