Cho cách vui lòng

16/06/2021

“Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng!”.  

Một nhà tâm lý nhận định, “Vấn đề rắc rối là, có quá nhiều người tiêu những số tiền mà họ chưa kiếm được, cho những thứ họ không cần, để gây ấn tượng với những người họ không thích!”. Và thú vị thay! Mẹ Têrêxa thêm vào, “Nếu cho đi những gì bạn không cần, đó không phải là cho đi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi bảo, phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến việc cho đi. Cho đi những gì chúng ta dành cho Thiên Chúa, cho đi những gì chúng ta dành cho anh chị em mình. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, thánh Phaolô nói, “Thiên Chúa yêu thương kẻ ‘cho cách vui lòng!’”.

‘Cho cách vui lòng’, hoặc cho đi cách vui vẻ hoàn toàn khác với việc cho đi cách miễn cưỡng hoặc có cảm giác bị ép buộc. Vậy thì điều gì khiến việc cho đi trở nên vui vẻ, hơn là cực lòng và bực nhọc? Sẽ khá ngạc nhiên, đó là một cảm giác biết ơn! Trước hết, chúng ta biết ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban tất cả những gì làm nên con người chúng ta, cũng như biết ơn Ngài về mọi điều hồn xác chúng ta hưởng nhận hầu làm vinh danh Ngài; tắt một lời, ‘những gì chúng ta là, và những gì chúng ta có’. Trong niềm ‘biết ơn kép’ đó, chúng ta sống trong sự kính sợ Thiên Chúa, thi hành điều Ngài dạy; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác tín điều đó, “Phúc đức thay người tôn sợ Chúa!”.

Vậy mà, biết ơn Thiên Chúa là điều có thể hiểu được, nhưng bên cạnh đó, kẻ ‘cho cách vui lòng’ còn có một cảm giác biết ơn khác nữa; một cảm giác biết ơn sâu sắc hơn, ở một cấp độ tế nhị hơn. Đó là biết ơn những người chúng ta giúp đỡ! Thật sao? Chúng ta biết ơn những ai mà chúng ta dành cho họ điều này điều kia, khi chúng ta hiểu được sự hiện diện của họ là một ân sủng và một phước lành cho chính chúng ta. Đó là những người mà tình yêu của họ đã chạm đến cuộc đời chúng ta một cách sâu sắc; họ có thể là những người chúng ta quen biết, hoặc cũng có thể, không quen biết; những người còn sống, những kẻ đã qua đời. Hiểu được như thế, các thánh và những người đạo đức có lý khi cảm nhận rằng, ‘người cho sẽ mang ơn người nhận’; họ ý thức mình chỉ là những dụng cụ trong tay Thiên Chúa hay khá hơn, chỉ là những tôi bộc, quản lý của Ngài. Bấy giờ, lời của Phaolô thật thâm trầm, “Cho thì có phúc hơn là nhận!”. Cũng trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô bảo đảm với chúng ta rằng, việc ‘cho cách vui lòng’ sẽ mang lại dồi dào hơn niềm vui và ân sủng của Thiên Chúa, “Đấng cho anh em được dư tràn mọi ân phúc”.

Tin Mừng hôm nay nói đến việc ‘cho cách vui lòng’ khi chúng ta thi hành bác ái, cầu nguyện và ăn chay. Ba lần, Chúa Giêsu nói đến Thiên Chúa, “Cha các con, Đấng ngự nơi bí ẩn, thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho các con”. Thiên Chúa luôn thấy những gì con người thường không thấy; Ngài thấy điều tốt chúng ta làm mà người khác không thấy. Chúa Giêsu từng thấy sự hảo tâm của một bà goá trong đền thờ; Ngài từng nghe hai đồng xu hầu như không phát ra một âm thanh nào khi nó rơi vào hòm tiền; vậy mà Ngài đã đọc được sự rộng lượng phi thường khi bà dám ‘cho cách vui lòng’ tất cả những gì để nuôi sống. Ngài cũng đã ‘tự mời mình’ đến nhà Zakêu vì nhận ra rằng, ở Zakêu, còn có nhiều điều tốt lành hơn cả danh tiếng của ông; Zakêu cũng sẽ đứng lên, tuyên bố những gì ông sẽ ‘cho cách vui lòng’. Và Chúa Giêsu cũng sẽ nói với ông và những kẻ có mặt rằng, với Zakêu, Thiên Chúa cũng sẽ ‘cho cách vui lòng’ hơn, “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ!”.

Anh Chị em,

Ai âm thầm ‘cho cách vui lòng’ bằng Thiên Chúa! Ngài cho hạt mầm nảy mộng để muôn cánh rừng không ngừng mọc lên; cho chim chóc bay lượn, cho con người sự sống; Ngài rút sinh khí, muôn loài tắt hơi; Ngài cho thế gian chính Con Một mình. Và mỗi ngày, trên các bàn thờ, Ngài không ngừng cho đi Thánh Thể Châu Báu để tiếp tục ban sự sống thần linh của Ngài. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống như những con cái luôn ở trước mặt Cha, ý thức Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta. Chúng ta sẽ làm hài lòng người đời hay làm vui lòng Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài? Vào cuối đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, tất cả những gì mang theo là những gì chúng ta đã cho đi; mọi thứ khác, chỉ là phù phiếm. Những mong muốn được quý trọng, được yêu thương sẽ tan biến như sương mù trước ánh hồng. Thử thách đó rất rõ ràng, hành động âm thầm trước Thiên Chúa với ý định trong sạch tuyệt đối những gì không bao giờ được thế giới công nhận, hoặc ngay cả được nhìn nhận và đánh giá cao… một ngày kia, sẽ được đáp đền trên thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con luôn sống đối diện trước mặt Chúa và vĩnh viễn từ bỏ những tham vọng viển vông, vì quá lo lắng đến những gì người khác nghĩ về con; nhờ đó, con có thể ‘cho cách vui lòng’ những gì Chúa muốn”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)