Chỉ đến từ trên cao

05/04/2022

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”.

Oswald Chambers nói, “Tất cả thiên đàng quan tâm đến thập giá Chúa Kitô, tất cả địa ngục sợ hãi nó một cách khủng khiếp, đang khi loài người là ‘những sinh vật duy nhất’ ít nhiều bỏ qua ý nghĩa của nó! Ơn cứu độ thế giới ‘chỉ đến từ trên cao’, nghĩa là từ thập giá Chúa Kitô! Ngài đến để trả một món nợ Ngài không mắc; bởi vì chúng ta mắc một món nợ không bao giờ trả nổi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với Chambers, Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật, rằng, ơn cứu độ nhân loại ‘chỉ đến từ trên cao’; từ thập giá, nhưng là thập giá của một Thiên Chúa hoá thành nhục thể, Đức Kitô! Bởi lẽ, không có sự cứu rỗi trong các ý tưởng viển vông, trong sự sẵn lòng của một ai đó; trong ước muốn của một ai đó… Nó phải phát xuất từ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa!

Như con rắn xưa được treo lên cây cột để cứu dân, thì Chúa Kitô chịu treo trên thập giá để cứu được con người, cứu một cách đích thực. Bởi lẽ, phải như thế, Ngài mới có thể chuốc lấy mọi độc tố của tội lỗi; nhờ đó, chúng ta được chữa lành. Bài đọc Dân Số cho biết, Israel kêu trách Thiên Chúa, đến nỗi, Ngài cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Môisen xin Chúa thứ tha; vì xót thương, Ngài bảo ông, “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Như vậy, ai không nhìn lên nó, sẽ không được cứu!

Dấu hữu hình về rắn đồng được nâng cao cho thấy hai sự thật quan trọng: tội lỗi dẫn đến cái chết; sự ăn năn dẫn đến lòng thương xót Chúa và sự chữa lành của Ngài. Việc nâng cao con rắn lên cột gỗ trong sa mạc báo trước việc Chúa Kitô được nâng cao trên giá gỗ tại đồi Canvê. Thập giá Chúa Kitô đã phá bỏ lời nguyền của tội lỗi và sự chết; đồng thời, giành được sự tha thứ, sự chữa lành và sự sống đời đời cho tất cả những ai tin Ngài, Đấng Cứu Độ Thế Giới.

Thật thú vị, “được giương cao” không chỉ đề cập đến việc Chúa Giêsu được nâng lên thập giá mà còn bao hàm sự tôn vinh Ngài. “Tôi Hằng Hữu”, một định nghĩa chỉ dùng cho Thiên Chúa; như vậy, Chúa Giêsu còn cho phép chúng ta chiêm ngắm Ngài được nâng lên để ngồi bên hữu Chúa Cha. Dẫu thế, với Gioan tông đồ, thập giá vẫn là khoảnh khắc vinh quang của Chúa Giêsu, là đỉnh cao chiến thắng trong sứ mệnh Chúa Cha trao cho Ngài.

Nói đến việc ơn cứu độ ‘chỉ đến từ trên cao’, thánh Augustinô viết, “Thiên Chúa Cha phán, ‘Ta đã sai đến với con, Đấng sẽ tìm kiếm con, bước đi với con, và tha thứ cho con! Đấng ấy có đôi chân để bước đi, có đôi tay để tha thứ. Vì thế, sau khi sống lại, Đấng ấy lên trời, đã đưa tay ra, đưa cạnh sườn và bàn chân ra. Bàn tay đã ban sự tha thứ cho mọi tội nhân; cạnh sườn chảy ra giá cứu chuộc cho một nhân loại được cứu rỗi!’”.

Anh Chị em,

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”. Đúng thế, không ai biết đích xác Chúa Giêsu là ai, phải đợi cho đến lúc Ngài tắt thở. Chính trong khoảnh khắc chứng kiến cái chết nhục nhằn, đau đớn nhưng rất thánh thiện và bình an của Ngài, viên đại đội trưởng dưới chân thập giá đã thốt lên, “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”. Phải chăng, ông đã nhận chân giá trị của thập giá Ngài. Bởi lòng độc dữ, nhân loại đã giương cao Con Đức Chúa Trời lên, để Ngài chết ô nhục; nhưng bởi lòng thương xót, Thiên Chúa giương cao Con Ngài lên, để từ đó, tuôn trào lai láng ơn tha thứ cho con người. Đó là đường lối và cách thức cứu độ ‘ngoài trí hiểu’ của Thiên Chúa. Trước Thượng Hội Đồng, Phêrô đã lên tiếng, “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”. Như thế, ơn cứu độ chỉ đến từ Thiên Chúa, ‘chỉ đến từ trên cao’. Chân lý này, mời gọi chúng ta rướn mình lên khỏi sự tầm thường của cuộc sống mà với tới Chúa Kitô, Đấng được treo lên. Đụng chạm được Ngài, chúng ta đụng chạm được ơn cứu độ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để tội lỗi ghì chặt con xuống; cho con biết nhìn lên thập giá Chúa để chỗi dậy mỗi ngày, vì ơn cứu độ của con ‘chỉ đến từ trên cao’, từ giá Chúa chịu treo lên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)