“Như Môsê đã treo con rắn trong hoang địa, Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy!”.
Sau một bài giảng của Daniel M. Stearns, một người lạ đến gặp ông và nói, “Thay vì nhấn mạnh đến cái chết của Chúa Kitô, tốt hơn, ngài nên giảng về một người Thầy, một tấm gương!”. Stearns hỏi, “Nếu tôi nói về Chúa Kitô theo cách đó, bạn có theo Ngài không?”. “Dĩ nhiên!”. Stearns nói, “Nào, bắt đầu! Ngài không làm gì nên tội. Bạn có như thế không?”. Người ấy bối rối và ngạc nhiên. “Không! Tôi tội lỗi!”. Stearns trả lời, “Vậy thì nhu cầu lớn nhất của bạn là có một Đấng Cứu Độ đầy xót thương, chứ không phải một tấm gương!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Một Đấng Cứu Độ đầy xót thương!”. Đó là lý do của lễ Suy Tôn Thánh Giá! Giáo Hội tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con và sự ‘cao cả vô song của lòng thương xót’ nơi Ngài, Đấng đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Người Con ấy thì được sống đời đời!
Tại Kazakhstan, 14/9/2022, Đức Phanxicô nói, “Như Môsê đã treo con rắn trong hoang địa, Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy!”. Đây là sự ‘thay đổi’ mang tính quyết định: ‘Con Rắn Cứu Độ’ nay đã đến giữa chúng ta! Chúa Kitô, bị treo trên thập giá, không cho phép những con rắn độc tấn công, giết chết chúng ta. Đối mặt với nỗi khốn cùng của con người, Chúa Cha đã ban cho nó một chân trời mới. Nếu chúng ta chăm chú nhìn vào Chúa Kitô, nọc độc của sự dữ không còn có thể thắng được chúng ta, vì trên thập giá, Ngài đã mang lấy nọc độc của tội lỗi và sự chết; đồng thời, nghiền nát quyền lực huỷ diệt của nó!”.
“Đó là phản ứng của Chúa Cha trước sự lan rộng của cái ác trên thế giới: Ngài ban Chúa Giêsu cho chúng ta, Đấng đến gần chúng ta theo cách mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng. “Vì chúng ta, Ngài đã biến Đấng không biết tội lỗi thành tội lỗi”. Đó là sự ‘cao cả vô song của lòng thương xót’ Chúa! Có thể nói, Chúa Giêsu trên thập giá “đã trở thành một con rắn”, để khi nhìn lên Ngài, chúng ta có thể chống lại những vết cắn độc của những rắn dữ đang tấn công chúng ta. Đây là con đường đưa đến ơn cứu độ, con đường dẫn đến sự tái sinh và phục sinh của bạn và tôi: chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chịu đóng đinh!”.
Thập giá tự nó là công cụ của sỉ nhục, chết chóc, nhưng Đấng Cứu Độ đầy xót thương chịu đóng chặt trên công cụ đó đã sống lại; nên nó đã trở thành suối nguồn cứu độ. Từ đó, nó được gọi là thánh giá, một vật thánh đeo trên cổ, treo trong nhà, trong cung thánh.
Anh Chị em,
“Một Đấng Cứu Độ đầy xót thương!”. Bạn và tôi, những tội nhân, cần một Đấng Cứu Độ hơn là một tấm gương. Ngài thương xót chúng ta! Tội lỗi chúng ta, Ngài mang vào thân, đóng đinh nó vào thập giá để chúng ta sạch tội, hầu sống đời con cái của Cha Trên Trời. Vậy, thập giá nặng nhất của bạn là gì? Đang khi sự thật là, dù nặng đến đâu, nó vẫn tiềm ẩn một khả năng phi thường để trở nên suối nguồn ân sủng cho chính bạn và cho thế giới nếu bạn và tôi biết tháp nhập nó vào thánh giá Chúa Kitô. Ngay cả tội lỗi. Phải, ngay cả tội lỗi! Vì nếu tội lỗi, nhờ Thánh Giá, tội nhân lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, thì quả “tội là hồng phúc!”. Đó chính là sự ‘cao cả vô song của lòng thương xót’ nơi Thiên Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội! Cho con biết xót thương anh chị em con như Chúa đã thương xót con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)