“Ai nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha!”.
William A. Ward nói, “Xét cho cùng, tha thứ là một điều buồn cười! Nó làm ấm trái tim và làm dịu vết đau. Bởi lẽ, sai lầm là của con người, tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!”, đúng như William A. Ward nói. Vậy mà trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói đến một thứ tội muôn đời không bao giờ được tha. Có thứ tội đó thật không? Câu trả lời là vừa có, lại vừa không! ‘Có’, khi con người khoá chặt lòng mình trước một Vị Thiên Chúa hết sức tôn trọng nó; và ‘không’, khi trái tim nó ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu, vẫn đủ cho Thiên Chúa thổi vào đó lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài!
Sở dĩ Chúa Giêsu tuyên bố “Ai nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha!”, vì sau khi Ngài trừ quỷ, các luật sĩ cho rằng, Ngài dùng sức mạnh của quỷ vương Bêelzêbul để trừ quỷ. Thật khó để tưởng tượng một đánh giá sai lầm hơn về Chúa Giêsu khi ai đó cho rằng, thần lực đang hoạt động trong thánh chức của Ngài là thần lực của Satan, đang khi thực tế, đó là thần lực của Chúa Thánh Thần. Như thế, tội không bao giờ được tha này sẽ là ‘có’! Không phải Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong Chúa Giêsu, không muốn tha thứ mọi tội lỗi, nhưng đúng hơn, tình yêu thương xót của Ngài không thể xuyên thấu những trái tim cố chấp, khước từ sự hiện diện của Thiên Chúa và coi Chúa Giêsu là dụng cụ của Satan. Ai nói như thế là báng bổ Thiên Chúa, xúc phạm đến Thánh Thần. Theo truyền thống, tội này được coi là tội không hoán cải, tội kiêu căng; họ xúc phạm đến phẩm vị Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô mà sau đó, không chút đau buồn, hoặc chỉ đơn giản là lạm dụng lòng thương xót của Ngài mà không hề ăn năn. Và dẫu thế nào đi nữa, việc thiếu vắng sự đau đớn này, sẽ đóng chặt cánh cửa trái tim người ấy trước lòng khoan dung của Ngài.
Thứ đến, tội này cũng ‘không’ thể có; vì lẽ, bất cứ khi nào trái tim con người biến đổi, để tin vào Ngài; và Thiên Chúa, ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu, ví dụ khi người ấy bắt đầu ý thức tội mình đã phạm, và lớn lên trong một nỗi buồn chân thành, thì Thiên Chúa ở đó, ngay lập tức chào đón người ấy trở lại với vòng tay rộng mở của Ngài. Vì Ngài sẽ không bao giờ quay lưng với một người khiêm nhường quay lại với một tấm lòng tan nát, dù tội họ nặng đến đâu!
Anh Chị em,
Các luật sĩ biệt phái tìm kẽ hở để giết chết Con Thiên Chúa; Con Thiên Chúa tìm kẽ hở để cứu lấy họ. Vậy mà, chỉ cần con người khiêm tốn nhìn nhận Thiên Chúa và hé mở trái tim của nó cho Ngài, Ngài sẽ làm nên muôn điều vĩ đại hơn những gì lòng người dám ước mong. Một bài học khác chúng ta có thể rút ra ở đây là, hãy tập nhận ra Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của mình và trong cuộc sống của người khác. Theo thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần đang hoạt động theo mọi cách khác nhau nơi những con người khác nhau. Một số khía cạnh của hoa trái phong phú của Ngài có thể hiển hiện trong đời sống của chúng ta và trong đời sống người khác; bảy ân đức của Ngài sẽ ân sủng hoá cuộc sống chúng ta và cuộc sống của những người khác. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chú ý đến những dấu hiệu của Thánh Thần và vui mừng trước những dấu hiệu đó ở bất cứ nơi nào, nơi bất cứ ai chúng ta tìm thấy chúng; nghĩa là làm sao có thể nhận ra những điều tốt đẹp ấy nơi anh chị em mình ngay cả khi nó bị che giấu.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu nơi trái tim con, xin đừng để lòng con chai cứng trước bất cứ một tội lỗi nào, dù nó nhỏ đến mấy, để con có thể đón nhận sự thứ tha của Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)