Lời Chúa Hôm Nay
Chúa Nhật Tuần III Mùa Phục Sinh Năm C
BÀI ĐỌC I: Cv 5, 27b-32. 40b-41
“Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Đức Giêsu sống lại, Đấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Đấng Cứu Độ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!” Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Đức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giêsu. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 29, 2 và 4. 5 và 6. 11 và 12a và 13b
Đáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. – Đáp.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ.- Đáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Kh 5, 11-14
“Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, … vinh quang và lời chúc tụng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”. Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: “Chúc Đấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời”. Bốn sinh vật thưa: “Amen”, và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Đấng hằng sống muôn đời. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14 hoặc 1-19
“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Điđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”. Đó là lời Chúa
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
01/05/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – C
Ga 21,1-19
QUÝ DĨ CHUYÊN
Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. (Ga 21,13-14)
Suy niệm: Sách Tam Tự Kinh khi luận về tính thiện của con người, đã viết: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (nghĩa là: dạy đạo lý, cần nhất là sự chuyên bền). Đức Giê-su, bậc thầy trong việc giáo dục, cũng dùng cách thức này để giúp các môn đệ khắc sâu niềm tin vào mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Sau biến cố Chúa thọ nạn, các môn đệ rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng: các ông sợ hãi, thất vọng… làm sao họ còn tâm trí mà nhớ lời Thầy đã nói trước rằng Ngài sẽ sống lại! Đức Ki-tô Phục Sinh chẳng những đã phải tỏ mình ra cho các môn đệ thấy Ngài đã sống lại bằng xương bằng thịt với những dấu vết của cuộc tử nạn đã qua, mà hơn nữa, Ngài còn hiện ra nhiều lần, ở nhiều nơi và bằng nhiều cách khác nhau, mỗi lần với những lời dặn dò cụ thể, những chăm sóc ân cần, nhờ đó Ngài khơi dậy và củng cố nơi các ông niềm tin rằng “Chúa đã sống lại thật như lời đã phán trước.”
Mời Bạn: Nhận biết cách Chúa dùng để củng cố niềm tin, cậy mến nơi bạn, cách Người biến đổi đời sống bạn qua các ơn huệ Người ban, qua Lời Người trong Kinh Thánh, qua các bí tích, qua đời sống Giáo Hội.
Chia sẻ: Qua các biến cố lặp di lặp lại trong đời sống, bạn có nhận thấy Chúa Ki-tô phục sinh muốn bạn khắc sâu niềm tin vào Ngài như thế nào không?
Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần một lời nguyện tắt, làm lại nhiều lần một đạo đức, một việc hy sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Bảy môn đệ trở về với nghề xưa,
trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò.
Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh.
Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo:
“Tôi đi đánh cá đây.”
Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại:
“Chúng tôi cùng đi với anh.”
Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm.
Ðây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng.
Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm,
và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại.
Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau.
Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến
thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ.
Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền.
Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo,
nhảy tùm xuống nước bơi vào, vì nóng lòng muốn gặp Chúa.
Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu.
Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh.
Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt.
Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người.
Ðây không phải là một nhóm bạn khép kín,
nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi.
Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài
là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới.
Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới.
“Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn.
Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ,
được sai đi bởi Chúa và được quy tụ bên Chúa.
Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng.
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông.
Cử chỉ này gợi cho ta về những thánh lễ.
Chúng ta thường quên thánh lễ là một bữa ăn.
qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài.
Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng.
Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể.
Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi thánh lễ.
Ðó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh.
Hội Thánh cũng là Hội Thánh được lãnh đạo bởi Simon Phêrô.
Phêrô tưởng tự mình có thể theo Thầy và chết vì Thầy,
nhưng ông đã chối Thầy như lời Thầy tiên báo.
Ba lần chối được hàn gắn bởi ba lần tuyên xưng tình yêu:
“Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy”
Ba lần tuyên xưng tình yêu đi với ba lần giao sứ mạng:
“Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”
Phêrô được chia sẻ sứ vụ mục tử của Thầy chí thánh,
cũng là chia sẻ thập giá của người hiến mạng vì đoàn chiên.
Hãy theo Thầy để đến nơi anh không muốn đến.
Có lẽ bây giờ Phêrô mới thật sự bước theo Thầy.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chản nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không đươc gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG NĂM
Sự Đảm Bảo Của Thiên Chúa
Để hiểu dụ ngôn về Người Mục Tử Tốt Lành, chúng ta cần xác tín khả năng quán thông trước mọi sự của Thiên Chúa và giá trị vô hạn của chúng ta trước mặt Ngài: “Chúng sẽ không bao giờ hư mất. Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi … Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10, 28 – 29). Lời khẳng định thật mạnh mẽ. Có thể nói, toàn bộ tấn kịch cứu độ được phản ảnh trong những lời này.
Đức Kitô nói rõ: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì cao trọng hơn tất cả … Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 29 – 30). Xuyên qua Thập Giá và Phục Sinh, mối hiệp nhất thần linh của Chúa Cha và Chúa Con được bày tỏ trọn vẹn. Mối hiệp nhất này được diễn tả trong công cuộc sáng tạo con người, trong sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa, và trong hành động cứu chuộc của Ngài.
Trong hành động cứu chuộc, một cách nào đó, Thiên Chúa dấn mình trọn vẹn để đảm bảo rằng những gì mà Ngài đã tạo nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài sẽ không bị tước mất khỏi Ngài. Thiên Chúa đảm bảo rằng hành động cứu độ của tình yêu vĩnh cửu ấy sẽ được hoàn tất nơi con người.
Giáo Hội là chứng nhân của tình yêu ấy. Giáo Hội là chứng nhân của công cuộc cứu độ con người được thực hiện nơi Đức Kitô. Giáo Hội là chứng nhân của Mầu Nhiệm Phục Sinh – qua cuộc phục sinh này, sứ mạng của Đấng Mục Tử Tốt Lành đã được thực hiện với tầm mức sâu xa nhất. Trong Sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta nhận được cùng một lời chứng ấy khi Phao-lô và Barnaba nhắc lại những lời trong Sách Ngôn Sứ Isaia: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13, 47).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01/5
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Cv 5, 27b-32. 40b-41; Kh 5, 11-14; Ga 21, 1-19.
LỜI SUY NIỆM: “Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phê-rô: ”Này anh Simôn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21,15)
Lời của Chúa là lời hiện tại, Bởi Chúa hằng hữu. Nên câu hỏi của Chúa Giêsu đối với Simôn cũng là câu hỏi đối với mỗi người trong chúng ta ngay lúc này. Chúng ta không thể câm lặng được, mặc dù chúng ta đang sống bất cứ với hoàn cảnh nào, hay đang đứng trước những sự mời mọc nào, chúng ta phải có câu trả lời, dù biết rằng thân phận tội lỗi với sự mỏng dòn của bản thân mình, khi trả lời rồi: có giữ được lời hứa hay không? Đối với con người thì không thể được nhưng đối với Thiên Chúa, với sự tha thiết nhiệt tình của mình, Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta thực hiện lời hứa của chúng ta đối với Ngài. Vì Ngài có đủ quyền năng yêu thương và tha thứ để ban phát cho hết mọi người, để họ chu toàn lời hứa..
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con khiêm tốn và sẵn sàng thưa với Chúa: “Con yêu mến Chúa.”
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 01-05: Thánh GIUSE THỢ
Thánh Giuse. Cả hai bản của thánh Mathêu và thánh Luca, đều nói rằng: Ngài thuộc giòng họ David. Nhưng vào thời khởi đầu công nguyên, miêu duệ cùng giòng giống vương giả này chẳng còn danh giá và giàu có gì. Vài điều chúng ta biết được về thánh Giuse qua việc dâng Chúa Giêsu vào đền thờ (Lc 2,24), cho biết rằng Ngài là một người nghèo khó, không có đặc quyền nào. Gia đình Ngài vốn thuộc về Belem đất Giudêa, nhưng đã dời về Nazareth đất Galilea nơi Ngài sinh sống bằng nghề thợ mộc (Mt 13,55).
Con người bình thường được nhắc tới với một chút khinh thường như “bác thợ mộc” ấy lại là gương mẫu cho mọi Kitô hữu và cách riêng cho những Kitô hữu sống nghề lao động tay chân. Ngài thật là người công chính như một dụng cụ nhẫn nại của Thiên Chúa, thực hiện mọi điều Chúa đòi hỏi với một đức tin không nghi nan. Ngài sốt sắng tuân giữ luật Do thái, trung thành bảo vệ gia đình, Ngài có trách nhiệm, chấp nhận mọi khó khăn mau mắn vâng theo lệnh truyền, vững chí dưới cơn thử thách, luôn lặng lẽ đáng kính phục. Nhân tính hấp dẫn của Chúa Kitô với tính cương trực, lòng can dảm và đức bác ái sâu xa, chắc chắn đã được phát triển theo gương mẫu và sự nuôi dưỡng Người nhận được từ Thánh cả Giuse.
Dầu vậy, sự cao cả của thánh nhân ở một mức độ sâu xa hơn từ ngữ vẫn áp dụng cho Người là “Cha nuôi Chúa Giêsu”. Từ ngữ này gợi lên một liên hệ bóng gió nào đó với Chúa Kitô. Đúng hơn có lẽ phải nói rằng thánh Giuse là Cha của Chúa Giêsu như các sách Tin Mừng đã là ngần ngại nói như vậy, Chúa Giêsu thực là hoa quả của cuộc hôn nhân mà thánh Giuse giữ vai trò thiết yếu. Nếu tình phụ tử của Ngài là trinh khiết thì không phải vì thế mà mối tình ấy thấp hèn hơn tình phụ tử về thể xác. Liên hệ của người cha trinh khiết với Chúa Giêsu cũng tương tự như mối liên hệ của Người Mẹ Trinh khiết đối với Người. Cả Đức Mẹ và thánh Giuse đều góp phần hoàn hảo của mình vào mầu nhiệm nhập thể. Phần đóng góp này còn mở rộng tới thân thể mầu nhiệm của Ngôi Lời hoá thành nhục thể là Giáo hội. Thánh Giuse vẫn tiếp tục vai trò của mình trong việc nuôi dưỡng bảo vệ và hướng dẫn Giáo hội.
Bởi đó năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên xưng thánh Giuse là Đấng bảo trợ của cả Hội Thánh khắp hoàn cầu. Và đặt lễ kính vào ngày 19 tháng 3 mỗi năm.
Từ vai trò đặc biệt của thánh Giuse đối với toàn thể Hội Thánh, thánh nhân chắc chắn cũng liên hệ đến từng người trong thân thể mầu nhiệm này. Thánh nhân đã thi hành sứ mạng của mình trong cuộc sống lao động như người thợ. Do đó, Ngài có một mối liên hệ đặc biệt với lớp người đông đảo sống bằng sức lao động chân tay của mình. Năm 1955, Đức Piô XII đã lập nên lễ thánh Giuse và đặt ngày kính nhớ vào mồng 1 tháng 5, ngày mà nhiều nước chọn cử hành lễ lao động. Niên biểu không hoàn toàn phổ quát nên lễ thánh Giuse Thợ cũng được để tự do.
Tuy nhiên, chính Đức Giáo Hoàng đã nói tới ý nghĩa của lễ này : – “Chắc hẳn chúng ta phải hân hoan vì Người thợ vô danh ở Nazareth chẳng những là hiện thân cho giá trị lao động tay chân trước mặt Chúa và Giáo hội mà còn là vị Giám hộ mẫn tiệp của mọi người và của các gia đình các bạn lao động nữa”.
Để nói về quyền năng của Đấng bảo trợ, Ngài tiếp : – “Không có Vị Giám hộ nào có đủ khả năng Linh nghiệm truyền thông Phúc âm cho đời sống thợ thuyền hơn bằng thánh Giuse thợ”
Mừng lễ thánh Giuse thợ, chúng ta hãy nhớ lời vị Cha chung, Đức Piô XII nhắn nhủ, trong bài diễn văn đọc vào ngày lễ thánh Giuse thợ đầu tiên này : – “Nếu các con muốn được gần Chúa Kitô, Cha nhắc nhớ các con hôm nay : Ite ad Joseph – Hãy đến với Giuse” (St 41,55)
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
01 Tháng Năm
Giuse Trong Xóm Nhỏ Ðiêu Tàn
“Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn…”
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse… Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 – 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.
Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang… dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp…
Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách…
Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực…
Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao…
Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 3 – Năm C – Phục Sinh
Bài đọc: Acts 5:27b-32, 40b-41; Rev 5:11-14; Jn 21:1-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin nơi Thiên Chúa và những lời dạy dỗ của Đức Kitô.
Con người luôn bị đặt trong tình thế phải lựa chọn: nên tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa hay nên tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của chính mình hay của quyền lực thế gian. Phần đông con người xưa và nay đều chọn tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của chính mình và của quyền lực thế gian.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những lý do tại sao con người nên tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Phêrô đặt câu hỏi cho những người trong Thượng Hội Đồng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời người phàm?” Trong bài đọc II, tác giả Sách Khải Huyền muốn nêu bật kết quả tuyệt vời của Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và Đức Kitô là người chiến thắng vinh quang mọi quyền lực của thế gian. Ngài xứng đáng lãnh nhận mọi danh dự, vinh quang, và muôn lời chúc tụng. Trong Phúc Âm, khi các môn đệ tuân theo những lời chỉ dẫn của Đức Kitô, họ đã bắt được một mẻ cá lớn, cá nhiều như thế mà lưới không rách, họ cũng được hưởng sự chăm sóc và yêu thương của Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các Tông Đồ hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Kitô.
1.1/ Phản ứng ngoan cố của những người trong Thượng Hội Đồng: Họ đã giết Đức Kitô cách vô cớ và họ đã bỏ tù các tông đồ lần thứ nhất cách vô tội. Đây là lần thứ hai họ xét xử các tông đồ sau khi các ngài được thiên thần hướng dẫn ra khỏi tù. Họ điệu các tông đồ đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Jerusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”
Lẽ ra các người trong Thượng Hội Đồng phải nhận ra tội lỗi sau hai lần kết án người vô tội; đàng này họ lại muốn các tông đồ không được nhân danh Đức Kitô để giảng dạy và không được đổ cho họ tội giết oan Đức Kitô. Họ phải biết sức họ chỉ có thể tiếp nhận ánh sáng, chứ không thể tiêu diệt ánh sáng. Tuy vậy, vì sợ dân, họ không dám đổ máu các tông đồ; nhưng “cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra.”
1.2/ Phản ứng của các tông đồ: Chúng ta có thể nhận ra sự can trường của Phêrô và các tông đồ. Các tông đồ mới từ trong tù được các thiên thần dẫn ra; các ông không sợ tù đày và quyền lực của Thượng Hội Đồng, nhưng lại tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô. Các tông đồ nói lên một chân lý mà những người Do-thái kính sợ Thiên Chúa phải đồng ý với các ngài: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.” Và họ tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô: “Chúa Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”
Khi bị đánh đập bởi Thượng Hội Đồng, các tông đồ không lấy làm đau đớn hay sợ hãi; nhưng các ngài hãnh diện vì được chịu khổ hình và thông phần vào cuộc khổ nạn với Đức Kitô.
2/ Bài đọc II: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!”
2.1/Bài ca trên trời ca tụng Con Chiên: Bảy điều các thiên thần ca tụng Con Chiên xứng đáng được lãnh nhận:
(1) Uy quyền: Thánh Phaolô gọi Đức Kitô là “uy quyền của Thiên Chúa” (1 Cor 1:24).
(2) Sung mãn: Nguồn ơn thánh cho nhân loại được tuôn tràn từ nơi Ngài; nhờ Ngài, chúng ta lãnh nhận hết ơn thánh này đến ơn thánh khác (Jn 1:16). Tác giả Thư Ephesô nói về “sự sung mãn không thể tìm kiếm đâu khác ngoài Đức Kitô” (Eph 3:8).
(3) Khôn ngoan: Đức Kitô là Ngôi Lời khôn ngoan của Thiên Chúa (Jn 1:1-2; 1 Cor 1:24).
(4) Sức mạnh: Đức Kitô có sức mạnh tước đoạt vũ khí của kẻ thù và thắng quyền lực của Satan (Lk 11:22).
(5) Danh dự: Khi nghe danh thánh của Đức Kitô, mọi gối trên trời, dưới đất, và trong nơi âm phủ phải bái quì và mở miệng tuyên xưng Đức Kitô là Chúa (Phil 2:11).
(6) Vinh quang: Thánh Gioan viết: “chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Jn 1:14b).
(7) Chúc tụng: Đức Kitô xứng đáng mọi lời chúc tụng của con người, vì Ngài đã lấy máu đào để đưa về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân (Rev 5:9).
2.2/ Bốn điều các tạo vật ca ngợi Thiên Chúa và Con Chiên: Một điều căn bản, những gì thuộc về Cha thì cũng thuộc về Con.
(1) Chúc tụng: Thiên Chúa xứng đáng được chúc tụng vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và là Đấng phác họa Kế hoạch cứu độ con người.
(2) Danh dự: Đức Kitô đến mặc khải danh của Thiên Chúa cho con người, và Ngài đã làm mọi sự để tôn vinh danh ấy (Jn 17:6).
(3) Vinh quang: Vinh quang của Thiên Chúa cũng là vinh quang của Đức Kitô trong thần tính của Ngài.
(4) Quyền năng: Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài mà cai trị muôn vật; nhất là cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết và vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.
3/ Phúc Âm: Làm theo ý Thiên Chúa sẽ mang lại kết quả quá lòng mong đợi.
Nhiều người thắc mắc tại sao Phêrô và các tông đồ lại trở về nghề nghiệp đánh cá của các ông sau biến cố Phục Sinh, phải chăng các ông mất niềm tin vào Đức Kitô và không còn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho Ngài? Chúng ta biết phép lạ về mẻ cá lạ lùng cũng được tường thuật bởi thánh sử Luke (Lk 5:1-11) trong giai đọan đầu của sứ vụ công khai rao giảng của Đức Kitô, khi Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên theo Ngài. Matthew và Mark tuy không tường thuật về mẻ cá lạ lùng; nhưng giống như tường thuật của Luke, Chúa Giêsu mời gọi Phêrô trở thành kẻ “lưới cá người” (Mt 4:19; Mk 1:17).
Như chúng ta đã quen thuộc, Gioan không bao giờ dừng lại ở việc tường thuật các phép lạ; nhưng luôn muốn đưa người đọc lên một trình độ hiểu biết cao hơn. Chúng ta cần tìm hiểu đâu là trình độ hiểu biết mà Gioan muốn dẫn khán giả tới qua trình thuật hôm nay. Chương 21 được đa số các học giả cho là được thêm vào sau này bởi chính Gioan hay các môn đệ của Ngài.
3.1/ Làm theo ý riêng của con người sẽ chỉ chuốc lấy sự thảm bại: Trình thuật kể: “Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tiberias. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Thomas gọi là Didymus, ông Nathanael người Cana miền Galilee, các người con ông Zebedee và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.” Điều có lẽ Gioan muốn nhấn mạnh ở đây là câu “đêm ấy họ không bắt được gì cả.”
3.2/ Làm theo thánh ý của Thiên Chúa và lời chỉ dẫn của Đức Kitô luôn mang tới thánh công: Trình thuật kể tiếp: “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.”
Kết quả mang lại do việc vâng lời làm theo ý Thiên Chúa làm cho Phêrô và các tông đồ nhận ra họ phải luôn luôn tìm kiếm và làm theo ý Thiên Chúa. Đây chính là mục đích mà Đức Kitô nhắc đi nhắc lại cho các môn đệ của Ngài khi còn sống với các ông: “Ta đến không để làm theo ý Ta; nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Jn 4:34, 5:30, 6:38).
“Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!” ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.” Phêrô một lần nữa nhận ra yếu đuối và khuyết điểm của mình. Trong hành trình hướng dẫn con thuyền Giáo Hội những ngày đầu tiên, Phêrô có lẽ nhiều lúc quá tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của bản thân, mà bỏ quên tìm nguồn sức mạnh và sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa. Phép lạ “mẻ cá lạ lùng” nhắc nhở cho Phêrô và những người lãnh đạo trong Giáo Hội phải luôn tìm kiếm và làm theo thánh ý của Thiên Chúa.
3.3/ Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đồng hành với các môn đệ. Trình thuật kể: “Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!””
+ Chúa Giêsu không sống cách biệt với các môn đệ sau khi Ngài phục sinh và lên trời; nhưng Ngài vẫn luôn quan tâm và chăm sóc các môn đệ của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Ngài quan tâm đến nhu cầu ăn uống của các ông, Ngài tự tay khơi lửa và nướng bánh và cá để các tông đồ có của ăn uống ngay sau khi đã làm việc vất vả suốt đêm.
+ Chúa Giêsu luôn có cách để bảo vệ Giáo Hội và môn đệ của Ngài: Điều kỳ lạ không phải chỉ ở chỗ nhiều cá mà còn ở chỗ mặc dù “lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.” Đây phải là hình ảnh của Giáo Hội trần thế: Chúa Giêsu vẫn đang bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi ghen tị và phá phách của kẻ thù. Hơn 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn đứng vững trước mọi tấn công của kẻ thù từ bên ngòai và từ bên trong; và sẽ còn đứng vững đến muôn đời như Đức Kitô đã hứa với Phêrô (Mt 16:18).
+ Nguồn sức mạnh của bí tích Thánh Thể: Sau đó, Đức Giêsu nói với các tông đồ: “”Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?” vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.” Đây là công thức của bí tích Thánh Thể mà các tông đồ đã trở nên quen thuộc. Qua bí tích này, Đức Kitô và chúng ta trở nên một để Ngài ở lại với chúng ta và giúp chúng ta sẵn sàng đương đầu với mọi gian khổ và sóng gió của cuộc đời. Chúng ta đừng bao giờ quên tìm sức mạnh nơi bí tích này.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Noi gương Đức Kitô, chúng ta phải luôn cố gắng làm cho danh Cha được cả sáng, nước Cha được trị đến, và ý cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
– Đức Kitô không bao giờ sống cách biệt chúng ta; Ngài vẫn đang đồng hành với Giáo Hội và với mỗi người để yêu thương, chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************