Càng cao cả càng cúi xuống

05/07/2020

“Ai yêu thương, người ấy mới có thể khiêm nhượng;

Ai khiêm nhượng, người ấy mới có thể yêu thương”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một trong những chủ đề chính của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay là dịu hiền và khiêm nhượng. Thiên Chúa dịu hiền và khiêm nhượng, Chúa Giêsu dịu hiền và khiêm nhượng mời gọi chúng ta dịu hiền và khiêm nhượng như Ngài, “Hãy học cùng Tôi, vì Tôi dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng”.

Nói đến yêu thương, trước hết phải nói đến Thiên Chúa và nói đến khiêm nhượng, cũng phải nói đến Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu đời đời nên Người khiêm nhượng lặng lẽ ra khỏi mình liên lỉ để trao ban; dẫu quyền uy vô song nhưng Người cũng là một Thiên Chúa ẩn mình, luôn luôn ẩn mình. Lần giở các trang Thánh Kinh, chúng ta đọc thấy tính cách yêu thương và khiêm nhượng của Thiên Chúa như đan quyện nhau để trở thành một tính cách duy nhất nơi Người. Vì yêu thương, Thiên Chúa không dè giữ cho mình một điều gì nhưng ra khỏi chính mình để cho đi sự sống, cho đi hơi thở; Người ban cho mọi loài mọi vật, ban cho con người sự sống của chính mình. Khi con người sa ngã, Thiên Chúa lại ra khỏi mình một lần nữa để làm lại từ đầu; Người tha thứ, đợi chờ và Thiên Chúa đó quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình. Ai trong chúng ta cũng đã ít nhiều trải nghiệm thế nào là được Thiên Chúa yêu thương, được Người thứ tha và chữa lành.

Bài đọc thứ nhất hôm nay là một minh chứng cho tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa. Sách ngôn sứ Zacharia cho thấy đó là một Thiên Chúa dịu hiền và khiêm nhượng khi Người quên hết mọi lỗi phạm của dân để hạ mình, tái tạo và chữa lành; cũng Thiên Chúa đó, Người hứa cho dân mà Người đã trót yêu một tương lai hạnh phúc; Người hứa với họ không còn phải lưu đày nhưng được an cư lạc nghiệp và nhất là hứa ban cho họ một đấng Messia, đấng ấy là vua hoà bình, sẽ xuất hiện và khai mạc một vương quốc an bình bao la rộng lớn, “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Đấng công chính và là Đấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ”. Qua đó, Thiên Chúa muốn nói với dân rằng, từ nay, Người sẽ hiện diện giữa họ; sẽ không còn chiến tranh, sẽ không còn binh đao. Vua chúa ngày xưa vẫn ngồi trên lưng lừa hoặc la, hình ảnh con lừa tượng trưng cho thời không còn chiến tranh. Đấng Messia ngồi trên lưng lừa cũng sẽ đối xử dịu hiền và khiêm nhượng với những ai thuộc Nước mới của Ngài.

Chúa Giêsu, Đấng thiên sai ấy lên tiếng trong Tin Mừng hôm nay. Ngài nói đến các công dân của Nước Ngài, đó là những tâm hồn bé mọn được Chúa Cha mặc khải những mầu nhiệm Nước Trời, những mầu nhiệm vốn không dành cho kẻ kiêu căng tự phụ, “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như thế”. Tin Mừng cho thấy những con người bé mọn đã đến với Chúa Giêsu. Họ là những bệnh nhân, người tội lỗi, người nghèo… họ đã đến và từ Ngài, lãnh nhận bao ơn lành hồn xác đang khi người biệt phái tự kiêu đã không nhận ra Ngài cũng không đón nhận ơn cứu độ Ngài ban. Đấng thiên sai nhu mì đó được Isaia diễn tả thế này, “Người không bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Ngài khiêm nhượng và hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự nên Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài lên như thánh Phaolô xác tín.

Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong mọi đấng bậc, làm cha mẹ, làm anh làm chị và mọi người đến với Ngài, “Hãy học cùng Tôi, vì Tôi dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn anh em sẽ gặp được bình an”. Ngài biết, kiêu ngạo có dây mơ rễ má từ tội nguyên tổ vốn là một gánh nặng, rất nặng đối với mọi người. Kiêu căng khiến chúng ta bất an; tự phụ khiến chúng ta gánh nặng. Cha Karl Rahner nói, “Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất cả mọi thứ mong đạt được; cuối cùng, chúng ta biết rằng, trong cuộc đời này, tất cả mọi bản hoà âm đều phải dang dở. Để rốt cuộc, tất cả chúng ta chết đi với một cuộc đời chưa hề được hoàn thành trọn vẹn. Và chuyện đó đâu dễ chấp nhận! Mọi sự trong con người chúng ta vùng lên chống lại nó và hầu hết tất cả chúng ta sống trong sự thống khổ của một tình trạng vô danh, chúng ta chỉ được công nhận và nổi danh trong những giấc mơ hão huyền; sự vĩ đại của chúng ta chẳng ai biết đến. Và chuyện đó cũng không dễ chấp nhận”. Khắc khoải và gánh nặng đó chỉ có thể nhẹ nhàng; bất an chỉ trở thành bình an khi chúng ta biết chạy đến với Chúa Giêsu, Đấng bổ sức cho mỗi người. Học biết sự dịu hiền và khiêm nhượng nơi Chúa chính là học biết yêu thương như Ngài, cúi xuống như Ngài và quên mình như Ngài.

Trong những tuần qua, các cơn mưa như trút nước ở Trung Quốc khiến hàng triệu người phải khốn khổ khi lũ lụt lăm le nhấn chìm nhiều thành phố của họ. Các con sông êm ả thường ngày nay trở nên những con nước cuồng nộ khiến bao người khiếp hãi. Thế nhưng, hình ảnh nước cũng cho chúng ta những bài học lớn lao. Nước thật mạnh mẽ nhưng cũng thật dịu dàng. Nước chảy đến đâu, đem sự sống và niềm vui đến đó, nước thật vô vị lợi; khi chảy xuống, nước không lưỡng lự dựa vào vách đá, nước thật khiêm tốn; nước nhẵn nhụi nhưng cũng có thể tạo thành vực sâu ẩn kín, nước thật khôn ngoan. Gặp chướng ngại cản lối, nước chảy vòng vòng, nước biết nhịn nhục; nước hoạt động ngày đêm để chiến thắng vật cản, nước thật kiên trì. Dù bao nghịch cảnh, nhưng không một giây phút nào nước đánh mất đi hướng đi vĩnh cửu của mình là chảy ra biển khơi, nước ý thức cùng đích. Và cho dù có khi vẩn đục, nước luôn cố gắng trong sạch trở lại, nước luôn canh tân chính mình.

Anh Chị em,

Khiêm nhượng không là hèn nhát và chỉ ai mạnh mẽ mới có thể khiêm nhường. Thiên Chúa mạnh mẽ vô song nhưng Người cũng khiêm nhượng vô lường. Càng cao cả, Người càng cúi xuống; Chúa Giêsu đã làm người rốt hết, không ai dành được chỗ rốt của Ngài, Ngài đã cúi xuống; Mẹ Maria đã cúi xuống, Mẹ Têrêxa và các thánh đã cúi xuống, các ngài được Chúa nâng lên. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy học trở nên như Thiên Chúa, trở nên như Chúa Giêsu, trở nên những dòng nước yêu thương trao ban sự sống và niềm vui.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, kiêu ngạo khiến con cứng cỏi, khiêm nhượng giúp con mềm mỏng. Xin cho con trở

nên trũng thấp để hứng được nhiều, từ đó, biết chảy xuống để yêu thương nhiều”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)